Đặc biệt năm 2007, tỷ lệ nhập siêu lên đến 29%, mức cao nhất từ năm 1997 đến nay. Điều này có thể lý giải là do (i) Các biện pháp kiểm soát NK được nới lỏng để thực hiện các cam kết quốc tế với Hoa Kỳ, AFTA, ACFTA, gia nhập WTO, (ii) Giá và lượng một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng, (iii) Đây là giai  đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, (iv) Đầu tư nước ngoài phát triển mạnh, (v) Khu vực kinh tế tư nhân phát triển, (vi) Nền kinh tế cần phải chuyển sang phát triển theo chiều sâu... Tuy nhiên, việc gia tăng đột biến nhập siêu trong những năm gần đây, nhất là năm 2007 và có thể tiếp tục trong những năm tới, cần được nhìn nhận một cách khoa học.

Qua nghiên cứu tình trạng nhập siêu của nước ta trong thời gian qua có thể đưa ra nhận định như sau:

- Tỷ lệ nhập siêu ở nước ta trong những năm gần đây ở mức tương đối cao. Nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho nhu cầu đầu tư (chiếm tới 97% năm 2007). Kinh nghiệm các nước cho thấy, khi tăng NK thông qua tăng đầu tư trong nước thì có thể kỳ vọng vào sự tăng năng lực sản xuất hàng XK và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Nhìn dưới góc độ này, NK cao là một dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Ở Việt Nam, khi nguồn cung ứng ngoại tệ thuận lợi như thời gian qua, thì việc tranh thủ NK để đầu tư cũng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, tỷ lệ NK nguyên liệu thô, bán thành phẩm chiếm tỷ trọng rất cao (trên 60% giai  đoạn 1991-2000 và 57% trong giai đoạn 2001-2007). Tỷ trọng kim ngạch NK máy móc, thiết bị quá thấp (bình quân 28,7% giai  đoạn 1991-2000 và 27% giai đoạn 2001-2007) so với các nước đang tiến hành CNH (khoảng 40%). NK dịch vụ quá nhỏ bé và đặc biệt là các phát minh, sáng chế gần như chưa có. Điều này, một mặt làm hạn chế quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, mặt khác làm hạn chế tăng năng suất nhân tố tổng hợp và kết quả là giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ. Hơn nữa, sự phụ thuộc quá mức hiện nay của Việt Nam vào nguồn nguyên liệu, bán thành phẩm phục vụ cho XK đã làm gia tăng mức độ rủi ro XK, bởi vì đây là nhóm hàng có độ co giãn về giá cao, dễ bị biến động lớn về giá khi môi trường kinh tế thay đổi. Những yếu tố này làm cho việc giảm nhập siêu trong dài hạn gặp nhiều khó khăn.

- Việt Nam nhập siêu chủ yếu từ các nước châu Á. Từ 1996 đến nay, hầu như Việt Nam nhập siêu từ các thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và xuất siêu đối với thị trường các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Từ năm 2001 đến nay, mức độ nhập siêu từ khu vực châu Á có xu hướng gia tăng, đặc biệt với Trung Quốc. Năm 2007, nhập siêu từ nước này đạt mức kỷ lục 9,1 tỷ USD. Điều này cho thấy, một mặt, mức độ mở cửa với khu vực của Việt Nam khá cao, mặt khác, NK của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào các thị trường châu Á với nguồn nguyên nhiên liệu, công nghệ, máy móc, hàng tiêu dùng chất lượng trung bình. Điều này cũng phản ánh trình độ sản xuất và khả năng cạnh tranh thấp của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Xu hướng này khác hẳn với các nước CNH ở châu Á trước đây, là NK của họ từ các nước phát triển chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch NK.

- Tỷ trọng nhập siêu cao thể hiện khả năng cạnh tranh thấp của hàng hoá XK và hàng hoá thay thế NK được sản xuất trong nước. Điều này thể hiện trước hết là tăng trưởng XK của ta chủ yếu tăng về lượng, yếu tố giá trị gia tăng chưa phải là đặc trưng của hàng XK. Nhóm hàng nông sản của ta chủ yếu là xuất thô, với giá thấp hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Các sản phẩm như dệt may, da giày, hàm lượng nguyên liệu nhập khẩu còn quá cao. Tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao quá nhỏ bé (4,2% năm 2004, trong khi Trung Quốc là 30%). Việt Nam cần nhập nhiều nguyên phụ liệu, bán thành phẩm, bởi vì chất lượng và sản lượng nhóm hàng này được sản xuất trong nước còn thấp.

- Tỷ trọng nhập siêu gia tăng thể hiện hiệu quả đầu tư thấp. Trong dài hạn, có thể hạn chế nhập siêu nếu NK phục vụ cho XK và cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hoá tiêu dùng trong nước. Trong những năm qua, đầu tư và NK ở nước ta còn tập trung lớn vào các ngành sử dụng nhiều vốn. Nhiều dự án đầu tư mang lại hiệu quả thấp và thậm chí kéo dài, chưa tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.

