Để đảm bảo bảo liên kết, ghép nối các chi tiết của sản phẩm may, các đường may sau khi tạo thành phải đạt được một độ bền nhất định và tạo ra ứng suất đồng đều giữa các lớp vải tham gia liên kết. Ngoài ra, giữa độ bền đường may và độ bền của vải cần có một sự tương thích nhất định phụ thuộc vào đặc trưng kỹ thuật và yêu cầu sử dụng của từng sản phẩm.

Với sản phẩm may mặc thông dụng, để tăng thời gian sử dụng của sản phẩm, người tiêu dùng vẫn mong muốn chỉ bị đứt trước khi vải bị phá huỷ, nghĩa là khi thực hiện quá trình kéo đứt, đường may bị phá huỷ trước vải may. Khi đó, độ bền đường may thường nhỏ hơn độ bền của vải.

Với các sản phẩm sử dụng với mục tiêu kỹ thuật (một số sản phẩm chỉ sử dụng một lần như: khinh khí cầu, ô dù, xuồng phao, bình đựng nước và khí v.v. ), để tăng độ bền lâu của sản phẩm, yêu cầu độ bền đường may càng cao càng tốt, tương đương hoặc thậm chí lớn hơn độ bền của vải. Điều đó có nghĩa là, khi thực hiện quá trình kéo đứt, vải và chỉ trên đường may bị đứt cùng một lúc.

Để đánh giá sự tương thích về độ bền giữa vải và đường may, các nhà công nghệ thường sử dụng “hệ số hiệu dụng đường may”. Hệ số này đặc trưng cho tính hiệu quả của đường liên kết may, kí hiệu là Hs và được xác định theo công thức sau:

Trong đó: Pdm: Độ bền kéo đứt của đường may; Pv: Độ bền kéo đứt của vật liệu may.

Theo kết quả của một số công trình nghiên cứu [1,3], một đường may đạt yêu cầu về độ bền là đường may có hệ số hiệu dụng đưường may lớn hơn 0,8.

Như vậy, với sản phẩm may mặc thông dụng, để đường may đạt yêu cầu về độ bền, hệ số hiệu dụng đường may phải đạt giá trị trong khoảng từ 0,8 đến 1.

Với sản phẩm may từ vải kỹ thuật, để đường may đạt yêu cầu về độ bền, hệ số hiệu dụng đường may phải đạt giá trị xấp xỉ 1.

Vải tráng phủ là vật liệu có cấu trúc đa lớp, gồm một lớp vải nền dệt thoi, dệt kim hoặc vải không dệt và một hoặc nhiều lớp màng cao phân tử mỏng và mềm dẻo được tráng phủ liên tục lên bề mặt vải nền. Màng phủ tạo cho vải một số tính năng đặc biệt như: khả năng chống thấm nước và chất lỏng, chống cháy, chống nấm mốc và vi sinh vật, chống tĩnh điện v.v. Do đó vải tráng phủ được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật.

Do bản chất hoá học của hợp chất tráng phủ là các polime nhiệt dẻo, ở nhiệt độ thấp vải  bị cứng, ở nhiệt độ cao bị mềm và chảy dính làm cho điều kiện may trở nên rất khắc nghiệt. Ma sát rất lớn giữa kim, chỉ và vải trong quá trình may đốt nóng kim tới nhiệt độ rất cao làm cho chỉ trên đường may bị mài mòn, bị thay đổi cấu trúc và tính chất dẫn đến bị giảm bền và gia tăng sự cố đứt chỉ khi đường may chịu tác động cơ học nhiều chu trình.

Do đó, để đảm bảo độ bền đường may trên vải tráng phủ, cần lựa chọn chỉ may có độ bền cơ học và độ bền nhiệt tốt đảm bảo hệ số hiệu dụng đường may Hs ằ1.

Trong  các loại chỉ may, chỉ polyeste là phù hợp nhất để may các loại vải tráng phủ vì chúng có độ bền kéo đứt, độ giãn đứt và độ bền nhiệt cao, khả năng chống thấm nước và chống mục tốt hơn các loại chỉ từ xơ thiên nhiên và chỉ từ xơ tổng hợp khác [2].

Trong phạm vi bài viết này sẽ trình bày một số kết quả đạt được bước đầu trong nghiên cứu mối tương quan giữa độ bền của vải tráng phủ và độ bền đường may, nhằm đánh giá hệ số hiệu dụng của đường may sử dụng chỉ Polieste có các độ mảnh khác nhau. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án chọn chỉ may tối ưu khi may một số loại vải tráng phủ sản xuất tại Việt nam.

2.         Nghiên cứu thực nghiệm

2.1. Đối tượng nghiên cứu:

1. Vải: Lựa chọn các mẫu vải tráng phủ sản xuất trong nước tại Công ty Dệt Phước Long và Nhựa Rạng đông. Các thông số kỹ thuật của vải thí nghiệm được thể hiện trên bảng 1.

2. Chỉ: Chọn chỉ có thành phần xơ 100% Polieste do Công ty Chỉ Coats Total Phong Phú sản xuất. Chỉ nghiên cứu có độ mảnh (đặc trưng bằng chi số chỉ Nm) thay đổi từ 60/3; 50/3; 40/3; 30/3 và 20/3 tương ứng có độ dày (tex) thay đổi từ 16,7x3; 20,0x3; 25,0x3; 33,3x3 và 50,0x3. Chỉ may có hướng xoắn hoàn tất là hướng Z.

3. Điều kiện may: Thực hiện đường may mũi thoi thẳng, kết cấu 2 lớp vải trên máy may một kim mũi thoi của hãng JUKI chuyên dụng may vải tráng phủ DDL-5600N-7.

Sử dụng kim chịu nhiệt ORGAN SU đầu tròn, có các chi số (hệ Singer) phù hợp với chi số của chỉ may tương ứng là 10,12,14,16, và 18.

Các thông số lắp máy được điều chỉnh cố định như sau: tốc độ máy: 3000 v/phút; lực nén chân vịt: 25 N; sức căng chỉ kim: 250 glực; mật độ mũi may: 4 mũi/cm.

4.  Thiết bị thử nghiệm:  Sử dụng máy đo độ bền kéo đứt có tốc độ kéo giãn không đổi ( thiết bị kiểm tra đa năng của hãng A&D - Nhật ) để đo độ bền kéo đứt của đường may và vải tráng phủ.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

- Độ bền kéo đứt của vải tráng phủ được xác định theo tiêu chuẩn TCVN 4635-88.

- Độ bền kéo đứt của đường may khi kéo giãn đường may theo hướng ngang được xác định theo tiêu chuẩn ISO13935-1 ( phương pháp băng vải ).

- Điều kiện môi trường thử nghịệm thực hiện theo tiêu chuẩn TCVN 1748-91. Lấy mẫu vải theo TCVN 1749 - 86. Lấy mẫu chỉ theo TCVN 2266-77.

2.3. Kết quả nghiên cứu :

- Từ kết quả thử nghiệm đo độ bền kéo đứt của vải tráng phủ và đường may, tính hệ số hiệu dụng đường may theo công thức (1). Kết quả tính thể hiện trong bảng 2.

- Kết quả tính hệ số hiệu dụng của đường may mũi thoi thực hiện trên các mẫu vải tráng phủ nghiên cứu được thể hiện trực quan trên các biểu đồ hình 1, 2 3 và 4.