Sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, năm 1957, Nhà máy được chuyển về Hà Nội. Từ đó, người dân miền Bắc trước đây được biết nhiều về cơ khí Trần Hưng Đạo, như một tập thể lao động sáng tạo, tiên tiến, đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những sản phẩm đầu tiên của ngành công nghiệp non trẻ của đất nước như máy tiện T60, máy khoan K60, K61, máy bơm nước, máy tuốt lúa và là cơ sở đầu tiên của Việt Nam chế tạo thành công động cơ đốt trong diesel 20 mã lực và sau đó là các thế hệ động cơ diesel D24, D20, D8 và D12...

Bước vào thời kỳ đổi mới, khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, các cơ sở sản xuất phải tự cân đối, lấy thu bù chi, thì các cơ sở sản xuất cơ khí không những của Bộ Công nghiệp mà ở cả các bộ khác như giao thông vận tải, Quốc phòng và cơ khí địa phương đều lâm vào tình trạng lúng túng, bế tắc. Ngoài những đặc điểm chung, khó khăn của Cơ khí Trần Hưng Đạo còn có đặc thù riêng, do thiết bị công nghệ từ lâu đã không được đầu tư đổi mới, nên sản phẩm không thể cạnh tranh được trên thị trường và đặc biệt thị trường động cơ nhỏ lại bị hàng giả Trung Quốc lấn át. Hơn nữa, do Công ty ở ngay tại trung tâm của thủ đô, nên giá thuê đất quá cao, một năm phải trả đến 1,136 tỷ đồng... Tất cả những khó khăn chung và riêng đó, đã làm cho Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo ngày thêm lụi bại. Mới đây thôi, người ta còn biết đến Cơ khí Trần Hưng Đạo như một điển hình về sự khó khăn của ngành Cơ khí. Còn người trong ngành thì coi đó là nơi “ Xay”  giám đốc, vì ông nào về đây cũng không vực lên được. Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo là cơ sở sản xuất cơ khí lâu đời nhất, cũng là đơn vị luôn khó khăn nhất của Tổng công ty. Trong nhiều năm nay, họ đang chuyển mình, quyết tâm lấy lại truyền thống của những năm xưa.

Cách đây hơn 2 năm, một Ban lãnh đạo mới được bổ nhiệm, họ đã đề ra 2 mục tiêu cơ bản, luôn được chỉ đạo thực hiện xuyên suốt. Thứt nhấ là khơi dậy niềm tự hào truyền thống của Công ty trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tạo ra niềm tin trong mỗi CBCNV, đoàn kết, quyết tâm vực lại sản xuất, bằng những sản phẩm thiết thực. Thứ hai là quyết tâm lấy lại “ một phần”  niềm tin trên thị trường. Họ chỉ giám đề ra mục tiêu lấy lại “ một phần” , vì tạo dựng được niềm tin với người sử dụng đã là điều rất khó, khi đã mất, muốn lấy lại là điều khó hơn nhiều. Đối với người nông dân, đầu tư 4 triệu đồng để mua 1 cái máy là cả một tài sản lớn, có khi là cả một gia tài chỉ vì thói quen, kinh nghiệm sử dụng và niềm tin vào nhà sản xuất. Có thể nói, để lấy lại uy tín trên thị trường, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo đã phải trả một giá rất đắt. Được sự hỗ trợ của Tổng công ty lần đầu tiên, họ đã tổ chức quy mô chiến dịch mang máy tới người nông dân ở tỉnh Nghệ An, tổ chức “ Hội nghị Đầu bờ” , giới thiệu sản phẩm, giới thiệu Công ty, Tổng công ty cùng các chế độ hậu mãi sau bán hàng như tổ chức đường dây điện thoại nóng phục vụ kịp thời sửa chữa, bảo hành, hỏng hóc được đổi máy mới, cung ứng phụ tùng; tổ chức học tập sử dụng, chăm sóc bảo dưỡng máy miễn phí và kết hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức cho bà con được vay vốn với lãi suất thấp trong thời gian 3 năm để mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là việc làm có nhiều ý nghĩa, được kích cầu từ 3 phía. Sau những thắng lợi bước đầu ở tỉnh Nghệ An, Công ty tiếp tục tổ chức các cuộc vận động mang máy đến với nông dân ở các tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắc Lăk và Hải Phòng...

