Tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành Da Giầy Việt Nam lâu nay cho thấy một thực tế gần như mang tính quy luật, đó là tình trạng thua lỗ hầu như toàn rơi vào các doanh nghiệp nhà nước, trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân thì vẫn hoạt động, thậm chí hoạt động rất tốt. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Câu chuyện sản xuất, kinh doanh của Công ty Giầy Thăng Long đã cho thấy nguyên nhân thứ nhất. Tháng 10/1998, Giầy Thăng Long tiếp nhận Nhà máy Giầy Chí Linh - Hải Dương, đơn vị hạch toán độc lập của Tổng Công ty Da Giầy Việt Nam. Hơn 1 năm sau, tháng 12/1999, Giầy Thăng Long tiếp nhận thêm Nhà máy Giầy Thái Bình - thuộc Sở Công nghiệp Thái Bình. Khi tiếp nhận, cả hai đơn vị này đều gặp khó khăn đặc biệt về tài chính, sản xuất gián đoạn, thua lỗ kéo dài. Công ty Giầy Thăng Long buộc phải vay vốn đầu tư để khôi phục sản xuất. Năm 2001, Công ty đầu tư hoàn chỉnh 6 dây chuyền sản xuất, trong đó, 2 ở Giầy Thái Bình, 2 ở Giầy Chí Linh và 2 ở Hà Nội. Tổng vốn đầu tư tại 3 cơ sở lên đến hơn 73 tỷ đồng. Theo tính toán, để đảm bảo sản xuất hoà vốn, Công ty phải đạt sản lượng từ 3 đến 3,2 triệu đôi giầy với doanh thu 120 - 150 tỷ đồng/năm. Nghiệt ngã thay, thời điểm này cũng trùng với sự suy thoái chung của ngành sản xuất giầy nước ta. Sau khi hoàn thành đầu tư, sản lượng và doanh thu của Công ty ngày càng sa sút. Số lỗ luỹ kế tính đến 31/12/2002 là hơn 25 tỷ đồng, chủ yếu là do chi trả lãi vay ngân hàng và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Có thể nhận thấy rằng, Giầy Thăng Long đã mắc sai lầm nghiêm trọng do đầu tư quá nhiều vào máy móc, trong khi ngành Giầy lúc đó đang bắt đầu đi vào thoái trào, bởi nguồn xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Đông âu giảm mạnh. Nói một cách khác, kinh doanh kiểu “đun nước chờ gạo” hoàn toàn không phù hợp với ngành Da Giầy, khi mà doanh nghiệp không chủ động được về đơn hàng và sản xuất chủ yếu là theo phương thức gia công. Đây cũng là một nguyên nhân khá phổ biến của rất nhiều doanh nghiệp nhà nước trong ngành.

Trong khi đó thì doanh nghiệp tư nhân, với số vốn có hạn, hình thức kinh doanh linh hoạt, lại luôn lấy nguyên tắc “có cầu mới có cung” làm phương châm hành động. Một điều dễ nhận thấy rằng, đứng đằng sau một doanh nghiệp da giầy tư nhân luôn là một “đại gia” ngoại quốc, sẵn sàng bỏ vốn đầu tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân đó. Sau khi nhận một đơn hàng, lúc đó họ mới bắt tay vào việc mua sắm, lắp đặt các thiết bị, dây chuyền, máy móc. Có thể, với kiểu kinh doanh này, không mấy khi họ “vào cầu”, nhưng chắc chắn sẽ không bị rơi vào tình trạng thua lỗ và phá sản như các doanh nghiệp nhà nước. Thực tế cho thấy, xu hướng phát triển tất yếu của ngành Da Giầy là gia công hoá và hầu hết các doanh nghiệp trong ngành như Giầy Ngọc Hà, Giầy Thuỵ Khuê, Giầy Phúc Yên… còn tồn tại đến nay đều kinh doanh theo phương thức ấy.

