Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng hiện đại, vững chắc gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình CNH, HĐH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 đạt từ 16 -17%. Trong đó: giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 17 – 18%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 16 - 17%/năm; phát triển thương mại, dịch vụ bám sát định hướng phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10 - 11%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 12-13%. 

Theo đó, ngành Công Thương Quảng Trị cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đem lại giá trị kinh tế lớn, sử dụng nhiều lao động và gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng đến các ngành có lợi thế như: Chế biến nông - lâm - thuỷ sản và đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác chế biến khoáng sản, may mặc, giày da, lắp ráp điện, điện tử, điện lạnh... Đồng thời, khuyến khích công nghiệp nông thôn phát triển, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, CCN, khu kinh tế; Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư lớn để tạo ra các cơ sở công nghiệp chiến lược trong tỉnh. Cùng với đó, ngành Công Thương Quảng Trị quan tâm đầu tư chiều sâu cho khoa học công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao với hàng ngoại nhập. Kết hợp đào tạo nguồn lao động đảm bảo chất lượng, nhất là đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. 

Bên cạnh đó, Quảng Trị tập trung nâng cao năng lực sản xuất của ngành cơ khí, phát triển cơ khí chế tạo, sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế. Đóng và sửa chữa tàu đánh cá, phương tiện vận tải thủy bộ, triển khai thực hiện các dự án cơ khí quan trọng như: cán kéo thép chất lượng cao, sản xuất phụ tùng xe máy, xe đạp, lắp ráp xe tải nhẹ, sửa chữa và đóng mới các loại tàu thuỷ. Đặc biệt, Quảng Trị sẽ quan tâm tới việc đầu tư phát triển các nguồn điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở vùng biển Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, vùng núi Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, Tây Gio Linh... Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than, công suất 1.200 MW và nhà máy nhiệt điện khí, công suất 1.350 MW, nhà máy chiết suất khí đốt tự nhiên, khu phức hợp hóa dầu tổng hợp, KCN đa ngành... tại khu Đông Nam Quảng Trị. 

Khu công nghiệp Nam Đông Hà

Quảng Trị sẽ phát triển thương mại theo cơ chế thị trường, đa dạng hóa các loại hình hoạt động kinh doanh trên cơ sở bình đẳng, hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hóa nông sản, các sản phẩm tiêu biểu được xem là đặc sản của địa phương, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu như: Chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu, tinh bột sắn, gỗ công nghiệp, bột giấy, thuỷ hải sản... Trong đó, chú trọng tới một số ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản gắn với qui hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu xây dựng thành phố Đông Hà, khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại, đầu mối trao đổi, giao dịch hàng hoá, dịch vụ lớn của cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ, các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (Lào - Thái Lan - Mianmar) và các nước trong tiểu vùng sông Mêkông mở rộng. Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, chuẩn bị đáp ứng các điều kiện, tiêu chí cần thiết để thành lập Khu kinh tế cửa khẩu La Lay trong giai đoạn 2016 - 2020 theo Quy hoạch hệ thống khu kinh tế cửa khẩu của cả nước. 

Quan tâm phát triển thị trường miền núi, miền biển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu các mặt hàng thiết yếu của dân cư, tổ chức tốt thu mua nguồn hàng nông sản, phát triển hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống chợ đầu mối, chợ nông thôn, chợ chuyên doanh hàng hoá theo quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt. Phát triển mạnh mạng lưới chợ trung tâm các huyện, thị xã, chợ đầu mối của vùng. Khuyến khích đầu tư phát triển các trạm, điểm thu mua nông sản, cửa hàng xăng dầu, kho hàng, bến bãi... tạo thành một mạng lưới thương mại dịch vụ phủ khắp địa bàn tỉnh. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt khoảng 80-100 triệu USD, năm 2020 đạt khoảng 170 - 200 triệu USD nhập khẩu đạt khoảng 90 triệu USD. 

Bên cạnh đó, Quảng Trị thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá để mở rộng giao thương với các nước trong khu vực và hợp tác quốc tế. Giữ chữ tín trong kinh doanh, từng bước tạo được năng lực cạnh tranh, ứng phó được với điều kiện cạnh tranh gay gắt và thực hiện đầy đủ cam kết về AFTA và gia nhập WTO. Chú trọng phát triển các thị trường trọng điểm trong khu vực và có nhiều tiềm năng mở rộng như Thái Lan, Lào, các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Âu... Đồng thời, tăng cường khai thác hiệu quả lợi thế hành lang kinh tế Đông – Tây và khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo tạo động lực cho các vùng, miền kinh tế - xã hội của Quảng Trị phát triển, phấn đấu đến năm 2020 Quảng Trị trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.