1. Còn nhiều thách thức:
Đến nay, ngành Công nghiệp Việt Nam đã phát triển với tương đối đầy đủ các phân ngành cơ bản cần thiết cho yêu cầu phát triển một nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, bao gồm từ công nghiệp năng lượng, cơ khí, luyện kim, hoá chất, điện tử-công nghệ thông tin... đến các ngành chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản-thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp... Những ngành này đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế, cũng như tham gia tích cực vào việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân toàn Ngành những năm gần đây khá cao (15,7%/năm), ngành Công nghiệp đang có đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP tăng từ 29,94% (năm 1995) lên 40% (năm 2004). Xuất khẩu hàng công nghiệp hiện đạt trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước.
Tuy nhiên, Công nghiệp Việt Nam vẫn còn không ít điểm yếu nhất là trong quá trình hộii nhập. Đó là: Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, công nghệ phần lớn còn lạc hậu so với trình độ trung bình của thế giới, năng suất lao động thấp, vì vậy năng lực cạnh tranh nhìn chung còn hạn chế; Cơ cấu ngành chưa hợp lý, tỷ trọng công nghiệp chế biến (nhất là chế biến sâu để tạo ra giá trị gia tăng lớn) chưa cao; Các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển tương xứng với yêu cầu; Thiếu các sản phẩm mang tính độc đáo hoặc tính duy nhất trên thị trường; Tỷ lệ lao động lành nghề còn thấp;  Một số loại chi phí đầu vào còn cao so với khu vực và thế giới (cước vận tải, điện lực, viễn thông, một số loại phí dịch vụ...); Các ngành kinh tế sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp cũng đang trong quá trình chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường nên còn nhiều lúng túng, bất cập; Quá trình cải cách thể chế cũng như cải cách doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập...
Với thực trạng trên, khi gia nhập WTO, ngành Công nghiệp chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Trước hết, với chính sách thúc đẩy tự do hoá thương mại, WTO chỉ cho phép bảo hộ sản xuất trong nước bằng thuế quan với mức thuế bình quân ngày càng giảm sau các vòng đàm phán chung về thương mại và chỉ trong những bối cảnh nhất định mới cho phép sử dụng một số biện pháp phi thuế với những điều kiện cụ thể. Kinh nghiệm của các nước mới gia nhập WTO cho thấy, họ phải cam kết đối với 100% số dòng thuế công nghiệp với mức thuế trung bình thấp và không áp dụng các biện pháp phụ thu đối với hàng nhập khẩu. Đồng thời, các nước này còn phải tham gia sáng kiến cắt giảm thuế quan theo ngành, Hiệp định sản phẩm công nghiệp thông tin, Hiệp định hài hoà thuế quan đối với sản phẩm hoá chất... Ngoài ra, các nước gia nhập sau thường phải cam kết thuế suất ở mức thấp hơn các nước gia nhập trước. Như vậy, khả năng bảo hộ của Nhà nước để ngành Công nghiệp đủ sức đối phó hiệu quả với sức ép cạnh tranh sẽ rất hạn chế và ngày càng bị thu hẹp. Nói cách khác, ngành Công nghiệp sẽ buộc phải chấp nhận một cuộc chơi không cân sức và phải nỗ lực tối đa để không biến thành thị trường tiêu thụ hàng hoá của các quốc gia khác, mà còn phải cung cấp ngày càng nhiều hàng hoá, dịch vụ của mình cho thế giới. Khi gia nhập WTO, ngoài việc sẽ phải cam kết và giảm đáng kể mức thuế áp dụng, Việt Nam cũng sẽ phải dỡ bỏ các hàng rào phi thuế (hạn ngạch, giấy phép, thủ tục hải quan, trợ cấp...) trong một thời hạn nhất định. Hiện nay, thuế suất nhập khẩu bình quân đơn giản của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu khoảng 16%, trong đó hàng công nghiệp khoảng 15% và vẫn còn áp dụng phụ thu nhập khẩu đối với trên 10 nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh thấp. Trong tình hình như vậy, trừ  một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh tương đối tốt như hàng may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản nhiệt đới, dầu thô, than đá và một số loại khoáng sản, thì một số ngành có khả năng cạnh tranh yếu như sắt thép, thiết bị điện-điện tử, giấy, hoá chất-phân bón, sợi-dệt, một số loại sản phẩm cơ khí... sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, nhất là từ phía hàng nhập khẩu. Trong thời gian dài, lợi thế về nhóm các sản phẩm sẽ ngày càng giảm, ngành Công nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không phát triển, nâng cao được năng lực cạnh tranh.