Trường hợp Công ty Giầy Hiệp Hưng lại cho thấy thêm một nguyên nhân nữa, đó chính là sự yếu kém trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ chỗ được mệnh danh là một “cánh chim đầu đàn” của ngành Da Giầy Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thế mà trong khoảng từ năm 1999 – 2001, Giầy Hiệp Hưng bắt đầu tụt dốc thảm hại. Và đến năm 2002, Bộ Công nghiệp đã phải ra quyết định cảnh cáo tập thể lãnh đạo Công ty Giầy Hiệp Hưng và cách chức Tổng Giám đốc Nguyễn Kao Tường cùng cảnh cáo một số cán bộ khác. Lỗi của Hiệp Hưng là ở chỗ đã buông lỏng quản lý. Trong quá trình chuyển từ phương thức gia công sang mua đứt bán đoạn, đội ngũ kế toán bị xáo trộn và đã thay đổi liên tục nên không thể quản lý, theo dõi được việc mua sắm vật tư, thực hiện hợp đồng, sản phẩm chất lượng kém, hàng giao khách không nhận…dẫn đến tồn đọng hàng hoá lên tới 91 tỷ đồng. Ngoài ra, Giầy Hiệp Hưng cũng lặp lại hành trình: vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, mở rộng sản xuất quá nhanh, không phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường, lãi mẹ đẻ lãi con nên có năm, Hiệp Hưng phải trả lãi tới trên 20 tỷ. Đây là một bài học đau xót trong công tác quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước lại nằm trong chính cơ chế quản lý “hộp” của Nhà nước. Bên cạnh ưu điểm là quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, thì cũng chính những cơ chế này lại góp phần “trói tay” các doanh nghiệp. Đó là ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp trong ngành bởi thực tế, để đi đến việc ký kết những hợp đồng, doanh nghiệp cần một số khoản tạm gọi là “đi đêm” cho những khâu trung gian, cò mồi, cũng như những khoản hoa hồng cho khách hàng. Trong khi đó, nguyên tắc công khai tài chính đã khiến doanh nghiệp không biết kê khai khoản đó vào hạng mục nào cho hợp lý. Còn các doanh nghiệp tư nhân không bao giờ vấp phải những vướng mắc này, bởi họ không chịu sự quản lý của ai cũng như không phải giải trình với ai. Họ độc lập trong việc thu và chi. Vì thế, cơ chế quản lý linh hoạt này đã đem lại cho họ rất nhiều lợi thế trong thương trường. Nhận thấy sự thiếu hụt này, hai năm trước, Bộ Tài chính đã bổ sung một hạng mục cho doanh nghiệp, có thể gọi nôm na là môi giới hoa hồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối với việc chi cho môi giới, không mức nào có thể gọi là chuẩn. Vì vậy, đứng trước sự cân nhắc đó, các doanh nghiệp hầu như vẫn phải tìm cách biến báo sao cho hợp lý. Và sự thiếu linh hoạt này cũng dẫn doanh nghiệp đến chỗ mất đi những mối hàng béo bở.

Từ những nguyên nhân này, một lần nữa, phải khẳng định, chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là vô cùng đúng đắn, bởi nó mang đến cho doanh nghiệp quyền tự quyết, chấm dứt tình trạng bị “bó tay” cũng như bắt buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý cũng như kế hoạch đầu tư của mình. Khi thực hiện cuộc “thay máu” này, doanh nghiệp không còn bầu sữa mẹ để dựa dẫm, buộc phải tự đi trên đôi chân của mình. Hội đồng quản trị sẽ tự quyết định và chịu trách nhiệm trước mọi cơ chế, chính sách, điều lệ hoạt động của mình. Hiện nay, công tác cổ phần của ngành Da Giầy đang được thực hiện rất tích cực, dù vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề làm lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp có thể cổ phần hóa được. Điều này rất khó, nhưng khó mấy cũng phải làm, vì đối với ngành Da Giầy, không còn con đường nào khác./.