TÓM TẮT:

Phú Yên là tỉnh thuộc duyên hải miền Trung của Việt Nam, có lợi thế và tiềm năng đa dạng để phát triển du lịch. Trong giai đoạn 1989 - 2015, ngành Du lịch Phú Yên có bước chuyển đổi, phát triển và đạt được một số thành tựu rất đáng tự hào; đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của du lịch cả nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Từ khóa: Du lịch Phú Yên, thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, duyên hải miền Trung Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Tọa lạc trên dải đất duyên hải miền Trung, Phú Yên là một địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, kỳ thú, với các địa danh: đầm Ô Loan, đầm Cù Mông; vịnh Xuân Đài, Vũng Rô; thắng cảnh nổi tiếng gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện; nhiều bãi tắm xinh đẹp làm say đắm lòng người như Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Ôm, Bãi Xép; các đảo nhỏ ven bờ như đảo Hòn Lao Mái Nhà, đảo Yến, đảo Hòn Chùa. Với lịch sử hơn 400 năm, con người sinh sống trên vùng đất tỉnh Phú Yên đã tạo lập và để lại nhiều giá trị văn hóa độc đáo, đa dạng về loại hình bao gồm: Thành cổ, đền tháp, chùa chiền, đền thờ danh nhân; đồng thời tỉnh Phú Yên còn là nơi có văn hóa ẩm thực và các lễ hội đặc trưng của người dân địa phương. Những “tài nguyên” này là nhân tố rất quan trọng để tỉnh Phú Yên phát triển ngành Du lịch, nhằm góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hòa nhập vào sự phát triển chung của du lịch cả nước.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu về tiềm năng và nguồn lực của du lịch Phú Yên: Tuy xác định điểm nhấn để có thể giới thiệu với bạn bè du khách là không hề dễ dàng, nhưng có thể nói rằng tỉnh Phú Yên hoàn toàn có điểm đặc trưng để thu hút khách du lịch, đó là: Mũi Điện - điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam, nơi đón ánh bình minh đầu tiên; gành Đá Đĩa - thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú có một không hai của Việt Nam; Vũng Rô - di tích Tàu Không số và huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển; Nhà thờ Mằng Lăng - một trong những nhà thờ cổ nhất tại Việt Nam, nơi đây vẫn còn lưu giữ sách quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam; đầm Ô Loan với nhiều đặc sản đã đi vào thơ ca; di sản “văn hóa đá” Phú Yên;… Hơn nữa, tỉnh Phú Yên còn là vùng đất của nhiều lễ hội, các hoạt động văn hóa đặc trưng của người dân địa phương vùng biển như lễ hội cầu ngư, hội đua thuyền đầm Ô Loan (huyện Tuy An), lễ hội sông nước Tam Giang (thị xã Sông Cầu), lễ hội sông nước Đà Nông, hội đua thuyền Sông Đà Rằng (thành phố Tuy Hòa); đồng thời còn có lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Phú Yên như lễ hội cơm mới, lễ hội đâm trâu của người Ba Na, lễ hội Cồng chiêng của người Ê Đê,… Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên từ lâu đã nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản như cá ngừ đại dương, gỏi sứa, bánh tráng Hòa Đa, sò huyết đầm Ô Loan, ghẹ đầm Cù Mông, ốc nhảy Sông Cầu, chả Giông, bánh hỏi cháo lòng heo, mắm cá thu, tôm hấp nước dừa,.. Đây là những món ăn ngon bổ dưỡng, luôn hấp dẫn, thu hút du khách gần xa đến thưởng thức và mua về làm quà tặng cho người thân.

