Lãi 9 tháng đầu năm của Ngân hàng OCB tăng 49%
Trong quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ngân hàng OCB, mã cổ phiếu OCB - sàn HoSE) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 19,2% so với quý 3/2022 và tăng 4,5% so với quý 2/2023.
Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; và thu nhập ngoài lãi đạt 603 tỷ đồng, tăng tới hơn 87% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi trong quý 3/2023 của Ngân hàng OCB chủ yếu đến từ khoản thu nhập chứng khoán đạt 220 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước lỗ 67 tỷ đồng, nhờ hiện thực hóa lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, thu nhập ngoại hối của ngân hàng này đạt 175 tỷ đồng, tăng 293% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh nhưng Ngân hàng OCB đã cải thiện được hiệu quả hoạt động với chi phí hoạt động đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) giảm 1,3 điểm phần trăm giảm về mức 31,2% trong quý 3/2023. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ của ngân hàng này giảm 13%.
Những yếu tố trên đã giúp Ngân hàng OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên tới 1.300 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, và hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Tính đến cuối tháng 9/2023, Ngân hàng OCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 10,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tỷ trọng cho vay đối với khối bán lẻ và doanh nghiệp lần lượt là 36% và 64%. Về phía huy động, tăng trưởng tiền gửi đạt 12,7% so với hồi đầu năm, chủ yếu nhờ tiền gửi khách hàng tăng mạnh.
Ngân hàng OCB đã tăng cường đẩy mạnh huy động để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (SFLR) về mức 29% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cũng như dự trữ nguồn vốn giá rẻ khi nhu cầu tín dụng hồi phục.
Dự báo tăng trưởng tín dụng cao sẽ giúp duy trì NIM
NIM (quy năm) của ngân hàng này trong quý 3/2023 đã giảm xuống còn 3,72%, giảm 4 điểm cơ bản so với quý 2/2023. Nguyên nhân chủ yếu do Ngân hàng OCB đã giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng và danh mục khối khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh đã khiến lợi suất tài sản giảm nhanh hơn chi phí huy đồng.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu từ cho vay khách hàng của Ngân hàng OCB vào cuối quý 3/2023 đạt 3,7%, tương ứng tăng 128 điểm cơ bản so với quý 3/2022 và tăng 56 điểm cơ bản so với quý 2/2023.
Nợ xấu chủ yếu phát sinh từ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực vận tải, xây dựng, khách sạn… Dư nợ xấu của Ngân hàng OCB vào cuối quý 3/2023 là khoảng 4.900 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước và tăng 21% so với quý 2/2023. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng này xuống mức 39,2%.
Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC), tăng trưởng tín dụng cả năm nay của Ngân hàng OCB có thể đạt 14,6% và NIM (quy năm) sẽ được duy trì ổn định ở mức 3,8%. Qua đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng này trong quý 4/2023 dự báo sẽ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, với mức dự phòng nợ xấu nay và sức khoẻ nền kinh tế cần có thời gian hồi phục, chi phí dự phòng được Ngân hàng OCB trích lập trong quý 4/2023 có thể sẽ tương đương như quý 3/2023. Do đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng OCB trong quý 4/2023 có thể đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, theo VDSC.
Như vậy, tính chung cả năm nay, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng OCB dự báo đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 14/11, thị giá cổ phiếu OCB đạt 13.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 19% so với đầu năm nay.