TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa các hoạt động logistics với hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Sữa TH. Bảng hỏi được sử dụng để tiến hành khảo sát và thu thập dữ liệu với 15 câu hỏi về 6 yếu tố cấu thành hoạt động logistics trong doanh nghiệp (hoạt động logsitics đầu vào, hoạt động logistics đầu ra, chất lượng của các hoạt động logistics khác, mức độ tin dùng dịch vụ logistics thuê ngoài, mức độ sử dụng dịch vụ logistics gia tăng, khả năng thay đổi để thích ứng trong các hoạt động logistics) và yếu tố hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh (ROS). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ khóa: Logistics, hoạt động logistics, hiệu quả kinh doanh, Công ty Cổ phần Sữa TH.

1. Mở đầu

Với xu hướng mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, để thành công trong kinh doanh đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có nhận thức đúng đắn về bản thân doanh nghiệp, về thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đang ngày càng trở nên gay gắt, khốc liệt. Để có thể đứng vững trong môi trường đó, doanh nghiệp cần phải tạo ra được những ưu thế, đặc biệt là ưu thế trong các hoạt động logistics. Logistics tạo ra sự hữu dụng về thời gian và địa điểm cho các hoạt động của doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm và giảm chi phí lưu thông trong phân phối hàng hóa. Phát triển hoạt động logistics một cách hiệu quả giúp cho doanh nghiệp có thể đạt được các mục tiêu về lợi nhuận, thị phần, đồng thời góp phần tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Bài báo ra đời với mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động logistics đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tác giả lựa chọn phạm vi không gian nghiên cứu cụ thể tại Công ty Cổ phần Sữa TH.

2. Các khái niệm cơ bản

2.1. Hoạt động logistics

Theo quan điểm “5 right” thì: “Logistics là quá trình cung cấp đúng sản phẩm đến đúng vị trí, vào đúng thời điểm với điều kiện và chi phí phù hơp cho khách hàng tiêu dùng sản phẩm” (Right items, right place, right time, righ condition, right cost - Douglas M.Lambert, James R.Stock, Lisa M.Ellram, 1998,p1).

Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 (Điều 233) quy định: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hạng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Theo PGS.TS. Đoàn Thị Hồng Vân: “Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí và thời điểm, vận chuyển và dự trữ nguồn tài nguyên từ điểm đầu tiên của chuỗi cung ứng qua các khâu sản xuất phân phối cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế” .

Theo tác giả, logistics là quá trình tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ khi nguyên vật liệu đầu vào đến khi tạo ra sản phẩm, thành phẩm thông qua hoạt động phân phối đưa đến tay khách hàng. Quản trị logistics bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc các hoạt động trên chuỗi cung ứng (vận chuyển, dự trữ, dịch vụ khách hàng, công nghệ thông tin,...) một cách hiệu quả từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong khi chi phí được giảm thiểu một cách tối ưu nhất. Chi phí logistics được hình thành từ chi phí của các hoạt động trong quá trình, đó là: chi phí dịch vụ khách hàng, chi phí vận tải, chi phí kho bãi, chi phí giải quyết đơn hàng và hệ thống thông tin, chi phí thu mua, chi phí dự trữ.

2.2. Hiệu quả kinh doanh

“Hiệu quả sản xuất - kinh doanh là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh trình độ sử dụng các nguồn vật lực, tài chính của doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao nhất”.

Việc đánh giá khái quát hiệu quả kinh doanh giúp doanh nghiệp nắm bắt được mức độ hiệu quả kinh doanh, xu hướng kinh doanh và những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua việc đánh giá, đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng sinh lời đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội như tôn trọng luật pháp, quyền lợi cho cán bộ nhân viên, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Các chỉ tiêu thường sử dụng đánh giá khái quát hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong doanh nghiệp bao gồm: tỷ suất sinh lời của vốn (ROI), tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA), tỷ suất sinh lời của doanh thu (ROS), tỷ suất sinh lời của chi phí (ROC). Trong phạm vi của nghiên cứu này, tác giả sử dụng chỉ tiêu ROS để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Chỉ tiêu này cho biết, trong một kỳ phân tích, doanh nghiệp thu được 100 đồng doanh thu hoặc doanh thu thuần thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ hiệu quả sử dụng chi phí càng tốt. Chỉ tiêu này thấp, nhà quản trị cần phải tăng cường kiểm soát chi phí của các bộ phận.

