TÓM TẮT:
Doanh nghiệp xã hội (DNXH) có nhiều ưu thế, tiềm năng, bắt nguồn từ bản chất không lợi nhuận và mục tiêu xã hội bền vững của mô hình này. Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp xã hội phát triển trên quan điểm Nhà nước cần hợp tác và chia sẻ trách nhiệm cung cấp phúc lợi với các doanh nghiệp xã hội để đạt hiệu quả cao hơn. Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế nước ta hiện nay và trước các vấn đề xã hội, môi trường ngày càng trở nên phức tạp, việc kế thừa kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trong phát triển doanh nghiệp xã hội là cần thiết cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Bài viết phân tích hoạt động của các DNXH tại một số nước phát triển và đưa ra một số giải pháp để Việt Nam phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội trong thời gian tới.
Từ khóa: Doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, hoạt động, kinh doanh, xã hội.
1. Đặt vấn đề
Trong giai đoạn trước Đổi mới (1986), Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế có thể được coi là các DNXH - ví dụ như các hợp tác xã (HTX) tạo việc làm cho người khuyết tật,... Sau năm 1986, một số DNXH thực thụ đã bắt đầu xuất hiện như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại thành phố Hồ Chí Minh (CIEM, 2012, tr 19),...
Trong những năm gần đây, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, dòng vốn tài trợ có xu hướng giảm. Do đó, không ít Tổ chức phi chính phủ (NGO) đã chuyển đổi thành DNXH để tìm hướng đi mới cho mình. Thêm vào đó, quá trình phát triển kinh tế quá nhanh đã đặt ra rất nhiều vấn đề XH - môi trường và vì thế, gián tiếp đạo điều kiện cho mô hình DNXH phát triển. Bên cạnh đó là nhiều vấn đề bắt nguồn từ sự phát triển của kinh tế, XH, ví dụ: bạo lực xã hội (XH), stress của dân đô thị, sự quá tải của giáo dục và y tế, an toàn thực phẩm, xử lý rác thải, ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn văn hóa,... DNXH có nhiều tiềm năng để trở thành đối tác của Chính phủ để giải quyết các vấn đề này. Vì vậy, việc tạo lập khuôn khổ pháp lý và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DNXH mang tính cần thiết.
2. DNXH và hoạt động của DNXH tại một số nước phát triển
2.1. Vai trò của DNXH
“DNXH là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu XH, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu” (CIEM, 2012, tr 4). Không ít lý thuyết đã chỉ ra được ý nghĩa sâu xa và vai trò rộng lớn của các DNXH đối với XH trong tương lai. Các tác giả Roger L. Martin và Sally Osberg (2007), là thành viên hội đồng quản trị và CEO của Skoll Foundation đã đưa ra một ma trận nổi tiếng để phân tích DNXH. Theo đó, 3 loại hình hoạt động XH được sắp xếp dựa trên cách thức tác động trực tiếp hay gián tiếp và hiệu quả cuối cùng là giải quyết được vấn đề XH một cách bền vững:
- DNXH cung cấp phúc lợi XH, từ thiện: Được thực hiện trực tiếp bởi các tổ chức NGO và các nhà hảo tâm, họ góp phần giải quyết các vấn nạn XH một cách trực tiếp.
- Các phong trào XH được thực hiện bởi các nhà hoạt động XH: Có thể lấy ví dụ như cuộc đấu tranh của Mục sư Luther King cho quyền bình đẳng của người da đen hay cuộc vận động Trách nhiệm XH của DN (CSR),... Các phong trào này có tác động rộng khắp, giải quyết vấn đề XH một cách bền vững, đưa đến một “điểm cân bằng” mới được XH chấp nhận.
- DNXH có thể giải quyết vấn đề XH trực tiếp và bền vững: Cũng cung cấp phúc lợi XH như NGO nhưng DNXH có ưu thế rõ ràng ở khả năng phát triển quy mô và nhân rộng.
Ma trận của Roger L. Martin và Sally Osberg giúp chúng ta thấy rằng, DNXH có những ưu điểm nằm ngay trong cách tiếp cận cũng như bản chất của mô hình này. Nếu những thế mạnh đó được phát huy, DNXH sẽ mang lại những hiệu quả XH sâu rộng.
