Vì có một hệ thống quá phức tạp như thế, nên mọi người thường nghĩ đến sản phẩm cuối cùng do doanh nghiệp sản xuất, đem ra khỏi hàng rào làm sao để bán được, còn đối với trường học là các em học nghề ra trường làm sao có được công ăn việc làm (khi xã hội hóa đầu tư giáo dục thì trường đào tạo có thể coi là công ty đào tạo). Nhưng ít người lao động nghĩ đến cái mà họ cần bán đầu tiên và duy nhất hàng ngày từ chính họ để lấy tiền của doanh nghiệp lại là sức lao động của họ, bán theo hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp, văn bản pháp lý mua bán sức lao động theo sự ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm, phù hợp những quy định của pháp luật. Như vậy, cái mà người lao động cần quan tâm trực tiếp nhất phải là, làm sao doanh nghiệp mua sức lao động của mình, chứ không chỉ quan tâm vào sản phẩm của doanh nghiệp có bán được ngoài thị trường hay không, vì đó là việc của Giám đốc.
Cũng vì ít người để ý, nên doanh nghiệp thường chỉ quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng (là sản phẩm đầu ra, chưa kể chất thải...) chứ chưa quản lý và kiểm tra được chất lượng lao động trong cả quá trình người làm bán sức lao động (là nguồn lực đầu vào). Vì vậy, chỉ khi thấy sản phẩm hỏng mới quy kết trách nhiệm thì đã mất vật tư, năng lượng, thời gian, công sức, các hao phí khác và chậm thời gian giao hàng cho khách. Còn lại, để kiểm tra, quản lý được chất lượng của từng lao động, doanh nghiệp phải áp dụng rất nhiều tri thức và biện pháp khoa học về con người và về lao động, về tâm sinh lý lao động và tâm lý xã hội, tâm lý cá nhân, cũng như thực hiện tốt các quy chế, kỷ luật lao động, động tác và quy trình thực hiện công nghệ và các vấn đề an toàn, các hoạt động tập thể của người lao động theo phong tục tập quán, theo quy định và cho phép của pháp luật...
Như vậy, quản lý lao động gồm quản lý con người và thao tác lao động. Chỉ riêng việc người quản lý hiểu và biết chu kỳ sinh học của từng người lao động, hoặc những biến động trong gia đình về sức khoẻ, hoàn cảnh cuộc sống, kể cả khả năng cân bằng giữa tiền lương, giá cả sinh hoạt và lợi nhuận doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động về vật chất và tinh thần khi họ khó khăn, cũng giúp cho người lao động và doanh nghiệp có được những lao động chất lượng tin cậy hoặc bảo đảm an toàn cho cả hai bên. Người sử dụng lao động quan tâm tổ chức các hoạt động tập thể cộng đồng cũng là việc làm không thể thiếu để tăng sự giao lưu thân ái, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cách cư xử nhân văn trong kỷ luật cộng đồng. Thẳng thắn góp ý giúp nhau, không để lại mối thù hằn hoặc khó chịu, giúp người lao động có tâm lý ổn định khi làm việc, đó là thể hiện trình độ quản lý của người sử dụng lao động.
Một khía cạnh khác, nếu mỗi người có một tổ ấm gia đình thì cũng chỉ trung bình có 1/3 thời gian sống với gia đình, còn 1/3 để ngủ và 1/3 làm việc. Vậy sao không coi chỗ làm việc của mình – chỗ mà ta bán sức lao động để kiếm ăn - được xứng đáng trân trọng và quý mến, chau chuốt và giữ gìn như gia đình thứ hai của mình cùng một quan hệ cộng đồng hòa hợp thân ái cao thượng và thẳng thắn như trong một gia đình hòa thuận, đầy tình yêu thương và có kỷ luật?
