Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, dựa trên cơ sở kế thừa các quy định tại Luật Khoáng sản trong điều kiện khai thác khoáng sản ngày càng khó khăn, đặc biệt tại các dự án xuống sâu, địa chất phức tạp, các hiểm họa về sạt lở bờ tầng công tác, sập đổ đường lò, cháy nổ mỏ, bục nước mỏ ngày càng xuất hiện nhiều dẫn tới việc đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn hơn.

Thay đổi cơ chế quản lý kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản

Một trong những điểm mới của Luật là sự thay đổi cơ bản cơ chế quản lý kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản thông qua các quy định về nhân sự điều hành sản xuất mỏ, hệ thống thiết bị, phương tiện được sử dụng trong khai thác mỏ đặc biệt là quy định về việc lập, phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản.

khai thác khoáng sản
Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2024 dựa trên cơ sở kế thừa các quy định tại Luật Khoáng sản trong điều kiện khai thác khoáng sản ngày càng khó khăn

Theo đó, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 17/11/2010 mới chỉ quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản nhìn chung các quy định về an toàn còn chưa đầy đủ, rõ ràng, chỉ dẫn chiếu tới các quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 25/6/2015 trong các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, sử dụng khoáng sản, các quy định về kỹ thuật an toàn kể trên chưa được quy định cụ thể tại luật nào cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới các sự cố, tai nạn lao động trong hoạt động khoáng sản vẫn để xảy ra và có chiều hướng gia tăng hiện nay, đây là bất cập từ thực tiễn.

Trước một số bất cập nêu trên, Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 đã bổ sung các quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản, chi tiết cụ thể tại Điều 60 như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, người làm việc tại mỏ khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn theo quy định của Luật này, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật an toàn sau đây:

a) Nhân sự quản lý, điều hành sản xuất phải đáp ứng trình độ chuyên môn và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản;

b) Hệ thống thiết bị, phương tiện được sử dụng trong khai thác khoáng sản phải phù hợp với điều kiện địa chất của khu vực khai thác khoáng sản. Trường hợp khai thác mỏ hầm lò, hệ thống thiết bị, phương tiện còn phải bảo đảm an toàn theo mức độ nguy hiểm do khí cháy, nổ gây ra;

c) Lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp khai thác mỏ hầm lò, phải lập kế hoạch quản lý rủi ro gửi Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Có đội ngũ ứng cứu khẩn cấp bán chuyên trách để thực hiện các biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp tại chỗ.

3. Thời điểm phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò được quy định như sau:

a) Đối với dự án đầu tư khai thác mới, kế hoạch quản lý rủi ro phải được phê duyệt trước khi thi công và trước khi đưa công trình hầm lò vào sử dụng;

b) Đối với dự án đầu tư khai thác đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản mỏ, kế hoạch quản lý rủi ro phải được phê duyệt trước khi đưa công trình vào sử dụng;

c) Đối với dự án đầu tư khai thác đã đi vào vận hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, kế hoạch quản lý rủi ro phải được phê duyệt trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành…

8. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.

9. Chính phủ quy định chi tiết các điểm a, b, d khoản 2 và khoản 7 Điều này.”.

khai thác khoáng sản
Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 đã bổ sung các quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản

Nâng cao hiệu quả quản lý kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản

Thực hiện quy định tại khoản 8 Điều 60 của Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về việc lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản, hiện nay dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo Thông tư gồm 03 chương và 02 phụ lục trong đó nội dung chính của chương 1 quy định những đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước liên quan đến lập và phê duyệt kế hoạch rủi ro trong khai thác khoáng sản nhóm I bằng phương pháp lộ thiên; khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò nhằm xác định rõ những đối tượng có nguy cơ cao về mất an toàn lao động trong khai thác khoáng sản (không phải tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản) mới phải lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro.

Nội dung chính của chương 2 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nội dung kế hoạch quản lý rủi ro cũng như thẩm quyền tiếp nhận, trình tự, thời gian thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro đối với hai loại phương pháp khai thác là lộ thiên và hầm lò theo đó tiếp tục xác định rõ hơn đối tượng khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên được quyền tự lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro theo nội dung quy định và có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch đã duyệt, còn đối tượng khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò (thực tế có nguy cơ rủi ro cao hơn) phải gửi Bộ Công Thương phê duyệt nhằm mục đích nâng cao hơn nữa mức độ kiểm soát an toàn trong khai thác hầm lò, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cũng nắm rõ hơn về các khu vực khai thác khoáng sản hầm lò từ đó có thể nhanh chóng có những chỉ đạo giải quyết sự cố đối với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Nội dung chính của chương 3 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, tiếp nhận, kiểm tra… kế hoạch này đồng thời đã lược bỏ trách nhiệm của các doanh nghiệp trên trong việc phải tuân thủ các nội dung quản lý an toàn trong ngành công thương quy định tại Thông tư số 43/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Như vậy dự kiến Thông tư ban hành sẽ góp phần đổi mới, nâng cao nhận thức và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản, các quy định rõ ràng và minh bạch góp phần thiết lập cơ chế tự giác trong thực hiện các nội dung kế hoạch quản lý rủi ro cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách trong dự thảo Thông tư nêu trên sẽ khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, góp phần khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, còn góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản ở Trung ương và địa phương.