Được biết, khi lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy, UBND tỉnh Thanh Hoá cấp phép cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần khai khoáng luyện kim Thanh Hà 5 mỏ quặng: Thanh Kỳ, Bái Hầm, Tượng Sơn, Xuân Thái, Hón Tĩnh, theo kết quả thăm dò có trữ lượng trên 226.000 tấn, đủ để nhà máy vận hành trong thời gian 5 năm.

Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất Nhà máy mới chỉ khai thác mỏ quặng ở Bái Hầm. Trong khi, mỏ Hón Tĩnh đã lập xong hồ sơ, đang chờ UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định cho khai thác, nhưng đường vào mỏ đang xây dựng nên chưa xác định được thời gian có thể tiến hành khai thác. Các mỏ Tượng Sơn và Xuân Thái thì nằm trên đất rừng phòng hộ, cần thời gian khảo sát, đánh giá, chuyển đổi nên trong thời gian tới rất khó đưa vào khai thác.

Theo báo cáo địa chất, trữ lượng quặng tại mỏ Bái Hầm là 140.000 tấn, nếu so sánh với công suất của Nhà máy yêu cầu trên 200 tấn quặng đã qua nghiền tuyển, tương đương với 300 tấn quặng thô, mỗi tháng cần 10.000 tấn quặng thô, như vậy mỏ Bái Hầm chỉ đủ cho nhà máy hoạt động trong một năm. Trên thực tế, lượng quặng còn lại tại mỏ có trữ lượng thấp hơn nhiều, chiếm đa số là quặng hàm lượng ít lại lẫn trong đá, hệ số 25 tấn đất đá/1 tấn quặng. Tại mỏ Bái Hầm, công nhân phải đào sâu xuống vài chục mét mới gặp quặng nhưng chất lượng quặng kém, hàm lượng sắt chỉ đạt dưới 40%, trong khi yêu cầu quặng phải đạt 58% sắt trở lên mới đủ điều kiện đưa vào Nhà máy luyện gang.

Hơn 3 tháng Nhà máy đi vào hoạt động luôn rơi vào tình cảnh “đói” nguyên liệu, đã gây thiệt hại cho Công ty hàng tỷ đồng, 1/3 công nhân phải nghỉ việc. Trong khi đó, Công ty vẫn phải đóng bảo hiểm hàng tháng và hỗ trợ 500.000đ/lao động/tháng.

Theo chúng tôi được biết, Chủ đầu tư là Công ty cổ phần luyện kim khai khoáng Thanh Hà không được tham gia vào quá trình thăm dò, khảo sát, đánh giá nguồn quặng, dẫn đến “mù tịt” thông tin về trữ lượng và hàm lượng quặng trong đất. Để khắc phục khó khăn, Công ty đã đầu tư thêm 2 dây chuyền tuyển khoáng và thiêu kết nhằm nâng hàm lượng sắt của quặng lên 60%. Việc đầu tư thêm 2 dây chuyền này sẽ nâng tổng mức đầu tư của dự án từ 239 tỷ đồng lên 342 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn bộ móng của dây chuyền đã xây dựng xong, hệ thống máy móc, thiết bị đã được đặt hàng tại Trung Quốc, chỉ còn chờ hoàn tất thủ tục thanh toán để đưa thiết bị về lắp đặt. Công ty phấn đấu trong tháng 2 sẽ lắp đặt xong 2 dây chuyền mới này, đồng nghĩa với việc nâng công suất của nhà máy lên 120%, tương đương với 150 tấn gang/ngày. Khi 2 dây chuyền mới đi vào hoạt động sẽ giảm hệ số than cốc từ 1 than/1gang xuống còn 0,75 than/1 gang, do đó, sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, để 2 dây chuyền mới này có thể hoạt động thường xuyên và hiệu quả, đòi hỏi phải có 10.000 tấn quặng tốt, hàm lượng sắt từ 58% trở lên và 30.000 tấn qặng lấy từ mỏ đang khai thác để làm quặng sống chạy lò trong thời gian chạy lấy nhiệt. Vừa qua, Công ty đã đề ra phương án mua lại quặng từ Nghệ An, dự kiến nguồn quặng này có thể thu mua được từ 2.000 đến 3.000 tấn/tháng. Bên cạnh đó, nhu cầu sắt thép năm 2010 của Việt Nam là rất lớn, dự kiến nước ta phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn sắt thép, trong điều kiện các nhà máy sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu, như vậy việc tạo điều kiện để nhà máy luyện gang Thanh Hà sớm trở lại hoạt động là một việc làm cần thiết.