Để làm chủ tài nguyên, Tổng Cục Dầu khí Việt Nam, nay là Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, từ ngày mới thành lập đã tìm nhiều cách để xây dựng cho mình một trung tâm xử lý số liệu địa vật lý, nhưng vì nhiều lý do, nhất là lệnh cấm vận và các chủ trương nắm giữ độc quyền của các công ty chuyên dụng quốc tế, nên rất khó tiếp cận với công nghệ cao.

Từ năm 1995, sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Viện Dầu khí Việt Nam đã tiếp xúc với nhiều đối tác nước ngoài và sau nhiều lần đàm phán với Công ty Fairfield, công ty mẹ của công ty xử lý số liệu địa vật lý Mỹ Golden Geophysical, một thoả thuận thành lập liên doanh đã được ký kết. Tháng 10/1996, Liên doanh trung tâm xử lý PetroVietnam-Golden (PGPC) đã ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thành công này là kết quả của sự năng nổ và thiện chí của cả 2 bên, nhưng cần phải ghi nhận công lao của Ban lãnh đạo Tập đoàn Golden, nhất là các ông Pharis Markie và Michel Farrelly. Phía Việt Nam góp vốn bằng cơ sở làm việc, còn phía Mỹ cung cấp toàn bộ thiết bị, phần cứng, phần mềm cũng như tạm ứng chi phí toàn bộ cho đến khi Liên doanh có nguồn thu đủ trang trải cho quản lý, điều hành và triển khai công tác một cách độc lập. Từ năm 2000, Liên doanh này đổi tên thành Golden Pacific Group - GPC. Hiện nay, tổ hợp này là trung tâm xử lý số liệu địa chấn hoàn chỉnh duy nhất ở Việt Nam, được trang bị tương đối đầy đủ các thiết bị và phần mềm xử lý hiện đại, ngang tầm với các trung tâm khác của thế giới. Trung tâm có một hệ thống máy tính tốc độ cao, công suất 1,1 Tflops, hệ thống lưu trữ số liệu đĩa cứng 12,5 T bytes, bộ nhớ 4224 M bytes cùng các phần mềm chuyên dụng cần thiết, trong đó có những phần mềm thuộc thế hệ cuối cùng như WKG, GEODEPTH, NORSAR. Tại đây có thể thực hiện các phương pháp xử lý 2 chiều (2D), 3 chiều (3D), chuyển dịch trước khi cộng sóng theo thời gian PSTM, theo chiều sâu PSDM, các nghiên cứu mô hình, phân tích biên độ sóng AVO, xử lý địa chấn giếng khoan VSP, xử lý phân giải cao và nhiều phân tích đặc biệt khác.

Ngay từ đầu chuẩn bị thành lập liên doanh, Golden đã nhận đào tạo tại các trung tâm xử lý ở Texas 18 cán bộ địa vật lý được lựa chọn của PetroVietnam và họ đã trở thành lực lượng chính trong điều hành, xử lý tại tổ hợp hiện nay.

Trong 2 năm đầu, Giám đốc Liên doanh và các chuyên viên kỹ thuật cao cấp chính là người nước ngoài nhưng sau đó, các chức danh này đều chuyển về cho Việt Nam, ngoại trừ một chuyên gia kỹ thuật cao cấp chính là người Mỹ. Điều này xác minh nhận định rất đúng đắn của lãnh đạo Fairfield trong những ngày đầu tiên tiếp xúc với lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam rằng: “Khả năng trí tuệ đặc biệt về toán học - tin học của người Việt Nam là một yếu tố góp vốn quan trọng hàng đầu của PetroVietnam để bảo đảm cho hoạt động liên doanh thắng lợi”. Đối với các hợp đồng có khối lượng xử lý lớn trong một thời gian hạn hẹp, công ty mẹ ở Houston, Texas cũng hợp tác chặt chẽ với trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm chất lượng và thời hạn yêu cầu của khách hàng. Nhờ những biện pháp điều hành linh hoạt, hữu hiệu, kịp thời này mà uy tín của liên doanh luôn được nâng cao, cạnh tranh tốt với các công ty cùng loại trên thế giới.

Đến nay, tổ hợp này đã chiếm lĩnh được thị trường phân tích xử lý số liệu địa vật lý ở Việt Nam và cũng đã xâm nhập thắng lợi vào thị trường ASEAN với các khách hàng nổi tiếng khó tính như BP (Anh), Unocal, Conoco (Mỹ), Fina (Bỉ),  JVPC, Mitsui (Nhật Bản), Petronas (Malaysia), Total (Pháp), Canadian Petroleum, ATI (Thái Lan), Pedco (Nam Triều Tiên). Uy tín nổi bật nhất của tổ hợp và gần như không có đối thủ cạnh tranh là đã xử lý thành công số liệu địa chấn nghiên cứu móng nứt nẻ ở các mỏ thuộc bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn. Đây là những đối tượng hết sức phức tạp, nhưng lại hết sức độc đáo trong địa chất dầu khí thế giới, vì chỉ riêng ở Việt Nam mới có trường hợp đến 80% sản lượng dầu khai thác nằm trong móng nứt nẻ. Thành công này có được chính là do sự kết hợp rất tốt giữa sự hiểu biết về các đặc trưng của móng nứt nẻ (mà ở nơi khác trên thế giới, các nhà khoa học không có điều kiện để nghiên cứu vì ít có loại mỏ này) và thiết bị, công nghệ cùng kỹ năng của các cán bộ, nhân viên của liên doanh.

Trong các năm 1997, 1998, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu á cũng như những khó khăn tất yếu của những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của Liên doanh không đạt hiệu quả kinh tế, nhưng lãnh đạo 2 phía đều quyết tâm củng cố, phát triển tổ hợp và từ năm 1999 đến nay, Liên doanh đã hoạt động có hiệu quả và có lãi, năm sau cao hơn năm trước.

Đối với Việt Nam, lợi ích lớn nhất ở đây không phải là lợi nhuận tính trên đồng vốn đầu tư, (tuy điều này cũng rất quan trọng), mà là thực hiện được chuyển giao công nghệ cao, đào tạo cán bộ Việt Nam và giải quyết được các yêu cầu đặc thù của công tác thăm dò - khai thác dầu khí ở Việt Nam. Về phía Mỹ, ngoài lợi nhuận, họ cũng tạo được cơ sở vững chắc, chiếm lĩnh thị trường xử lý số liệu địa vật lý ở Việt Nam và ASEAN đồng thời tạo điều kiện để nghiên cứu phát triển công nghệ, đáp ứng những đặc thù địa chất mà họ chưa từng gặp. Như vậy, cả 2 bên cũng có lợi.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, vai trò giúp đỡ của các chuyên gia Việt kiều tại Mỹ, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Đức để PetroVietnam cùng Fairfiled gặp gỡ, hiểu biết, tiến tới hợp tác là rất quan trọng. Liên doanh Golden Pacific Group - GPC giữa Fairfield và PetroVietnam là một ví dụ thành công trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời cũng là một trong những biểu tượng rất tốt đẹp về sự hợp tác Việt - Mỹ sau chiến tranh vì lợi ích của 2 nước, của hoà bình và hữu nghị.