Tình hình sử dụng đất làm KCN
Tính đến cuối tháng 6/2008, cả nước đã có 186 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 45.042 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt 29.469 ha, chiếm 66,6% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 110 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 26.115 ha và 76 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng với tổng diện tích đất tự nhiên 18.926 ha. Số đất công nghiệp hiện đã cho thuê để đầu tư sản xuất, kinh doanh khoảng trên 14.500 ha.
Về hiệu quả sử dụng đất trong KCN
Tính đến cuối tháng 6/2008, các KCN cả nước đã thu hút được khoảng 48,2 tỷ USD vốn đầu tư với trên 3.200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (tổng vốn đầu tư đăng ký gần 33,2 tỷ USD) và 3.100 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đầu tư đăng ký trên 195 nghìn tỷ VNĐ). Ngoài ra, còn một lượng vốn không nhỏ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN gồm 1.755 triệu USD (của 31 dự án FDI) và 61.160 tỷ VNĐ (của 155 dự án đầu tư trong nước). Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trên vốn đăng ký hiện nay là khoảng 50%. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2008, các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 5-6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 25-27 ngàn tỷ VNĐ vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án đầu tư trong KCN đến cuối 2008 lên 6.600-6.700 dự án, trong đó có 3.350-3.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 3.250-3.300 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư tương đương 55 tỷ USD (khoảng 38 tỷ USD và trên 220 ngàn tỷ VNĐ). Hiện tại, tỷ lệ đất công nghiệp đã cho thuê tính trên tổng số đất công nghiệp của các KCN trên cả nước đạt gần 50%, riêng đối với các KCN đã vận hành, tỷ lệ này đạt gần 74%. Các KCN đã vận hành ở một số vùng như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ đất công nghiệp đã cho thuê tương đối cao (Đông Nam bộ: 75%; đồng bằng sông Hồng: 73%; đồng bằng sông Cửu Long: 89%).
Hiệu quả sử dụng đất cho phát triển các khu công nghiệp là rất rõ ràng trên các lĩnh vực thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Theo số liệu điều tra của Bộ KH&ĐT, 1 ha đất nông nghiệp hiện chỉ sử dụng khoảng 4-5 lao động và tạo ra giá trị sản xuất trung bình hàng năm khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, với tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện/vốn đăng ký hiện nay là 50%, trên 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê tại các KCN, người ta đang tạo ra khoảng 75 chỗ làm việc trực tiếp và hàng năm tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1,6 triệu USD và 0,85 triệu USD giá trị xuất khẩu. Có nghĩa là, trên 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê tại các KCN, sau khi được triển khai đầu tư đủ số vốn đăng ký hiện nay, người ta có thể tạo ra khoảng 150 chỗ làm việc trực tiếp và hàng năm tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 3,2 triệu USD và 1,7 triệu USD giá trị xuất khẩu. Đến cuối 2008, bình quân mỗi ha đất công nghiệp trong KCN thu hút được khoảng 3,2 triệu USD vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, mỗi đồng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong KCN trong vòng 1 năm, sẽ tạo ra được 1 đồng giá trị sản xuất công nghiệp.
Việc hình thành các KCN đã góp phần biến không ít vùng nông thôn nghèo, đất đai sình lầy, hoang hoá, ít có khả năng sinh lợi thành những trung tâm sản xuất kinh doanh hưng thịnh, sầm uất.
