Peter Marcuse, trong cuốn “Ngôn ngữ của Toàn cầu hóa” đã nói đến hai khía cạnh của toàn cầu hóa (mà thực chất đó là hai khía cạnh của một giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa tư bản) là: “Sự phát triển của công nghệ và quyền lực trở nên tập trung hơn”. Tác giả nhấn mạnh rằng, công nghệ đã tạo “khả năng mở rộng tầm kiểm soát từ một trung tâm ra những lục địa khác nhau…” và làm cho “… cũng một lượng hàng hóa và dịch vụ tốt như vậy có thể được sản xuất ra với một nỗ lực ít hơn, hoặc nếu cũng bằng một nỗ lực như vậy, thì một lượng hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn có thể được sản xuất ra”. Thực vậy, công nghệ làm thay đổi phương thức quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm; trực tiếp tham gia như một yếu tố của lực lượng sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Với một nền tảng công nghệ, gồm công nghệ tin học, công nghệ sinh học, những tiến bộ kỹ thuật trong ngành giao thông vận tải, năng lượng… một cơ sở hạ tầng mới của nền kinh tế thế giới được hình thành. Trên nền hạ tầng này, các quốc gia, các thể chế quốc tế, các công ty và các lực lượng xã hội từng bước thiết lập một quan hệ sản xuất và phân phối sản phẩm mới thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, di chuyển lao động và tự do hóa thương mại.

Khoa học và công nghệ, đã làm thay đổi sản xuất của nền kinh tế thế giới. Đó là “tăng đầu ra trên cùng một lượng đầu vào”. Quá trình này diễn ra thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát minh, triển khai, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào việc đổi mới phương thức quản lý quá trình sản xuất, huy động nguồn lực và cơ cấu lại nền kinh tế. Hệ quả là hàm lượng tri thức được kết tinh qua các công nghệ tiên tiến và quy trình quản lý hiệu quả hơn đã tăng lên và làm cho năng suất lao động tăng lên; từng bước đặt nền móng cho việc hình thành một quan hệ sản xuất trên quy mô toàn cầu.

Để có thể đánh giá đúng về vai trò của công nghệ trong tiến trình toàn cầu hóa, ta cần xem xét một cách tổng thể về quy mô nghiên cứu và triển khai các loại công nghệ mới, cũng như việc chuyển giao và ứng dụng các công nghệ này trong nền kinh tế toàn cầu kể từ giai đoạn ban đầu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tới nay. Quả vậy, từ những ngày đầu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, việc phát minh ra công nghệ mới trong các ngành kinh tế chủ chốt của thế kỷ XVII như con thoi dệt máy và một số bí quyết trong sản xuất vải, việc sử dụng than cốc trong luyện thép, tiến đến là phát minh ra máy hơi nước của James Watt và một số phát minh khác đã tạo cơ sở cho việc hình thành một cơ sở hạ tầng mới cho nền kinh tế và một phương thức quản lý tổ chức sản xuất mới. Cụ thể là quy mô sản xuất đã được mở rộng với việc xuất hiện các xưởng máy và công trường, phương tiện vận tải đường sắt đã xuất hiện và phát triển với máy hơi nước, năng suất lao động tăng lên với những ứng dụng công nghệ mới… Những phát minh về điện năng, điện tín, máy in… của những năm tiếp theo càng củng cố xu hướng “đi lên không thể cưỡng lại của chủ nghĩa tư bản công nghiệp”. Song song với những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sản xuất và giao thông vận tải, lĩnh vực dịch vụ phục vụ sản xuất, đặc biệt là ngành ngân hàng, thị trường chứng khoán… cũng phát triển mạnh mẽ. Do vậy, đồng vốn của nhà tư bản đã có khả năng sinh lời hơn; Cơ cấu của nền kinh tế cũng từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp; Thương mại và dịch vụ cũng phát triển do nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng tăng. Song song với việc cơ sở hạ tầng kinh tế và cơ cấu kinh tế được chuyển dịch, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần được hình thành và củng cố.

Tương tự như tác động của khoa học và công nghệ trong thế kỷ thứ XVII, khoa học và công nghệ trong những năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế toàn cầu.