Bằng những hoạt động tích cực và năng động như vậy, nên trong 2 năm gần đây sản xuất kinh doanh ở Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo đã phát triển rất mạnh, đời sống và việc làm của người lao động tuy chưa đạt được như mong muốn nhưng cũng đã được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2000, Công ty chỉ sản xuất và tiêu thụ được 700 động cơ và 70 hộp số, thì năm 2001, các con số tương ứng đã là 2000 động cơ và 400 hộp số và năm 2002 là 2000 động cơ và 3000 hộp số. Thu nhập của người lao động đã đạt 650.000đ năm 2001 và 750.000 đồng/người/tháng năm 2002.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể ở đây luôn cố gắng giữ lại những gì đã có, “ uống nước nhớ nguồn” , họ đã đầu tư xây Đài kỷ niệm Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo và hỗ trợ xây dựng 01 trường mẫu giáo ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là địa điểm đầu tiên của Công ty. Gần đây, lần đầu tiên, Công ty tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo và giám đốc đạt tỷ lệ rất cao. Điều đó chứng tỏ rằng, tập thể rất tin tưởng vào Ban lãnh đạo mới và 2 mục tiêu mà họ đề ra đã thực sự đi vào lòng người, tạo được khí thế mới trong sản xuất kinh doanh.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài, Công ty thấy rõ việc nhà máy ở trong thành phố là điều rất bất hợp lý, Ban lãnh đạo đã tổ chức Hội nghị toàn thể CBCNV, bàn sâu rộng vấn đề di dời trụ sở, đổi đất lấy thiết bị công nghệ hiện đại. Đây thực sự là một cuộc vận động lớn, vì đa số CBCNV đã gần 50 năm sống gắn bó với chốn đô thành, đặc biệt, còn 65 hộ, có kiốt đang thuê để kinh doanh trên đất của Công ty. Vì quyền lợi của chính mình, giữ được nghề, tạo được nghiệp không những cho số người hiện có, mà còn cho con cháu họ mai sau và vì sự phát triển chung của Công ty, họ đã nhất trí thông qua, quyết tâm đi tìm trụ sở mới. Nhưng chuyển đi đâu cho không quá xa Hà Nội, tiếng ồn và rác thải không gây ô nhiễm môi trường, tức là, sẽ không phải di chuyển thêm một lần nữa... Tất cả đều không phải là chuyện dễ.

Sau nhiều lần đi thăm dò tìm kiếm ở nhiều nơi, cuối cùng họ đã chọn được địa điểm tương đối lý tưởng là khu công nghiệp Tiên Sơn Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, có đường giao thông thuận tiện, có sẵn cơ sở hạ tầng điện nước, giá thuê đất rẻ (75 đ/m2), với 10 ha mất 7,5 triệu đồng/năm, từ năm thứ 11 mới phải trả tiền thuê đất, tiếng ồn của búa máy 1 tấn không ảnh hưởng đến dân cư... thế là Dự án di chuyển và xây dựng mới được thành lập.

Ngày 08 tháng 10 năm 2002, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã ký quyết định số 2546/QĐ-KHĐT, phê duyệt Dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo với nội dung chính như sau:

Di chuyển mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo từ 114 Mai Hắc Đế xuống khu Mai Động, nhằm ổn định và phát triển sản xuất các mặt hàng truyền thống (2000 động cơ, 3000 hộp số và phụ tùng động cơ), đảm bảo công ăn việc làm tối đa cho 70% CBCNV trong công ty và giải quyết đúng chế độ chính sách cho người nghỉ việc do di chuyển.

- Đầu tư xây mới nhà máy tại khu Công nghiệp Tiên Sơn Bắc Ninh với công nghệ và thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sản lượng động cơ diesel cỡ nhỏ dưới 30 mã lực đến 50.000 chiếc/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước với giá bán hợp lý và thay thế nhập khẩu.

- Tổng vốn đầu tư là 351,0 tỷ đồng, trong đó, phần đầu tư di chuyển là 21,8 tỷ đồng, phần xây dựng mới là 329,2 tỷ đồng.

- Nguồn vốn bao gồm vốn đền bù từ chuyển quyền sử dụng đất tại 114 Mai Hắc Đế và 193 Bà Triệu là 193,4 tỷ và vốn vay thương mại là 157,6 tỷ đồng.

- Thời gian thực hiện: Phần di chuyển sẽ thực hiện xong vào quý 4/2003 và phần xây dựng mới sẽ hoàn thành vào quý 2 năm 2006.

Với những chuyển biến tích cực như thế, chúng ta tin tưởng rằng, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo sẽ sớm lấy lại được sự tín nhiệm của khách hàng trong cả nước và sẽ lại xứng đáng với truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh thuở trước./.