- Nhập siêu mức độ lớn và kéo dài thể hiện sự chậm chạp trong chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng gia tăng tỷ trọng XK hàng công nghiệp chế biến. Phân tích cơ cấu XK của nước ta trong giai  đoạn 1995-2007 cho thấy, mức độ gia tăng của hàng XK chế biến là quá thấp so với các nước CNH như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Không tăng được tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghiệp chế biến thì khả năng cải thiện cán cân thương mại (CCTM) là rất khó khăn.

- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu trong khi khu vực trong nước nhập siêu. Năm 2007, XK của khu vực này chiếm 56,9% tổng kim ngạch XK và xuất siêu hơn 6,2 tỷ USD. Như vậy, nếu không tính yếu tố nước ngoài, nhập siêu của Việt Nam trong năm 2007 lên đến trên 18 tỷ USD. Điều này thể hiện gia tăng xu hướng đầu tư thay thế nhập khẩu và yếu kém của khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là DNNN.

- Trước mắt, thâm hụt CCTM chưa gây biến động lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, mà trong nhiều năm qua chúng được bù đắp chủ yếu bằng thặng dư của cán cân vốn, các khoản chuyển giao như viện trợ nước ngoài và nguồn kiều hối. Tuy nhiên, xét về dài hạn, thâm hụt CCTM đang tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững. Những biểu hiện đó là: Hiệu quả sử dụng vốn thấp. Đầu tư vào những ngành cần nhiều vốn và mức sinh lời thấp; Khả năng cạnh tranh của những ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang công nghiệp chế biến và kỹ thuật cao thể hiện xu thế của công nghiệp hoá và hội nhập sâu chưa thật rõ nét. Tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu còn cao và ngành công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém.

Trong những năm tới, xu hướng gia tăng thâm hụt CCTM vẫn còn, do yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển dịch cơ cấu sang đầu tư chiều sâu, thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường các loại hàng hoá đầu vào có xu hướng gia tăng. Do đó, nếu không có những biện pháp thích hợp, những hạn chế nêu trên có thể sẽ gây nên tình trạng xấu đối với nền kinh tế, như tăng dư nợ nước ngoài, làm yếu khả năng cạnh tranh, giảm mức độ hội nhập và tốc độ công nghiệp hoá.

Một số giải pháp xử lý nhập siêu:

Để hạn chế nhập siêu, trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã áp dụng nhiều biện pháp như: khuyến khích phát triển xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý nợ, chống buôn lậu, gian lận thương mại ... Tuy nhiên, những giải pháp này được áp dụng chưa đồng bộ và còn có những ý kiến khác nhau về tình trạng nhập siêu và các giải pháp hạn chế. Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc điều chỉnh CCTM như sau:

- Điều tiết CCTM trong dài hạn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững phải sử dụng đồng bộ các biện pháp như thương mại, đầu tư, tỷ giá hối đoái, quản lý nợ nước ngoài và các biện pháp khác. Chỉ sử dụng giải pháp thương mại, thị trường không thể cải thiện được CCTM trong dài hạn. Sự phối hợp các chính sách trong điều tiết CCTM là hết sức cần thiết.

- Điều tiết CCTM không phải là tìm mọi biện pháp để đạt được sự cân bằng. Cân bằng CCTM không phải là mục tiêu cuối cùng, mà mục tiêu là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần có những biện pháp điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo từng giai đoạn CNH. Để đẩy mạnh CNH cần nhanh chóng chuyển sang áp dụng mô hình CNH theo hướng xuất khẩu, dựa trên lợi thế so sánh và tự do hoá nhập khẩu cạnh tranh để khai thác lợi thế của quá trình tự do hoá thương mại.

- Để hạn chế nhập siêu, biện pháp chủ đạo là phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu để cải tiến công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế có vai trò quyết định đến việc tăng xuất khẩu. Do đó, hạn chế nhập khẩu quá mức sẽ không thể cải thiện được CCTM trong dài hạn. Nhập khẩu thúc đẩy phát triển công nghệ, là nhân tố quyết định tăng năng suất nhân tố tổng hợp, do đó có tác dụng nâng cao khả năng cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu.

- Cần có mức độ mở cửa đúng mức để đón nhận những cơ hội đầu tư từ bên ngoài. Sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết mà không vi phạm qui định của WTO.

- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những biện pháp quan trọng để giảm nhập khẩu nguyên vật liệu và phụ kiện, nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

- Cần có nghiên cứu chi tiết (định lượng) để tính toán lại các mục tiêu về tăng trưởng xuất nhập khẩu, đảm bảo khai thác các lợi thế của mở cửa hội nhập. Cụ thể là xác định mức nhập khẩu cho phép đảm bảo sức chịu đựng của cán cân tài khoản vãng lai và nợ nước ngoài, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp CNH, HĐH.         

