Khai thác triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2002, tỉnh Tuyên Quang có gần 5 nghìn cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn. Trong đó, thành phần tham gia chủ yếu là hộ gia đình 4.460 hộ, 330 tổ nhóm, 70 doanh nghiệp tư nhân, 59 hợp tác xã và 55 công ty TNHH. Chỉ trong vòng 5 năm (từ 1996-2001) đã có thêm 1.434 cơ sở (tăng 46,64%). Sự tăng vọt về số lượng các cơ sở ngành nghề đã mang lại những hiệu quả về kinh tế xã hội khả quan. Đến nay, ngành nghề nông thôn đã thu hút được gần 13 nghìn lao động (chiếm 3,35% tổng số lao động nông thôn)
Công nghiệp khai thác sản xuất vật liệu xây dựng trở thành ngành có thế mạnh nhất với 454 cơ sở và hơn 2.000 lao động. Năm 2002, giá trị sản xuất đạt 33,6 tỷ đồng, chiếm 20,8 % tổng giá trị sản xuất của các ngành nghề. Sản phẩm chính là đá, vôi, gạch, ngói, cát, sỏi...Với trữ lượng hàng tỷ m3, đá vôi trở thành nguồn tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn nhất, phân bố hầu khắp trong tỉnh, trong đó đáng chú ý là khu vực xã Tràng Đà và một số xã thuộc huyện Yên Sơn. Nguồn tài nguyên này trong nhiều năm qua đã được khai thác triệt để, hàng loạt các cơ sở khai thác sản xuất đá, vôi quy mô lớn nhỏ đã ra đời. ở vùng núi Bạch Mã (Yên Hương- Hàm Yên) có một mỏ đá trắng trữ lượng 100 triệu m3, khai thác 2 vạn m3/năm, là nguồn nguyên liệu có giá trị cho những cơ sở sản xuất gạch ốp lát trên địa bàn huyện Hàm Yên. Những khoáng sản có trữ lượng lớn và có giá trị kinh tế như đất sét, đất chịu lửa, thạch cao... cũng trở thành nguồn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gạch xây, gạch chịu lửa, gạch Tuy nen...
Hệ thống sông ngòi của Tuyên Quang khá dày đặc, gồm 3 con sông lớn: Sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy đã tạo ra nguồn lợi lớn từ việc khai thác cát và sỏi. Dọc sông Lô có hàng chục cơ sở khai thác và sản xuất 2 loại vật liệu trên phục vụ cho xây dựng. Ngoài ra, hệ thống sông ngòi còn tạo cho Tuyên Quang khả năng lớn về giao thông vận tải, một số hợp tác xã giao thông vận tải thuỷ đã ra đời và hoạt động khá hiệu quả. Sản phẩm của ngành nghề khai thác sản xuất vật liệu xây dựng không chỉ đáp ứng được nhu cầu xây dựng của Tỉnh, mà còn được ưa chuộng tại những tỉnh lân cận như Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái...
Tuyên Quang được biết đến là một trong những vùng chè lớn của cả nước, bước đầu hình thành được vùng chuyên canh cây chè phục vụ cho chế biến tại chỗ của 2 nhà mày chè và hàng trăm cơ sở chế biến nông, lâm sản đóng trên địa bàn. Tiêu biểu là vùng chè Yên Sơn, Hàm Yên, Sơn Dương. Khoảng chục năm trở lại đây, cây mía cũng tạo ra hiệu quả kinh tế không nhỏ, nhiều lò đường công suất nhỏ vẫn tồn tại, cùng với hai dây chuyền sản xuất đường lớn của tỉnh (Nhà máy Đường Tuyên Quang, Nhà máy Đường Sơn Dương). Đã bước đầu hình thành những vùng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung như cam, quýt, nhãn, vải... phục vụ cho công nghiệp chế biến. Diện tích rừng trồng ngày càng tăng, chủ yếu là mỡ, keo, bồ đề và một số cây bản địa như trám, sếu, quế. Với số lượng và chất lượng rừng trồng như hiện nay, đủ khả năng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy và những cơ sở chế biến lâm sản hoạt động. Giá trị sản xuất của ngành nghề chế biến nông, lâm sản đạt trên 29 tỷ đồng, chủ yếu là chế biến chè và chế biến gỗ. Tận dụng tốt mọi tiềm năng sẵn có tại địa phương, những ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, cơ khí sửa chữa xây dựng, dịch vụ cho sản xuất- đời sống (may mặc, vận tải, phục vụ sản xuất...) cũng đang dần được khôi phục, hình thành và phát triển.