Về vấn đề sử dụng đất nông nghiệp trong phát triển KCN
Thực tế ở một số địa phương, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trong phát triển KCN. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó tránh khỏi khi thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các địa phương. Có ý kiến cho rằng, tại sao không quy hoạch các KCN tại các vùng trung du, miền núi, nơi đất rộng người thưa, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả mà lại phải lấy đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng làm KCN? Có thể dễ dàng nhận thấy, điều kiện đầu tiên đảm bảo cho KCN thành công là phải có nhà đầu tư đến thuê đất để xây dựng KCN, nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy chẳng có lý do gì để nhà đầu tư phải tìm đến những nơi có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội yếu kém, xa các đầu mối giao thông (sân bay, bến cảng...), xa các trung tâm kinh tế-văn hóa-thương mại, các dịch vụ (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, hải quan, văn hóa, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt...) yếu kém, xa các thị trường lớn, điều kiện đi lại khó khăn, nguồn nhân lực tại chỗ kém chất lượng, chi phí đầu tư cao, chi phí lưu thông cao, rủi ro kinh doanh lớn... Thật đáng tiếc là vùng trung du, miền núi của chúng ta hiện tại lại có đầy đủ các đặc thù kể trên, nên thực tế khó có thể thu hút được đầu tư vào đó, mặc dù Nhà nước đã đưa ra rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích đầu tư vào những nơi này. Riêng đối với các KCN được hình thành tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, ngoài các ưu đãi đầu tư khác, ngoài sự hỗ trợ của ngân sách địa phương, còn được ngân sách trung ương hỗ trợ rất lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mà vẫn gặp rất nhiều khó khăn, tình hình phát triển thua xa các KCN không được Nhà nước hỗ trợ gì, nhưng lại nằm tại những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi hơn. Thực tiễn cho thấy, để có thể phát triển KCN tại vùng trung du, miền núi, phải có sự đầu tư rất lớn của Nhà nước để xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng và các hỗ trợ khác về cơ chế, chính sách... Tuy nhiên, tất cả đều cần có kinh phí và thời gian, mà trong điều kiện hiện nay thì do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nên chưa thể thực hiện được.
Lại có ý kiến cho rằng lấy đất nông nghiệp để làm KCN là tước đoạt tư liệu sản xuất của bà con nông dân, dồn họ vào cảnh khốn khó. Ở đây có hai vấn đề.
- Thứ nhất, đất không chỉ là tư liệu sản xuất của sản xuất nông nghiệp mà còn là tư liệu sản xuất của sản xuất công nghiệp. Người ta không thể tiến hành hoạt động sản xuất công nghiệp “ở trên trời” hoặc chẳng nhẽ người ta chỉ trồng lúa ở các vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc và phía Nam, nơi mà phần lớn đất đều làm nông nghiệp được. Vấn đề là cần phải quy hoạch một số đất nông nghiệp đủ để đảm bảo cho an ninh lương thực của đất nước trong thời gian trước mắt và lâu dài, đồng thời, dành phần đất còn lại cho hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ để phát triển kinh tế đất nước.
- Thứ hai, người dân sau thu hồi đất thường gặp phải tình trạng thiếu đất sản xuất, cuộc sống không ổn định. Do nhiều nguyên nhân, các KCN chưa thu hút được nhiều lao động nông nghiệp tại địa phương, đặc biệt là lao động từ các hộ gia đình bị thu hồi đất.
Một bộ phận người dân sau khi bị thu hồi đất không tìm được việc làm phù hợp, chưa biết sử dụng tiền đền bù để tái đầu tư vào các ngành nghề phi nông nghiệp, nhằm ổn định cuộc sống. Vấn đề ở đây là cần phải có biện pháp giúp đỡ, hướng dẫn người dân ổn định cuộc sống, việc làm sau khi bị thu hồi đất.Một số gợi ý về việc bảo đảm quỹ đất phát triển KCN và chính sách bảo vệ người dân bị thu hồi đất
Một trong những việc cần làm ngay là phải xây dựng quy hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực của đất nước trong thời gian trước mắt và lâu dài. Phải xác định cho rõ tổng số đất nông nghiệp cần và đủ để đảm bảo cho an ninh lương thực trước mắt và lâu dài là bao nhiêu, được phân bố theo địa bàn như thế nào để đảm bảo sự phát triển cân đối của các vùng miền, trong đó có tính đến nhu cầu phát triển và vai trò động lực của các vùng kinh tế trọng điểm. Cũng cần phải nhận thức rằng, người ta có thể tăng sản lượng lương thực không chỉ bằng cách tăng diện tích trồng trọt, mà có thể là bằng cách tăng năng suất cây trồng.
Tiếp theo là điều chỉnh Quy hoạch KCN cả nước đến 2015 và hướng đến 2020 theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc phát triển KCN trên đất trồng lúa có năng suất ổn định. Không xét duyệt các quy hoạch chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ nông nghiệp có hiệu quả; tăng cường chuyển giao kỹ thuật canh tác mới và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học tạo giống mới, nhằm tạo ra bước đột biến trong năng suất lao động nông nghiệp, thực hiện đảm bảo an ninh lương thực không phải bằng cách tăng diện tích gieo trồng, mà là sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.
Cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là những doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ để chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, tạo việc làm cho những người dân “bị lấy đất ” làm KCN, thực hiện “ly nông bất ly hương”.