Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các Sàn thương mại điện tử lớn để đảm bảo cung ứng nông sản, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam qua thương mại điện tử.

Ngày 8/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ban hành Công văn số 687/TMĐT-TTCNS gửi các Sàn thương mại điện tử về việc tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu như ưu tiên hiển thị các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử.

Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối bán lẻ uy tín để nhanh chóng đảm bảo nguồn cung; có các chương trình, chính sách hỗ trợ thương mại điện tử đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân đặt mua sản phẩm hàng hoá tiêu dùng thiết yếu trên sàn thương mại điện tử một cách thuận lợi.

đẩy mạnh lưu thông hàng hóa qua thương mại điện tử
Với các sàn thương mại điện tử uy tín, người mua hàng hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức giao hàng nhanh, hoặc giao hàng tiết kiệm tùy thuộc vào sản phẩm đặt mua

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã có kế hoạch phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như Vụ Thị trường trong nước, Tổng Cục Quản lý thị trường… trong việc phối hợp thông tin điều tiết chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.

Ngoài ra, Cục còn phối hợp các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khuyến khích, tăng cường mua sắm hàng hoá thiết yếu trên các Sàn thương mại điện tử uy tín, một mặt đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, mặt khác vẫn đảm bảo công tác chống dịch trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Với lợi thế của thương mại điện tử, trường hợp các hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, một số điểm, các nhà cung cấp có thể bổ sung nguồn cung một cách nhanh chóng và giao tới người dân kịp thời mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp qua phương thức mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống.

Ngoài ra, khi mua hàng thông qua thương mại điện tử, các hoạt động giao hàng đều đảm bảo các quy tắc về phòng chống dịch. Với các sàn thương mại điện tử uy tín người mua hàng hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức giao hàng nhanh hoặc giao hàng tiết kiệm tùy thuộc vào sản phẩm đặt mua.

Như vậy, việc mua thực phẩm tươi sống hay các đồ dùng thiết yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, các siêu thị và cửa hàng bách hóa sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải, hết hàng.

Đáng lưu ý, ngay trong ngày 8/7/2021 các sàn thương mại điện tử lớn đã triển khai các chương trình ưu đãi về vận chuyển và đơn đặt hàng cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, tạo điều kiện mua sắm cho người dân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trên các kênh trực tuyến như Chương trình “Đi chợ tại nhà” (https://www.sendo.vn/su-kien/di-cho-tai-nha/) hay “Tuần lễ Nông sản Việt” (https://www.sendo.vn/su-kien/nong-san-sach) của sàn thương mại điện tử Sendo.

Ngoài ra còn có “Đi chợ Online” các thực phẩm tươi sống từ sàn thương mại điện tử Tiki (https://tiki.vn/khuyen-mai/tiki-ngon-di-cho-online), các sản phẩm nông sản tươi của ShopeeFarm (https://shopee.vn/ngon_hcm) hay các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm khác từ các sàn Voso (https://voso.vn/), Postmart (https://postmart.vn/) và Lazada ( https://www.lazada.vn/).

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, việc tăng cường lưu thông hàng hóa qua thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ và phương thức phù hợp, cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Vì vậy, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cần chủ động, tích cực thông tin đến người tiêu dùng các kênh cung ứng hàng hóa trực tuyến qua thương mại điện tử, từ đó dần phát huy được hiệu quả của thương mại điện tử đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.