Vượt qua chặng đường dài hơn 100 km từ Hà Nội lên Thái Nguyên, chúng tôi đến Công ty CP Xi măng Quán Triều thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin, nơi người ta thường quen gọi với cái tên “chàng tân binh của Vinacomin”. Trong chuyến đi lần này đích thân Chánh văn phòng Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin, Nguyễn Quang Tình làm “hướng dẫn viên”. Qua thị trấn Sóc Sơn, đường trở lên khó đi hơn, chiếc Mitsubishi Pajero nhiều lúc phải oằn mình vượt qua những trở ngại, rồi lại phăng phăng đưa chúng tôi thẳng tiến đến nhà máy xi măng Quán Triều. Ngay từ đầu quãng đường vào nhà máy, không khí đã trở lên nhộn nhịp, đậm chất công trường bởi hàng chục “chú bò mộng” Volvo 45 tấn nối đuôi nhau chở đá, chở than của Công ty than Khánh Hoà. Tiếng ồn của động cơ, tiếng nói náo nhiệt của công nhân đã phá tan không khí trầm lắng của nơi thâm sơn cùng cốc này. Anh Nguyễn Quang Tình cho biết: “Nhà máy xi măng Quán Triều được đặt gần vỉa 16 của mỏ than Khánh Hoà (Thái Nguyên) nên đã giảm được tối đa chi phí phục vụ cho việc vận chuyển đá nguyên liệu phục vụ cho sản xuất xi măng và tận thu tối đa, giảm diện tích đổ thải, ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác than tại đây”. Nằm trên địa bàn xã An Khánh, Đại Từ, Thái Nguyên với tổng diện tích 20,4 ha, Nhà máy xi Măng Quán Triều hiện lên thấp thoáng sau những ngọn núi. Nhấp xong chén nước chè, ông Trần Đăng Quy, Giám đốc Công ty Xi măng Quán Triều phấn khởi thông báo: “Từ đầu năm 2012 đến nay, sản phẩm xi măng của Công ty làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó”. 




                                                      Một góc nhà máy Xi măng Quán Triều



                                      Giám đốc Trần Đăng Quy chỉ đạo tại phòng điều độ

Mặc dù, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường xi măng cung luôn vượt quá cầu nhưng với chiến lược kinh doanh hiệu quả, sự đồng lòng, cố gắng của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân của công ty luôn giúp xi măng Quán Triều ổn định sản xuất và đạt được những kết quả cao. Tuy là một tân binh trong làng xi măng Việt Nam nhưng kể từ khi đi vào hoạt động (13/9/2011) đến nay, xi măng Quán Triều đã từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm và dần chiếm lĩnh được các thị trường khác nhau. Với màu sắc xi măng đẹp, chất lượng đảm bảo, tính đến nay, xi măng Quán Triều đã có mặt tại: Hà Nội, Thái Nguyên; Vĩnh Phúc… các trạm trộn Mê Công; TNT; Nguyên Hồng. Quan điểm về thị trường của Xi măng Quán Triều, không phát triển dàn trải thị trường mà khoanh vùng, tập trung vào các thị trường trọng điểm. Với công suất 2000 tấn clinker/ngày tương đương với 820 nghìn tấn xi măng/năm, trung bình mỗi ngày, nhà máy tiêu thụ hơn 3000 tấn đá cho Công ty than Khánh Hoà. Với rất nhiều lợi thế như thời gian xây dựng, lắp đặt thiết bị trong khoảng thời gian rất ngắn, nguyên liệu than dùng để vận hành sử dụng tại chỗ của Công ty Than Khánh Hoà… đã tạo cho xi măng Quán Triều những điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất mà ít nhà máy nào có được.

Qua câu chuyện với Giám đốc Quy, tôi đựoc biết, trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc Công ty Xi măng Quán Triều anh từng làm 12 năm ở vị trí Trưởng phòng Cơ điện, Phó giám đốc Nhà máy xi măng La Hiên. Có lẽ với kinh nghiệm tích luỹ trong thời gian dài gắn bó với xi măng đã giúp người giám đốc ở 50 tuổi này điều hành và đưa một nhà máy xi măng mới thành lập có những bứt phá về sản lượng và doanh thu cũng như thương hiệu xi măng Vinacomin trên thị trường xi măng Việt Nam.

Để đảm bảo môi trường, nhà máy luôn duy trì hoạt động của tổ vệ sinh công nghiệp, tiến hành trồng hơn 30 nghìn cây xanh xung quanh nhà máy. Mầm xanh của những cây keo, bằng lăng đang báo hiệu của sự hồi sinh và phát triển của mảnh đất toàn đá khô cằn này.

Kể từ khi thành lập và đi vào vận hành cho đến nay, Xi măng Quán Triều luôn giải quyết tốt công ăn việc làm cho các lao động địa phương và lao động ở các vùng lân cận với mức thu nhập bình quân 5,3 triệu đồng/tháng. Tổng số 394 công nhân làm việc tại nhà máy luôn được chú trọng đảm bảo đầy đủ về quyền lợi. Mỗi công nhân làm việc tại nhà máy được hỗ trợ tiền ăn ca 17 nghìn/suất, hỗ trợ phòng trọ khi ở xa, bởi theo Giám đốc Quy: “Mình có chăm lo tốt cho đời sống người công nhân thì họ mới tận tâm gắn bó với nhà máy”.

Chia tay Xi măng Quán Triều chúng tôi mới hiểu sâu hơn câu nói của Chánh văn phòng Nguyễn Quang Tình: “Xi măng Quán Triều là tầm nhìn chiến lược của Tổng công ty Mỏ Việt Bắc trong việc góp phần xây dựng chiến lược kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than của đơn vị trong thời gian qua”.

Tạm biệt Xi măng Quán Triều, tạm biệt một sức sống mới, sự hồi sinh nơi đồi chè, đất thép Thái Nguyên, một sự bứt phá để tới thành công mang đậm dấu ấn Xi măng Quán Triều.