Cơ cấu thuế suất của Canađa rất đa dạng. Thông thường, thuế suất thấp bằng 0% được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thô. Mức thuễ lũy tiến cao hơn được áp dụng cho các sản phẩm có hàm lượng gia công, chế biến. Đây là phương thức "thuế suất leo thang" mà các nhà xuất khẩu nước ngoài thường phải tiếp cận khi giao dịch tại những thị trường các nước phát triển. Trong thực tiễn kinh doanh, mức thuế cụ thể được xem xét áp dụng phụ thuộc nhiều vào sự đối xử về thuế suất của Canađa đối với nước xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, hay nói cách khác là mức thuế chịu tác động bởi việc xác định về nước xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu. Sự phân biệt này còn tác động tới việc xem xét xuất xứ nguyên liệu và các thành phần cấu tạo làm nên hàng hóa đó.

            Theo Luật Thuế hải quan của Canađa, tất cả mọi hàng hóa nhập khẩu đều phải được trình báo với Hải quan liên bang. Việc trình báo này được thực hiện bởi cơ quan môi giới hải quan có đại diện tại địa điểm làm thủ tục nhập khẩu. Trong hầu hết các trường hợp, hàng hóa được thông quan ngay sau khi các bộ chứng từ có liên quan được xuất trình. Trong khoảng thời gian vài ngày, nhà nhập khẩu hoặc cơ quan môi giới phải xuất trình các chứng từ khai báo hải quan cuối cùng, trả tiền thuế và phí còn nợ. Các nhà xuất khẩu có thể tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa bằng cách cung cấp cho khách hàng Canađa bất kỳ thông tin hoặc chứng từ nào mà hải quan yêu cầu. Đối với hầu hết các hàng hóa nhập khẩu, mức thuế suất được thể hiện trên cơ sở "theo giá hàng" (tính theo tỷ lệ % của giá trị hàng hóa), nhưng cũng có một số mặt hàng, thuế được tính theo đơn vị trọng lượng hoặc theo số lượng.

Những năm gần đây, thị trường Canađa nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng nhiều, các doanh nghiệp Việt Nam cũng xem Canađa là một thị trường nhiều triển vọng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, mỗi chủng loại hàng hóa lại phải đáp ứng các quy định khác nhau mà nhà xuất khẩu cần nắm được. Đối với nhóm hàng rau quả tươi, quy định của thị trường khá khắt khe buộc nhà xuất khẩu phải tuân thủ nghiêm ngặt, nhất là những quy định về dán nhãn và đóng gói. Các loại rau quả tươi nhập khẩu đều phải được dán nhãn và bao gói đúng quy định mới có thể bán được trên thị trường. Sản phẩm phải được đóng kín theo cách thức phù hợp với kích thước bao bì thuộc chủng loại hàng hóa mà thị trường quy định. Ví dụ, các loại bắp cải, súp lơ, cà rốt, cần tây, rau diếp cuộn, hành, khoai tây... phải đóng gói có trọng lượng dưới 50 kg; các loại táo, mơ, đào, lê phải đóng gói có trọng lượng tịnh dưới 200 kg. Vỏ bao bì không được dính bẩn, rách, vỡ hoặc biến dạng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bên trong. Việc dán nhãn cho hàng rau quả và nông sản nói chung phải theo quy định chung, theo đó tất cả các thông tin trên nhãn mác phải chính xác, không gây hiểu nhầm, không ghi sai thành phần và độ an toàn của sản phẩm. Có 3 loại bao bì cho các loại rau quả tươi nhập khẩu đó là: bao gói đóng sẵn để bán cho người tiêu dùng, bao gói ngoài và bao gói để vận chuyển. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam vào Canađa sau một thời gian dài bị suy giảm, đã bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2008 và có sự tăng trưởng nhưng còn chậm. Một trong những nguyên nhân của sự suy giảm xuất khẩu thời gian qua là do biến động chung của tình hình thị trường thế giới, cộng thêm giá cước vận tải cao.