Nghiên cứu về những hoạt động của ngành Du lịch trong giai đoạn (1989 - 2015): Phát huy lợi thế và tiềm năng du lịch đa dạng của địa phương, sau khi tỉnh tỉnh Phú Yên được tái lập (năm 1989), tỉnh đã từng bước đề ra chủ trương, chính sách, xác định nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Với những lợi thế của địa phương do thiên nhiên ban tặng và giá trị di sản văn hóa đặc trưng, tỉnh Phú Yên từng bước tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo nhằm thu hút du khách đến tham quan di tích lịch sử, danh thắng và để nghỉ ngơi, cắm trại, tắm biển, lặng biển, hòa mình vào không gian yên tĩnh và thưởng ngoạn vẻ đẹp hài hòa “sơn thủy hữu tình”. Mỗi năm có đến hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến với gành Đá Đĩa, ngọn hải đăng Mũi Điện, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài,… để tham quan và chụp ảnh. Tuy vậy, do điều kiện còn mang tính hoang sơ, nên các thắng cảnh này chưa đủ sức giữ chân du khách ở lại lâu. Đến với các lễ hội ở tỉnh Phú Yên, du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nhiều trò chơi dân gian gắn liền với đời sống kinh tế của người dân bản địa đã được tổ chức rất thú vị. Các lễ hội này đã và đang trở thành sản phẩm du lịch của địa phương Phú Yên, thu hút được một lượng du khách đông đảo như: Lễ hội sông nước Tam Giang (tổ chức vào mùng 5 và mùng 6 Tết Âm lịch), là lễ hội văn hóa - du lịch tạo được tiếng vang trong và ngoài tỉnh, thường xuyên thu hút khoảng gần 20.000 lượt khách tham dự. Tính trung bình mỗi lễ hội ở tỉnh Phú Yên thu hút khoảng trên dưới 1.000 lượt du khách.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trên cơ sở tiếp cận hệ thống, thu thập số liệu thông qua tài liệu tham khảo, bài viết và tài liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ngoài ra còn sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, so sánh và suy luận logic để tổng hợp số liệu, dữ kiện; đồng thời kết hợp với phương pháp khảo sát thực tế và phỏng vấn chuyên gia.

3. Kết quả và diễn giải phân tích kết quả

Được sự quan tâm của tỉnh, hoạt động du lịch ở tỉnh Phú Yên đã có những tiến bộ và bước đầu đạt được những thành tựu rất có ý nghĩa. Năm 1996, tỉnh đón 26.360 lượt, trong đó có 24.829 lượt khách nội địa, 1.531 lượt khách quốc tế; năm 2000 đón được 35.011 lượt, trong đó có 33.938 lượt khách nội địa và 1.073 lượt khách quốc tế, tăng bình quân hàng năm 7,55%. Doanh thu năm 1996 đạt 5,821 tỷ đồng, năm 2000 đạt 6,882 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 2,5%. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch bước đầu được xây dựng đã đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan của du khách. Tuy vậy, du lịch Phú Yên phát triển còn chậm, chưa khai thác hết các thế mạnh tiềm năng về tự nhiên và giá trị nhân văn để phát triển; dịch vụ du lịch chưa phong phú; công tác đầu tư cho du lịch còn manh mún, đường giao thông đến các điểm du lịch còn nhiều khó khăn.

Bước vào thế kỷ XXI, chủ trương của tỉnh Phú Yên là: “Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, xây dựng các điểm du lịch ven biển, một số điểm du lịch miền núi gắn với chiến trường xưa, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia làm dịch vụ du lịch,...”; “Khai thác tốt tiềm năng du lịch biển, đảo, đầm vịnh, tận dụng lợi thế sinh thái; Phối hợp tốt giữa ngành Thương mại du lịch và Văn hóa thông tin trong việc khai thác các di tích lịch sử văn hóa, văn hóa ẩm thực và các lễ hội đặc trưng của Phú Yên để phát triển du lịch”. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Tỉnh, ngành Du lịch tỉnh Phú Yên đã có nhiều khởi sắc, từng bước vươn lên và hòa nhập với sự phát triển của du lịch cả nước. Lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng nhanh: Năm 2001 đạt 52.670 lượt khách và tiếp tục duy trì mức tăng đều đặn ở các năm tiếp theo, đến năm 2005 lượng khách đến Phú Yên đạt 80.500 lượt. Năm 2010, lượng khách đến Phú Yên có sự phát triển với 361.000 lượt khách, duy trì mức tăng trưởng trên 39,6%. Đặc biệt là năm 2011, Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611 - 2011) và Khai mạc Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 với chủ đề “Du lịch biển, đảo”. Thông qua sự kiện này, du lịch Phú Yên có sự phát triển đột biến với tổng khách tăng 39%, trong đó khách quốc tế tăng 46% và thu nhập du lịch tăng trên 80%. Năm 2014, tổng lượt khách đến Phú Yên khoảng 755.200 lượt; trong đó khách quốc tế khoảng 77.160 lượt; doanh thu du lịch khoảng 675 tỉ đồng. Đến năm 2015, du lịch Phú Yên tiếp tục phát triển khá, các cơ sở lưu trú tiếp đón 900.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 45.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 850 tỉ đồng (trong đó, doanh thu lưu trú 170 tỉ đồng). Ngày lưu trú trung bình của khách quốc tế là 2,6 - 2,8 ngày và khách nội địa khoảng 1,8 - 2 ngày.

