Sự việc bắt đầu khi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) công bố kết luận sau khi kiểm tra các cơ sở sản xuất sữa: Rất nhiều cơ sở sản xuất sữa đã sản xuất và bán cho người tiêu dùng sữa bột với giá của “sữa tươi nguyên chất”. Đây thực sự là “cú sốc” đối với người tiêu dùng. Với tâm trạng bị “lừa”, ngay lập tức, người tiêu dùng đã quay lưng lại với các loại sữa nước, khiến cho thị trường sữa nước giảm đáng kể.

Trước sự cố này, các nhà sản xuất sữa đã chính thức xin lỗi khách hàng. Đại diện Vinamilk đã lý giải, đây là sự sai sót nghề nghiệp mà lẽ ra, khi đăng ký sản xuất, sản phẩm này phải là “sữa tươi tiệt trùng không đường” thì nhãn mác lại in nhầm thành “sữa tươi tiệt trùng nguyên chất”. Tại Hội thảo “Sản phẩm sữa - Chất lượng và công nghệ chế biến tại Việt Nam” do Bộ Công nghiệp chủ trì, đại diện của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Đỗ Gia Phan cho rằng, để xảy ra sự việc này là một điều đáng tiếc. Lâu nay, do không được thông tin đầy đủ, nên nhiều người tiêu dùng vẫn cho là sữa tươi mới là tốt nhất cho sức khoẻ. Vì thế, họ đã tỏ ra rất thất vọng khi biết thứ sữa tươi nguyên chất mà họ vẫn tin tưởng, thực tế chỉ là sữa hoàn nguyên được pha chế từ sữa bột, mặc dù, sữa bột là sữa bò tươi được phun sương, sấy khô để lấy bớt nước, thuận tiện cho vận chuyển và tồn trữ. Trong quá trình sấy khô, sữa bột được kiểm soát thành phần chặt chẽ và được bổ sung vi chất đã bị thất thoát trong quá trình xử lý. Sữa bột vì thế khi pha đúng nồng độ thì có thành phần dinh dưỡng như sữa tươi. Thêm vào đó, việc hồi âm chính thức cho người tiêu dùng được thực hiện quá chậm chạp, làm cho họ càng cảm thấy bị xúc phạm. Ông Phan cũng dẫn ra 2 trong 8 các quyền của người tiêu dùng, bao gồm: Quyền được thông tin và được lắng nghe và Quyền được phát biểu ý kiến và được phản hồi những ý kiến đã phát biểu. Với từng ấy lý do, rõ ràng, trong sự việc vừa rồi, các công ty sản xuất sữa vô hình chung đã đẩy người tiêu dùng về phía đối nghịch với mình, thay vì phương châm “khách hàng là thượng đế” như vẫn nói.

Đáng chú ý là phát biểu của đại diện Công ty Sữa Mộc Châu, doanh nghiệp duy nhất sản xuất các sản phẩm sữa tươi nguyên chất. Theo doanh nghiệp này, thì một sản phẩm sữa được lưu thông ra thị trường rất cần có sự giám sát về chất lượng và phải ghi rõ nhãn mác, xuất xứ, bởi quy trình sản xuất sữa hoàn nguyên và sữa tươi thanh trùng rất khác nhau. Để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, Công ty Sữa Mộc Châu phải bao tiêu cả nông trường chăn nuôi bò. Cứ 2- 3 km lại có một trạm thu mua sữa, nhằm đảm bảo sữa được duy trì ở nhiệt độ vừa phải. Khi sữa được vắt, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 35- 370C, chính vì thế, nếu không đưa vào kho bảo quản ngay thì sản phẩm này chỉ giữ được chưa đầy 3 giờ là hỏng, đồng thời, các khâu từ vắt sữa đến chế biến sản phẩm phải theo quy trình khép kín. Sữa Mộc Châu cũng cho biết, trước đó, họ cũng chế biến một số sản phẩm từ sữa bột và nhận thấy, khi xử lý ở nhiệt độ cao, một số chất bị biến dạng. Đối với sữa bột khi chế biến có thể sử dụng công thức hoà với nước hoặc dung môi, đồng thời, trong quá trình chế biến, các nhà sản xuất bắt buộc phải cho thêm hương liệu để sữa có mùi hấp dẫn. Những thông tin này cho thấy, để sản xuất ra sữa tươi nguyên chất thực sự, nhà sản xuất phải đảm bảo từ khâu nguyên liệu đến vận chuyển, bảo quản và chế biến, chứ không phải chỉ là những gì được ghi trên nhãn mác.

Tuy nhiên, có một cách nhìn rất mới cũng được đưa ra trong Hội thảo. Đó là quan điểm của GS.TS Nguyễn Thị Hiền đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi phân tích thành phần của các loại sữa, bà Hiền cho rằng, hiện nay, sữa nước được chế biến tại Việt Nam đều trên dây chuyền sản xuất hiện đại và khép kín, các nhà máy sữa đều nhập nguyên liệu sữa bột và phụ gia từ các nước tiên tiến, có thực hiện đủ theo GMP, HACCP, CIP và đăng ký chất lượng đạt ISO, có đội ngũ quản lý và sản xuất được đào tào cơ bản trong và ngoài nước. Vì vậy, dù là sữa tươi nguyên chất hay sữa đã được pha chế, tất cả, đều rất bổ dưỡng cho sức khoẻ con người.

Tổng kết Hội thảo, bà Châu Huệ Cẩm, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp rất đồng ý với quan điểm mà các nhà khoa học đã nêu ra, cũng như ý kiến của đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng, đã đến lúc gác bỏ mọi mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng. Các nhà kinh doanh cần phải trung thực với chính những người đã ủng hộ họ trong suốt thời gian qua, bằng việc dán nhãn mác đúng với chất lượng và bán đúng với giá thành. Làm được như vậy, chắc chắn, người tiêu dùng Việt Nam không bao giờ quay lưng lại với nhà sản xuất.