TÓM TẮT:

Ở nước ta, điện gió có triển vọng phát triển vì điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều điểm thuận lợi. Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án điện gió còn gặp phải một số khó khăn cần nghiên cứu và đưa ra biện pháp khắc phục. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề đó.

Từ khóa: Điện gió, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

1. Đặt vấn đề

Ở nước ta, hiện nay, phát triển điện gió là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất kinh doanh lớn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc phát triển điện gió ở nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi như tiềm năng năng lượng gió tương đối lớn, địa hình phù hợp cho việc xây dựng các tuabin gió, nhiều quy định pháp luật ưu đãi, hỗ trợ cho các dự án điện gió… Bên cạnh đó, các dự án điện gió còn gặp phải một số khó khăn như việc sản xuất điện gió phụ thuộc vào chế độ thời tiết và chế độ gió, công nghệ trong nước còn lạc hậu, chi phí đầu tư xây dựng lớn. Những khó khăn này cần được khắc phục tạo điều kiện để phát triển điện gió ở nước ta.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Tình hình phát triển điện gió trên thế giới và ở Việt Nam

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng phát triển năng lượng gió. Bởi vì đây là nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, điện gió luôn chiếm một tỉ trọng lớn.

Điện gió được phát triển ở nhiều quốc gia, phân bố khắp các châu lục nhưng chủ yếu ở các quốc gia tại châu Âu. Trong đó, Đức là quốc gia dẫn đầu về sản lượng điện gió, đạt 20622 MW, chiếm 27,78% sản lượng điện gió toàn thế giới. Ở châu Á có Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt xếp thứ tư và thứ sáu về sản lượng điện gió. Tại châu Mỹ có Mỹ đứng ở vị trí thứ ba về sản lượng điện gió. Tổng công suất điện gió trên toàn thế giới cũng tăng nhanh, năm 1997, tổng công suất điện gió mới đạt 7475 MW, đến năm 2007, tổng công suất điện gió tăng hơn 10 lần, đạt khoảng 93849 MW. [2]

Ở nước ta, lĩnh vực điện gió còn khá mới mẻ với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại cũng có một số lượng nhật định (khoảng 50) dự án điện gió đăng kí trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở miền Trung. Chúng ta có thể kể tới một số dự án điện gió tiêu biểu: Dự án điện gió ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thiện giai đoạn 1 và nối lưới quốc gia tháng 3/2011; Trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, dự án điện gió lai tạo với máy phát điện diesel của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có dự án điên gió do Công ty EAB Cộng hòa Liên bang Đức làm chủ đầu tư; Tại tỉnh Bạc Liêu (Đồng bằng sông Cửu Long) có dự án điện gió thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công Lý…

2.2. Những thuận lợi trong phát triển điện gió tại Việt Nam

Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về năng lượng gió. Đã có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá về tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam. Mỗi công trình cho ra kết quả nghiên cứu khác nhau nhưng nhìn chung các công trình đều khẳng định Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về năng lượng gió. Kết quả nghiên cứu có thể tin cậy hàng đầu hiện nay là đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): “Đánh giá tài nguyên gió cho sản xuất điện”. Vì nghiên cứu này dùng phương pháp áp dụng là lựa chọn một số điểm để đo đạc gió sau đó sẽ ngoại suy lên thành dữ liệu gió mang tính đại diện khu vực. Những người thực hiện nghiên cứu đã tính toán, loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ gió như độ nhám bề mặt, sự che khuất do các vật thể như tòa nhà, địa hình... Dữ liệu gió mang tính khu vực này sau đó được sử dụng để tính toán dữ liệu gió tại điểm khác bằng cách áp dụng quy trình tương tự nhưng theo chiều ngược lại. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng quan tâm tới các điều kiện khác để xây dựng các nhà máy điện gió như khoảng cách đấu nối với hệ thống điện, địa hình, khả năng vận chuyển thiết bị, sự chấp nhận của cộng đồng và các vấn đề liên quan đến sử dụng đất và môi trường... Kết quả nghiên cứu cho ra tiềm năng kỹ thuật gió tại Việt Nam (xem Bảng 2).