2.2. Hoạt động của DNXH tại một số nước phát triển
Trên thế giới hiện nay nhiều quốc gia có phong trào DNXH phát triển mạnh mẽ. Điểm chung các DNXH hoạt động tại các quốc gia này giúp Việt Nam có thể kế thừa và phát triển đó là: DNXH phải đặt mục tiêu XH lên hàng đầu; Lợi nhuận DNXH phải được tái phân phối trở lại cho hoạt động của tổ chức hoặc cho cộng đồng; DNXH phải có sự tham gia của cộng đồng hoặc các bên hưởng lợi; DNXH phải phục vụ nhu cầu của Nhóm đáy XH.
2.2.1. Vương quốc Anh
DNXH ở Anh hoạt động dưới rất nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý đa dạng, bao gồm: các công ty vì lợi ích cộng đồng, công ty TNHH, công ty cổ phần, quỹ tín dụng, chi nhánh kinh doanh của các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, DN do người làm thuê tự chủ, HTX, quỹ phát triển, liên hiệp nhà ở, công ty XH và các quỹ ủy thác,... Hiện nay, DNXH ở Anh được đặt trong một hệ sinh thái lớn hơn với nhiều bên tham gia để tạo tác động và hiệu quả bền vững. Chính phủ Anh hiện đang thực hiện chính sách phát triển DNXH theo 4 định hướng chính gồm: Hỗ trợ các Doanh nhân xã hội (DNhXH) phát triển hoạt động của họ trên qui mô lớn hơn thông qua hỗ trợ phát triển tổ chức và khi có điều kiện thì hỗ trợ họ liên kết, hợp tác, xây dựng mạng lưới và nhân rộng qua mô hình nhượng quyền (licensing); Khuyến khích văn hóa chia sẻ (giving culture) và trách nhiệm đối với XH, đặc biệt thông qua việc hỗ trợ các DNXH và đóng góp cho các hoạt động tình nguyện nhằm hỗ trợ dịch vụ công; Chuyển giao dịch vụ công với mục đích thúc đẩy các sáng kiến XH và nâng cao hiệu quả; Khuyến khích và yêu cầu (khi cần thiết) việc thực hiện CSR (Charles Leadbeater, 2007). Với cách tiếp cận này, chính sách hỗ trợ các DNXH của chính phủ Anh bao gồm: Nuôi dưỡng văn hóa DNXH thông qua các chương trình đào tạo DNXH, thúc đẩy truyền thông, nghiên cứu và đánh giá tác động XH (SROI); Tăng cường tư vấn và thông tin cho việc thành lập và phát triển DNXH; Cải thiện tiếp cận nguồn vốn tài chính và đa dạng hóa các hình thức đầu tư; Cung cấp vốn và tăng khả năng thanh toán cho các tổ chức trung gian hiện đang đầu tư và các DNXH,…
Số lượng DNXH ở Anh đã lên tới trên 90.000, với tổng doanh thu đạt 70 tỷ bảng (Gladius Kulothungan, 2014). Nhìn chung ở Anh, nhà nước đóng vai trò vừa là người thúc đẩy, nuôi dưỡng hỗ trợ, vừa là khách hàng lớn của DNXH. Đây là một điểm khác biệt khá quan trọng giữa sự phát triển phong trào DNXH ở Anh so với các nước khác trên thế giới.