Có được kết quả đó là nhờ sản phẩm du lịch Phú Yên ngày càng phong phú, với các loại hình du lịch như: Tham quan di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, tham dự các lễ hội truyền thống, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Trong thực tế cũng đã hình thành 2 tuyến và 7 điểm du lịch địa phương theo tiêu chí của Luật Du lịch; hình thành các điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách, tiêu biểu như chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chào Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện” tại Tháp Nhạn, định kỳ vào tối thứ bảy hàng tuần. Một trong những thành quả đáng tự hào của ngành Du lịch Phú Yên trong vài năm gần đây là đã có những sản phẩm liên kết cụ thể giữa các tỉnh, các doanh nghiệp, trong đó tiêu biểu là liên kết xây dựng tour du lịch khám phá vùng đất “Hoa vàng cỏ xanh”, tour du lịch liên tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ với Thành phố Hồ Chí Minh bằng phương tiện tàu hỏa. Việc tỉnh Phú Yên đàm phán thành công với Công ty cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airline mở đường bay mới Thành phố Hồ Chí Minh - Tuy Hòa, Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại, bay bằng máy bay lớn đã mở ra cơ hội mới để du lịch Phú Yên phát triển.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, các cơ sở lưu trú du lịch cũng ngày càng tăng nhanh cả về số lượng, quy mô và phương thức hoạt động, ngành Du lịch Phú Yên không ngừng nâng cấp, xây mới khách sạn, nhà nghỉ và đa dạng hóa các loại dịch vụ. Nếu như năm 2000, cả tỉnh chỉ có 12 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động với 251 buồng và 512 giường, thì đến năm 2005 số cơ sở lưu trú tăng lên 24 cơ sở với 536 buồng và 1.051 giường và đến cuối năm 2010, Phú Yên có trên 100 cơ sở lưu trú du lịch với 2.178 buồng lưu trú với 4.000 giường. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh hiện có 130 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có: 2 khách sạn 5 sao (khách sạn Cendeluxe - Thuận Thảo, khu du lịch sinh thái Sao Việt); 2 khách sạn 4 sao (khách sạn KaYa, khách sạn Sài Gòn - Phú Yên), 2 khách sạn 3 sao (khách sạn Hùng Vương, khách sạn Long Beach), 5 khách sạn 2 sao, 41 khách sạn 1 sao... Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có là: 2.660 buồng, trong đó có trên 500 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao.

Các cơ sở lưu trú du lịch ở Phú Yên được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, trang bị tiện nghi hiện đại, phục vụ tốt nhất cho khách du lịch như: khách sạn Cendeluxe (218 buồng), khách sạn Kaya (82 buồng), khách sạn Sài Gòn - Phú Yên (90 buồng). Những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cũng đã được xây dựng và đi vào hoạt động như: khu du lịch sinh thái Sao Việt (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa), khu du lịch sinh thái Hoàn Ngọc - Bãi Tràm (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu). Đây là những địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, hoạt động khá hiệu quả, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, trong đó có cả những vị khách “khó tính” đến từ các nước châu Âu như Nga, Hà Lan, Thụy Điển,… góp phần đáng kể vào doanh thu của ngành Du lịch Phú Yên.