Một số giải pháp hạn chế nhập siêu trung hạn và ngắn hạn

- Chính phủ có chính sách khuyến khích tăng tỷ trọng giá trị xuất khẩu ròng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và nâng cao hệ số DRC (hệ số sử dụng tài nguyên trong nước) trong cơ cấu nhóm sản phẩm gia công xuất khẩu và nhóm sản phẩm nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Đến năm 2007, kim ngạch XK nhóm hàng gia công, hàng XK từ hàng NK vẫn chiếm 40% tổng kim ngạch XK hàng hoá. Nếu tính cả phần giá trị yếu tố trong nước trong nhóm hàng gia công XK và nhập khẩu để sản xuất phục vụ XK thì tỷ trọng kim ngạch XK ròng mới chiếm 72,96% tổng kim ngạch XK. Vì thế, nếu cán cân thương mại tính theo doanh thu (tổng kim ngạch) thì năm 2007 nước ta nhập siêu 14.120,8 triệu USD, chiếm tỷ lệ 29,1% so với kim ngạch xuất khẩu; nếu cán cân thương mại không bao gồm giá trị nhóm hàng gia công và hàng xuất khẩu từ hàng NK, giá trị nhóm hàng NK để gia công XK và hàng NK để sản xuất phục vụ XK thì năm 2007 nước ta nhập siêu 19.970,5 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu so với XK chiếm tới 68,43%. Nếu cán cân thương mại tính theo giá trị xuất khẩu ròng và nhập khẩu ròng thì năm 2007 nước ta vẫn nhập siêu tới 13.720,8 triệu USD, chiếm tỷ lệ 38,72% so với XK. Tình trạng nhập siêu thực tế của Việt Nam ở mức rất cao, đòi hỏi phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng XK, các địa phương nâng cao tỷ lệ giá trị yếu tố trong nước từ mức 32,24% lên 50% trong tổng giá trị XK hàng gia công, hàng XK với hàng NK trong vòng 5 năm tới, để vừa hạn chế nhập siêu, vừa nâng cao tỷ trọng giá trị XK ròng. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiềm chế nhập siêu trong trung hạn và dài hạn.

-  Sớm xây dựng quy hoạch phát triển NK gắn với quy hoạch phát triển XK hàng hoá đến năm 2015

Trong quy hoạch phát triển NK hàng hoá, cần tính toán cân đối cung - cầu và định hướng phát triển NK cho từng nhóm hàng, mặt hàng NK. Trong đó, cần xác định rõ các mặt  hàng hạn chế NK, các mặt  hàng NK có sự kiểm soát khối lượng và các mặt  hàng khuyến khích NK.

Việc quy hoạch phát triển NK hàng hoá sẽ là cơ sở để có các biện pháp hạn chế khối lượng NK những mặt  hàng trong nước có khả năng sản xuất thay thế NK, nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu vật tư cho phát triển sản xuất. Kết quả tính toán cho thấy, năm 2007, phần giá trị NK tăng 5 so với năm 2006 chiếm tới 20% tổng kim ngạch NK, quí I/2008 chiếm tới 27%. Nếu khối lượng NK năm 2007 bằng năm 2006, thì nước ta có thể giảm tỷ lệ nhập siêu xuống còn 3,5%; nếu khối lượng NK quí I/2008 bằng quí I/2007 thì cán cân thương mại quí I/2008 của nước ta đã có xuất siêu trên 2,58  tỷ USD, chiếm tỷ lệ gần 20% so với XK. Điều đó cho thấy, giải pháp quy hoạch phát triển NK nhằm hạn chế khối lượng NK những mặt  hàng sản xuất trong nước có khả năng thay thế, sẽ có ý nghĩa quan trọng để kiềm chế nhập siêu trong trung hạn và dài hạn. Trong quy hoạch phát triển NK, cần xác định rõ cách thức bố trí lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất theo từng ngành hàng NK chính và theo địa bàn lãnh thổ (chủ thể NK, địa phương NK).

- Áp dụng chế độ tỷ giá linh hoạt và tăng biên độ dao động để tăng độ co giãn của cầu và cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, tạo thuận lợi cho cung và cầu ngoại tệ gặp nhau nhằm tăng xuất khẩu ròng.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, tiến hành chương trình tổng rà soát các ngành hàng NK chính, các đơn vị/doanh nghiệp đầu mối NK lớn của từng ngành hàng để xác định các ngành hàng cần hạn chế NK, mức độ hạn chế về khối lượng và cơ cấu mặt hàng NK, xác định nhóm chủ thể (đơn vị đầu mối lớn) NK thích hợp với từng ngành hàng, mặt hàng.

- Bộ Công Thương chủ trì việc tổ chức phân tích, đánh giá và dự báo cơ cấu thương mại song phương giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính (trước hết là 20 thị trường nhập siêu năm 2007) nhằm xác định các lợi ích thương mại song phương để có chủ kiến đàm phán với từng đối tác, tăng XK và giảm nhập siêu. Đồng thời, tiến hành phân tích cơ cấu công nghiệp song phương giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính, trên cơ sở đó đề ra lộ trình và giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Việt Nam theo hướng gậm mòn dần lợi thế mà các đối tác thương mại chính đang duy trì về cơ cấu công nghiệp và công nghệ, tăng phần lợi ích thương mại của Việt Nam khi cơ cấu công nghiệp của Việt Nam đã trở nên tiên tiến hơn.v