2.2.2. Hoa Kỳ
Từ những năm 1960, mô hình “Nhà nước phúc lợi” đã thịnh hành ở Mỹ với hàng tỷ USD được đầu tư cho các mục tiêu giảm nghèo, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phát triển cộng đồng, môi trường, nghệ thuật thông qua các NPO (Tổ chức phi lợi nhuận). Các tổ chức NPO bắt đầu nhận thấy DNXH là một mô hình có thể thay thế cho nguồn hỗ trợ của chính phủ. Về các loại hình hoạt động, DNXH ở Mỹ cũng hoạt động dưới nhiều hình thức đa dạng như: DN tư nhân (Sole proprietorship); Công ty cổ phần (Corporation); Công ty hợp doanh (Partnership); Công ty TNHH (Limited Liability Company),... Từ năm 2008, luật pháp của một số tiểu bang Mỹ bắt đầu cho phép thành lập và quản lý hoạt động các công ty lợi nhuận thấp Mỹ (L3C) - một hình thức DN hoàn toàn mới, kết hợp mục tiêu XH của các tổ chức NPO với các hình thức sở hữu đa dạng như công ty TNHH, cho phép phân chia lợi nhuận. Chính phủ Liên bang Mỹ thể hiện nỗ lực trong việc thúc đẩy sự phát triển của DNXH, trước hết bằng việc thành lập Văn phòng Sáng kiến XH và sự tham gia của Công dân (Office of Social Innovation and Civic Participation - SICP). SICP hoạt động dựa trên 3 mục tiêu chính, đó là: Khuyến khích sự phát triển các lãnh đạo trong cộng đồng; Tăng cường đầu tư vào những sáng kiến cộng đồng mang lại hiệu quả rõ ràng; Phát triển nhiều hình thức hợp tác mới. Số liệu từ Trung tâm Quốc gia thống kê các hoạt động từ thiện cho thấy, DNXH ở Mỹ liên tục tăng nhanh. Các hoạt động thương mại trong suốt 20 năm (1982 - 2002) không những dần trở thành nguồn thu lớn nhất của các tổ chức NPO, mà còn có những bước tăng trưởng đáng kể ở mức 219%, so với mức đóng góp từ khối tư nhân 197% và nguồn tài trợ của chính phủ 169%. Điều đáng nói là sự thay đổi trong tỷ trọng của tổng doanh thu từ nguồn kinh doanh thương mại phi lợi nhuận tăng từ 48,1% của năm 1982 lên 57,6% vào năm 2002. Trong khi đó, tăng trưởng từ nguồn đóng góp của khối tư nhân chỉ từ 19,9% lên tới 22,2% và sự hỗ trợ tài chính của chính phủ chỉ tăng nhẹ từ 17% lên 17,2% (Kerlin & Pollak, 2006). Điều này đã chứng minh, DNXH đã góp phần quan trọng nâng cao tính tự chủ về tài chính vững vàng của các tổ chức NPO ở Mỹ thời gian qua.
2.2.3. Singapore
Tại Singapore, quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh đã làm gia tăng khoảng cách giữa các tầng lớp người dân ở đảo quốc này. Để thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của DNXH, năm 2006, Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao thành lập một Phòng DNXH (Division). Kết quả của sự hợp lực này là Chiến lược phát triển kinh doanh về DNXH, theo đó sẽ tập trung vào 3 vấn đề lớn gồm: Thúc đẩy CSR; Phát triển các công cụ hỗ trợ cho DNXH; Lan tỏa mô hình và nhận thức về DNXH.
Các DNXH ở Singapore hiện đang hoạt động theo 4 mô hình cơ bản đó là: Mô hình hòa nhập - những DNXH này cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp cho các nhóm bị lề hóa, giúp họ hòa nhập cộng đồng và nâng cao khả năng tự lực của bản thân; Mô hình tái đầu tư lợi nhuận - mục tiêu của các DNXH này là tạo ra lợi nhuận để tài trợ trở lại cho các chương trình XH, hoặc đầu tư cho các hoạt động từ thiện của tổ chức mình; Mô hình các dịch vụ được trợ cấp - cung cấp các dịch vụ được bao cấp tới các đối tượng thiệt thòi trong diện trợ cấp và tính phí thương mại tỷ lệ % với các khách hàng chính; Mô hình nhu cầu XH, được thiết kế để phục vụ nhu cầu của XH hoặc giải quyết một vấn đề XH nào đó,… Đóng góp lớn nhất của DNXH ở Singapore hiện nay chủ yếu trong vấn đề tạo việc làm. Cụ thể, trong một báo cáo gần đây, 94 DNXH được khảo sát đã tạo ra 1.212 việc làm ổn định toàn thời gian và 341 việc làm bán thời gian. Trong việc tạo việc làm hòa nhập cho người khuyết tật cũng có đến 254 người làm toàn thời gian và 236 bán thời gian (State of Social Enterprise in Singapore, 2007).
3. Làm gì để phát triển DNXH ở Việt Nam
Việt Nam hiện nay đang hội đủ các điều kiện và mô hình tiêu biểu để phát triển loại hình DNXH. Trước tiên, Việt Nam vẫn định hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa, chú trọng nhiều vào việc giải quyết các vấn đề XH. Hiện, Việt Nam đã có hàng trăm DNXH chính thức đăng ký hoạt động và hàng nghìn DN khác có ý định trở thành DNXH. Bên cạnh đó, với sự tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong những năm qua làm cho nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các hoạt động XH đang ngày một giảm. Vì vậy, việc phát triển các DNXH sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề về XH và môi trường khi các DN này cam kết dành một phần lợi nhuận hằng năm cho hoạt động tái đầu tư các lĩnh vực môi trường, XH mà họ đã cam kết và đăng ký.