Canađa là nước xuất khẩu nhiều thủy sản, nhưng cũng nhập khẩu thủy sản rất lớn. Ngày càng có nhiều loại thủy sản được nhập khẩu vào Canađa, phổ biến nhất là cá bin, cá mú, cá kiếm, cá chỉ vàng... Người dân Canađa ưa thích dùng nhiều loại thủy sản trong các bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, nhu cầu cũng rất lớn đối với các dạng sản phẩm được sử dụng các chiết xuất từ thủy sản để phục vụ cho điều trị các căn bệnh như loãng xương, huyết áp cao, các bệnh về não... Do nguồn cung nhiều nên áp lực cạnh tranh đối với thủy sản xuất khẩu vào thị trường Canađa rất lớn. Vì thế, nhà xuất khẩu phải có chiến lược tiếp thị tốt. Điều có ý nghĩa quan trọng trước hết mà nhà xuất khẩu phải nắm được, đó là tìm hiểu những quy định của thị trường. Ở Canađa, mọi sản phẩm thủy sản khi nhập khẩu đều phải được Cục Giám định thực phẩm (CFIA) tiến hành kiểm tra dư lượng chất độc hại theo hệ thống tiêu chuẩn HACCP. CFIA còn thường xuyên tiến hành rà soát qui trình sản xuất và kinh doanh của nhà cung cấp nước ngoài đối với cơ sở vật chất, dây chuyền chế biến, hệ thống vận chuyển và phân phối nhằm bảo đảm cho sản phẩm an toàn đối với người sử dụng và đối với môi trường. Các nhà cung cấp nước ngoài có quá trình tuân thủ tốt những quy định của CFIA được xếp vaà danh sách List A. Những nhà xuất khẩu này sẽ ít bị kiểm tra hơn so với các nhà xuất khẩu thông thường khác, nên sản phẩm của họ được đưa vào thị trường nhanh hơn. Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Canađa, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này. Việt Nam và Canađa đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với Giấy kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu, nên từ năm 2008 đến nay tình trạng các lô hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về đã giảm hắn, hơn nữa các nhà nhập khẩu Canađa còn an tâm hơn khi mua hàng của Việt Nam.

Hàng năm, Canađa nhập khẩu khoảng 1,3 tỷ USD hàng giày dép các loại. Hiện Việt Nam ở vị trí thứ 2 trong số các nước xuất khẩu nhiều giày dép vào Canađa (chỉ sau Trung Quốc), chiếm 8% thị phần, tốc độ gia tăng xuất khẩu đạt tới 30%/năm. Một số mã hàng giày dép của Trung Quốc xuất khẩu vào Canađa bị áp thuế chống bán phá giá suốt hơn một thập kỷ qua, nhưng từ đầu 2007 được bãi bỏ nên, cạnh tranh của giày dép Việt Nam tại thị trường Canađa càng trở nên gay gắt. Trong thời gian tới, để giữ vững thị phần, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam phải coi trọng nâng cao uy tín của sản phẩm xuất khẩu, trong đó ngoài vấn đề nâng cao chất lượng và giá cả cạnh tranh, điểm đặc biệt quan tâm là thời hạn giao hàng. Do sự khác biệt về thời tiết trong năm và do nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường giày dép Canađa có thể được chia thành 5 mùa chính, đó là: mùa Xuân (tháng 2 - 4) tiêu thụ nhiều loại dress shoes; mùa hè (tháng 5 - 7) tiêu thụ nhiều loại sandals; mùa Thu (tháng 8 - 9) tiêu thụ nhiều giày dép học sinh; mùa cuối Thu (tháng 10 - 12) tiêu thụ nhiều giày ủng và giày không thấm nước; dịp Giáng sinh và năm mới tiêu thụ nhiều giày da. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần thực hiện nghiêm thời hạn giao hàng mà khách yêu cầu, nếu để lỡ vụ thì hàng hóa sẽ không bán được, mà uy tín của doanh nghiệp còn bị giảm sút, có thể còn mất thị trường.