2.3. Mối quan hệ giữa hoạt động logistics với hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp

Đối với các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, hoạt động logistics có mối liên hệ rất chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Peter Drucker - người được mệnh danh là cha đẻ của ngành quản trị học hiện đại đã từng chia sẻ “Logistics là nguồn lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp mà bấy lâu họ đã bỏ quên”. Điều đó càng chính xác đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi chúng ta chưa được hiểu biết đầy đủ và ít vận dụng logistics trong hoạt động của doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận vai trò của logistics với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp: Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo yếu tố đúng thời gian, đúng địa điểm, (JIT) nhờ đó đảm bảo cho quá trình sản xuất - kinh doanh diễn ra theo đúng nhịp độ đã định, góp phần nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, sử dụng hiệu quả vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho hàng hóa và sự vận động của chúng phong phú và phức tạp hơn nhiều lần so với trước đây, đòi hỏi quản lý chặt chẽ, đặt ra yêu cầu mới đối với dịch vụ vận tải và giao nhận. Đồng thời, để tránh hàng tồn kho thì doanh nghiệp luôn phải tính toán để lượng hàng tồn kho sẽ là thấp nhất. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cho phép kết hợp chặt chẽ quá trình cung ứng, sản xuất, lưu kho hàng hóa, tiêu thụ với vận tải giao nhận, làm cho cả quá trình này trở nên hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn nhưng cũng phức tạp hơn. Do vậy, việc sử dụng linh hoạt các hoạt động logistics giúp cho doanh nghiệp đạt được mục đích và chiến lược của mình, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp luôn là bài toán được doanh nghiệp quan tâm và cân nhắc hàng đầu.

3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của các hoạt động logistics đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm 6 biến độc lập, trong đó kế thừa 5 biến từ nghiên cứu của tác giả Nguyễn Xuân Hảo (2015): chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp (NCC) nguyên vật liệu; chất lượng dịch vụ của các nhà phân phối (NPP); chất lượng dịch vụ của các NCC dịch vụ logistics khác; mức độ tin dùng dịch vụ logistics thuê ngoài; mức độ sử dụng dịch vụ logistics gia tăng và một biến mới là khả năng thay đổi để thích ứng trong các hoạt động logistic; biến phụ thuộc cũng chỉ còn 1 biến là tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần (ROS). Tác giả tập trung cho cả hai khía cạnh là thuê ngoài và tự làm nên những câu hỏi được sử dụng trong quá trình thực hiện khảo sát cũng có những điều chỉnh cho phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài. Dưới đây là mô hình nghiên cứu tác giả đề xuất:

Hình 1: Mô hình các yếu tố cơ bản của hoạt động logistics ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Trong mô hình này, nhóm tác giả đưa ra giả thiết cả 6 nhân tố trên đều ảnh hưởng tỉ lệ thuận đến chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nghĩa là hiệu quả hoạt động kinh doanh (ROS) của doanh nghiệp sẽ tăng khi các nhân tố này tác động tích cực và ngược lại.

Để thực hiện nghiên cứu, dữ liệu thứ cấp được thu thập, chọn lọc thông qua các báo cáo về tình hình hoạt động của Công ty CP Sữa TH. Dữ liệu sơ cấp được tác giả khai thác từ mẫu điều tra tại Công ty CP Sữa TH bằng phương pháp điều tra trực tiếp đối tượng nghiên cứu thông qua bảng hỏi. Bảng hỏi được thiết kế gồm 30 biến quan sát, cụ thể là hoạt động logistics đầu vào (chất lượng dịch vụ của các NCC) gồm 4 biến quan sát; Hoạt động logistics đầu ra (chất lượng dịch vụ của các NPP) gồm 3 biến quan sát; Chất lượng dịch vụ của các hoạt động logistics khác gồm 9 biến quan sát; Mức độ tin dùng dịch vụ logistics thuê ngoài gồm 4 biến quan sát; Mức độ sử dụng dịch vụ logistics gia tăng gồm 4 biến quan sát và khả năng thay đổi để thích ứng trong các hoạt động logistics gồm 6 biến quan sát. Thời gian tiến hành phát phiếu, khảo sát và thu lại bảng hỏi được tác giả thực hiện trong vòng 1 tháng (tháng 06/2017).

Sau khi thu thập các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp, tác giả tiến hành kiểm tra sau đó sử dụng phần mềm SPSS làm công cụ để xử lý dữ liệu thông qua các kỹ thuật: Thống kê mô tả, phân tích hệ số Cronbach's Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA; Phân tích tương quan và Phân tích hồi quy đa biến.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kiểm định độ tin cậy Cronbach's Alpha các nhân tố trong mô hình nghiên cứu

Qua bước kiểm định độ tin cậy Cronbach's Alpha, có thể thấy tất cả các yếu tố và các biến quan sát trong mô hình nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của hoạt động logistics tới ROS đều đáng tin cậy, 30 biến quan sát đều được giữ lại để phục vụ cho các bước nghiên cứu kế tiếp.

3.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA các yếu tố độc lập và biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu

+ Hệ số KMO = 0.810 - Giá trị KMO nằm trong khoảng giá trị từ 0.5 đến 1, chứng tỏ phân tích EFA là thích hợp

+ Mức ý nghĩa Sig. = .000 < 0.05 - chứng tỏ rằng các biến quan sát có tương quan với nhau trong phạm vi tổng thể.

+ Giá trị Eigenvalues = 1.115 >1 - đại diện cho phần biến thiên được giải thích bởi mỗi yếu tố, thì yếu tố rút ra có ý nghĩa tóm tắt thông tin tốt nhất.

+ Tổng phương sai trích = 71.37% > 50% - chứng tỏ 71,37% biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 6 yếu tố nghiên cứu của mô hình.

Với yếu tố NCC, NPP, HDK, TDTN, DVGT và KNTĐ cho thấy, các biến quan sát trong thang đo vào đều hội tụ. Các hệ số tải của từng biến quan sát đều đạt giá trị lớn hơn 0.5, nên có thể kết luận các biến quan sát có quan hệ ý nghĩa đối với yếu tố nghiên cứu.

Sau khi kiểm định độ tin cậy Cronbach's Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA, cả 6 yếu tố và các biến quan sát trong mô hình nghiên cứu đề xuất đều đảm bảo độ tin cậy và được sử dụng trong các nghiên cứu tiếp theo.

3.3. Phân tích tương quan giữa các biến trong mô hình nghiên cứu

Tiếp tục với phân tích tương quan giữa các yếu tố, thấy rằng giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc có mỗi tương quan với nhau (Sig. < 0.05). Hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc ROS với các biến độc lập nằm trong khoảng 0.394-0.695. Qua đây có thể thấy giữa biến phụ thuộc ROS và các biến độc lập HDK, NCC, NPP, TDTN có mối tương quan khá chặt chẽ với nhau, còn các biến còn lại (DVGT, KNTĐ) có mức độ tương quan thấp hơn.

Cũng từ bảng phân tích tương quan, cho thấy: hệ số Sig. giữa các biến độc lập lớn hơn 0.05 (giả sử giữa cặp biến NCC và NPP có Sig.= 0.110 hay NCC và TDTN có Sig.= 0.766) nên có thể thấy mức độ tương quan giữa các biến độc lập là thấp. Bên cạnh đó, trong trường hợp Sig < 0.05 nhưng hệ số tương quan pearson giữa các biến độc lập có giá trị nhỏ hơn 0.3 (như cặp biến NCC và KNTĐ có Sig. = 0.000 nhưng hệ số tương quan pearson = 0.127) là tương đối thấp nên hiện tượng đa cộng tuyến là có thể sẽ khó xảy ra.

3.4. Phân tích hồi quy giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu

Phương trình hồi quy đa biến được tác giả xác định theo phương pháp ENTER. Kết quả hồi quy cho thấy, hệ số R = 0.854 có ý nghĩa mối quan hệ giữa các biến trong mô hình là khá chặt chẽ. Hệ sô R2 = 0.716 (mức độ thích hợp của mô hình là 71.6%), điều này cũng cho thấy 6 biến độc lập trong mô hình góp phần giải thích 71.6% sự biến thiên của biến phụ thuộc - hiệu quả HĐSXKD ROS. Từ đó, có thể kết luận mức độ phù hợp của mô hình là tương đối tốt.

Qua bảng kết quả phân tích các hệ số, cả 6 yếu tố NCC, NPP, HDK, TDTN, DVGT và KNTĐ đều có giá trị Sig. < 0.05, ngoài ra các giá trị của hệ số hồi quy chuẩn hóa beta đều mang giá trị dương, theo đó có thể nói cả 6 yếu tố trong mô hình nghiên cứu đều có ý nghĩa trong mô hình hồi quy và đều có tác động cùng chiều đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của công ty.

Cũng từ bảng kết quả trên, có thể thấy, mô hình sẽ không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập, do hệ số VIF < 2.