3.1. Những khó khăn phát triển DNXH
DNXH ở Việt Nam ngày càng khẳng định những đóng góp thiết thực cho kinh tế, góp phần thực hiện an sinh XH, tuy vậy, quá trình hoạt động và phát triển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập:
Thứ nhất, DNXH ở Việt Nam hiện nay còn là một khái niệm mới. Luật DN năm 2014 là văn bản pháp luật mới nhất có nêu các tiêu chí để xác định DNXH tại Điều 10 nhưng lại chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng DNXH là gì. Điều này dẫn đến hệ quả thường gặp là sự hoài nghi của các bên về bản chất và mục đích của DNXH. Việc thiếu một định nghĩa chính thức với các qui định cụ thể về tiêu chí xem xét và công nhận các DNXH đã ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực này,...
Thứ hai, các loại hình tổ chức pháp lý cho DNXH hiện nay về cơ bản được chia làm hai nhóm chính là: DN hoạt động theo Luật DN và Tổ chức NGO hoạt động theo một số văn bản dưới luật,… Việc lựa chọn đi theo một khung pháp lý nhất định là DN hoặc Tổ chức NGO cho một thực thể tổ chức mang đặc tính “hỗn hợp” của DNXH gây nên nhiều trở ngại trong quá trình thành lập, vận hành và phát triển của các DNXH. Ngoài ra, nhiều quy định chồng chéo gây nhiều khó khăn cho một cá nhân, nhóm người muốn thành lập một tổ chức XH ở Việt Nam,…
Thứ ba, Việt Nam hiện chưa có một khung pháp lý về quản lý tài chính cho các loại hình tổ chức XH khác nhau. Đến nay, Nhà nước chỉ có quy định quản lý tài chính riêng biệt dành cho hai loại hình là các Quỹ XH, Quỹ từ thiện (Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC) và các Cơ sở bảo trợ XH (Nghị định số 68/2008/NĐ-CP; Thông tư số 07/2009/BLĐTBXH), còn các loại hình tổ chức khác đều không có quy định điều chỉnh riêng. Trong khi đó, các tổ chức XH, NGO hiện nay vẫn được phép thực hiện các hoạt động có thu và các hoạt động này chịu thuế theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, các hướng dẫn về thuế đối với các tổ chức này không rõ ràng và cơ quan quản lý nhà nước về thuế cũng không có hướng dẫn cụ thể. Các DNXH là các tổ chức phi chính phủ (NGOs) do đó lúng túng trong việc xây dựng cơ chế quản lý tài chính nội bộ và báo cáo, đồng thời không ít tổ chức bị xử phạt hành chính do nộp thiếu thuế vì không biết, không hiểu và cũng không có hướng dẫn rõ ràng, nhất quán từ các cơ quan hữu quan,...
Thứ tư, DNXH đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn XH. Các DNXH ở Việt Nam còn khá non trẻ, được thành lập chủ yếu từ những ý tưởng mang tính cá nhân có sứ mệnh phục vụ XH nên vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng góp của các thành viên sáng lập với quy mô nhỏ. Nghiên cứu Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam năm 2015 chỉ ra, số DN hoạt động theo mô hình DNXH ở Việt Nam hiện nay là 1,1%; trong đó, số DN đang trong giai đoạn khởi nghiệp (dưới 3 năm hoạt động) có tỷ lệ là 0,7% và số DN đang trong giai đoạn phát triển ổn định là 0,5% (GEM Việt Nam, 2015, tr 15). Nhìn chung, chỉ số này còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tại Việt Nam, hơn 60% DNXH hoạt động phải tự bỏ vốn để thực hiện khởi sự kinh doanh, trong khi ở các nước phát triển chỉ số này thấp hơn ở mức 30 - 40% (GEM Việt Nam, 2015, tr 14-17). DNXH có đặc thù là không vì mục tiêu lợi nhuận, lại kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao như bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công truyền thống; giáo dục - đào tạo, y tế,… lợi suất tài chính thấp nên không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thương mại, do đó khả năng tiếp cận huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại kể cả nguồn vốn khởi sự hoặc vốn cho phát triển kinh doanh là rất hạn chế. Các DNXH rất khó huy động nguồn vốn vay ngân hàng vì họ thường không có tài sản, nhà xưởng thế chấp do phần lớn DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ; lãi suất cho vay của ngân hàng cao hơn nhiều so với khả năng sinh lời của DNXH; thời gian hoàn vốn kéo dài hơn các dự án thông thường. Trong khi đó, thị trường vốn cho DNXH Việt Nam hiện chưa phát triển, thể hiện ở việc thiếu vốn và thiếu các hình thức và kênh cấp vốn phù hợp với DNXH phát triển ở các giai đoạn khác nhau và trong các lĩnh vực khác nhau,...
