Hiện nay, khi các DN tham gia hội nhập, ngoài tiêu chuẩn ISO 9000, còn phải quan tâm đến việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO 14.000 về quản lý môi trường, SA 8000 - trách nhiệm xã hội. Đối với ngành thuỷ sản, ngoài tiêu chuẩn ISO, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn đòi hỏi đặt lên hàng đầu. Sắp tới còn có ISO 22000 là một tiêu chuẩn quốc tế mới được ban hành (bắt đầu áp dụng từ quý I năm 2006), nhằm đảm bảo cho chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn thế giới. Lợi ích chính của ISO 22000 đem lại đó là giúp cho các tổ chức trên toàn thế giới có thể dễ dàng áp dụng Hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) của Codex về vệ sinh thực phẩm theo cách đã được hài hoà mà không bất đồng với những nước hoặc sản phẩm về thực phẩm liên quan. Trong khi ISO 22000 được áp dụng một cách độc lập, nhưng nó được thiết kế hoàn toàn tương thích với ISO 9001:2000 và những công ty đã được chứng nhận ISO 9001 có thể dễ dàng mở rộng việc chứng nhận ISO 22000.

Tính đến tháng 9/2005, Việt Nam có 1.680 đơn vị được cấp chứng chỉ ISO 9000:2000; 478 đơn vị có chứng chỉ ISO 9000:1994; 113 đơn vị được cấp chứng chỉ ISO 14.000; SA8000 là 34 và HACCP là 32 đơn vị.

 Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm (HTQLCLSP) theo Tiêu chuẩn ISO là một trong những công cụ quản lý chất lượng tiên tiến và hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ở Việt Nam đã hiểu được ý nghĩa thiết thực của vấn đề này nên đã gặt hái được những thành công nhất định và đóng góp nhiều cho sự tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của việc xây dựng và áp dụng HTQLCLSP theo Tiêu chuẩn ISO, thì cũng không ít những vấn đề cần phải nhìn nhận lại, nhằm mục đích để HTQLCHSP thực sự trở thành một trong những công cụ để quản lý chất lượng có hiệu quả.

Các hệ thống quản lý chất lượng/môi trường tiên tiến đang được triển khai áp dụng rộng rãi đối với các tổ chức/doanh nghiệp thuộc các ngành, các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp lúng túng trong vận hành và khai thác thiếu hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng này.

Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh trước đây, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn ISO ở nước ta phụ thuộc rất nhiều vào các chuyên gia, hay các tổ chức nước ngoài, thì đến nay, các chuyên gia Việt Nam đã đảm đương được công việc này và được quốc tế công nhận. Hệ thống quản lý chất lượng này cũng đã tạo ra mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa người sản xuất, chế biến xuất khẩu và người dân.

Tuy nhiên, việc thay thế các chuyên gia nước ngoài bằng các chuyên gia Việt Nam đã giảm thời gian và tiền bạc trong việc tư vấn và đánh giá các doanh nghiệp. Nhưng, các chuyên gia và cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực này lại bộc lộ những nhược điểm khó chấp nhận. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp xúc và đã có chứng chỉ ISO 9000.2000 đã phàn nàn là việc các chuyên gia Việt Nam trình độ chuyên môn, kinh nghiệm không những không đạt yêu cầu mà còn thiếu nhiều chuyên ngành cần thiết. Điều này cũng rất dễ nhận ra, bởi lẽ nhiều doanh nghiệp của Việt Nam có trình độ công nghệ cao, phức tạp, sản xuất nhiều sản phẩm, nhiều chủng loại khác nhau, chịu sự quản lý nhiều khi cũng khác nhau…Chính vì thế mà chất lượng lượng công nhận và đánh giá lại chứng chỉ ISO nhiều khi không đạt yêu cầu, dẫn đến doanh nghiệp có chứng chỉ ISO hay không cũng khó phân biệt.