Những khu vực có thể khai thác năng lượng gió gồm có Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Nguyên, dãy núi Hoàng Liên Sơn, đảo Phú Quý, Trường Sa, Bạch Long Vĩ… Tuy nhiên, khi xét cả điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu thì miền Trung là nơi thích hợp với sản xuất điện gió tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận… Như vậy, điều kiện tự nhiên về cơ bản cho phép nước ta xây dựng và phát triển các dự án điện gió. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho sự phát triển điện gió.

Thứ hai, cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.

Hiện nay, các quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió được quy định tại Quyết định số37/2011/QĐ-TTg ngày 29/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, các dự án điện gió được hưởng cơ chế ưu đãi gồm:

*Mua điện từ các dự án điện gió

Điện được sản xuất ra từ các dự án điện gió sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua. Tại mỗi địa phương đều có đơn vị ủy quyền của Tập đoàn Điện lưc Việt Nam. Chủ thể này có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng sản xuất từ các nhà máy điện gió nối lưới thuộc địa bàn do mình quản lý. Thời gian hợp đồng mua bán là hai mươi (20) năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 7,8 UScents/kWh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho Bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 1,0 UScents/kWh) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Bộ Công Thương theo dõi để đề xuất hiệu chỉnh mức giá mua điện tại điểm giao nhận và mức hỗ trợ giá điện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên nguyên tắc giảm dần, tiến tới xóa bỏ trợ giá khi giá bán điện thực hiện theo giá thị trường. [3]

*Ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí cho các dự án điện gió

Một là, về huy động vốn đầu tư.

Nhà đầu tư vào các dự án điện gió có quyền huy động vốn dưới các hình thức pháp luật cho phép từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện gió. Bên cạnh đó, tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/08/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước có quy định dự án điện gió thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư [4]. Như vậy, các chủ đầu tư dự án điện gió có thể vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai là, về thuế nhập khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án điện gió, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án điện gió được miễn thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật thuế.

Ba là, thuế thu nhập doanh nghiệp

Dự án sản xuất năng lượng từ sức gió thuộc danh mục các dự án được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CPngày 14/02/2015. [5]

Trường hợp bình thường, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư điện gió được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư điện gió được miễn thuế 04 năm, được giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. [6]

*Ưu đãi về hạ tầng đất đai

Triển khai các dự án điện gió cần một diện tích đất khá lớn. Theo quy định pháp luật đầu tư đây là lĩnh vực được ưu đãi đầu tư [7]. Dự án điện gió và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giao đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện gió.

Những ưu đãi nói trên áp dụng đối với dự án điện gió có nối lưới. Dự án điện gió không nối lưới được hưởng các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí và ưu đãi về hạ tầng đất đai như trình bày ở trên. Chủ đầu tư xây dựng đề án giá điện và xác định tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2.3. Những khó khăn trong phát triển điện gió tại Việt Nam

Triển khai các dự án điện gió ở nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi như tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam tương đối lớn, địa hình, khí hậu, thời tiết thuận lợi, nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích các dự án điện gió… Tuy nhiên, phát triển điện gió ở nước ta cũng gặp phải một số khó khăn. Cụ thể các khó khăn chủ yếu gồm:

Thứ nhất, các dự án điện gió phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Nếu chế độ gió không ổn định thì tuabin gió hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, địa hình xây dựng các tuabin gió cũng rất quan trọng, nếu đó là khu vực vùng biển hoặc gần vùng biển thì các tuabin dễ bị hơi muối biển phá hủy. Bên cạnh đó, việc triển khai một dự án điện gió có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế - xã hội khác như: ảnh hưởng tới tín hiệu vô tuyến, phá vỡ cảnh quan tự nhiên, địa bàn dự án điện gió chồng lấn với dự án khác… Điển hình, theo các quyết định quy hoạch dự án điện gió, Bình Thuận hiện có 16 dự án với tổng công suất là 1.242MW nhưng hiện lại có tới 9 dự án đã “vướng” vào vùng quy hoạch khai thác titan nên chưa thể triển khai [8]. Nhưng khi vận hành khu vực vùng biển hoặc gần vùng biển thì các tuanbin dễ bị hơi muối biển phá hủy, độ bền bị hạn chế. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có loài chim yến là một nguồn lợi kinh tế lớn từ sản xuất đặc sản “yến sào” từ tổ của loài chim yến. Việc vận hành các tuanbin gió làm ảnh hưởng đến hoạt động, sinh sống, đường bay của loài chim này ở vùng biển Khánh Hòa của Việt Nam. Đây là vấn đề cần cân nhắc giữa bài toán kinh tế và môi trường khi phát triển điện gió tại Khánh Hòa của nước ta.

