PV: Thưa Bộ trưởng, ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua một chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển. Trước sự kiện này, Bộ trưởng có cảm nhận và suy nghĩ gì? 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tiền thân của Bộ Công Thương là Bộ Kinh tế được thành lập từ năm 1945. Ngày 14/5/1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 21/SL quyết định đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua từng giai đoạn lịch sử, cùng với sự phát triển của đất nước, Bộ Công Thương đã nhiều lần thay đổi tổ chức quản lý cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị ở mỗi thời kỳ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp - Thương mại và nền kinh tế nước nhà. Cho đến ngày 31/7/2007, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH 12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Ngày 02/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam”. 

Như vậy, cho đến nay, ngành Công Thương Việt Nam đã tròn 60 năm xây dựng và phát triển. Trải qua chặng đường đầy gian nan và thử thách đó, với tấm lòng yêu nước và bản lĩnh chính trị của một dân tộc anh hùng, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong Ngành đã luôn phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, đồng tâm nhất trí, nỗ lực phấn đấu hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Với những thành tích trong 60 năm qua, tất cả chúng ta, những người đã và đang công tác trong ngành Công Thương, đều có quyền tự hào về những thành tựu mà các thế hệ đi trước đã đạt được. Đây chính là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để các thế hệ cán bộ công nhân viên, người lao động của Ngành tiếp tục nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu xây dựng đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

PV: Xin Bộ trưởng khái quát những thành tựu và kết quả đạt được của ngành Công nghiệp và Thương mại trong những năm vừa qua, đặc biệt từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đến nay?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trước năm 1975, ở miền Nam, do phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên nền công nghiệp thiếu cân đối, phụ thuộc nhiều vào thị trường ngoại nhập, từ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu đến máy móc và phụ tùng thay thế, ngoài một số cơ sở có quy mô vừa còn đa số là các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật phần lớn các cơ sở công nghiệp ở tình trạng chắp vá. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào nước ngoài về trang thiết bị thay thế và nguyên liệu (khoảng 70 - 100% nguyên liệu là nhập khẩu), do vậy, tỷ trọng của Ngành chỉ chiếm 8 - 10% tổng sản phẩm xã hội. Trong khi đó, ở miền Bắc, cơ cấu công nghiệp đã phát triển hoàn chỉnh hơn, bao gồm các ngành công nghiệp nặng như: điện, than, gang thép, chế tạo máy công cụ; công nghiệp hóa chất; công nghiệp nhẹ và chế biến lương thực, thực phẩm… Tuy vậy, công nghiệp miền Bắc vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, như: trình độ quản lý còn thấp, sản xuất chưa ổn định, chưa có cơ sở nguyên liệu trong nước vững chắc, chưa tạo được tích lũy và chưa có thị trường cho các sản phẩm của mình. Đặc biệt, các ngành công nghiệp nặng then chốt còn nhỏ bé, chưa đủ khả năng trang bị hiện đại hóa cho các ngành kinh tế quốc dân.
Trước tình hình đó, Đại hội VI của Đảng đã thông qua chủ trương thực hiện đường lối đổi mới, trong đó tập trung vào đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Đồng thời, bố trí lại cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ cấu đầu tư nhằm tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện 3 chương trình kinh tế về lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Từ đó, thành tựu và kết qủa của các hoạt động công nghiệp và thương mại của đất nước ngày càng phát triển khả quan. 

Về sản xuất công nghiệp, trong một thời gian dài, công nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, vững chắc và có tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh giai đoạn 1986 - 2005 tăng bình quân 12,3%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 13,8%/năm; cộng chung cả giai đoạn 1986 - 2010 tăng 12,6%/năm, đã khẳng định vị thế của công nghiệp trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đóng góp vai trò và tỷ trọng ngày càng tăng cho phát triển kinh tế. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng nhanh và liên tục (năm 1988 là 21,6%, năm 1995 là 28,8%, năm 2010 chiếm khoảng 42,2%). Cơ cấu đã từng bước được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, từ 78,7% năm 2000 lên 83,2% năm 2007 và đạt 86,9% năm 2010; giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, từ 15,8% năm 2000 xuống còn 11,2% năm 2005 và còn 9,2% năm 2010; tương tự, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước giảm từ 5,5% năm 2000 xuống 3,9% năm 2010. 

Công nghiệp đạt được mức tăng trưởng cao ở cả 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng trưởng cao trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế, tăng tính chủ động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Các sản phẩm công nghiệp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, cung ứng đảm bảo nhu cầu những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và tiêu dùng phục vụ cho đời sống của nhân dân. Nhiều sản phẩm công nghiệp mới đã được sản xuất và cung ứng trong giai đoạn 2001 - 2010, đặc biệt là các sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử, một số chủng loại ô tô, xe máy, tầu biển, các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện... Công nghiệp cơ khí đã có sự phát triển khá rõ nét sau một số năm trầm lắng, đã chế tạo được thiết bị toàn bộ cho nhiều dự án. Công nghiệp hỗ trợ bắt đầu hình thành và từng bước phát triển phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hoá ở một số ngành đã đạt khá cao, như: xe máy 85 - 90%, thiết bị điện 80 - 90%… Khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp tuy vẫn còn một số hạn chế, nhưng hầu hết các đã có thị trường tiêu thụ, thị trường nội địa ngày càng được mở rộng. 