Trước hết, khoa học công nghệ làm thay đổi phương thức quản lý sản xuất, bao gồm từ việc tổ chức sản xuất đến huy động nguồn lực. Việc tổ chức sản xuất đã được hỗ trợ một cách đắc lực bởi công nghệ truyền thông và thông tin như hệ thống quản lý dữ liệu trên mạng nội bộ, thư điện tử… Với các công cụ này, một Chính phủ điện tử có thể thực hiện hoạt động quản lý điều hành quốc gia hiệu quả hơn; hoặc các nhà quản lý doanh nghiệp có thể giám sát được hoạt động sản xuất và kinh doanh không chỉ của một văn phòng, xưởng máy, nhà máy mà còn của cả các chi nhánh của công ty trên quy mô một quốc gia hoặc toàn cầu, gần như tức thì, để có thể có những quyết sách kịp thời. Khả năng này cho phép các công ty đa quốc gia ngày càng mở rộng hoạt động của mình trên thế giới. Quan trọng hơn cả, nhà quản lý có thể bỏ được nhiều khâu trung gian trong điều hành sản xuất, mà vẫn mở rộng được quy mô sản xuất. Theo thống kê của Hal Varian, Robert E.Litan, Anderw Elder và Jay Shuter tại một nghiên cứu khảo sát năm 2002 mang tên “Nghiên cứu về tác động của mạng” đối với lợi ích kinh tế của các ngành công nghiệp tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức thì tính từ năm 1998 đến thời điểm kết thúc cuộc điều tra, các tổ chức, công ty của 4 nước trên đã tiết kiệm được 163,5 tỷ USD thông qua ứng dụng mạng Internet vào hoạt động. Như vậy, đầu ra của hàm sản xuất đã tăng thực tế thông qua khoản tiết kiệm này.

Việc quản lý các vấn đề toàn cầu khác cũng có những bước chuyển mạnh mẽ với các ứng dụng của công nghệ truyền thông và thông tin. Một mặt, chức năng và vai trò của Nhà nước có những thay đổi so với vai trò truyền thống. Một mặt, “Chính phủ điện tử” trong một “nền kinh tế điện tử”, theo cách gọi của một số học giả, sẽ chuyển từ vai trò lãnh đạo và điều phối. Mặt khác, thông tin được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi hơn đã làm quá trình hoạch định và quyết sách có sự tham gia tích cực hơn của các nhóm lợi ích khác nhau như các nhóm lợi ích về kinh tế, về môi trường, xã hội… Hệ quả là, thông qua các phương tiện truyền thống, thông tin, các nhóm lợi ích của từng quốc gia liên kết với nhau và kết nối một cách hiệu quả với các nhóm tương đồng ở các quốc gia khác và tạo nên một mạng lưới toàn cầu trong việc tham gia vào quá trình quản lý, hoạch định và quyết sách toàn cầu. Tác động của các nhóm lợi ích, của các tổ chức phi Chính phủ đến tiến trình đàm phán các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới là một ví dụ điển hình về vai trò của các nhóm lợi ích trong quản lý các vấn đề toàn. Nói một cách tổng quát hơn, vai trò của các Chính phủ quốc gia sẽ bị  tác động nhiều hơn dưới tác động của công nghệ truyền thông và thông tin trong giai đoạn toàn cầu hóa.

Thứ hai, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, là công cụ đắc lực để huy động các nguồn lực sản xuất một cách có hiệu quả nhất. Công nghệ thông tin, với hệ thống internet, thư điện tử, fax… là những công cụ lý tưởng để truyền đạt ý tưởng, tri thức, và kinh nghiệm… nhanh và rộng khắp… Thực tế, “Cách mạng công nghệ trong lĩnh vực giao thông và truyền thông đã xáo dần đi những rào cản về không gian và thời gian”. Với công nghệ thông tin, việc quản lý các luồng vốn cũng trở nên hiệu quả hơn. Các khoản vốn lớn được lưu động và chu chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác với sự trợ giúp của thị trường chứng khoán toàn cầu và các ngân hàng điện tử là yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư. Hơn thế, công nghệ thông tin còn giúp huy động và di chuyển lực lượng lao động trên quy mô toàn cầu. Trên thực tế, một lao động đang sống ở quốc gia này có thể vẫn được huy động để được sử dụng sức lao động của mình dưới hình thức chất xám, thông qua mạng internet.

Như trên đã trình bày, việc ứng dụng công nghệ thông tin như một đầu vào của sản xuất và công cụ huy động nguồn lực đã làm tăng vượt bậc năng suất lao động. Hàm lượng tri thức trong sản phẩm ngày càng tăng so với hàm lượng vốn, lao động và nguyên vật liệu. Năng suất lao động ở Mỹ chẳng hạn, đã tăng trung bình 0,17%/năm từ năm 1996 đến năm 2000, với số tiền tiết kiệm trong thời gian này là 72,8 tỷ USD. Dự kiến năng suất lao động sẽ tăng trung bình 0,43%/năm từ năm 2001 đến 2010 với tổng giá trị tiết kiệm là 452,5 tỷ USD. Với tác động trên, khoa học và công nghệ đã chứng minh vai trò quyết định của mình trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.

Thứ ba, khoa học và công nghệ còn là công cụ đắc lực trong thương mại quốc tế và đã mở ra một phương thức giao dịch và thanh toán chưa từng có trong lịch sử kinh tế thế giới. Thương mại điện tử bùng nổ với 2 tỷ USD năm 1996, 100 tỷ USD năm 1999, và ước tính khoảng 3.000 tỷ USD năm 2003. Với châu Âu, dự kiến thương mại điện tử sẽ tăng khoảng 100%/năm và đạt mức 1.500 tỷ USD vào năm 2004. Song song với thương mại điện tử, những tiến bộ trong ngành giao thông vận tải cũng góp phần làm giảm chi phí vận chuyển và là yếu tố đáng kể trong đẩy mạnh thông thương toàn cầu.