2. Một số định hướng cơ bản của ngành Công nghiệp:
Để chuẩn bị cho hội nhập, ngành Công nghiệp đang và sẽ phát triển theo hướng lựa chọn, tập trung phát triển những ngành hàng, những nhóm sản phẩm có khả năng cạnh tranh, huy động mạnh mẽ những năng lực còn tiềm ẩn, đẩy mạnh đầu tư và đầu tư có trọng điểm, kết hợp đầu tư mới và đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, áp dụng rộng rãi những phương pháp quản lý tiên tiến, áp dụng mọi giải pháp cần thiết để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm... Tất cả đều nhằm tới đích cuối cùng là thoả mãn ở mức cao nhất những nhu cầu cơ bản của nền kinh tế và đưa ngành Công nghiệp trở thành ngành có sức mạnh cạnh tranh.
Với những định hướng như vậy, Bộ Công nghiệp đã, đang và sẽ đẩy mạnh việc thực thi những nhóm giải pháp như tham gia cải tiến hệ thống pháp luật, chính sách; đổi mới công tác quản lý nhà nước ngành Công nghiệp; đồng thời tích cực  chuẩn bị cho hội nhập của các ngành công nghiệp. Cụ thể là:
Đối với ngành Điện: Theo chiến lược phát triển đến năm 2020, Nhà nước tiếp tục giữ độc quyền khâu truyền tải, còn khâu sản xuất và phân phối sẽ đa dạng hoá sở hữu, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư, từng bước hình thành thị trường điện. Luật Điện lực vừa được Quốc hội thông qua, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chiến lược này. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam hiện đang tích cực triển khai thực hiện Tổng Sơ đồ phát triển điện giai đoạn V đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khó khăn chủ yếu của Tổng Công ty là vấn đề thu xếp, huy động nguồn vốn để đầu tư (nhu cầu hàng năm khoảng 22-25 nghìn tỷ VNĐ). Về các dự án điện độc lập, đến nay đã có 50 dự án đăng ký (đang hoặc sẽ triển khai) với tổng công suất khoảng 4.000 MW.  
Đối với ngành Dầu-khí: Nhìn chung, thị trường thuận lợi và những năm vừa qua được đầu tư đúng mức nên không gặp khó khăn lớn khi hội nhập. Riêng về khí, do các mỏ đều cách xa bờ, chi phí đầu tư phát triển dự án cao, nên giá khí cao so với khu vực và là yếu tố bất lợi cho các ngành công nghiệp sử dụng khí. Việc gia nhập WTO sẽ có ảnh hưởng đến hệ thống phân phối trong Ngành và là thách thức phải chấp nhận trong thời gian tới.
Đối với ngành Than: Mặc dù khả năng cạnh tranh hiện nay được cho là cao, song thời gian tới sẽ phải đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ để khai thác xuống sâu và gắn phát triển bền vững với bảo vệ môi trường. 
Công nghiệp Thép: Là ngành tuy sẽ gặp khó khăn khi hội nhập do hiện nay các trang thiết bị còn lạc hậu, hiệu suất thấp, trình độ quản lý còn chưa đáp ứng; nhưng cũng có cơ hội cạnh tranh do thị trường thép thế giới đã nâng lên một mặt bằng mới, nguồn quặng sắt trên thế giới ngày càng cạn kiệt, năng lực sản xuất thép cán trên toàn thế giới bắt đầu thấp hơn nhu cầu... Do vậy, ngành Thép cần tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng cường đầu tư khâu luyện thép để nâng cao khả năng cạnh tranh, trước hết trên thị trường nội địa. Bộ Công nghiệp đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh để khi hội nhập đầy đủ, ngành Thép có thể đứng vững.
Công nghiệp Cơ khí: Trong những năm qua đã đạt những kết quả tích cực về chuẩn bị hội nhập. Nhiều sản phẩm cơ khí (gồm cả tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng) đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa và bước đầu vươn ra xuất khẩu. Năm 2004, ngành cơ khí tăng trưởng 21%, đạt giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 78.500 tỷ đồng, chiếm 22% GTSXCN và tự trang bị được 36% nhu cầu trong nước. Riêng công nghiệp ô tô, do mới hình thành nên vẫn đang được hưởng một số biện pháp bảo hộ (về thuế) nhưng cũng khó có thể duy trì lâu trong quá trình hội nhập. Bộ Công nghiệp đang tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đây là một Chương trình mà nếu thực hiện được sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành.