Về xuất nhập khẩu, xuất khẩu tăng nhanh, nhập khẩu đáp ứng các nhu cầu cần thiết về thiết bị, vật tư, nguyên nhiên liệu, hàng tiêu dùng cho sản xuất và đời sống nhân dân. 

Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 (ước đạt 72,2 tỷ USD), gấp 92 lần năm 1986, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986 - 2010 là 26%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu được chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ chỗ chỉ xuất khẩu một vài nông sản, thủy sản và lâm sản, đến năm 2010, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chúng ta đã tương đối phong phú về chủng loại, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến ngày càng tăng. 

Năm 1986, nhập siêu ở mức 300%, nhưng trong mấy năm gần đây đã giảm xuống chỉ còn ở mức trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu (năm 2010 được khống chế ở mức 17,5%). Thị trường xuất khẩu được mở rộng vượt bậc, từ chỗ chỉ trong nội khối xã hội chủ nghĩa (trước năm 1986) đến năm 2010, hàng hoá nước ta đã vươn tới trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Về thị trường nội địa, hàng hoá, dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, nâng cao về chất lượng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội liên tục tăng qua các năm. Tính theo giá thực tế, nếu năm 1985 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội mới chỉ là 65,1 tỷ đồng, thì đến năm 1995 đã đạt mức 121,16 ngàn tỷ đồng, năm 2000 là 220 ngàn tỷ đồng và đến năm 2010 đạt 1.561,6 ngàn tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986-2010 là 65,6%/năm. 

Đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia thị trường, khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Trên thị trường, thương nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ, cho đến nay đã chiếm khoảng 80% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội. 

Từng bước hình thành các kênh lưu thông, trong đó có hệ thống phân phối một số mặt hàng chủ yếu như xăng dầu, xi măng, phân bón, gạo và một số mặt hàng nông sản khác. Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xuất hiện một số chợ đầu mối nông sản, chợ chuyên doanh đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức mua bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ ở nông thôn ngày càng phát triển. 

Bên cạnh đó, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Những thành tựu cơ bản đạt được trên lĩnh vực kinh tế đã củng cố vị thế của đất nước về chính trị và ngoại giao... 

PV: Thưa Bộ trưởng, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phát triển ngành và hội nhập quốc tế thành công, xin Bộ trưởng cho biết, những định hướng phát triển lớn của ngành Công Thương Việt Nam là gì?
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Về phát triển công nghiệp, chúng ta sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh hơn, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp để giữ vững và mở rộng thị trường; tạo điều kiện để tăng trưởng và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế hơn, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế trong giai đoạn đến năm 2020 theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp một cách vững chắc; Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng (như: năng lượng, lọc hoá dầu, hoá dược, luyện kim, hoá chất, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng...) để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới; Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng để bảo đảm nhu cầu trong nước và tăng xuất khẩu; phát triển một số ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng phát triển ngành và năng lực cạnh tranh; Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp giữa các địa phương trên cả nước để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp; Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, triển khai tích cực việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ theo quy hoạch được duyệt, bước đầu hình thành sự phân công sản xuất, liên kết, hợp tác tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm; Phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp, vùng công nghiệp trọng điểm... 

Về phát triển thương mại, định hướng của chúng ta là đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường, mặt hàng, vừa nâng cao hiệu quả xuất - nhập khẩu phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục mở rộng giao thương thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong đó, chú trọng chọn lựa những đối tác vừa có thể đưa lại lợi ích thương mại và vừa phục vụ mục tiêu chiến lược ngoại giao. Tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Bên cạnh đó, phát triển thị trường nội địa trên cơ sở đảm bảo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, tham gia điều tiết thị trường, ổn định giá cả, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu, cung cấp đầy đủ, kịp thời các mặt hàng chính sách cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Phát triển các kênh phân phối từ qui mô nhỏ, manh mún và phân tán trở thành các hệ thống và các kênh phân phối mạnh, vừa mở rộng về qui mô và phạm vi, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và phát triển tiêu dùng trong nước. Đa dạng hoá các kênh phân phối trên cơ sở đa dạng hoá các loại hình tổ chức, các lĩnh vực kinh doanh, các thành phần kinh tế cùng tham gia và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong lĩnh vực thương mại. Góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp, nông thôn do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra. Phấn đấu đưa tỷ trọng bán lẻ của các loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ từ khoảng 20% hiện nay lên 40% vào năm 2020. 

Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm phát triển thương mại điện tử và hạ tầng thương mại, góp phần quan trọng để thúc đẩy thương mại phát triển, phù hợp và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Từng bước nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong ASEAN, cũng như trong các Ủy ban liên Chính phủ. Tiếp tục tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác như APEC, ASEM; tăng cường tận dụng các cơ hội do các Tổ chức và Diễn đàn này mang lại để nâng cao năng lực và giải quyết các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, khu vực. Nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư để thúc đẩy hợp tác, đầu tư và buôn bán giữa Việt Nam với các nước, để từ đó tạo sức hấp dẫn lớn hơn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!