Các cơ sở ăn uống bao gồm nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán bar,… cũng từng bước được tỉnh Phú Yên quan tâm đầu tư phát triển cả về mặt số lượng và chất lượng, có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Các cơ sở này chủ yếu tập trung ở thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Với các món ăn đặc sản Âu - Á, giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của du khách và vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm được đảm bảo. Tính đến năm 2015, toàn Tỉnh đã có 8 cơ sở dịch vụ ăn uống được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Cùng với sự phát triển của ngành, nguồn nhân lực du lịch ở Phú Yên cũng tăng nhanh: Năm 2001, cả tỉnh có 252 lao động trong ngành Du lịch; năm 2006 là 880; năm 2009 là 2.000; năm 2010 là 3.250; năm 2012 là 3300 và đến năm 2015, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch toàn tỉnh khoảng 3.600 người. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng được địa phương chú trọng, hàng năm ngành Du lịch đã phối hợp với các trường trên địa bàn tỉnh mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ như: Lễ tân khách sạn,thuyết minh viên du lịch; bảo vệ môi trường du lịch tại các di tích, thắng cảnh; nghiệp vụ buồng, báo cáo thống kê cho các đơn vị kinh doanh du lịch; tập huấn tuyên truyền pháp luật về du lịch; tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Nga giao tiếp cho các cán bộ làm công tác quản lý du lịch, các doanh nghiệp hoạt động du lịch. Phối hợp tổ chức các hội thi: Lễ tân khách sạn, thuyết minh viên di tích, văn hóa ẩm thực để không ngừng nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ khách du lịch. Tuy vậy, nguồn nhân lực du lịch Phú Yên vẫn còn những hạn chế nhất định, số lượng lao động có trình độ cao vẫn còn ít, trong tổng số 3.600 lao động, thì trình độ trên đại học chiếm 0,32%, đại học và cao đẳng chiếm 9,47%, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 17,1%, sơ cấp chiếm 25,94% và số lao động được đào tạo tại chỗ và học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn chiếm 47,4%.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên còn quan tâm đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng, tôn tạo nhiều di tích, danh thắng của tỉnh được chú trọng như: di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh; di tích Thành An Thổ; di tích Tàu Không số Vũng Rô; di tích Tháp Nhạn; danh thắng Gành Đá Đĩa; Bãi Môn - Mũi Điện; Khu di tích Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến và Nhà thờ Bác Hồ; Địa đạo Gò Thì Thùng. Riêng năm 2015, tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du Lịch công nhận 1 di sản văn hóa phi vật thể và 1 di tích lịch sử văn hóa (cấp quốc gia), nâng tổng số di tích cấp quốc gia được công nhận lên con số 19 và 37 di tích cấp tỉnh; đã phê duyệt dự án Sưu tầm, bảo tồn lễ hội cầu ngư. Công tác quản lý các di tích, danh thắng được tăng cường, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách; triển khai đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng làng rau Ngọc Lãng; hỗ trợ kinh phí cho 2 điểm du lịch văn hóa buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), thôn Xí Thoại (huyện Đồng Xuân). Một số công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ du lịch tại các địa điểm có di tích, danh lam thắng cảnh cũng đã được tỉnh Phú Yên quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với kinh phí hàng tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là: Tuyến Quốc lộ 1A đi Gành Đá Đĩa; nâng cấp, sửa chữa đường lên Mũi Điện; tuyến đường từ phía bắc Khu du lịch Thuận Thảo đến Khu du lịch Bắc Âu,…

4. Kết luận

Như vậy, Phú Yên là một địa phương có lợi thế và tiềm năng đa dạng để phát triển du lịch, với thiên nhiên tươi đẹp, hiền hòa và con người giàu lòng nhân hậu, mến khách, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Vùng đất Phú Yên đã và đang thu hút du khách gần xa đến tham quan, vui chơi giải trí, trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng - tắm biển rất thú vị. Nhờ đó, du lịch Phú Yên có bước chuyển đổi, phát triển và hội nhập, đem lại những thành quả rất đáng trân trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, du lịch tỉnh Phú Yên hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định cần được nghiên cứu tháo gỡ, khắc phục từng bước. Để du lịch phát triển mạnh và toàn diện hơn nữa, trong những năm sắp tới rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Phú Yên nhằm phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Văn Bảy (2016), Khái quát tình hình phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015, Thông tin Khoa học & Công nghệ Phú Yên, Số Xuân Bính Tuất - 2016.

2. Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Phú Yên (2012), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, Phú Yên.

3. Tỉnh ủy Phú Yên (2002), Chương trình hành động của Tỉnh ủy khóa XIII (Tập 1 - Lưu hành nội bộ), Phú Yên.

4. Tỉnh ủy Phú Yên (2006), Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV, Phú Yên.

5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên (2016), Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch số 47/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015, Phú Yên.

KEY ACHIEVEMENTS IN THE DEVELOPMENT OF PHU YEN

TOURISM IN THE PERIOD OF RENOVATION (1989 - 2015)

MA. TRAN VAN TAU

Faculty of Political Theory - Phu Yen University

Post Graduate Student of Graduate Academy of Social Sciences - Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Phu Yen is a province in the central coast of Vietnam, with various advantages and potentials for tourism development. During the period of 1989 - 2015, Phu Yen Tourism sector has developed and achieved some very proud achievements; contributing significantly to the local socio-economic development, improving the material and social life of the people. It has gradually integrated into the national tourism development during the period of international integration.

Keywords: Phu Yen tourism, renovation period, international integration, central coast of Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây