Nói về công nghiệp Hà Nội những ngày đầu giải phóng, chi có vài nhà máy, xí nghiệp của chế độ thực dân Pháp đầu tư phục vụ công cộng như : Nhà máy Điện, Nước, Xe điện, còn lại là cơ sở dịch vụ, cơ khí sửa chữa phục vụ cho cuộc chiến tranh và đời sống của bọn thống trị như: nhà máy Bia, nước đá, rượu v..v... đã ngừng sản xuất từ trước ngày giải phóng, một số thiết bị, phụ tùng, vật liệu đã bị chúng tháo gỡ đem đi. Phần công nghiệp do các nhà tư bản dân tộc kinh doanh cũng rất nhỏ bé, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu, cả nội ngoại thành Hà Nội chỉ có hơn 1000 cơ sở sản xuất thủ công và công nghiệp tư doanh với 5000 người lao động.
Dưới ánh sáng nghị quyết của Bộ chính trị TW Đảng tháng 9/1954, với khí thế của người chiến thắng và ý thức làm chủ đất nước, nhân dân thủ đô đi đầu là giai cấp công nhân thực hiện giai đoạn khôi phục kinh tế và cải tạo tư bản tư doanh (1955-1959) đã đưa Hà Nội từ một thị trường tiêu thụ hàng hoá ngoại nhập, trở thành một thành phố sản xuất. Đến năm 1959, Nền công nghiệp Hà Nội đã có bước phát triển mới, số lượng nhà máy công nghiệp quốc doanh Trung ương đóng trên địa bàn từ 8 nhà máy tiếp quản năm 1954 phát triển lên 60 nhà máy đựơc đưa vào hoạt động với giá trị tổng sản lượng năm đạt 142.665.000đ bằng 2002,6% so với năm 1955. Số công nhân viên lên tới 15.699 người bằng 810,9% so với năm 1955.
Công nghiệp địa phương cũng được hình thành. Sở Công nghiệp Hà Nội được thành lập ngày 5/6/1959 quản lý 496 cơ sở tư bản tư nhân đã được cải tạo,tổ chức sắp xếp lại thành 24 liên xưởng sản xuất tập trung. Sau 1 năm, Công nghiệp địa phương Hà Nội đã tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực sản xuất với tổng số CBCNV 4.536 người, tài sản cố định có 6.786.000đ, đạt GTTSL 24.030.000đ, tổng tích luỹ 6.612.000đ.
Hoàn thành thắng lợi công cuộc cải tạo XHCN, ngành Công nghiệp Hà Nội bước vào giai đoạn mới thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)với nhiệm vụ trọng tâm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu cho CNXH. Các Xí nghiệp cơ khi địa phương được tổ chức lại, bổ sung thêm thiết bị chuyển từ công nghiệp cơ khí sửa chữa sang công nghiệp chế tạo. Ngành Công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp có sự chuyển biến lớn phát triển nhiều mặt hàng mới. Chỉ với 2 năm đầu của kế hoạch 5 năm, GTTSL công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng bình quân 29/1%/năm, công nghiệp địa phương tăng bình quân 19,6%/năm. Giá trị sản lượng công nghiệp Hà Nội bằng 30,8% GTTSL công nghiệp miền Bắc.