Qua kết quả phân tích hồi quy ta có phương trình hồi quy tuyến tính như sau:

ROS = -0.667 + 0.264*NCC + 0.225*NPP + 0.634*HDK + 0.210*TDTN + 0.194*DVGT + 0.102*KNTĐ

Hình 2: Mô hình ảnh hưởng của các hoạt động logistics đến ROS

4. Kết luận và thảo luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố chất lượng hoạt động logistics khác (vận chuyển, kho bãi, dự trữ, công nghệ thông tin...), hoạt động logistics đầu vào, hoạt động logistics đầu ra và mức độ tin dùng dịch vụ logistics thuê ngoài là những nhân tố cần được chú trọng quan tâm trong hoạt động logistics tại Công ty CP Sữa TH. Để đảm bảo chuỗi logistics được thực hiện một cách tối ưu, nâng cao hiệu quả kinh doanh Công ty cần:

Thứ nhất, thiết lập một bộ phận riêng về logistics nhằm tìm kiếm cơ hội giảm chi phí và điều phối toàn bộ hoạt động logistics. Bộ phận này đảm bảo rằng Công ty đạt hiệu quả tốt nhất có thể bằng cách xác định và chia sẻ những kinh nghiệm hay về logistics cho tất cả các đơn vị kinh doanh của Công ty.

Thứ hai, hoàn thiện công tác dự báo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khó khăn trong khâu thu mua, chuẩn bị nguyên vật liệu đầu vào.

Thứ ba, xây dựng chính sách logistics đầu ra hiệu quả bằng công tác hoàn thiện việc tuyển chọn, thay thế các thành viên trong kênh phân phối và nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá hoạt động kênh phân phối.

Thứ tư, cải thiện mối quan hệ với các NCC dịch vụ logistics trên cơ sở hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ logistics hiện tại và mở rộng quan hệ với các đơn vị logistics khác.

Cuối cùng, Công ty điều chỉnh, thay đổi các hoạt động logistics để thỏa mãn những điều kiện và nhu cầu của khách hàng khi gia nhập thị trường mới bằng cách quan tâm đến một số các yếu tố cơ bản như xu hướng thị trường; môi trường cạnh tranh; công tác thuế quan nhập khẩu, các quy định hải quan và hệ thống kênh phân phối khi xâm nhập thị trường ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đoàn Thị Hồng Vân, Logistics những vấn đề cơ bản, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2010.

2. Đoàn Thị Hồng Vân, Quản trị Logistics, NXB Thống kê, Hà Nội, 2006.

3. Nguyễn Văn Công, Phân tích kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2015.

4. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Thống kê, Hà Nội, 2008.

5. Đặng Đình Đào, Giải pháp phát triển dịch vụ logistic của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2009.

6. Đặng Đình Đào, Phát triển các dịch vụ logistics ở nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 2012.

7. Nguyễn Xuân Hảo, Tác động dịch vụ logistics đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2015.

8. Luật Thương mại, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005.

9. Các báo cáo kinh doanh, báo cáo đầu tư, báo cáo tài chính của Công ty CP Sữa TH trong các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016.

10. Parasuraman, A; Zeithaml, V.A; Berry, Leonard L, SERVQUAL: A multiple item scale for measuring customer perceptions of service quality, Journal of Retailing, 1988.

11. Angelisa Elisabeth Gillyard, M.S, M.A, The Relationships among Supply chain characteristics, logistics and manufacturing strategies, and performance, dissertation, The Ohio State Univesity, 2003.

12. Steven A. Samaras, Competing upstream: Inbound logistics as a source of competitive advantage, dissertation, The University of Nebraska.

13. Nguyen Van Ha, Development of Reverse logistics- Adaptability and Transferability, Germany, Technische University Darmstadt, 2010.

STUDY ON THE EFFECT OF LOGISTICS ACTIVITIES

ON PRODUCTION EFFICIENCY OF TH DAIRY

JOINT STOCK COMPANY

● MA. NGUYEN THI VIET NGOC

Faculty of Management, Electric Power University

ABSTRACT:

The article researched in the relationship between logistics activities and production and business efficiency in TH Dairy Joint Stock Company. The questionnaire which was used in the survery to collect data, included 15 questions about six components of logistics operations in an enterprise (input logistics, output logisitcs, quality of other logistics activities, trust level in using outsourced logistics services, usage level of added logistics services and the ability to adapt to logistics operations) and business efficiency (ROS). From the research results, the author provides a number of solutions to advance of business efficiency.

Keywords: Logistics, logistics activities, business efficiencym TH Dairy Joint Stock Compan, TH Dairy Joint Stock Company