Theo ông Mão, những năm 1930, lụa Vân Vạn Phúc được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm dệt tinh xảo của Việt Nam. Lúc đó, lụa Vân được ưa thích tại thị trường thời trang Pháp, Indonesia, Thái Lan... Thế nhưng, từ sau năm 1945, do chiến tranh, làng nghề gần như đình trệ, các sản phẩm lụa truyền thống cũng dần đi vào quên lãng.
Mãi đến đầu những năm 1990, làng nghề Vạn Phúc mới hồi sinh, nhưng lụa Vân đã gần như thất truyền. Thế là ông Mão nuôi ý định đi tìm lại những tinh hoa của làng nghề bị rơi rụng. Nguyện vọng của ông được những nghệ nhân lớn tuổi trong làng ủng hộ. Ông đi khắp làng tìm xin những cái áo dài, những mảnh lụa cũ, nhiều lúc phải mua lại hay đổi bằng một thứ khác.
Sau đó, ông tìm đến nghệ nhân thiết kế mẫu lớn tuổi và có tay nghề nhất trong làng là cụ Lê Văn Bằng, nhờ thiết kế lại các mẫu lụa cũ và dệt thử nghiệm đi, thử nghiệm lại, dệt các loại lụa thông thường để nuôi dự án phục hồi lụa cổ. Cứ thế, một năm, hai năm, ba năm… các loại lụa như Sa trơn, Xuyến, Quế trơn, Vân Lưỡng long song thọ… được ông lần lượt phục chế thành công. Mỗi mẫu thiết kế và sản xuất phải mất vài ba tháng, có mẫu cả năm trời mới xong, nhưng lại không bán được vì nó quá xa lạ với người tiêu dùng lúc đó. Dù thành công hay thất bại, ông không bao giờ nản với những chuyến đi tìm lụa cổ. Sau nhiều lần thử nghiệm, hơn 20 mẫu lụa cổ đã được phục hồi, trong đó có khá nhiều mẫu Vân quý như lụa Vân Triện Thọ, Vân Quế Hồng Diệp hoa nhỏ, Vân chữ Triện, Vân song Hạc, Vân Tứ Quý…
Làm nghề lụa từ nhỏ, lại là chân truyền của dòng họ lụa nổi tiếng Triệu Văn, song ông Mão khẳng định, nghề lụa không quá nhiều bí quyết như nghề khác. Người làng Vạn Phúc “bén hơi lụa” thì chỉ cần một năm là thành nghề, nhưng người nơi khác muốn học thì bí quyết duy nhất là kiên trì và chịu khó. Ông giảng giải: “Lụa Vân mềm mượt hơn lụa thường nhờ kỹ xảo nhà nghề. Làm lụa Vân thì bản thân người thợ phải có con mắt tinh đời, chọn tơ đúng loại. Cái khó nhất là tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công mà không được dệt bằng máy, đòi hỏi người thợ phải tinh mắt nhanh tay”.
Tại Lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2005, độc chiêu làm lụa Vân của ông Mão đã được trao giải Quả cầu vàng và Tinh hoa Việt Nam. Festival Huế năm 2006 cũng đã chọn những bộ trang phục cung đình Huế mà ông Mão phục chế bằng độc chiêu lụa Vân để trưng bày, giới thiệu với khách quốc tế. Các Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học... cũng trưng bày, sử dụng nhiều sản phẩm lụa của ông.
Ông đã có rất nhiều giải thưởng, chứng nhận, nhưng với ông, giải thưởng lớn nhất là những bí quyết dệt lụa cổ của làng đã được khôi phục, làng nghề thêm phồn thịnh bằng nghề. Khách tấp nập, tiếng cửi dệt lách cách hằng ngày là phần thưởng lớn nhất mà ông Mão đang tận hưởng, nhất lại là khi ông “cũng chẳng biết sống được bao lâu nữa, thất thập cổ lai hi rồi”.
Biết nghề từ khi học lớp vỡ lòng, gây dựng nên cả một cơ nghiệp lớn nhất nhì làng Vạn Phúc, nhưng kể từ khi dựng lại nghề dệt lụa Vân, ông Mão chuyển hẳn một cửa hàng, một cơ sở sản xuất lụa vào loại lớn nhất làng Vạn Phúc cho con cháu trông nom. Ông ở căn phòng chưa đến 10m2 bên cạnh, ngày ngày mải miết tìm cách phục chế các mẫu lụa cổ và truyền dạy cho những người cùng nghề.
Hiện tại, xưởng dệt lụa của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão thường xuyên duy trì 20 máy dệt. Các khung dệt đã được cách tân bằng máy nhưng vẫn giữ phương thức cổ truyền, tạo nên những nét hoa văn độc đáo, những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Trong khuôn viên rộng 500 m2, các công đoạn của quy trình sản xuất lụa diễn ra gần như đầy đủ như quay tơ, hồ sợi và dệt cửi. Khách tham quan có thể hình dung phần nào quá trình cho ra một tấm lụa đẹp. Bên cạnh xưởng dệt là cửa hàng giới thiệu sản phẩm, xếp hàng đến hàng trăm loại lụa, đủ các màu sắc, các sản phẩm vải tấm, khăn choàng, túi xách… đủ các loại, lúc nào cũng tấp nập khách mua hàng, cả khách tây, khách ta. Xưởng dệt và cửa hàng kinh doanh sản phẩm lụa của gia đình ông thuộc loại "đặc biệt" ở làng nghề Vạn Phúc, bởi chỉ có gia đình ông là có máy dệt lụa Vân. Lụa Vân tuy giá cao, nhưng thu hút được nhiều khách hàng vì sự độc đáo và thương hiệu của nó trong quá khứ: “The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng - Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên”.
Những mẫu lụa do ông Mão phục chế được giới kinh doanh đón nhận. Hiện nay, ngoài những mối hàng lớn ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, ông còn có cả những khách hàng ở Mỹ, Canada, Anh... Cửa hàng lụa của gia đình ông lúc nào cũng đông khách, đa phần là khách quen đến mua, và không phải lo lắng về giá cả hay chất lượng. Các tour du lịch đến Vạn Phúc, không thể không ghé xưởng sản xuất của Triệu Văn Mão để tham quan và mua lụa. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, liên kết phối hợp để các doanh nghiệp tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm, mở các lớp học nâng cao kiến thức..., doanh nghiệp nắm bắt được tình hình thị trường tiêu thụ, có những chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp. Vì vậy, sản phẩm lụa của gia đình ông Mão tiêu thụ rất dễ dàng, có mặt khắp nơi trên cả nước, từ chợ Đồng Xuân, vào Tp. Hồ Chí Minh và vượt ra ngoài biên giới, sang tận châu Mỹ, châu Âu. Nhưng cái khó nhất của gia đình cũng như của các hộ dân dệt lụa Vạn Phúc khác là không chủ động được đầu vào. Nguồn nguyên liệu để sản xuất lụa ngày càng khan hiếm khi đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, người trồng dâu, nuôi tằm không mặn mà với nghề tằm tang này như trước. Gia đình ông Mão đang cùng Hiệp hội làng nghề và chính quyền địa phương tìm một phương án tốt hơn để chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất lụa với chất lượng cao.
Mời xem tiếp bài: Phát triển du lịch làng nghề ở Chương Mỹ
http://www.tapchicongnghiep.vn/congnghieponline/khuyencong/2009/10/22630.ttvn