Tại nhiều hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn về thương mại và đầu tư Việt Nam – Mỹ Latinh vừa diễn ra, nhiều đại biểu của cả Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh cho rằng, một trong những “nút thắt” quan trọng khiến hai bên đều giàu tiềm năng nhưng hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư chưa cao là do còn thiếu thông tin, hiểu biết về tiềm năng, thế mạnh của nhau.

Nhiều cơ hội đã mở ra…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Mỹ Latinh là khu vực phát triển năng động, có nhiều thế mạnh trên các lĩnh vực như sản xuất thiết bị công nghiệp nặng, linh kiện điện tử, phát triển hạ tầng, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, thông tin truyền thông… phù hợp với nhu cầu thu hút đầu tư và trình độ phát triển của Việt Nam.

Thông qua tiếp xúc với các đối tác, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thêm: các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là các nước tại Trung Mỹ có tiềm năng về dầu khí, và rất mong muốn đầu tư vào lĩnh vực viễn thông. Đó là những thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, các nước Mỹ Latinh cũng rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực như Argentina mong muốn phát triển điện gió ở khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận. Hay Brazil muốn dự án lớn như xuất khẩu các máy bay tầm trung sang Việt Nam.

Ông Mori Arllanno Matias, Phó Chủ tịch Ủy ban Đầu tư nước ngoài Chile cũng khẳng định: Chile đang rất cần các nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư vào năng lượng, khai khoáng, công nghiệp thực phẩm, kết cấu hạ tầng,... Chính phủ Chile đã đặt mục tiêu cải thiện hơn nữa chính sách thu hút đầu tư, trở nên hiệu quả hơn và giảm thiểu các chi phí cho kinh doanh ở Chile, với việc hiểu rằng cải thiện tốt hơn các nguồn thông tin đối với các nhà đầu tư chính là tiết kiệm chi phí cho họ.

Còn đối với Argentina, theo ông Jorge Pereyra De Olazabal, Chủ tịch Phòng Thương mại Argentina – Việt Nam, họ rất quan tâm đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đồng thời, ông sẽ thuyết phục các doanh nghiệp Argentina đến Việt Nam đầu tư, trong đó trước mắt có thể sẽ là xây dựng một nhà máy nhập khẩu và chế biến thịt từ Argentina, với một chuỗi dây chuyền bán thực phẩm.

Cũng chung thiện chí thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, ông Antonio Caricarrte, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba cũng chia sẻ: Cuba đang tham gia nhiều dự án hợp tác tại khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là tại Venezuela và các nước khác thuộc khối ALBA. Việt Nam đã phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế có thể liên kết với Cuba tham gia vào các dự án hợp tác tại khu vực này, đồng thời Việt Nam cũng có thể trở thành cửa ngõ để đưa các sản phẩm của Cuba vào thị trường các nước Đông Nam Á.

Hiện tại, bên cạnh hợp tác tốt về thăm dò và khai thác dầu khí, nông nghiệp, lương thực, Cuba cũng rất khuyến khích các nhà đầu tư của Việt Nam tới Cuba đầu tư vào du lịch, xây dựng khách sạn, bất động sản, khai khoáng, năng lượng tái tạo…

Về phần mình, Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực FDI là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Theo đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như phát triển cơ sở hạ tầng; các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghiệp sinh học, công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới...

Phải tăng cường trao đổi thông tin

Ông Matias Mori, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban đầu tư nước ngoài Chile cho rằng, hợp tác Việt Nam – Mỹ Latinh về thương mại và đầu tư thời gian qua còn thấp. Vấn đề là các quốc gia Mỹ Latinh không có nhiều thông tin về nền kinh tế Việt Nam. “Không biết các bạn có thể cung cấp cho chúng tôi những gì, có những thuận lợi gì khi đầu tư tại Việt Nam?”- ông Mori đặt câu hỏi. Và theo ông, vấn đề là chiến lược quảng bá, PR cần phải được chú trọng để làm nổi bật Việt Nam là một đích đến của thương mại và đầu tư.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, buôn bán giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Mỹ Latinh còn nhiều trở ngại, trong đó có nguyên nhân do còn ít thông tin về đất nước, con người, môi trường và cơ hội kinh doanh, và văn hóa của Mỹ Latinh được phát hành bằng tiếng Việt và ngược lại.

Do đó, một trong những giải pháp để cải thiện hiệu quả thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ Latinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần phải tăng cường cung cấp thông tin và quảng bá về môi trường và cơ hội kinh doanh, và du lịch tại Việt Nam đến các doanh nghiệp và người dân Mỹ Latinh, nhất là bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và ngược lại bằng tiếng Việt.

“Việt Nam và các nước Mỹ Latinh có thể hợp tác xuất bản và tăng thời lượng giới thiệu về nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của mình. Khuyến khích và hỗ trợ trao đổi các đoàn thương mại, tổ chức các hội nghị hội thảo về kinh doanh, giới thiệu và hỗ trợ thiết lập quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai bên”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh./.