Công nghiệp Giấy: Là Ngành sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khi hội nhập. Để đáp ứng nhu cầu trong nước và khắc phục sự mất cân đối giữa sản xuất bột và giấy, ngành Giấy đang tập trung đầu tư một loạt dự án bột và giấy quy mô vừa và lớn, như mở rộng Nhà máy Giấy Bãi Bằng giai đoạn II, xây dựng Nhà máy Bột và Giấy Thanh Hoá, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài...
Công nghiệp Hoá chất-Phân bón: Một số sản phẩm của Ngành như săm lốp ô tô-xe máy, ắc quy, chất tẩy rửa, phân chứa lân... có khả năng cạnh tranh tương đối tốt. Các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm trên nhìn chung đều sẵn sàng đón nhận hội nhập. Riêng phân đạm, do đưa Nhà máy Đạm Phú Mỹ vào hoạt động năm 2004 nên đã đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước. Do mặt bằng giá phân đạm đã nâng lên một mức mới, nên tình hình cạnh tranh có khả quan hơn. Các dự án đạm Cà Mau, đạm từ than Ninh Bình đang được tích cực thúc đẩy.
Công nghiệp Dệt-May, Da-Giày: Đối với ngành May, việc chuẩn bị cho hội nhập tương đối tốt, sản phẩm có sức cạnh tranh, đã tạo dựng được một số thị trường ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường. Các doanh nghiệp trong ngành đều chú trọng đầu tư cho thiết bị, máy móc, tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên, phụ liệu trong nước. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn thấp so với một số nước như Trung Quốc, ấn Độ và chưa tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm xuất khẩu, cần phải sớm khắc phục. Riêng ngành Dệt, khả năng cạnh tranh khi hội nhập thấp hơn, do chưa chủ động được nguyên liệu và chất lượng sản phẩm còn kém hàng nhập. Vì vậy, ngành Dệt đang triển khai kế hoạch đẩy mạnh phát triển các vùng trồng bông và đầu tư đổi mới trang thiết bị.
Đối với ngành Da-Giày: Nhờ đầu tư trang thiết bị hiện đại, thường xuyên cải tiến mẫu mã, tăng năng suất lao động nên khả năng hội nhập tương đối tốt. Tuy nhiên, những năm tới sẽ phải quan tâm hơn nữa đến việc chuyển từ gia công sang mua nguyên liệu bán thành phẩm và xây dựng thương hiệu riêng cho thị trường xuất khẩu.
Công nghiệp Thực phẩm-Đồ uống: Trong những năm vừa qua đã chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, gắn đầu tư nhà máy với phát triển vùng nguyên liệu, chú trọng xây dựng và củng cố thương hiệu riêng, nên đối với những ngành này, quá trình hội nhập sẽ mang lại nhiều cơ hội cho phát triển.
Công nghiệp Điện tử, Công nghệ thông tin: Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 15/2005/QĐ-BTC về việc điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng kinh kiện, phụ tùng điện tử. Theo đó, thuế suất nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng được giảm trung bình 73%. Nhiều mặt hàng có mức giảm thuế suất khá cao, như máy biến áp quét từ 30% xuống còn 5%, tấm mạch in đã lắp ráp từ 20% xuống còn 5%, đầu đọc hình hoặc tiếng dạng đầu từ, đầu hoặc thanh xoá từ giảm từ 20% xuống còn 0%... Việc điều chỉnh này được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi ổn định từ 3 đến 5 năm, xem xét bảo hộ hợp lý một số linh kiện, phụ tùng trong nước đã sản xuất được, giảm thuế suất xuống 0% những loại linh kiện, phụ tùng trong nước không thể sản xuất được hoặc không nên sản xuất.
Mặc dù được đánh giá là nhóm ngành có khả năng cạnh tranh có điều kiện do lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng Ngành này trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu quyết liệt hơn nữa, trong đó phải lấy FDI là động lực cho phát triển, cho nên cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngoài những giải pháp riêng của từng ngành, mọi doanh nghiệp đều phải quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cho KHCN, đào tạo, xây dựng thương hiệu, hoạt động marketing, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào sản xuất-quản lý... Bộ Công nghiệp cũng hết sức khuyến khích, tạo điều kiện để phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp, khuyến khích việc hợp tác trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi bên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hoá-hiện đại hoá với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Vì vậy, việc bắt kịp các xu thế thời đại, chủ động và đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc gia nhập WTO có vai trò đặc biệt quan trọng, mà ngành Công nghiệp cần quyết tâm bằng mọi nỗ lực, vượt qua mọi trở ngại, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình hội nhập đầy đủ với khu vực và thế giới.

 
(Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Công nghiệp)