Theo Chi cục Thống kê tỉnh Nam Định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 theo giá so sánh 2010 của tỉnh ước đạt 14.632 tỷ đồng, tăng 11,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,44%, đóng góp 7,31 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 9,59%, đóng góp 3,65 điểm phần trăm.
Quy mô GRDP tỉnh Nam Định theo giá hiện hành quý I/2025 ước đạt 27.700 tỷ đồng, tăng 14,10% so với cùng kỳ năm 2024, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 42,92%; khu vực dịch vụ chiếm 37,58%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khởi sắc
Quý I/2025, tỉnh Nam Định tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, quyết tâm năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Sản xuất công nghiệp quý I/2025 của tỉnh phát triển ổn định, ngành chế biến, chế tạo được các doanh nghiệp đánh giá khởi sắc hơn quý trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ năm 2019 đến nay, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành sản xuất máy tính.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 ước tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,50%, đóng góp 22,98 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,11%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 50,41%, làm giảm 0,19 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II trọng điểm của tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,93%; dệt tăng 15,03%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,20%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 13,86%; sản xuất kim loại tăng 10,72%; sản xuất thiết bị điện tăng 8,72%; sản xuất trang phục tăng 8,26%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 4,16%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,02%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất đồ uống giảm 34,35%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,41%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,09%.
Trong đó, ngành sản xuất máy tính mặc dù mới được triển khai nhưng đã mang lại những giá trị vượt trội so với các doanh nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đi vào sản xuất chính thức từ tháng 11/ 2024, Công ty TNHH QMH Computer (thuộc Tập đoàn Quanta) liên tiếp tuyển dụng công nhân sản xuất; số lượng lao động của doanh nghiệp ước tính cuối tháng 3/2025 tăng gấp gần 2,5 lần và công suất tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động.
Một số sản phẩm công nghiệp quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Vải các loại tăng 22,3%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 15,2%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 14,2%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 11,4%; dây cách điện tăng 8,6%; quần áo may sẵn tăng 8,3%; gạo xay xát tăng 3,9%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khăn các loại giảm 13,8%; sợi các loại giảm 12,1%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 7,5%; giày, dép giảm 3,6%; bia hơi giảm 0,8%; bia đóng chai giảm 0,8%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2025 tăng 3,30% so với tháng trước. Tính chung quý I/2025, chỉ số này tăng 143,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 123,20%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 35,09%; sản xuất trang phục tăng 21,37%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,62%; sản xuất kim loại tăng 6,11%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 3,15%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2025 giảm 16,03% so với tháng trước và tăng 82,86% so với cùng thời điểm năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quý I/2025 tăng 2,67% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động khối doanh nghiệp nhà nước tăng 6,18%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 9,49% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,17%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao nhất so cùng kỳ từ năm 2021 đến nay
Cung cầu hàng hóa thiết yếu trong địa bàn tỉnh Nam Định được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa được thúc đẩy góp phần duy trì tăng trưởng hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2024 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2025 đạt 21.510 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2025 có quy mô và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước cao nhất trong giai đoạn 2021-2025. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I năm 2025 đạt 21.510 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với quý I năm 2021 và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 19.042 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng mức và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.353 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng mức, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Ngành lưu trú 79 tỷ đồng và 219 nghìn lượt khách, tăng 15,5% doanh thu và 13,7% lượt khách; ngành ăn uống đạt 1.274 tỷ đồng, tăng 21,5%.
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 6 tỷ đồng và 9,3 nghìn lượt khách, tăng 24,6% doanh thu và 15,3% lượt khách; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.109 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng mức và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 3/2025 đạt mức tăng khá với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 680 triệu USD, tăng 96,1 % so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 1.720 triệu USD, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 158 triệu USD.
Về xuất khẩu hàng hóa, tính chung 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định đạt 939 triệu USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, khu vực Nhà nước 7 triệu USD, tăng 44,0%; khu vực ngoài Nhà nước 224 triệu USD, tăng 30,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 708 triệu USD, tăng 66,9%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, máy vi tính, da giày và lâm sản.
Ở chiều ngược lại, tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 781 triệu USD, tăng 125,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, khu vực Nhà nước 9 triệu USD, tăng 119,4%; khu vực ngoài Nhà nước 93 triệu USD, tăng 6,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 679 triệu USD, tăng 166,9%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất và gia công như: Nguyên phụ liệu may; máy vi tính; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt.
Trong mức tăng 0,01% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 so với tháng trước, có 07 nhóm hàng tăng giá; 02 nhóm hàng giảm giá và 02 nhóm hàng giá ổn định. Cụ thể, giá thịt lợn, giá gạo tăng; giá đồ trang sức tăng theo giá vàng là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 3/2025 tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân quý I năm 2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước.