Bình dị mà sôi nổi, thân thiết và chân thành không chỉ là tính cách của anh, một trong những người lái xe giỏi thuỷ chung của ngành Điện Việt Nam (Từ công trình thuỷ điện Vĩnh Sơn, Thạch Nham về Công ty Xây lắp điện 3, giờ là Công ty Truyền tải Điện 2), mà còn là đặc trưng của “Giọng ca 500 ki-lô-vôn”; Anh đã cùng đồng đội không biết bao nhiêu lần “hát cho công nhân tôi nghe” nơi rừng núi hẻo lánh, trập trùng, nơi song hành bước chân gian khổ của người thợ đường dây, nơi sân khấu lớn công diễn mừng thành quả của ngành Điện, nơi gặp gỡ, giao lưu bè bạn... Phương Tài thật sự là một trong những nghệ sĩ đặc sắc của phong trào văn hoá - văn nghệ quần chúng.

Từ trong lao động, Phương Tài đã gom góp, chắt chiu cho đời những ca khúc chan chứa tình người, tình yêu quê hương đất nước. Ca khúc của anh có giai điệu trầm hùng sâu lắng, khi sôi nổi, diết da. Ngôn ngữ âm nhạc dân gian đằm thắm đã được anh đưa vào ca khúc của mình khá nhuần nhuyễn. Anh viết như bộc bạch hết lòng mình vào từng ca khúc, thể hiện một cách sâu sắc đời sống và công việc của người thợ điện, với nhiều tiết tấu trẻ trung, lạc quan, yêu đời. Với giọng ca chắc khoẻ trời cho cùng cây guitare thùng, anh đàn và hát rất tự tin. Nghe Phương Tài hát, bao khó khăn vất vả, mệt nhọc dường như tan biến, chỉ còn lại giọng hát, điệu đàn, cái tâm, cái tình, làm vui cho đời, cho người. Với những đóng góp của mình, anh vinh dự nhiều lần được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chúc mừng trên công trường; Được tặng ba huy chương Vàng, bốn huy chương bạc cho ca khúc tự biên, tự diễn văn nghệ toàn quốc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng nhạc sỹ kiêm ca sỹ, kiêm đội trưởng văn nghệ đoàn ca nhạc “Tia sáng miền Trung” năm 1997; Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá quần chúng” do Bộ Văn hoá Thông tin tặng năm 1999; Được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tặng Bằng khen và trao giải: Tác phẩm bài hát hay viết về ngành Điện cuối năm 2004, được hàng vạn người thợ đường dây mến mộ...

Ca khúc “Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời” do anh sáng tác và cùng biểu diễn với những người thợ, được truyền hình Than Cẩm Phả dàn dựng đã giành Huy chương vàng liên hoan truyền hình toàn quốc năm 1994, gây được ấn tượng mạnh mẽ trong đông đảo người xem.

Đã có hàng chục bài báo viết về anh. Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã dàn dựng nhiều chương trình về Phương Tài như: “Người nghệ sĩ lái xe và cây đàn guitare”, “Chúng tôi nói về chúng tôi” tạo cho người xem nhiều cảm xúc. Những sáng tác mới của anh như bài “Chiếc dây da-em” vẫn tiếp tục được Chương trình giới thiệu tác phẩm mới của Đài Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng gửi đến cho những người yêu âm nhạc.

Ai đó nói rằng, khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng. Đúng như vậy! Những bài thơ do người khác sáng tác dù có hay nhưng ít người biết đến, nhưng khi Phương Tài đã phổ nhạc, thổi hồn của mình vào thì quả thực nhạc đã chắp cánh cho thơ, tạo thành ca khúc bay bổng được nhiều người nghe, nhiều người thuộc và thích thú. Phương Tài còn có vinh dự được hát cho nhà thơ - hoạ sỹ – nhạc sỹ Văn Cao (tác giả bài Quốc ca) tại ngôi nhà ấm cúng phố Yết Kiêu, Hà Nội. Anh được Văn Cao động viên rất chân thành:  “Phương Tài ơi, lái xe là nghĩa vụ, âm nhạc là trái tim Phương Tài nhớ!”. Bên vô lăng xe, cây đàn guitare và cây đàn của lòng anh hòa điệu và phát sáng, tạo thành niềm vui, phấn khích và bền vững giúp anh vượt qua những khó khăn, vất vả đời thường. Cánh tay lái vui mừng có Phương Tài. Ngành Điện tự hào có Phương Tài – một trái tim biết truyền tải nhạc thật nhiệt thành. ở anh không có sự cách biệt giữa một Phương Tài trên sân khấu hay Phương Tài giữa các bờ vai bè bạn, công nhân. Là một nhạc sĩ không chuyên, nhưng Phương Tài đã có những đóng góp quan trọng trong những ca khúc viết về ngành Điện – một lĩnh vực mà không dễ mấy ai tiếp cận là có cảm xúc và viết thành công.

Phương Tài cần mẫn làm việc và chuyên tâm sáng tác, anh sẵn sàng hát vang giữa công trường, giữa đất trời quê hương. Bạn bè đã tặng cho anh nhiều cái tên hay và ấn tượng. Riêng tôi, tôi thích gọi anh bằng cái tên mộc mạc và gần gũi: Người lái xe, nghệ sĩ Phương Tài. q