Nhiều ngành nghề đã có tốc độ sản xuất tăng cao như : Ngành dệt tăng 3,47 lần, ngành sứ thuỷ tinh tăng 13 lần, ngành cơ khí tăng 3,26 lần...v.v... từ thủa ban đầu non trẻ đó, công nghiệp Hà Nội đã sản xuất được áo len, bàn đạp xe đạp, vải kaky, vải Vạn Phong, quạt bàn con cóc, quạt trần…. ở giai đoạn hiện nay, những mặt hàng đó thành “đồ cổ” nhưng ở thời điểm những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX là cả một thành tựu rất đáng trân trọng. Chỉ riêng mặt hàng quạt điện, năm 1961 sản xuất được 2.500 chiếc, năm 1963 đã đạt 36.857 chiếc. Các loại máy công cụ như máy tiện T69, máy búa 50 và 150 kg của Nhà máy cơ khí Mai Động, máy gia công chế biến gỗ của nhà máy cơ khí Đồng Tháp v.v được ra đời góp phần trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế khác và thủ công nghiệp phát triển đã ghi nhận một giai đoạn Công nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh có chuyển biến bước đầu về cơ cấu sản xuất, cùng cả nước hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Mười năm (1965-1975) là giai đoạn Hà Nội đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972. Công nghiệp Hà Nội chuyển từ thời bình sang thời chiến. Người công nhân Hà Nội “Tay búa, tay súng”. Những trận địa phòng không được đặt trên tầng cao các Nhà máy Xà Phòng, Thuốc Lá, Bóng đèn Rạng Đông v.v... đã góp phần làm nên lưới lửa bủa vây máy bay Mỹ. Một số nhà máy, xí nghiệp phải sơ tán về vùng rừng núi để sản xuất. Công nhân Thủ đô đã di chuyển hàng ngàn tấn máy móc đi sơ tán, vừa đảm bảo sản xuất phục vụ cho đời sống nhân dân, vừa phải cung cấp cho quốc phòng. Những xí nghiệp ở lại vẫn đêm ngày thay ca, bám máy. Có xí nghiệp bị đánh bom, một số anh em công nhân đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Trong hoàn cảnh ác liệt ấy, Công nghiệp Hà Nội vẫn được bảo vệ, sản xuất vẫn được giữ vững và phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật lại được tăng cường mạnh mẽ phát triển thêm nhiều nhà máy mới như: Nhựa Hà Nội, Sơn Hà Nội, Kim khí Thăng Long, Đúc Mai Lâm, Điện khí Thống Nhất, Cơ khí Giải Phóng, Cơ khí Nam Hồng, Công nghiệp Hà Nội đã tạo ra được nhiều hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, công cụ sản xuất để đảm bảo đời sống phục vụ sản xuất, cung cấp cho quốc phòng,ngoài ra còn giúp đỡ tích cực cho phát triển công nghiệp địa phương các tỉnh. Cũng cần phải nhắc lại trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và thiếu thốn mọi thứ, những sản phẩm của công nghiệp Hà Nội lúc đó như : Nước chấm vi sinh, mỳ sợi, bột nhẹ, dép nhựa, giấy viết, cao su công nghiệp, đèn bão, ấm nhôm, nan hoa xe đạp, dây điện, máy hàn điện, máy kem, máy xát gạo, máy đập lúa ... là những đóng góp có ý nghĩa rất quan trọng lúc bấy giờ
Sau ngày đất nước đã thống nhất (30-4-1975) Công nghiệp Hà Nội bước sang một giai đoạn mới - Giai đoạn 10 năm (1976-1985) chặng đường đầu của thời kỳ quá độ với đầy khó khăn và thử thách. Bên ngoài bị cắt viện trợ, bao vây kinh tế, chiến tranh biên giới v.v. bên trong bị phá hoại về kinh tế, vật tư, tiền vốn, năng lượng thiếu nghiêm trọng. Nhưng trong khó khăn phức tạp, công nghiệp Hà Nội càng thể hiện sự vững vàng với cách làm ăn mới, suy nghĩ mới, sáng tạo với quyết tâm tạo sức chuyển biến đi lên. Các hình thức liên hiệp sản xuất ra đời như Liên hiệp xe đạp, một số XN có điều kiện được sáp nhập lại như sáp nhập XN Giầy vải Hà Nội vào Thượng Đình. Trong 4 năm đầu 1976-1978 Công nghiệp Thành phố cả Trung ương và địa phương đã có bước phát triển khá, về GTTSL năm 1978 tăng 23% so với năm 1975, một số sản phẩm mới được sản xuất để xuất khẩu như khăn mặt, màn tuyn .v.v...
Đến năm 1979 - 1980 do phải đối phó với chiến tranh, thiên tai, đời sống kinh tế bị đảo lộn đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sản lượng công nghiệp thành phố bị giảm sút lớn, chỉ bằng 85% so với năm 1979.
Từ năm 1981, các Xí nghiệp đã nắm bắt và quán triệt kịp thời tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 6 khoá IV, khoá V và triển khai thực hiện các quyết định 25, 26 CP của Chính phủ. Công nghiệp Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực, chặn đứng sự giảm sút trong sản xuất. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân của các năm 1981-1983 tăng 10,5%, 1983-1985 tăng 12,7%, nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện như : Nhà máy Chế tạo Công cụ số 1, Nhà máy Dụng cụ số 1, Nhà máy cao su Sao vàng, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Điện cơ Thống Nhất, Nhà máy Dệt Minh Khai, Giầy Hà Nội, HTX Lao động Sao Mai, Đống Đa .v-v : một số sản phẩm cơ khí đã xuất khẩu như ; Xe đạp Vi Ha, Quạt điện, bếp dầu v-v.
Hai mươi lăm năm (1986-2004) dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với luồng gió “ Đổi mới” được coi là giai đoạn phát triển vừa có tính quy mô lẫn tính chiều sâu của Công nghiệp Thủ đô. Mọi tiềm lực được khơi dậy trước công cuộc đổi mới chấn hưng đất nước. Nếu trong thời bao cấp, nước chấm Vi sinh là biểu tượng, thì sang thời kỳ đổi mới, Bia Halida là biểu tượng (cũng ngay trên nền đất ấy). Xí nghiệp Điện tử Chùa Bộc thời bao cấp, thì nay được thay thế bởi một tổ hợp công nghiệp “Công ty điện tử HaNel” vv.. Hà Nội mở bung ra 4 hướng với những khu công nghiệp hiện đại như : Sài Đồng A, Sài Đồng B, Bắc Thăng Long, Mễ Trì, Thượng Đình, Thanh Trì. Những ngọn cờ tiêu biểu của Công nghiệp Thủ Đô đã gắn chặt với thương hiệu nổi tiếng như: May 10, Cao su sao vàng, Bóng đèn phích nước Rạng đông, điện tử HaNel, Khoá Việt Tiệp, Kim khí Thăng Long, Điện cơ Thống Nhất, Bia Halida, Cơ khí Mai Động, May 10, May Thăng Long, Giầy vải Thượng Đình v.v... Có thể nói giai đoạn này, Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện thành công bước đi ban đầu chiến lược Công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra theo xu thế tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GDP của Hà Nội. Quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp được đẩy nhanh theo hướng hợp lý và có hiệu quả. Một số ngành đã có lợi thế như chế biến thực phẩm, điện - điện tử, cơ kim khí, công nghệ thông tin, dệt may và Da giầy đang chiếm tỷ trọng cao. Tốc độ tăng bình quân của giá trị sản xuất công nghiệp từ 2,4% (giai đoạn 1986-1990) lên 14,3% lần (giai đoạn 1991-1995) đạt 15% giai đoạn 1996 - 2000 (do ảnh hưởng khủng khoảng kinh tế ở Inđonêxia và Thái Lan). Từ 2001-2002 đã tăng lại ở mức 18,5%. Năm 2003 (và dự kiến năm 2004) đạt mức tăng trưởng là 24%, mục tiêu năm 2005 đạt trên 18%. Hà Nội đã hình thành một số nhóm ngành chủ lực : Điện-điện tử, công nghệ thông tin, cơ kim khí, chế biến thực phẩm, dệt may, da giầy. Thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đã phát triển mạnh và đa dạng. Tính đến năm 2003 đã có 18.470 công ty. Về vốn đầu tư cho công nghiệp ngày càng đa dạng, đặc biệt có sự tham gia mạnh của vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư dân doanh. Giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu từ 31,8 triệu USD (1985)lên 57,6 triệu USD (1990), 381 triệu USD (1995), 955 triệu USD (2000) và đạt 1.122 triệu USD năm 2002. Hiện nay Công nghiệp Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết TW3 (khoá IX) về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá các doanh nghiệp để thích ứng với hội nhập và phát triển khi gia nhập APTA và WT0 vào năm tới.
Công nghiệp Hà Nội đã trải qua chặng đường nửa thế kỷ xây dựng - chíên đấu - trưởng thành - rất đáng trân trọng và tự hào. Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Công nghiệp Hà Nội sẽ vững bước đi lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm (1001-2005) hướng tới thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo, góp phần quan trọng để Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của cả nước.
Nhìn lại chặng đường phát triển của công nghiệp Hà Nội
Hà Nội vào thu tràn ngập khí thế sôi động chuẩn bị cho lễ hội chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2004).
Cùng với dòng chảy của thời gian - 50 năm qua cũng đánh dấu quá