Canađa thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nhập khẩu hàng may mặc tính theo đầu người cao nhất thế giới, nhìn chung các tập đoàn hàng đầu thế giới đều đã có mặt ở đây, nên sức ép cạnh tranh rất gay gắt. Để tìm kiếm nhà nhập khẩu uy tín và làm ăn lâu dài, doanh nghiệp xuất khẩu cần coi trọng việc tự giới thiệu về mình và về sản phẩm xuất khẩu của mình thật cụ thể, trung thực thông qua E-mail bởi phương thức này rất được ưa dùng ở Canađa. Về phía các nhà nhập khẩu Canađa, họ rất nhạy bén trong kinh doanh nhỏ, nên thường đi sâu khai thác thị trường ngách với những chủng loại sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thuế nhập khẩu các loại sợi nguyên liệu cho ngành dệt ở Canađa thường cao (từ 9 - 16%) cộng thêm chi phí nhân công cao, làm cho giá thành sản xuất hàng dệt may ở đây cao hơn so với nhiều loại hàng nhập khẩu. Hiện nay, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Canađa đứng thứ 9 trong số các nước xuất khẩu nhiều loại sản phẩm này. Nếu các doanh nghiệp đi vào nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh với hàng hóa Trung Quốc, hơn nữa còn bị cản trở bởi các biện pháp bảo hộ của thị trường được biến tướng dưới dạng các vụ kiện chống bán phá giá. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam nên hướng vào nhóm hàng cao cấp sẽ có lợi hơn.

Những năm gần đây, người tiêu dùng Canađa quan tâm nhiều đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là hàng nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ ở mức 1 tỷ USD/năm. Thị trường thủ công mỹ nghệ Canađa gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ hàng thủ công độc đáo, đến sản phẩm có kích thước lớn như bức trướng treo tường, bức điêu khắc gỗ, đồ gỗ nội thất, vật dụng trang trí trong nhà... Thời gian qua, có nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được thị trường ưa thích như vật liệu dán tường, khăn bàn, khung ảnh, các vật dụng trang trí ngoài sân... Riêng nhóm hàng đồ gỗ là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, có kim ngạch xuất khẩu ổn định và tăng đều qua các năm trung bình 60 - 80%/năm, có năm tăng 90%. Xu thế hiện nay là nhiều nhà nhập khẩu Canađa tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam thay cho nguồn cung từ Trung Quốc, nhất là những chủng loại chất lượng cao. Theo dự báo của Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng đá quí và kim loại quí của Việt Nam sang Canađa năm 2009 giảm khoảng 20% so với năm 2008, đạt khoảng 700 ngàn USD; nhóm hàng mây, tre, cói, thảm tiếp tục tăng nhưng tốc độ chậm hơn năm 2008, đạt khoảng 3,5 triệu USD; nhóm hàng gốm sứ, sau một thời gian giảm nhẹ, xuất khẩu năm 2009 sẽ chững lại xấp xỉ mức năm 2008, đạt khoảng 4,7 triệu USD.

Trong thời gian tới, để thâm nhập thị trường tốt hơn, các doanh nghiệp cần đưa ra những sản phẩm độc đáo có nét khác biệt những hàng hóa cùng loại từ nhiều xuất xứ; chào hàng hấp dẫn về chất lượng, giá cả và dịch vụ; trả lời nhanh thư hỏi hàng của phía đối tác. Theo quy định của Hải quan Canađa, một số loại hàng thủ công mỹ nghệ được giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu nếu hàng có xuất xứ từ các nước được hưởng ưu đãi thuế quan GPT (cách gọi của Canađa về GSP). Trường hợp được miễn thuế là hàng thỏa mãn các tiêu chí: sản phẩm mang tính truyền thống của người bản xứ ở nước xuất xứ hàng hóa đó; sản phẩm được người thợ thủ công làm hoàn toàn bằng tay; sản phẩm khác biệt hoàn toàn với mọi hàng hóa cùng loại; sản phẩm có giá trị sử dụng nhưng mang tính nghệ thuật và có giá trị văn hóa.

Nhìn chung, hàng hóa xuất khẩu vào Canađa phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu của thị trường. Doanh nghiệp cần phải hiểu kỹ những quy định bắt buộc trước khi tiến hành xuất khẩu, bởi vì hàng hóa không đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ không thể bán được. Tất cả các loại nhãn mác hàng hóa đều phải tuân theo Luật về nhãn mác, trong đó có những thông tin không thể thiếu được, đó là: hàng hóa được sản xuất ở đâu, do cơ sở nào sản xuất, thông tin chi tiết về sản phẩm và thành phần chính của sản phẩm...