Thứ năm, DNXH Việt Nam khó khăn về nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường nguồn nhân lực hiện nay, việc tìm kiếm một nhân sự quản lý tốt là vấn đề “đau đầu” của các tổ chức, DN nói chung, đặc biệt là DNXH, vì nhân sự quản lý cho DNXH đòi hỏi phải là người thấu hiểu và chia sẻ sứ mệnh và giá trị XH của DN, có năng lực quản lý tốt, và kết hợp được những kiến thức kỹ năng quản lý kinh doanh và công tác XH,…
3.2. Kiến nghị cơ chế, chính sách để phát triển DNXH
Từ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của DNXH Việt Nam thời gian qua, chúng tôi đưa ra một số gợi mở về cơ chế, chính sách để phát triển DNXH trong thời gian tới như sau.
Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách khai thác, phát huy những hiệu quả, tác động XH mà DNXH mang lại. Cần nhận thức rằng, Nhà nước giúp DNXH phát triển để DNXH giúp lại Nhà nước thực hiện các mục tiêu XH. Theo đó, Nhà nước phải quản lý một cách hiệu quả các “tài sản có” của mình, đó là nguồn nhân lực, vốn đầu tư tài chính, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên và khung khổ chính sách, pháp luật và các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Điều này chúng ta có thể học hỏi cách làm của Chính phủ Liên bang Mỹ, trước hết Liên bang Mỹ cho phép thành lập Văn phòng Sáng kiến XH và Sự tham gia của Công dân (Office of Social Innovation and Civic Participation - SICP). SICP làm việc chủ yếu với các tổ chức NPO ở cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước nhằm tổ chức, khuyến khích các sáng kiến XH và thiết lập quy trình thủ tục giúp chính phủ giải quyết các thách thức về XH.
Thứ hai, cần có cơ quan thực hiện quản lý nhà nước, thúc đẩy, hỗ trợ DNXH phát triển. Về tổ chức quản lý hành chính, có thể thành lập một bộ phận hoặc cơ quan cấp nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước, khuyến khích, hỗ trợ các DNXH phát triển. Một sự lựa chọn khác là có thể thành lập một Tổ chức độc lập trong cơ cấu của một Tổ chức chính trị - XH nhà nước để thực hiện các chương trình hỗ trợ DNXH. Chúng ta có thể học tập cách làm của Anh. Ở Anh, DNXH được đặt trong một hệ sinh thái lớn hơn với nhiều bên tham gia để tạo tác động và hiệu quả bền vững. Chính phủ Anh hiện phát triển DNXH theo 4 định hướng chính gồm: Hỗ trợ các DNXH phát triển hoạt động của họ trên qui mô lớn hơn thông qua hỗ trợ phát triển tổ chức và khi có điều kiện thì hỗ trợ họ liên kết, hợp tác, xây dựng mạng lưới và nhân rộng qua mô hình nhượng quyền (licensing); Khuyến khích văn hóa chia sẻ (giving culture) và trách nhiệm đối với XH. Với cách tiếp cận này, năm 2006, chính phủ Anh đưa ra Kế hoạch hành động về DNXH, trong đó có sự tham gia liên ngành của 12 Bộ, ngành khác nhau như: Bộ Kinh doanh, DN và Cải cách thể chế; Bộ Y tế; Bộ Trẻ em, trường học và gia đình, cũng như Văn phòng Khu vực thứ Ba để thúc đẩy và hỗ trợ DNXH.
Thứ ba, cần xem DNXH là mô hình tổ chức có thể áp dụng cho nhiều loại hình tổ chức từ NGO cho đến DN thông thường. Mặc dù, trong quá trình thể chế hóa lĩnh vực này, chúng ta có thể bổ sung một loại hình DN riêng biệt cho DNXH, nhưng các DNXH không bị ràng buộc phải đăng ký hoặc chuyển đổi sang hình thức pháp lý này. Kinh nghiệm của Anh và Singapor,… trong lĩnh vực này là rất đáng tham khảo. Trên thực tế, một số tổ chức của các quốc gia này sau nhiều năm nỗ lực tách DNXH ra khỏi khu vực NGO nhưng cuối cùng cũng phải thừa nhận DNXH có thể hoạt động trên nền tảng NGO.
