PGS. TS. Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu Thương mại: “Cần tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình chợ, không nên phát triển “chợ hiện đại” tràn lan như hiện nay”. 

Chợ là nơi giao dịch giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Ở nước ta, chợ truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa, hồn quốc Việt, thể hiện trong giao dịch và trong văn hóa của chợ. Muốn phát triển chợ truyền thống, nên có chỗ cho người dân, người làm ra hàng hóa và người mua hàng hóa vào đó để giao dịch trao đổi. 

Hàng hóa ở chợ có ưu điểm thường là tươi mới, phong phú, đặc trưng cho vùng miền và có giá rẻ; người dân giao dịch ở chợ dân chủ và tự do, thoải mái mặc cả, thuận mua vừa bán. 

Tuy nhiên, chợ cũng có những khía cạnh tiêu cực, vì thường là nơi ồn ào, mất trật tự và vô tổ chức, làm mất mỹ quan của đô thị, gây cản trở giao thông và đặc biệt là vấn để vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra đối với các bộ, ngành và địa phương là làm thế nào để xử lý hài hòa giữa việc rà soát, phân loại chợ, có thái độ ứng xử khéo léo trong việc xây dựng, phát triển chợ (hoặc ngược lại) để đảm bảo duy trì chợ truyền thống và lợi ích của người dân? 

Theo tôi, không nên áp dụng kiểu chợ siêu thị vào chợ truyền thống, để đảm bảo sự đi lại thông thoáng, thuận tiện mua bán của người dân; Bộ Công Thương và các địa phương cần có định hướng trong việc sắp xếp quy hoạch chợ và phải có vị trí, địa điểm phù hợp; phải tổ chức đào tạo nghiệp vụ để nâng cao năng lực quản lý cho các Ban Quản lý chợ; cần tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình chợ, không nên để “chợ hiện đại” phát triển tràn lan như một số thành phố lớn hiện nay, cụ thể là có kiến trúc đẹp, nhưng phải phù hợp với thực tế; cần có mô hình quản lý và định rõ chức năng, quyền hạn và gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý phát triển chợ của họ với một tổ chức, đơn vị ở địa phương… 

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên KTS trưởng Tp. Hà Nội: “Trong tương lai, mô hình chợ truyền thống vẫn phải phát triển trong các đô thị Việt Nam”.

Trong định hướng phát triển đô thị hiện nay, chợ là một loại hạ tầng xã hội tất yếu phải có trong cấu trúc thành phố, đô thị hiện đại… Trong quy hoạch tầm nhìn tới năm 2020 đã có quy định, với những khu dân cư từ 4.000 dân trở lên, phải có chợ với diện tích ít nhất là 2.000m2. 

Chính vì vậy, các Bộ chức năng, các tỉnh, thành phố, các tổ chức doanh nhân thương mại, văn hóa cần tìm được những tồn tại của các loại hình chợ truyền thống trong thời gian qua, để hiểu được giá trị của chợ truyền thống là gì? Trong đô thị hiện đại, thế nào là không gian công cộng chợ riêng biệt hợp lý và nếu được kết hợp trong một tổ hợp công trình, thì không gian truyền thống chợ phải như thế nào? Bảo đảm các giá trị về hàng hóa, về văn hóa, về tâm lý… để đừng làm mất đi giá trị không gian công cộng. Không nên cứ cải tạo và xây dựng một số chợ, như Cửa Nam, Hàng Da và Đồng Xuân ở Hà Nội, dẫn tới việc, mô hình và ý tưởng thì hay, nhưng không gắn với nhu cầu cộng đồng của người dân và quản lý không được như mong muốn. Do đó, trong tương lai, mô hình chợ truyền thống vẫn phải phát triển trong các đô thị Việt Nam. 

