Thực trạng nhà ở cho công nhân các KCN, KCX vùng Đông Nam Bộ
Nhà ở cho công nhân các KCN của Vùng đã được một số Ban quản lý KCN xây dựng, như khu lưu trú Trường Thịnh tại quận Bình Chánh, khu lưu trú Linh Trung - quận Thủ Đức, và các KCN Biên Hoà, KCN Gò Dầu cũng đều có khu chung cư. Các khu này được quy hoạch và thiết kế đồng bộ, có phòng ở rộng rãi,  phòng đọc sách báo, phòng ăn tập thể, phòng y tế, khu sân chơi thể thao, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sống. Giá thuê phòng trung bình khoảng 80.000đ/người/ tháng, phù hợp với thu nhập của công nhân. Vì thế, người công nhân sau giờ làm việc có điều kiện thuận lợi để tái sản xuất sức lao động cả về thể lực, trí lực và tâm lực, nâng cao năng suất lao động, đồng thời hình thành tác phong lao động hiện đại. Tuy nhiên, các khu lưu trú kiểu như vậy mới chỉ đáp ứng được từ 5% đến 10% nhu cầu. Đặc biệt, ở TP Hồ Chí Minh, số lao động ngoại tỉnh về làm việc trong các KCN lên tới 60.000 người, nhưng chỉ có khoảng 7.000 người được ở trong các khu lưu trú.
Tính chung, trong Vùng hiện có từ 90% đến 95% lao động ngoại tỉnh đang phải thuê các nhà trọ tư nhân ở xung quanh các KCN. Các khu nhà này được hình thành tự phát và tạm bợ. Các phòng ở chật chội, ẩm thấp, điện nước không ổn định, môi trường ô nhiễm, mà giá thuê lại khá cao, trung bình khoảng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/người/tháng. Các khu này càng không có nơi vui chơi giải trí, nên ngoài giờ làm việc, công nhân chỉ biết tụ tập ở các hàng quán xung quanh, hoặc tìm đọc những cuốn tiểu thuyết có nội dung không lành mạnh với giá rẻ. An ninh, trật tự xã hội khá phức tạp, đã xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút, mại dâm...
Nguyên nhân dẫn tới nhu cầu nhà ở cho công nhân các KCN chưa được đáp ứng và đang trở thành vấn đề bức xúc là do:
Thứ nhất, trong quy hoạch của một số KCN không có phần xây dựng nhà ở cho công nhân. Từ năm 1991 đến năm 1997, khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định 36/CP, cả vùng ĐNB có 18 KCN được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng đều không có quỹ đất và nguồn vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Thứ hai, sau khi Nghị định 36/CP ngày 24/7/1997 được ban hành, Vùng đã thành lập 32 KCN mới. Các KCN này đều đã có quy hoạch đất và dành một phần vốn ngân sách cấp cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân, cũng như các công trình công cộng khác. Trong thực tế, các KCN này đã hoạt động, nhưng việc xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn rất chậm, do các Ban quản lý KCN còn tập trung vào việc thu hút các nhà đầu tư để lấp đầy các KCN và việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, chính quyền địa phương chưa có cơ chế quản lý các khu nhà trọ tư nhân một cách hợp lý. Do đó, các khu nhà trọ tư nhân được xây dựng tự phát, tạm bợ, không theo quy hoạch, hầu hết không đảm bảo điều kiện về vệ sinh, môi trường sống. Từ khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức đến khu chế xuất Tân Thuận hay Khu công nghiệp Tân Tạo quận Bình Chánh, những nhà trọ nhếch nhác nhiều vô kể, nhà mái tôn lẫn nhà mái lá.     
Trong khi đó, diện tích đất cho thuê trung bình tại các KCN của vùng mới chỉ đạt 44,88%. Theo kế hoạch đến năm 2010, các KCN sẽ được lấp đầy và số KCN của Vùng ĐNB sẽ tăng lên tới 55 KCN. Dự tính, các KCN này sẽ thu hút khoảng 800.000 lao động. Do vậy, nhu cầu nhà ở cho công nhân tại các KCN  sẽ ngày càng nhiều hơn.
Một số giải pháp đặt ra
Thứ nhất, với chính quyền địa phương, Ban quản lý các KCN cần kết hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương tăng cường quản lý các nhà trọ tư nhân. Cần đưa ra quy hoạch cho các khu nhà trọ; Ban hành các văn bản quy định các tiêu chuẩn đối với nhà trọ, như: diện tích phòng, độ cao, mái che, khu vệ sinh, hệ thống cung cấp điện - nước, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường xung quanh, giá trần cho thuê phòng...
Chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, an ninh, trật tự và khuyến khích công nhân thuê nhà tham gia vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ của địa phương, nhằm tạo một môi trường sống lành mạnh và giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng các khu nhà ở cho công nhân các KCN của Vùng.
- Đối với các KCN mới thành lập, cần phải có quy hoạch đồng bộ, gắn chặt việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong hàng rào, với các công trình ngoài hàng rào KCN như khu nhà cho công nhân, khu vui chơi, giải trí, hệ thống giao thông... đồng thời cũng cần xác định rõ khoảng thời gian phải hoàn thành.  
- Đối với các KCN được thành lập trước năm 1997 mà không có quy hoạch quỹ đất và nguồn vốn xây dựng nhà ở cho công nhân, Ban quản lý các KCN cần nhanh chóng lập đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xin quỹ đất và một phần ngân sách cho giải phóng mặt bằng, để xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hoà có quỹ đất hạn hẹp, nên khuyến khích xây dựng nhà chung cư cao tầng cho công nhân.
- Đối với các KCN đã có quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân, Ban quản lý các KCN cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan huy động vốn từ một số nguồn, như từ ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn vốn vay ODA của các nhà tài trợ song phương và các nhà tài trợ đa phương như Nhật Bản, WB, ADB; từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại  hoặc từ các quỹ cho vay vốn ưu đãi, như Quỹ phát triển nhà của tỉnh, thành phố, Quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; từ chủ doanh nghiệp theo phương thức đầu tư BOT hoặc BT... để tập trung đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Bên cạnh đó, các địa phương nên có những chính sách ưu đãi để thu hút các công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, như miễn giảm tiền thuê sử dụng đất từ 5 đến 8 năm; miễn giảm thuế doanh nghiệp từ 3 đến 5 năm kể từ khi kinh doanh có lãi; khuyến khích các công ty này đầu tư xây dựng các khu chung cư cao tầng và cho phép họ bán một số căn hộ theo một tỷ lệ nhất định để thu hồi vốn, số còn lại để cho công nhân thuê...
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển các KCN của cả nước nói chung và vùng ĐNB nói riêng, nhà ở cho công nhân cũng ngày càng được đảm bảo hơn, góp phần làm tăng hiệu quả và sự hấp dẫn của các KCN, KCX đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.