Thứ tư, khoa học và công nghệ cũng đã làm thay đổi cơ cấu của nền kinh tế toàn cầu. Với cuộc cách mạng công nghiệp, cơ cấu của nền kinh tế thế giới đã dần chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng của ngành dịch vụ trong GDP thế giới càng tăng mạnh trong những năm cuối của thiên nhiên kỷ thứ hai với sự xuất hiện của ngành công nghiệp điện toán. Hàng loạt các sản phẩm liên quan tới công nghệ thông tin ra đời như các phần cứng, phần mềm của máy tính, phụ kiện… đã tạo cơ hội cho nhiều nước đang phát triển tận dụng nguồn lực của mình. Báo cáo mang tên “Đối tác và kết nối trong phát triển khoa học và công nghệ” của Liên hợp quốc (UNCTAD) năm 2002 cho thấy: “Một số lượng đáng kể các hãng ở các nước đang phát triển đã có thể tham gia vào các công đoạn khác nhau của thị trường công nghệ thông tin quốc tế nhờ vào những cơ hội toàn cầu về sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin (cả phần cứng và phần mềm) đang được tạo ra bởi những tiến bộ công nghệ”. Như vậy, tự thân khoa học và công nghệ đã tạo nhu cầu cho tăng trưởng các nền kinh tế ở những mức độ khác nhau trên thế giới. Mức đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D) của các nước phát triển chiếm 2-3% GDP; trong khi đó, chỉ một số ít nước đang phát triển dành được 0,5% GDP cho lĩnh vực này. Tương ứng với mức đầu tư trên, Mỹ đứng đầu danh sách xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao với 41.859 triệu USD năm 1985. Con số này đạt 170.513 triệu USD năm 1998.

Như trên đã trình bày, những tiến bộ về khoa học và công nghệ đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế thế giới, tạo ra một cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu mới; qua đó, từng bước phát triển một quan hệ kinh tế mới giữa các nước trên quy mô toàn cầu; làm cho các nền kinh tế trên thế giới trở nên gắn kết với nhau hơn, phụ thuộc và bổ trợ lẫn nhau nhiều hơn. Nền kinh tế của bất cứ một quốc gia nào sẽ không thể không chịu tác động và phụ thuộc vào những thay đổi của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là khoa học công nghệ có mang lại cơ hội cho tất cả các tổ chức kinh tế, các quốc gia một cách công bằng trên quy mô toàn cầu. Xét theo quan điểm của nhà tư bản, sở hữu các thành tựu của khoa học và công nghệ cũng chính là sở hữu vốn. Đó là vốn tri thức – một yếu tố đầu vào quan trọng trong mạng lưới sản xuất và phân phối sản phẩm toàn cầu. Với cách đánh giá như vậy, quốc gia nào có khả năng đầu tư nhiều vào khoa học và công nghệ, quốc gia đó sẽ có nhiều cơ hội để gặt hái thành quả của khoa học công nghệ và cũng đồng thời có lợi thế nhiều hơn trong việc tác động tới xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới theo hướng thuận lợi nhất cho mình. Sự khác biệt là rõ ràng khi so sánh một số tiêu chí sau: Hàm lượng giá trị tri thức trong sản phẩm của các nước phát triển và đang phát triển; lượng vốn tri thức đầu vào trong quá trình sản xuất; và giá trị sản phẩm được phân phối trên cơ sở công nghệ thông tin.

Mặt khác, xét từ góc độ kinh tế vi mô, công nghệ thông tin làm thị trường trở nên năng động hơn; song cũng chính nó làm thị trường trở nên không hoàn hảo. Thương mại điện tử, với những lợi thế rõ rệt về giá (không thuế, hoặc thuế thấp, không mất chi phí lưu kho, cửa hàng hoặc trung gian…) đã vô hình chung tạo một lợi thế cạnh tranh gần như tuyệt đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường truyền thống. Việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán, qua các ngân hàng hoặc các khoản đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư tiền tệ. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á năm 1997 là một điển hình cho xu hướng này.

Khoa học và công nghệ là nhân tố cơ bản, khởi đầu tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ trong những năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố khoa học và công nghệ, còn nhiều yếu tố kinh tế và chính trị khác không kém phần quan trọng cũng đã góp phần đẩy nhanh tiến trình này. Để khắc hoạ lại bức tranh toàn cảnh về tiến trình toàn cầu hóa kinh tế trong thời gian qua, các học giả, các nhà nghiên cứu và quyết sách không thể không tiếp tục đầu tư nghiên cứu sâu hơn về các vấn đề này.