Trăm dâu đổ đầu… doanh nghiệp

Ngành công nghiệp Nhựa nước ta hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Để có đủ nguyên liệu cho sản xuất, ngành Nhựa phải nhập khẩu 1,5-2 triệu tấn/năm, chưa kể hàng trăm loại hóa chất phụ trợ. Các liên doanh sản xuất bột nhựa PVC và dầu DOP trong nước chỉ mới đáp ứng chưa tới 10% nguyên vật liệu toàn ngành nhựa. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu làm cho giá sản phẩm trong nước cao hơn giá sản phẩm nhập khẩu, đồng thời, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi hội nhập.

Hơn nữa, trước sức ép tăng giá xăng dầu, giá nguyên liệu nhựa từ đầu năm đã tăng trên 1.200 USD/tấn đối với nhựa PE và PP, cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu của các nhà sản xuất trong nước năm nay khoảng 700.000 tấn nhựa PE, 600.000 tấn PP, 500.000 tấn PVC, 66.000 tấn PS… Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn bởi giá nguyên liệu nhựa sẽ vẫn đứng ở mức cao do nguồn cung từ các nước Trung Đông khan hiếm và giá ngoại tệ lên xuống thất thường.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc giá nguyên liệu tăng, nguồn hàng khan hiếm, các doanh nghiệp nhựa còn phải đối mặt với những thách thức từ quy định mới của Bộ Tài chính. Tại chương III, danh mục 3907/60/90 theo Quyết định 39 ngày 28-7-2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu dạng này từ 15-9-2006 được đánh từ 0% lên 5%. Điều này đang gây lo lắng cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước do có đến 90% nguyên liệu hiện phải nhập khẩu. Theo tính toán, việc tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu có thể khiến ngành thuế thu được hơn 2 triệu USD mỗi năm, nhưng sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường khu vực, kéo theo sản lượng sụt giảm và người lao động sẽ mất việc làm. Hiệp hội Nhựa TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ bãi bỏ danh mục 3907/60/90 trong Quyết định 39 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp thuận.

Ngoài ra, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề… cũng được xem là những thách thức đối với ngành Nhựa khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhất là với nhựa cao cấp, doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc, Thái Lan… đây sẽ là trở ngại lớn cho ngành Nhựa Việt Nam, khi chúng ta phải mở cửa thị trường theo các điều khoản trong WTO.

Làm gì để khai thác hết tiềm năng?

Mặc dù chưa có sản lượng lớn về xuất khẩu, nhưng trong đề án xuất khẩu giai đoạn 2006-2010, Bộ Thương mại đã xác định, nhựa là một trong những mặt hàng sẽ đem lại hiệu quả xuất khẩu cao, dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỉ USD vào năm 2010. Mặt hàng nhựa của Việt Nam có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới rất cao. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đã đề ra, việc quan trọng nhất mà ngành phải làm được là nhanh chóng giải quyết những bất cập trên, đồng thời khai thác triệt để các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, công nghệ sản xuất nhưng có nhu cầu nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Trong đó, Nhật Bản sẽ là một thị trường lớn cho mặt hàng nhựa của Việt Nam, với kim ngạch trên 300 triệu USD vào năm 2010. Quá trình thâm nhập vào thị trường quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng được với việc tăng giá nguyên liệu.

Để ổn định nguồn cung cấp và giá nguyên liệu nhựa, về lâu dài, ngành Nhựa cần sớm triển khai các dự án xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, đồng thời đầu tư mở rộng các dự án sản xuất hàng nhựa chất lượng cao như nhựa cao cấp, các vật liệu mới kết hợp plastic, các sản phẩm phục vụ ngành kỹ thuật cao gồm ôtô, xe máy, tàu thủy, máy bay, hàng điện tử… để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Chính phủ cũng đã thông qua kế hoạch dành gần 1 tỉ USD để hỗ trợ việc xây dựng và cải tạo nhà máy sản xuất nguyên liệu thô như PVC và PP để có thể đáp ứng 50-60% nhu cầu nguyên liệu thô của ngành nhựa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần giảm tối đa tỉ lệ hao hụt nguyên vật liệu, giảm tỉ lệ phế liệu phát sinh trong sản xuất các sản phẩm nhựa, tăng cường tận dụng triệt để những sản phẩm thông qua quy trình tái chế, tạo bột từ những sản phẩm này và đưa bột nhựa tái chế trở lại quy trình sản xuất theo một tỉ lệ nhất định, đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Đăng Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định, để đứng vững trên thị trường, các doanh nghiệp trong Ngành cũng cần có sự liên kết để tạo thêm sức mạnh khi cạnh tranh ở thị trường ngoài nước. Tùy theo thực tế mà việc liên kết có thể dưới nhiều hình thức. Các doanh nghiệp có thể liên kết để cùng sản xuất một mặt hàng, liên kết và phân công theo công đoạn, dây chuyền sản xuất, hoặc nhiều doanh nghiệp nhỏ cùng làm vệ tinh xoay quanh các doanh nghiệp lớn. Tất nhiên, việc liên kết sẽ đòi hỏi một sự chặt chẽ về tổ chức, về quy trình cũng như  kiểm soát được về mặt chất lượng.

Theo ông Cường, về năng lực, nhiều doanh nghiệp đã không đủ sức để tiếp nhận các đơn hàng lớn. Về cạnh tranh, do khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, doanh nghiệp gặp bất lợi khi cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá thành so với các đối thủ nước ngoài khác. Vì vậy, Nhà nước cần có thêm chính sách ưu đãi, ví dụ về đầu tư, về thuế, chính sách xuất khẩu... để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa. Sản phẩm nhựa của Việt Nam có chất lượng tốt, có đủ khả năng xuất khẩu ra thị trường các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước lân cận như Campuchia và Lào.

Theo quy hoạch, một số sản phẩm chính của ngành Nhựa Việt Nam có mức gia tăng sản lượng khá cao, khoảng 20%/năm, trong đó ngành Nhựa sản xuất vật liệu xây dựng có mức tăng trưởng sản lượng bình quân khoảng 25%/năm. Như vậy, tiềm năng phát triển ngành Nhựa vẫn còn rất lớn. Để ngành Nhựa Việt Nam có thể đứng vững trên thị trường thế giới khi Việt Nam gia nhập WTO, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhựa cần tập trung tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực, thị trường… để nhanh chóng đổi mới, thích nghi với sự phát triển chung của ngành Nhựa thế giới.