TS. Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng: “Mô hình quản lý chợ nên dùng quan hệ đối tác công tư (PPP) để quản lý” 

Chợ truyền thống ở Việt Nam nói chung và chợ ở Hà Nội nói riêng có nét văn hóa riêng biệt, nó gắn với giao thông, sông nước, kênh rạch; nó được hoạt động tùy theo từng đối tượng: Sáng thì người già, các bác về hưu; chiều thì công chức, cán bộ công nhân đi làm về tạt qua chợ…Vì vậy, phải thực hiện nguyên tắc 3I quản lý đô thị: Information (phải thông tin cho người dân biết); Incentive (phải khuyến khích, tạo điều kiện như nơi đỗ xe, phương tiện vào chợ); Inhibit (phải có các biện pháp cấm, hoặc xử phạt hành chính nếu vi phạm quy định…). 

Có rất nhiều mô hình phát triển chợ được đánh giá là thành công, như chợ Rạch Giá trước đây nằm giữa đường. Sau đó, chợ được chuyển ra một khu đô thị mới được xây dựng, nằm cạnh kênh mương, nên chợ trong khu vực đô thị giờ rất văn minh. Còn mô hình chợ ở Trung Quốc cũng rất đáng để ta học tập. Người ta cải tạo một trung tâm thương mại 7 đến 8 tầng, tầng 1 hoàn toàn là chợ, không gian cao rộng, bốn phía không hề có cửa, người dân có thể tiếp cận dễ dàng. 

Do đó, cần đầu tư phát triển đô thị trong đó có chợ, chứ không nên chỉ nghĩ đầu tư chợ. Mặt khác, mô hình quản lý chợ cũng nên dùng quan hệ đối tác công tư (PPP), chứ không thể giao hoàn toàn cho tư nhân, bởi mô hình này dễ bị thao túng, tiêu cực. 

Ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: “Cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật về Chợ”

Đến hết năm 2010, cả nước có gần 9.000 chợ (trong đó có 8.578 chợ theo quy hoạch). Chợ trong đô thị chiếm 21%. Cả nước hiện có 567 siêu thị, tập trung chủ yếu ở các thành phố trực thuộc trung ương. 

Chợ truyền thống có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 27 ngày 15/02/2007 phê duyệt Đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống, thể hiện qua 2 chính sách: chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với các chủ thể bỏ vốn đầu tư phát triển chợ thuộc các thành phần kinh tế và Nghị định 108 (sửa đổi), trong đó tất cả các loại hình và cấp độ chợ đều được hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư, bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đối với chợ hạng II, hạng III tùy theo vị trí, địa điểm, trọng tâm là chợ khu vực nông thôn, miền núi. Đối với chợ hạng I ở đô thị thì tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế. 

Hạn chế lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có Luật về Chợ, trong khi nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản… đã có Luật chợ bán buôn, nên việc xây dựng Thông tư hướng dẫn về chợ là rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ngành và địa phương… để sớm hoàn thiện Luật, giúp cho công tác hướng dẫn, triển khai thúc đẩy hoạt động chợ hiệu quả hơn. 

Bà Nguyễn Thị Tân Lộc: Phó trưởng Ban Kinh tế thị trường, Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN&PTNT): “Việt Nam nên gia nhập Hiệp hội Chợ bán buôn của Thế giới”

Thống kê kết quả nghiên cứu ở nước ta hiện nay, các mặt hàng rau quả, các sản phẩm phân phối trong trung tâm thương mại và siêu thị chỉ chiếm dưới 5% tổng số nhu cầu của người dân, các chợ truyền thống chiếm từ 45-50% và 40-45% thuộc về những người bán rong. 

Chợ truyền thống là nơi giao lưu mua bán với các mặt hàng đa dạng, là kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, là nơi dành cho người mua và người bán, đặc biệt là người già, đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng nghèo. Qua một số khảo sát của cơ quan chức năng, khách nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao văn hóa truyền thống của chợ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm nên hiện tại, chưa có thành viên nào của Việt Nam tham gia vào Hiệp hội Chợ bán buôn thế giới. Do đó, các tổ chức trong nước nên tham khảo các tổ chức phi chính phủ hoặc những nhóm người quan tâm đến phát triển chợ ở Việt Nam tư vấn để chúng ta có cơ hội gia nhập Hiệp hội Chợ bán buôn của Thế giới. Đây là một kênh trao đổi thông tin, học hỏi rất hữu ích. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm về các loại hình chợ, về người bán hàng rong để khắc phục được mỹ quan, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.