Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự đóng góp của toàn dân, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh và hướng tới sự phát triển toàn diện. Để đảm bảo cho phát triển bền vững, Ngành đã đề ra những định hướng cho giai đoạn 2006-2010 nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội.

Nâng cao nhận thức các cấp bộ Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của giáo dục đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; Quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về giáo dục - đào tạo, tạo hành lang pháp lý liên thông, đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục – đào tạo; Tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường, lớp, các ngành học, bậc học; đảm bảo cơ hội học tập đến với người từng dân; Phát triển quy mô đào tạo trên cơ sở cân đối các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục; Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, cải tiến phương pháp dạy và học ở tất cả các ngành học, bậc học; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tác phong, kỷ luật lao động cho học sinh; Đẩy mạnh giáo dục thể chất, văn hoá; chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, xây dựng nhà trường thành môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đủ về số lượng, chuẩn hoá về trình độ đào tạo, đồng bộ về cơ cấu, loại hình, vững về nghiệp vụ sư phạm, giỏi về quản lý, tâm huyết với nghề nghiệp, gắn bó với trường lớp, yêu mến học sinh.

Thực hiện đề án chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng số lượng giáo viên được đào tạo trên chuẩn, chú trọng tới tiêu chuẩn sử dụng; Đẩy mạnh tiến độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo hướng vững chắc, phấn đấu toàn Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS vào trước năm 2007, tiến tới phổ cập THPT vào sau năm 2010; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá; Tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư cho các trường để đạt chuẩn; Đầu tư các hạng mục công trình mà chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và các chương trình dự án khác chưa đầu tư hoàn thiện như: Nhà công vụ, phòng thư viện, thí nghiệm, các phòng học chức năng, phòng họp bộ môn, khuôn viên trường học… Tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả sách, thiết bị, đồ dùng học tập trong các nhà trường.

Thực hiện xã hội hoá giáo dục: Tăng cường nhận thức về xã hội hoá giáo dục đối với các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh; Tranh thủ và tăng cường mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục. Thực hiện tốt và phát huy quy chế dân chủ ở trường học, xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết, thống nhất, xây dựng tốt phong trào “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, thi đua “dạy tốt, học tốt”; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên; Tăng cường đầu tư cho giáo dục: Tăng ngân sách chi cho giáo dục hàng năm, đảm bảo cơ cấu, định mức chi thường xuyên cho giáo dục – đào tạo, để nâng cao chất lượng giáo dục; Sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục; Tăng cường liên kết giáo dục, hợp tác trong nước và quốc tế về giáo dục, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục; Giữ vững kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục, đẩy lùi mọi biểu hiện tiêu cực trong trường học;  Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục, đảm bảo các trường đều có đảng viên, xây dựng tổ chức, cơ sở đảng trong trường học vững mạnh làm nòng cốt triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng ở các nhà trường.