Nhà máy Đường An Khê: Gắn kết với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Từ Nhà máy đường có công suất ép 2.000 tấn mía ngày, Nhà máy Đường An Khê không ngừng được mở rộng nâng công suất đến nay Nhà máy đạt công suất 18.000 tấn mía/ngày, là Nhà máy đường có công suất ép lớn nhất Việt Nam.

Ở vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai có trên 44.000 ha đất nông nghiệp với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho việc phát triển của cây mía. Nhằm khai thác tiềm năng đó, 24 năm trước Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Nhà máy Đường An Khê (22/10/2000) tại Thôn 2, xã Thành An, Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Từ Nhà máy đường có công suất ép 2.000 tấn mía ngày, Nhà máy Đường An Khê không ngừng được mở rộng nâng công suất đến nay Nhà máy đạt công suất 18.000 tấn mía/ngày, là Nhà máy đường có công suất ép lớn nhất Việt Nam, sản lượng đường sản xuất hằng năm trên 10% sản lượng của cả nước. Niên vụ mía 2023 - 2024, Nhà máy Đường An Khê thu mua được 1.970.000 tấn mía, cao hơn vụ trước 270.000 tấn mía.

Nhà máy Đường An Khê
Nhà máy Đường An Khê tại Thôn 2, xã Thành An, Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

 

Bên cạnh đầu tư cho công tác chế biến, công tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía cũng được chú trọng. Từ năm 2020 đến nay, Nhà máy đã phát triển vùng nguyên liệu mía từ 17.500 ha lên gần 30.000 ha. Vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai (trên địa bàn 4 huyện, thị xã: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, thị xã An Khê) được đầu tư theo hướng sản xuất công nghiệp, áp dụng quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất – trồng – chăm sóc – thu hoạch, ứng dụng các giống mía mới có năng suất chất lượng cao.

Nhà máy Đường An Khê
Nhà máy Đường An Khê đầu tư, cơ giới hóa đồng bộ các khâu làm đất – trồng – chăm sóc – thu hoạch.

Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, nâng công suất chế biến, Nhà máy Đường An Khê chủ động đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tương xứng, đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Từ năm 2016 đến nay, Nhà máy đầu tư hơn 35,7 tỷ đồng để cải tạo, bổ sung các hạng mục gồm: hệ thống thu hồi tro cho cụm các lò hơi, bể điều hòa nước thải, bể trung gian tách khí (off gas), bể sinh học nano xử lý nhân tạo (MBBR), bể trung gian kiểm mẫu, cụm xử lý hóa chất, hồ sinh thái và hồ khẩn cấp. Sau khi nâng cấp, có 17 hạng mục với 23 hồ, bể xử lý nước thải, đảm bảo xử lý nước thải từ khu ép mía, sản xuất đường; khu dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE và nhà máy điện sinh khối với lượng nước thải 8.400 m3/ngày đêm. Chất lượng nước thải thải ra môi trường đảm bảo các thông số, nồng độ chất ô nhiễm đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở khu vực ống xả ra môi trường, Nhà máy đã chủ động lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải online, truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai quản lý, theo dõi.

Nhà máy Đường An Khê
Nhà máy Đường An Khê đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Song song hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn là một trong những chiến lược trong quá trình phát triển của Nhà máy Đường An Khê. Thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội, Nhà máy Đường An Khê luôn tích cực đồng hành cùng với các địa phương vùng mía trong xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng nhiều hình thức như: phối hợp với chính quyền tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm kết hợp tuyên truyền về xây dựng NTM với phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyên đề thâm canh cây mía, thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai vận động nông dân dồn điền đổi thửa thực hiện sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn nhằm tăng năng suất, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ Xanh – Sạch – Bền vững.

Có thể nói, sự phát triển Nhà máy Đường An Khê đã gắn liền với quá trình phát KT - XH của tỉnh Gia Lai. Trong những năm tới, Nhà máy Đường An Khê tiếp tục đầu tư để đưa thương hiệu Đường An Khê đi xa hơn nữa ở thị trường trong và ngoài nước, qua đó tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương cải thiện bộ mặt nông thôn ở các huyện thị vùng Đông Gia Lai.

Cảnh Hưng