Ai đã từng thất nghiệp mới thấy quý chỗ làm việc của mình. Tất nhiêu, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động có liên quan nhiều phía. Bởi vì cả hai bên người mua và người bán sức lao động đều nên hiểu hoặc phải hiểu, trong cơ chế thị trường, việc chấp nhận sức lao động là hàng hóa, có giá trị và giá trị sử dụng- mà chất lượng lao động là thước đo- là sự tất nhiên. Đã là hàng hóa (cho dù là đặc biệt) thì phải có thị trường, có điều tiết của quy luật cung cầu, cạnh tranh và lựa chọn... và tất nhiên phải đánh giá đúng, cũng như phải trả giá cho đúng sức lao động, phải coi việc ký hợp đồng lao động không thể chỉ là hình thức, nhất là trong các doanh nghiệp quốc doanh.
Thực tế cho thấy, thị trường sức lao động cũng có các hoạt động ngầm, thị trường đen kiểu mafia, đủ mọi mánh khoé để tồn tại, có việc làm, còn người khác phải biến đi. Hay ai mất việc cũng được miễn không phải là mình, vì đâu phải ai xin việc cũng được nhận. Còn không muốn đi làm thuê thì hãy tự đứng ra lập doanh nghiệp riêng mà kiếm sống. Doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp là có mục đích kiếm lợi nhuận, nên doanh nghiệp về pháp lý không có trách nhiệm phải tạo việc làm cho một người lao động cụ thể nào. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải bảo đảm an ninh cho doanh nghiệp và cộng đồng lao động qua công tác quản lý nhân sự chặt chẽ, vì nhiều kẻ giả danh là người lao động để làm tình báo gián điệp cho hãng khác, hoặc thực thi những nhiệm vụ đặc biệt do kẻ khác thuê để phá hoại doanh nghiệp hoặc tổ chức khủng bố đe doạ người sử dụng lao động, người chủ hoặc người lao động tại doanh nghiệp.
Khi đã có kẻ mua, người bán sức lao động thì lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Bán được sức lao động thì được gọi là có việc làm (hoặc ổn định hoặc không ổn định như ở ngoài chợ lao động tự do). Khi không bán được thì gọi là thất nghiệp. Thất nghiệp lại không có bảo hiểm trong khi người ta vẫn phải sống. Thế là chán đời. Còn tiền, thừa thời gian thì đi ăn nhậu bê tha hoặc tiêm chích. Không có tiền, nhẹ thì cho thuê thân thể (bổ sung vào đội ngũ trai, gái mại dâm), hoặc bán một phần cơ thể (như bán máu, bán thận...), nặng là bán đạo đức (trộm cắp), sau là bán lương tâm (giết người, cướp của)...
Do người bán sức lao động nhiều hơn người mua, nên một số người sử dụng lao động ép buộc người lao động phải làm việc trong điều kiện không an toàn, không có nhà ở, phải làm thêm giờ quá mức, nợ lương, bảo hiểm, hoặc ăn của đút lót để ép người muốn bán sức lao động, hoặc cưỡng dâm, cướp đoạt tài sản của người lao động... rồi cả đút lót người bề trên, khai man tuổi để tiếp tục ở vị trí là người mua sức lao động...
Còn nhiều vấn đề nữa. Một khi sức lao động đã được coi là hàng hóa, tâm trạng lo âu sợ bị mất việc làm lại rình rập, lại trong cơ chế kinh tế thị trường cạnh tranh và đổi mới, đa sở hữu tư liệu sản xuất (nhiều người lao động còn là chủ sở hữu cổ phần), sự phân hóa giầu nghèo và tác động theo mặt trái của đồng tiền, của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cùng với kinh tế hội nhập quốc tế... thì đó là những thời cơ và thách thức lớn (trong đó chủ nghĩa cá nhân sẽ có đất phát triển) đối với mỗi người lao động và cũng là đối với tổ chức công đoàn, đòi hỏi mỗi chúng ta phải đổi mới nhận thức và hành động.