
Kết thúc quý 1/2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Ngân hàng SHB, mã cổ phiếu SHB - sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, thiết lập mức lãi theo quý cao nhất lịch sử hoạt động.
Tổng tài sản của ngân hàng này cũng tăng 6% so với cuối năm 2024, đạt 790.742 tỷ đồng và dư nợ cấp tín dụng tăng 7,8%, đạt 575.777 tỷ đồng (tương đương hơn 22,2 tỷ USD).
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Maybank, với quy mô tài sản và dư nợ cho vay hiện tại, Ngân hàng SHB đã gần tương đương với các ngân hàng thương mại cổ phần Tier-1 như Ngân hàng ACB và Ngân hàng Sacombank. Tuy nhiên, hiện cho vay bán lẻ chỉ chiếm 20% trong hoạt động cho vay của Ngân hàng SHB, còn lại 80% là cho vay doanh nghiệp. Do đó, Ngân hàng SHB đang có dư địa lớn trong cải thiện biên lợi nhuận nếu hoạt động cho vay bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh.
Cũng theo Chứng khoán Maybank, dựa trên các quan sát trong 12 tháng qua và cuộc họp với ngân hàng vào tháng 4/2025, Ngân hàng SHB đang có loạt chuyển đổi nội bộ đáng chú ý để bắt kịp nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần Tier-1.

Cụ thể, Ngân hàng SHB đã thuê tư vấn để định hướng chiến lược chuyển đổi và đang triển khai các bước giống như lộ trình chuyển đổi của Ngân hàng Techcombank trước đây như lên kế hoạch chuyển đổi với các mục tiêu cụ thể chi tiết; thành lập đội ngũ chuyển đổi trong từng phòng ban để dẫn dắt sự thay đổi; triển khai các sáng kiến để cải thiện quản trị doanh nghiệp, bao gồm cả quan hệ nhà đầu tư…
Ngoài ra, ngân hàng này cũng đã tuyển một số nhân sự từ Citibank nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi, nâng cao hiệu suất hoạt động, hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế, định giá.
Chứng khoán Maybank đánh giá loạt chuyển đổi trên đã đem lại các kết quả tích cực, phản ánh rõ nét vào các chỉ số hoạt động của Ngân hàng SHB. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng này đạt 21,4% cho cả năm 2024, lọt TOP cao nhất toàn ngành, và biên lãi ròng (NIM) của năm 2024 đạt 3,26%.
Đồng thời, các nỗ lực số hoá quy trình và ứng dụng công nghệ giúp tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) của Ngân hàng SHB trong năm 2024 chỉ còn ở mức 24,5%, thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành. Trong khi đó, cổ phiếu SHB hiện vẫn đang được giao dịch ở mức định giá thấp, khoảng 0,8 lần giá trị sổ sách, theo nhận định của Chứng khoán Maybank.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa qua, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB nhấn mạnh “Trong chiến lược phát triển của SHB, chúng tôi có chiến lược rõ ràng là đến 2028 sẽ là ngân hàng số 1 về hiệu quả và đưa ra mô hình với chiến lược công nghệ là ngân hàng tương lai. Trong đó, SHB có chiến lược lược bán lẻ trong bán buôn và chúng tôi có tệp khách hàng lớn, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng”.
Lãnh đạo Ngân hàng SHB cũng tiết lộ Ngân hàng đang triển khai làm việc với các nhóm nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ quan tâm tới cơ hội đầu tư vào Ngân hàng và sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như đã đề ra trước đây.
Năm nay, Ngân hàng SHB đặt mục tiêu đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2024. Sau quý 1/2025, ngân hàng này đã hoàn thành 30% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Chia sẻ về mục tiêu kinh doanh năm nay, bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB cho biết Ngân hàng hoàn toàn tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay với loạt giải pháp, sản phẩm tài chính hục vụ hiệu quả các phân khúc khách hàng trên tất cả các lĩnh vực.
Cũng theo Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện nay của ngân hàng là gần 70%. Dù tỷ lệ này chưa cao so với một số ngân hàng khác, nhưng mức độ an toàn vẫn được đảm bảo nhờ quy mô tài sản đảm bảo lớn, lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng; trong khi dư nợ chỉ chiếm khoảng 47% trên tổng giá trị tài sản.
Bên cạnh đó, các khoản trích lập dự phòng đều được thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật hiện hành. Điều này thể hiện cam kết của Ngân hàng trong việc kiểm soát rủi ro, đảm bảo sự an toàn và ổn định cho hệ thống tài chính nội bộ, bà Ngô Thu Hà nói.