Theo nhận định của các nhà quản lý, không những đội ngũ tư vấn, xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của ta chưa thực sự đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của các DN, đặc biệt là các DN có sản phẩm đặc thù, mà còn hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tư vấn - chứng nhận vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng, chưa được hoàn thiện. Nhiều DN vẫn còn loay hoay một thời gian khá dài đi tìm nhà tư vấn, dẫn đến sự thiếu mặn mà với việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Cho đến nay, nhiều người còn nhầm lẫn giữa chứng nhận Hệ thống Quản lý Chất lượng phù hợp đạt tiêu chuẩn ISO 9000 với chứng nhận chất lượng sản phẩm và coi chứng nhận ISO là chứng nhận chất lượng sản phẩm. Không ít DN với mục đích chỉ cần có chứng chỉ là xong, khi đã có chứng chỉ thì coi nhẹ việc duy trì, xây dựng hệ thống quản lý dẫn đến tình trạng chất lượng sản phẩm không tốt, sản phẩm không có sức cạnh tranh. Điều này ảnh hưởng lớn tới việc XK các sản phẩm ra thị trường nước ngoài, giảm uy tín của DN trong nước, đặc biệt đối với ngành chế biến thực phẩm, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người. Bài học gần đây nhất là vụ XK hàng thuỷ sản của ta vào thị trường Nhật Bản, EU vừa qua đã bị làm khó dễ do dư lượng chất kháng sinh trong sản phẩm vẫn còn vượt mức cho phép.

Nhiều người và nhiều doanh nghiệp có nhận thức sai lầm coi chứng chỉ ISO như “bảo bối” mà thờ ơ việc áp dụng duy trì hệ thống quản lý chất lượng là vấn đề bức xúc hiện nay. Việc duy trì HTQLCLSP theo ISO ở nhiều doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức. Có doanh nghiệp chỉ có một người bán chuyên trách “làm về” ISO nên không htể đảm đương được việc duy trì HTQLCLSP.

Hầu hết các doanh nghiệp áp dụng ISO 9000 đều hiểu rằng có chứng chỉ không phải là tất cả. Chứng chỉ đơn thuần ghi nhận kết quả triển khai bước đầu, ghi nhận sự phù hợp, sự thoả mãn các yêu cầu của tiêu chuẩn tại thời điểm đánh giá chứng nhận và nó có thể bị mất hiệu lực bất kỳ khi nào nếu kết quả đánh giá giám sát định kỳ không thoả mãn yêu cầu tiêu chuẩn vì điều đó có nghĩa là hệ thống không được duy trì và cải tiến. Mặc dù vậy, rất nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng “vắt chân lên cổ” để sửa đổi hệ thống tài liệu, chuẩn bị hồ sơ trước mỗi cuộc đánh giá chứng nhận. Việc làm mang tính đối phó này gây ra những kết quả không tích cực đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tốn công sức, thời gian chỉ trong một giai đoạn ngắn để “làm đẹp” hệ thống, dẫn đến giá trị của ISO 9000 không được nhìn nhận đúng, gây ra tâm lý đối phó và ngay sau mỗi cuộc đánh giá, mọi thông tin, tài liệu lại nằm yên ở một chỗ nào đó, không gắn kết gì nhiều với hoạt động diễn ra hàng ngày trong doanh nghiệp.

Khó khăn lớn nhất của việc áp dụng ISO 9001:2000 vào các bệnh viện, theo các chuyên gia Y tế và các nhà tư vấn là vấn đề thời gian. Các bệnh viện ở nước ta, đặc biệt là các bệnh viện ở các trung tâm lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải. Mỗi ngày, một bệnh viện tuyến trung ương thường phải tiếp nhận 400-500 bệnh nhân. Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng Tp. Hồ Chí Minh có ngày tiếp nhận trên 4.500 em, trung bình mỗi bác sỹ phải khám cho 200 em... Tình trạng quá tải khiến các nhà y không có thời gian để đầu tư vào việc xây dựng và áp dụng ISO. Việc tìm một người có đủ quyền hạn, trình độ và thời gian để làm đại diện lãnh đạo trong ban chỉ đạo ISO càng không dễ. Nhận thức còn hạn chế của đội ngũ cán bộ, công nhân viên về hệ thống quản lý chất lượng, sự mơ hồ về hệ thống qui trình, biểu mẫu theo ISO, việc thiếu các công cụ quản lý cần thiết... cũng là những khó khăn không nhỏ của việc đưa ISO 9001:2000 vào bệnh viện.

Việc xây dựng và thực hiện Hệ thống Quản lý Chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001:2000 trong dịch vụ hành chính (tức là trong các cơ quan hành chính Nhà nước) được khởi đầu từ năm 1999. Cơ quan tiến hành đầu tiên là ủy ban Nhân dân quận I, Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Dự án của Liên Hiệp Quốc VIE/96/2000. Tính tới nay, gần 60 cơ quan đã và đang áp dụng ISO 9001:2000.

Thực tiễn quá trình xây dựng và thực hiện HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2000 ở các cơ quan nói trên cũng bộc lộ rõ một số thiếu sót và nhược điểm như:

- Lãnh đạo cơ quan muốn làm nhưng nhiều cán bộ - công chức ngần ngại vì họ sợ bị áp lực mạnh hơn về năng lực và trách nhiệm trong khi họ chưa được hưởng thêm lợi ích gì đáng kể (nhất là về thu nhập);

- Hầu hết các cơ quan được hỗ trợ kinh phí với mức thấp từ nguồn kinh phí khoa học - công nghệ nên số cơ quan áp dụng rất ít; nơi đang áp dụng thì không đủ kinh phí để giải quyết một số yêu cầu cần thiết như: bổ sung tủ, giá, cặp để sắp xếp lưu giữ tài liệu, hồ sơ; bổ sung hoặc nâng cấp máy vi tính để thực hiện nối mạng nội bộ; bồi dưỡng, đào tạo một số cán bộ - công chức theo một số chương trình...

- HTQLCL theo TCVN/ISO 9001:2000 chỉ là phương tiện hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan. Nó có nhiệm vụ vừa hợp thức hóa các giá trị được khẳng định là hợp lí, vừa góp phần cải tiến phương pháp tiến hành công việc của các cơ quan theo yêu cầu của cải cách hành chính. Trong tình hình đang tiến hành cải cách hành chính, nhiều bất hợp lý trong hoạt động của các cơ quan đã thấy rõ nhưng chưa thể loại bỏ ngay được (do vướng về thể chế, về bộ máy, về con người cụ thể...). Nếu việc vận dụng không khéo thì HTQLCL khó phát huy tác dụng, thậm chí phản tác dụng.

- Nhiều cán bộ - công chức chưa quen với cách tiếp cận theo quá trình, tiến hành công việc theo những qui trình nhất định cảm thấy gò bó, khó chịu, mặc dù họ thừa nhận cách tiếp cận này là hợp lý. Đây là một quá trình rèn luyện, đổi mới tư duy và phương pháp làm việc, cần phải có thời gian để thích ứng dần;

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành công việc còn quá yếu, phần lớn các cơ quan còn làm theo cách truyền thống, thủ công. Nhiều cơ quan muốn thiết lập mạng nội bộ nhưng thiếu kinh phí để mua thiết bị và đào tạo cán bộ - công chức kỹ năng làm việc trên mạng;

- áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2000 trong các cơ quan quản lý hành chính là lĩnh vực còn mới ngay cả với nhiều nước trên thế giới. Về nguyên lý thì như nhau nhưng cách làm thì khác nhau (Nhà nước áp đặt như Malaysia; Nhà nước khuyến khích và can thiệp một số khâu như Singapore; Nhà nước khuyến khích nhưng để tự do như các nước phát triển...). Mô hình nào, cách thức nào trong chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện phù hợp ở Việt Nam chưa thể khẳng định ngay một cách thật rõ ràng, đầy đủ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hơn nữa, kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá - chứng nhận còn rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả của HTQLCL đang được xây dựng và thực hiện.

Vấn đề đặt ra là liệu ISO 9000 có là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp nước ta để tăng được sức cạnh tranh trong hội nhập? Với một số doanh nghiệp, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng hàng vạn doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế của ta hiện nay, nhất là với DNNVV, thì việc thực hiện ISO 9000 tuy có thể mang lại một số hiệu quả nhất định nhưng không thể giúp giải quyết được những điểm yếu đặc thù. Trong việc này, không ai “cứu” được ta, trừ phi ta “tự cứu” mình để vươn lên trong hội nhập.

Đề xuất thay cho kết luận

Hiện nay, chúng ta chưa có chế tài đối với những người, những cơ quan trong nước làm dịch vụ tư vấn, đánh giá và cấp chứng chỉ ISO. Đây là một lỗ hổng lớn dẫn đến tình trạng chất lượng của chứng chỉ ISO 9000 cấp cho các đơn vị nhiều khi không đạt yêu cầu. Hệ thống pháp luật nên có những văn bản bổ sung chế tài về vấn đề này.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao cái gì chúng ta cũng có cơ quan quản lý, nhưng ISO 9000 lại không có sự quản lý của các bộ, ngành, địa phương? Do vậy, chúng ta nên có bộ phân, cơ quan quản lý về ISO 9000.