Thứ hai, khó khăn về công nghệ. Chủ trương chung là các dự án điện gió cần nội địa hóa các thiết bị để giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Bùi Văn Thịnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận: Việc nội địa hóa thiết bị cho dự án điện gió là khó khăn. Vì, trong nước có một số doanh nghiệp tự sản xuất được trụ điện gió nhưng “trái tim” của dự án như turbine, cánh quạt… thì phải mua từ nước ngoài. Thậm chí, những cần cẩu chuyên dụng 500 tấn để thực hiện thao tác nâng turbine, lắp cánh quạt... cả nước cũng chỉ đếm được vài ba cái. [9]

Thứ ba, chi phí đầu tư, sản xuất lớn. Đây được đánh giá là khó khăn lớn nhất đối với ngành Điện gió. Chi phí đầu tư cho ngành Điện gió tương đối lớn. Để tạo ra 320 triệu kWh/năm, Dự án Điện gió Bạc Liêu sẽ cần số vốn đầu tư là 5.200 tỉ đồng. Trong khí đó, để tạo ra 10.246 triệu kWh/năm, Dự án Thủy điện Sơn La chỉ cần 60.195,928 tỉ đồng. Thông qua một phép tính đơn thuần, rõ ràng có thể thấy, nếu 1 kWh thủy điện cần 1 đồng tiền đầu tư thì 1 kWh điện gió sẽ cần tới 2,78 đồng tiền đầu tư. [10]

2.4. Một số giải pháp nhằm phát triển điện gió tại Việt Nam

Thứ nhất, lập quy hoạch phát triển điện gió.

Lập quy hoạch phát triển điện gió rất cần thiết bởi đây là định hướng đầu tiên cho việc xây dựng các dự án điện gió. Về nguyên tắc, việc lập quy hoạch phải là việc làm trước khi tiến hành dự án. Tuy nhiên, với thực trạng phát triển điện gió của Việt Nam hiện nay, chúng ta giải quyết theo phương án, đánh giá ngay các dự án điện gió đang triển khai có phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của địa phương hay không; có bị chồng lấn lên hoạt động kinh tế - xã hội khác hay không; nếu có thì tìm các xử lý hợp lý nhất, ít tổn thất nhất. Sau đó, chúng ta phải tiến hành lập quy hoạch phát triển điện gió trong phạm vi cả nước. Quy hoạch phát triển điện gió phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường. Đặc biệt, quy hoạch phát triển điện gió phải dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học đáng tin cậy về địa hình, chế độ gió. Khu vực xây dựng các nhà máy điện gió phải cách xa khu dân cư, khu du lịch...

Thứ hai, xây dựng các dự án điện gió thí điểm.

Không phải mọi trường hợp dự án điện gió đi vào hoạt động cũng đúng được như dự kiến ban đầu. Hơn nữa, các dự án sản xuất điện gió thường có chi phí lớn. Vì vậy, Nhà nước cần có các dự án sản xuất điện gió thí điểm. Các dự án thí điểm cần phải được tính toán đảm bảo tiết kiệm chi phí và trong trường hợp kết quả thí điểm cho thấy có khả năng phát triển điện gió tại khu vực đó thì dự án thí điểm trở thành một bộ phận của dự án thực tế trong tương lai.

