Theo báo cáo của Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm về tình hình triển khai hàng tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán của các Công ty và Tổng công ty trực thuộc Bộ, cho thấy các đơn vị đều đã lên kế hoạch sản xuất và dự trữ hàng từ rất sớm. Trong năm, Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội đã tung ra thị trường các sản phẩm bia có chất lượng cao như bia tươi Hà Nội, bia chai Hà Nội xanh, bia chai cao cấp, Bia Hà Nội Premium 330 ml và một số loại rượu cao cấp bên cạnh những sản phẩm truyền thống đã được khách hàng ưa chuộng. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Tổng công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 115 triệu lít bia và 104 triệu lít rượu. Tổng công ty cũng sẽ có chương trình khuyến mãi giật nắp lon trúng thưởng cho tất cả khách hàng trên toàn quốc.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn đã huy động sản xuất ở tất cả các công ty mẹ, công ty con và các đơn vị hợp tác sản xuất, để gia tăng sản lượng sản xuất các mặt hàng bia (tăng 35,88%) và nước giải khát (tăng 75%) so với cùng kỳ năm 2006. Năm 2007, Tổng công ty tiếp nhận thêm Công ty CP Rượu Đồng Xuân, nên sản lượng rượu phục vụ Tết được nâng lên đến 1,565 triệu lít. Riêng Công ty Rượu Bình Tây, sản lượng sản xuất hàng trong dịp Tết tăng khoảng 470% so với cùng kỳ, do nhà máy mới đóng tại Bình Dương đi vào sản xuất ổn định. Công ty cũng có chương trình khuyến mãi trong dịp Tết Nguyên đán được bắt đầu từ 1/1/2008 đến 31/1/2008.

Về mặt hàng thuốc lá điếu và bánh kẹo, cũng theo báo cáo của Vụ Công nghiệp và Tiêu dùng, do tác động của giá cả hàng hoá đầu vào tăng cao, đã gây ảnh hưởng đến việc bình ổn giá cả đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm thuốc lá điếu và bánh kẹo của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tiêu thụ trên thị trường chưa có biến động về giá cả và sản lượng. Mặt hàng dầu ăn năm qua cũng phải đối mặt với tốc độ tăng giá nguyên liệu liên tục, nhưng do dự đoán được trước tình hình nên toàn ngành Dầu Thực vật đã có kế hoạch dự trữ hàng từ trước. Các công ty trong Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với nhau để điều tiết tốc độ tăng giá bán sản phẩm trong nước. Dự kiến, để phục vụ Tết Nguyên đán, Ngành sẽ đáp ứng khoảng 150.000 tấn dầu thực vật, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.   

Theo ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm (Bộ Công Thương), hiện nay giá đầu vào của các mặt hàng dầu ăn, bia, sữa đều tăng rất cao, cụ thể như nguyên liệu cho sản xuất bia là Mal tăng gần 2 lần, hoa Huolon tăng trên 4 lần, dầu thô tăng 2,5 lần, sữa nguyên liệu tăng trên 2 lần, do đó, sức ép tăng giá bán đối với các doanh nghiệp là rất lớn. Trong thực tế các doanh nghiệp FDI, dân doanh và các đại lý bán hàng đã tăng giá bán. Các doanh nghiệp Nhà nước chưa tăng giá vì còn chịu sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc kiềm chế tốc độ tăng giá. Tuy nhiên, trong dịp Tết, có khả năng các doanh sẽ điều chỉnh giá bán, nhưng mức điều chỉnh không có nhiều đột biến.

Hưởng ứng sự chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện các biện pháp điều hành giá cả, bình ổn thị trường trong nước, Sở Thương mại (Sở Thương mại/Du lịch) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã có văn bản chỉ đạo doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tốt nguồn hàng, có kế hoạch đưa hàng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng bị bão lũ… Nhiều địa phương đã hỗ trợ kinh phí dự trữ hàng phục vụ Tết, hỗ trợ cước vận tải để chuyển hàng lên vùng sâu, vùng xa phục vụ cho đồng bào đang còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.   

Theo Bộ Công Thương, mới đến tháng 11/2007, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chuẩn bị và dự trữ đủ các nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể:

Tại Hà Nội, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã chuẩn bị 177.000 tấn gạo, bột mỳ các loại; Công ty Xăng dầu khu vực 1 đã dự trữ 12.000 m3 xăng dầu, tăng 2.800 m3 so với Tết Đinh Hợi; Tổng công ty Thương mại và các đơn vị thành viên dự trữ 240 tấn thịt các loại, 800 tấn thực phẩm chế biến, 100 tấn rau, 200 tấn bánh mứt kẹo, 600 tấn dầu ăn, 65 tấn mì chính…; Các trung tâm thương mại, siêu thị dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu với tổng số tiền khoảng 400 tỷ đồng; Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tại các chợ dự kiến đưa ra tiêu thụ trên thị trường hàng nghìn tấn thịt gia cầm, hải sản và các loại rau, củ, quả khác.

Tại T/P Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH TM và Chế biến thực phẩm An Sinh, Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố… đã chuẩn bị nhiều tấn hàng hoá cung cấp cho thị trường, đồng thời dự trữ hàng chục nghìn tấn thực phẩm các loại như thịt heo, thịt bò, thực phẩm đã chế biến, thuỷ sản, rau củ quả, đường, bia các loại… 

Tại T/P Cần Thơ, một số mặt hàng thiết yếu như đường, sữa, bánh kẹo, nước chấm các loại, bột ngọt, bột giặt, xăng, dầu các loại… cũng được chuẩn bị và dự trữ đủ để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong vùng.

Tại T/P Hải Phòng, dự báo mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên địa bàn thành phố sẽ tăng trên 20% so với các tháng trong năm. Do đó, Thành phố đã dự kiến lượng hàng thiết yếu phục vụ Tết khoảng 14.000 tấn gạo, 2.600 tấn thịt lợn, bò, gà, cùng với hơn 2.000 tấn cá và các loại hải sản, 13.000 rau quả và các mặt hàng bia, rượu, bành mứt kẹo khác…

Các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty lương thực miền Nam, Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Mía đường 1, Tổng công ty Rau quả- Nông sản cũng đã chuẩn bị số lượng hàng hóa lớn, được cung ứng đến tất cả các hệ thống siêu thị, đại lý cũng như các cửa hàng phục vụ vãng lai trên toàn quốc. Các doanh nghiệp đều cam kết thực hiện nghiêm các quy định về quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để mang lại một cái Tết an toàn và yên vui cho người dân trong năm mới 2008.