Xu hướng mở của, hội nhập, hợp tác trong phạm vi toàn cầu đã là một yêu cầu tất yếu khách quan đối với nước ta trong việc tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhỏ bé, phân tán và manh mún thành những doanh nghiệp lớn để đủ khả năng đối tác cũng như cạnh tranh với  các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng phát triển khoa học công nghệ cũng như việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới và đào tạo nhân lực có trình độ cao cũng đòi hỏi chỉ có những doanh nghiệp qui mô đủ lớn, tiềm năng đủ mạnh hoạt động trong nước và quốc tế mới có thể phát triển được.

- Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta mà một trong những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường là phải chấp nhận cạnh tranh. Tính chất cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế tất yếu dẫn đến quá trình tích tụ và tập trung. Việc tích tụ và tập trung vốn vào sản xuất giữa các doanh nghiệp tất yếu dẫn đến hình thành các doanh nghiệp lớn. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và bối cảnh quốc tế các doanh nghiệp lớn không chỉ ra đời mà còn phát triển mạnh về qui mô và hình thức tổ chức thành những tập đoàn kinh tế hoạt động trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nước và xuyên quốc gia.

- Để tăng cường vị trí của DNNN trong việc bảo đảm vai trò chủ đạo, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động theo định hướng XHCN, Nhà nước cần có các DNNN mạnh, hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề quan trọng có mối liên kết với nhau chặt chẽ về lợi ích kinh tế, công nghệ, từ những yêu cầu đó đòi hỏi phải hình thành các tập đoàn kinh tế hoạt động có hiệu quả và làm nòng cốt trong nền kinh tế xã hội nước ta.

2. Quan điểm và định hướng cho việc hình thành một số tập đoàn kinh tế trong giai đoạn tới.

Để hình thành và phát triển các Tập đoàn kinh tế ở Việt Nam cần quán triệt các quan điểm chủ yếu sau:

- Việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế ở nước ta phải gắn liền và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân.

- Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế cần xuất phát từ nhu cầu nội tại của bản thân các doanh nghiệp, bằng con đường kinh tế, chứ không nên gò ép bằng biện pháp hành chính. Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, xúc tiến mà không nên là người quyết định thành lập tập đoàn, dù là tập đoàn được hình thành từ các DNNN. Xuất phát từ đặc tính cơ bản của tập đoàn kinh tế là sự liên kết kinh tế, nên, việc thành lập các tập đoàn kinh tế trước hết phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện.

- Đa sở hữu là giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh tích tụ và tập trung vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động SX-KD của tập đoàn. Đa sở hữu tạo nên sự đan xen sở hữu, phân tán rủi ro trong đầu tư, nâng cao trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn, tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.

- Việc thành lập tập đoàn kinh tế phải nhằm đạt được hiệu quả kinh tế – xã hội cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phát huy được những ưu điểm và khắc phục mặt hạn chế của các tổng công ty nhà nước.

- Hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế phải được tiến hành dần từng bước có chọn lọc, không ồ ạt và phù hợp với tiến trình đổi mới chung của nền kinh tế. Phương hướng chung là xây dựng các tổng công ty nhà nước đủ mạnh để làm nòng cốt trong những tập đoàn kinh tế lớn, có năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quỗc tế như Dầu khí, Điện, Than, Hàng không, Đường sắt, Viễn thông, Hoá chất, Luyện kim...

- Tập đoàn kinh tế cần được hoàn toàn tự chủ trong sản xuất kinh doanh, xác định chiến lược, quy hoạch phát triển cũng như các biện pháp thực hiện nhằm đạt được kế hoạch đề ra phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. 

Với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay, để sớm hình thành các tập đoàn kinh tế, cần lấy tổng công ty nhà nước làm nòng cốt, trên cơ sở đó thu hút rộng rãi thêm sự tham gia của các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trên cơ sở ngành chuyên môn chính của tổng công ty. Trong giai đoạn hiên nay, giải pháp này có tính khả thi cao, bởi vì:

- Kinh tế tư nhân thời gian qua tuy đã phát triển khá nhanh, nhưng về cơ cấu vẫn chưa tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn, chưa tập trung được những nguồn lực lớn; tiềm lực chưa đủ mạnh và còn phân tán, mức độ tích tụ, tập trung chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ liên kết kinh doanh yếu (cả về kỹ năng cũng như về tập quán). Do đó, nếu để các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế này tự hình thành tập đoàn một cách tự nhiên thì sẽ rất chậm. Hiện nay, đã có một số tập đoàn tư nhân ra đời như: Hoà phát, LS , Tân Hoàng Minh. nhưng sự phát triển của các tập đoàn này cũng chưa đủ sức tạo thành những bước đột phá cho nền kinh tế.

- Nhiều tổng công ty nhà nước hiện nắm giữ các nguồn lực lớn của đất nước (tài nguyên, nhân lực, vật lực, thị trường); bước đầu tập trung được số lượng lớn vốn, lao động chuyên môn, công nghệ, theo ngành kinh tế - kỹ thuật; nhiều tổng công ty đã thực hiện phân công, hiệp tác hoá, chuyên môn hoá ở mức độ nhất định; tạo ra những điều kiện và nhu cầu khá cơ bản về liên kết kinh tế giữa các thành viên.

Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp lấy tổng công ty nhà nước làm nòng cốt, về lâu dài, Nhà nước cần chú trọng để có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các tập đoàn tư nhân ra đời và phát triển nhanh hơn; đồng thời, khuyến khích đầu tư đan xen giữa các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài với nhau để tạo ra một thế mạnh chung, chia sẻ rủi ro, tận dụng tối đa những tiềm năng, lợi thế của các doanh nghiệp trong nước trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

3. Những điều kiện cơ bản hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.

3.1 - Về trình độ tích tụ, tập trung hoá sản xuất kinh doanh:

Đa số các tập đoàn kinh tế thế giới đều có quy mô lớn về vốn, doanh thu, lao động, máy móc thiết bị, số các doanh nghiệp thành viên. Năm 1999, giá trị cổ phiếu của Tập đoàn General Electric là 259 tỉ USD, Tập đoàn Exxon là 172 tỉ USD, Tập đoàn Coca cola là142 tỉ USD, Tập đoàn Philipmorit có 112 tỉ USD, Tập đoàn Toyota motor là 86 tỉ USD. So với các tập đoàn kinh tế trên thế giới và khu vực, các tổng công ty của ta chưa thực sự là tập đoàn kinh tế xét theo tiêu chí quy mô (trước hết là về vốn). Tính đến tháng 6 năm 2003, 17 tổng công ty 91 có tổng số vốn nhà nước là 95.000 tỷ đồng, bình quân vốn nhà nước ở mỗi tổng công ty là 5.588 tỷ đồng ( tương đương 355 triệu USD). Trong số 17 tổng công ty 91, có tới 14 tổng công ty có số vốn dưới 1000 tỷ đồng. Do mỗi nước có trình độ tích tụ, tập trung hoá sản xuất và có những mục tiêu, yêu cầu cụ thể riêng, nên sự so sánh đơn giản ấy sẽ có thể dẫn tới nghi ngờ hoặc phủ định khả năng hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp này. Trong điều kiện nước ta hiện nay, để tập đoàn kinh tế hình thành và hoạt động có hiệu quả, phát huy được thế mạnh, cần có mức vốn thấp nhất là 12.000 tỷ đồng – tương đương 750 triệu USD.

3.2 - Về mối quan hệ liên kết:

Về thực chất, tập đoàn kinh tế là công ty cổ phần với mối liên kết kiểu công ty mẹ – công ty con. Hiện nay, mô hình công ty mẹ – công ty con là hình thức liên kết phổ biến của tập đoàn kinh tế ở các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu, mục đích xây dựng tập đoàn kinh tế ở nước ta.

3.3 - Về môi trường kinh doanh:

Bất cứ một loại hình tổ chức nào muốn ra đời, tồn tại và phát triển đều đòi hỏi phải có môi trường thích hợp. Môi trường kinh doanh vừa tác động tích cực, vừa tác động tiêu cực đến tập đoàn. Vì lẽ đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của tập đoàn là đòi hỏi búc xúc và quan trọng. Đó chính là điều kiện sống còn để hình thành và phát triển tập đoàn. Môi trường để tập đoàn kinh tế hình thành và hoạt động có hiệu quả bao gồm:

+ Môi trường pháp lý: Gồm hệ thống pháp lý và các văn bản pháp quy, trong đó đặc biệt quan trọng là các luật về kinh doanh, chống độc quyền và các quy chế khung về tổ chức và hoạt động của các loại hình tổ chức kinh doanh. Chúng ta cần phải có hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh tự do liên kết kinh tế để hình thành lợi nhuận bình quân, và có chính sách phân phối lợi nhuận theo vốn đầu tư. Hệ thống pháp luật có liên quan đến tập đoàn kinh tế phải có tác dụng tạo điều kiện cần thiết, khuyến khích tập đoàn kinh tế phát triển, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế và xử lý các mặt tiêu cực phát sinh trong hoạt động của tập đoàn kinh tế.

+ Môi trường kinh tế: Bao gồm sự phát triển của thị trường và các quan hệ kinh tế trên thị trường, sự phát triển của các quan hệ cạnh tranh và liên kết kinh tế giữa các chủ thể, sự khẳng định các quan hệ sở hữu tồn tại hợp pháp, sự phát triển của các quan hệ phân công, hiệp tác…

3.4 - Về trình độ cán bộ quản lý:

Tập đoàn kinh tế có quy mô lớn và độ phức tạp cao trong tổ chức quản lý, nên đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành thực sự có năng lực, trình độ cao, phong cách lãnh đạo và phẩm chất đạo đức tốt, để quản lý điều hành bộ máy của tập đoàn hoạt động có hiệu quả. Sẽ là vô cùng nguy hiểm khi Nhà nước trao một lượng vốn lớn hàng ngàn tỷ đồng vào tay nhà quản lý, kinh doanh chưa đủ tầm, chưa đủ tài và kinh nghiệm để tổ chức quản lý quy mô tập đoàn kinh tế. Mặt khác, sẽ là quá mạo hiểm khi doanh nghiệp tư nhân nào lại đem doanh nghiệp và vốn của mình gia nhập tập đoàn kinh tế nhà nước mà đội ngũ cán bộ ở đó yếu kém. Cho nên, một trong những điều kiện cơ bản để hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế là phải có đội ngũ chủ doanh nghiệp, cũng như đội ngũ các nhà quản lý điều hành có tài, giàu kinh nghiệm quản lý và quản trị kinh doanh trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế thị trường để ngang tầm với quy mô tập đoàn kinh tế.