Thu nhập của người lao động làm việc trong các ngành nghề nông thôn khá cao, trung bình khoảng 450-600 ngàn đồng/người/tháng, cá biệt nghề thủ công mỹ nghệ còn đem lại mức thu nhập lên tới 1,2 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này cao gấp 2-3 lần thu nhập từ lao động nông nghiệp. Điều này cho thấy vai trò của các ngành nghề nông thôn đối với sự phát triển kinh tế nông thôn miền núi. Không những thế, lĩnh vực này còn góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ lệ giá trị hàng hoá từ công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Tạo được việc làm cho lực lượng lao động dư thừa và lao động lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho nông thôn miền núi, tăng sản phẩm xã hội; Góp phần xoá đói giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội, tạo điều kiện tốt cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Còn đó những trăn trở
Một thực tế là ở Tuyên Quang, những làng nghề truyền thống hầu như không có. Theo số liệu điều tra phân loại làng nghề của Cục Chế biến Nông- lâm sản và ngành nghề nông thôn (Bộ NN–PTNT) vào tháng 9-2002, trên địa bàn 144 xã, thị trấn của toàn Tỉnh, chỉ có 8 làng nghề. Mây tre đan có 2 làng, khai thác đá 1 làng, kim khí 2 làng và các ngành nghề khác 3 làng. Một thời, Tuyên Quang đã có một số làng nghề thủ công truyền thống mang đậm nét đặc trưng của mỗi dân tộc sinh sống ở đây, như nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Tày, dân tộc Cao Lan... Nhưng cho tới nay, nghề dệt chỉ còn tồn tại ở một số hộ gia đình, làng bản nông thôn vùng cao. Họ sản xuất theo phương thức tự túc, tự cấp bằng công cụ lao động thủ công, vốn tự có, sản phẩm chủ yếu là vải mặc, thổ cẩm, chăn, màn... Khó khăn chính ở đây là nguyên liệu vẫn sử dụng giống bông cỏ địa phương trồng trên đất dốc, năng suất thấp, mẫu mã đơn điệu, việc tiếp cận thị trường còn hạn chế. Đây là vấn đề chung dẫn tới sự biến mất của một số nghề thủ công truyền thống như mây tre đan, làm chổi chít...Theo ông Đào Văn Huệ- Phó chủ tịch Liên minh HTX Tuyên Quang thì, “việc khôi phục lại những làng nghề truyền thống hiện nay là một việc làm gần như không thể thực hiện được, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do sự thiếu tập trung và sự gắn kết trong cộng đồng dân cư”.
Những ngành nghề nông thôn khá phát triển như khai thác sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản... cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do mới được khôi phục, mở mang trong thời kỳ đổi mới, nên quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật đơn giản, máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp. Về nhân lực, lực lượng lao động dồi dào, nhưng chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, làm việc bằng kinh nghiệm và không qua đào tạo cơ bản và tập huấn về nghề, truyền nghề.
Đầu ra của sản phẩm là yếu tố quyết định sự tồn tại của các ngành nghề nông thôn, nhưng trên thực tế, những thông tin thị trường về tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn chủ yếu được khai thác qua các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ sở tự tìm kiếm đầu ra. Vì vậy, thị trường tiêu thụ bị bó hẹp trong địa phương, chưa tạo ra được số lượng và chất lượng hàng hoá cho xuất khẩu, chưa có một hệ thống chuyên trách nghiên cứu và phát triển thị trường, nên rất thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Việc thất thu dẫn tới ngừng hoạt động của hàng loạt cơ sở chế biến chè trong 6 tháng đầu năm 2003 là một ví dụ. Sự biến động của tình hình thế giới sau cuộc chiến tranh Irắc, đã dẫn tới việc thị trường chè bị thu hẹp, không có một sự định hướng nào, nên các cơ sở cứ tiếp tục sản xuất. Kết quả là hàng ngàn tấn chè thành phẩm đang chất đống trong kho, người lao động không có việc làm.
Vốn đầu tư cho các ngành nghề còn nhỏ bé, bình quân 12,41 triệu đồng/1 lao động, dẫn đến giá trị sản xuất 1 năm chỉ đạt bình quân 14,24 triệu đồng. Để mở rộng, phát triển sản xuất các ngành nghề nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, cụ thể năm 2002, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các HTX và hộ dân vay mua máy nông nghiệp là 5.990 triệu đồng, ngân sách Tỉnh hỗ trợ lãi suất. Thế nhưng, không phải cơ sở nào cũng dám mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi theo ý kiến của ông Đào Văn Huệ, “do trình độ quản lý còn non kém, mở rộng có khi lại thất bại”.
Để giải quyết những khó khăn và tiếp tục phát triển ngành nghề nông thôn, Tuyên Quang đã có nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đào tạo con người. Liên minh HTX Tuyên Quang đã mở lớp đào tạo cho hơn 100 cán bộ quản lý, mở các lớp huấn luyện thợ nổ mìn cho các HTX khai thác đá, đồng thời tạo điều kiện cho các HTX vay vốn theo chương trình 120 tạo việc làm, đến nay, chương trình này đã giải ngân được hơn 400 triệu đồng cho các HTX tiểu thủ công nghiệp...Việc làm của Liên minh HTX Tuyên Quang đã giúp cho ngành nghề nông thôn tiếp tục phát huy vai trò của mình trong xây dựng cuộc sống nông thôn miền núi ngày càng giàu đẹp.
Trong tương lai, ngành nghề nông thôn Tuyên Quang cần có một chiến lược quy hoạch phát triển cụ thể và dài hơi./.