Thứ tư, cần có một văn bản pháp quy định loại hình và các tiêu chí của DNXH. Trước hết, một khung pháp lý cần được xây dựng dành riêng cho DNXH và hoạt động của các DNXH. Đây vừa là những viên gạch đầu tiên trong quá trình thể chế hóa DNXH, vừa là bước thăm dò, chuẩn bị cho khả năng luật hóa lĩnh vực này khi khối DNXH đã có sự phát triển lớn mạnh và cung cấp cơ sở thực tiễn dồi dào hơn. DNXH tại Việt Nam phải được định nghĩa một cách rõ ràng, thống nhất. Các tiêu chí thể hiện đặc điểm bắt buộc và linh hoạt của DNXH cũng cần được xác định rõ ràng.
Thứ năm, DNXH có thể thuộc thành phần sở hữu nhà nước. Thực chất, nếu chúng ta có một loại hình pháp lý riêng biệt cho DNXH (tương tự như ở Anh), thì các DN nhà nước công ích, đơn vị sự nghiệp, tổ chức KH&CN (vốn đã được khuyến khích thành lập DN) có thể chuyển đổi và đăng ký dưới hình thức DNXH đó. Một trong những hướng giải quyết khả thi có thể là Nhà nước nên thường xuyên mở rộng các cơ hội để các DNXH tham gia đấu thầu, được đặt hàng, cạnh tranh bình đẳng và công khai minh bạch với các tổ chức của Nhà nước để thực hiện các chương trình phúc lợi XH, dịch vụ công ích của Nhà nước. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này, nhưng hiệu lực thực thi còn rất hạn chế.
4. Kết luận
Có thể thấy rằng, DNXH chính là một “miếng ghép” còn thiếu trong bức tranh đã có chỗ đứng của các DN nhà nước, DN tư nhân, và NGOs trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay. Mỗi khu vực nói trên có ưu thế riêng và vai trò đặc thù của mình. Tuy nhiên, DNXH có thể được xem như một giải pháp tối ưu để bổ trợ cho những điểm yếu của các khu vực còn lại như việc phát huy các sáng kiến XH, huy động nguồn lực tiềm tàng cả về trí tuệ và vật chất trong dân, tính hiệu quả, bền vững của giải pháp XH,... Đã đến lúc, Nhà nước cần có một sự công nhận chính thức dành cho mô hình DNXH và vai trò của các DNXH. Các cơ chế, chính sách cần sớm được xây dựng để tạo lập khung khổ pháp lý ổn định cho hoạt động của các DNXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến XH được dễ dàng triển khai hơn trong thực tế, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ tinh thần DNXH ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- British Council - CSIP - Spark, (2011), Báo cáo Kết quả khảo sát doanh nghiệp xã hội Việt Nam 2011.
- CIEM, (2012), Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam - Khái niệm, bối cảnh và chính sách.
- GEM Việt Nam, (2015), Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam năm 2014.
- Gladius, Kulothungan, (2014), Genesis of Social Entrepreneurship.
- Kerlin & Pollak, (2006), Nonfrofit commercial revenue: Areplacement for decling government grants and private contribution.
- Lien Foundation (2007), State of Social Enterprise in Singapore, management report , August.
SOME SOLUTIONS TO VIETNAM FOR DEVELOPING THE SOCIAL ENTERPRISE MODEL
Ph.D TRAN MINH DUC
Faculty of Social Sciences and Humanities,
Thu Dau Mot University
ABSTRACT:
Social enterprises have many advantages and potential which are derived from the non-profit nature and sustainable social goals of their business model. In the world, many countries have issued policies to encourage and promote the growth of social enterprises. These policies are based on the view that the governments need to cooperate and share the responsibility for providing welfare with social enterprises to achieve better outcomes. In the context of Vietnam’s economic integration with emerging social problems and increasingly changing environment, it is necessary for Vietnam to draw lessons from developed countries’ experiences in supporting the development of social enterprises in order to achieve the country’s goal of comprehensive and sustainable development. This article analyzes the activities of social enterprises in some developed countries and proposes some solutions for Vietnam to develop the social enterprise model in the coming time.
Keywords: Enterprise, social enterprise, work, business, society.