Thứ ba, Nhà nước còn cần phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với việc nghiên cứu ra các giải pháp về khoa học kỹ thuật cho dự án điện gió. Các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm phát triển điện gió có thể học tập các quốc gia trên thế giới nhưng phải tính toán tới điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Ví dụ, chúng ta có nhiều khu vực có tiềm năng năng lượng gió nhưng ở khu vực biển, ven biển nên cần phải nghiên cứu vật liệu làm tuabin gió chịu được mặn, chịu được phèn.

Thứ tư, hiện nay giá mua điện lại là 7.8 cent/kWh. Theo các nhà đầu tư, giá mua điện gió như vậy thì các dự án điện gió sẽ rất khó khăn, lãi thấp. Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần đưa ra lộ trình tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh hiện nay lên trên 10 cent/kWh vào năm 2015 và lên trên 12 cent/kWh vào năm 2017.[11]

Thứ năm, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển điện gió. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh điện gió đạt hiệu quả cao như Mỹ, Đức, Trung Quốc... Vì vậy, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước đó. Hình thức hợp tác chủ yếu là nhận chuyển giao công nghệ về điện gió; xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn với các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo và tập huấn cho đội ngũ những người làm công tác phát triển điện gió… Tuy nhiên, việc hợp tác quốc tế cũng cần phải thận trọng để tránh tình trạng chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc Việt Nam phải nhận chuyển giao những công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

3. Kết luận

Phát triển điện gió là một hướng đi đúng đắn trong bối cảnh nguồn cung điện không đáp ứng nhu cầu và ô nhiễm môi trường diễn ra nghiêm trọng hiện nay ở nhiều quốc gia. Điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta có nhiều điểm thuận lợi cho phát triển các dự án điện gió. Bên cạnh đó, quá trình triển khai các dự án điện gió còn gặp phải một số khó khăn. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn trong phát triển điện gió, chúng tôi đã đánh giá tiềm năng phát triển và đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án điện gió phát triển ở Việt Nam trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Guang Hongliang (2008), Studies on Small Signal Stability of Electric Power System in Respect of Large Wind Farm Connection. Masters degree, Department of Electrical Power System and its Automation, North China Electric Power University.

2. Wang Wei (2008), Study on the Steady-state Model and Grid-Connected Problems of wind Turbine with Synchronus Generator. Masters degree, Department of Electrical Power System and its Automation, Beijing Jiaotong University.

3. Xem: Điều 14 Quyết định số37/2011/QĐ-TTg ngày 29/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

4. Xem: Phụ lục I Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/08/2011 của Chính phủ về Tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

5. Xem: Điểm k Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh n ghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

6. Xem: Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CPngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

7. Xem: Điểm b Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư năm 2014.

[8], [9], [10] Xem: Bài viết: “Điện gió đang “chờ” gió!”, Website: Tổng công ty Điện lực miền Bắc – Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, cập nhật: 07/10/2015, xem: 11:01 ngày 15/10/2016,

http://hppc.evn.com.vn/Default.aspx?sname=dienluchp&sid=4&pageid=469&catid=37771&id=61625&catname=Tin-trong-nuoc&title=Dien-gio-dang--cho-gio--

11. Xem: Bài viết: “Nhà đầu tư sốt ruột chờ tăng giá mua điện gió”, website: Thời báo Kinh tế Sài Gòn online, cập nhật: Thứ sáu, 27/2/2015,22:20(GMT+7), xem: 13:26 ngày 15/10/2016.

http://www.thesaigontimes.vn/127015/Nha-dau-tu-sot-ruot-cho-tang-gia-mua-dien-gio.html

THE ADVANTAGES AND DISADVANTAGES IN WIND POWER DEVELOPMENT IN VIETNAM

Assoc. prof. PhD. DOAN HONG NHUNG

School of  Law - Vietnam National University, Hanoi.

MA. NGUYEN THI BINH

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

In Vietnam, wind power has the potential to develop as there are favorable conditions such as natural and socio-economic factors. However, the actual implementation of wind power projects still faces some difficulties that need to study and take corrective measures. The article below will clarify that.

Keywords: Wind power, clean energy, renewable energy, new energy.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây