Ông Mai Văn Dâu, Thứ trưởng Bộ Thương Mại: Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu.
Trong quan hệ buôn bán với Nhật Bản, Việt Nam có lợi thế lớn trong việc sản xuất hàng nông, lâm sản, hàng công nghiệp nhẹ như: hàng dệt may, giầy dép, đồ da, hàng tiểu thủ công nghiệp, dầu mỏ, khai khoáng, vật liệu điện, sản phẩm nhựa... Tuy nhiên, hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, đặc biệt là nông, lâm sản vẫn là sản phẩm mới qua sơ chế nên giá trị kim ngạch thấp. Chính vì vậy, chúng ta cần đầu tư vào khâu chế biến để có thể tăng kim ngạch và mở rộng thị trường. Ví dụ như sản phẩm chè, chúng ta đã xuất khẩu sang nhiều nước, song Nhật Bản vẫn còn là một thị trường khó khăn. Để tiếp cận thị trường này, ngành Chè cần phải xác định giống chè thích hợp, trên cơ sở nghiên cứu thị trường, thị hiếu của người Nhật Bản. Mặt khác, cần đổi mới công nghệ chế biến, cải tiến mẫu mã, bao bì, để có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khó tính này.
Nhìn chung, đối với hàng hoá xuất sang Nhật Bản chúng ta phải xác định rõ mặt hàng và nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Để tạo ra hàng chủ lực thì cần phải:
- Xác định đúng cơ cấu xuất khẩu, có chương trình quy hoạch và đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết đồng bộ từ khâu sản xuất đến đóng gói, vận chuyển, giao nhận.
- Có sự phối hợp của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xúc tiến thương mại với giới doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hiểu biết về thị trường Nhật Bản, về tập quán buôn bán của người Nhật, nắm vững thông tin về thị trường và không ngừng đa dạng hoá sản phẩm, mẫu mã.
Ông Trần Trí Chung: Công ty Vina Shiroki:
Theo thống kê, trong lĩnh vực quản lý đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm vị trí hàng đầu trong việc lựa chọn của các lao động Việt Nam khi tham gia tuyển dụng vào làm việc tại đó. Là một người đã làm việc từ những ngày đầu ở một doanh nghiệp liên doanh với Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí (một lĩnh vực gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước), tôi đã học hỏi được rất nhiều từ phong cách làm việc, cách tổ chức công việc, thái độ đối xử với người lao động... của các nhà quản lý Nhật Bản; từ đó lý giải được phần nào sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản ở thị trường quốc tế. Nhưng ấn tượng nhất là phương pháp quản lý và điều hành nhân sự ở công ty Nhật Bản (tất cả các công ty Nhật Bản ở Việt Nam đều áp dụng phương thức này) mà cá nhân tôi đã cảm nhận được như sau:
Phần lớn không khí làm việc trong các xí nghiệp của Nhật Bản rất ấm cúng và nhân hậu. Khi tuyển dụng nhân viên vào làm việc, công ty tổ chức những kỳ thi rất chặt chẽ để chọn nhân tài, sau đó vẫn tiếp tục chọn lựa những người ưu tú nhất trong những người được thu nhận vào, bằng cách tạo điều kiện cho những người có trách nhiệm cao trong xí nghiệp tiếp xúc riêng với những nhân viên mới, qua đó hiểu được khả năng, tính tình của mỗi người. Quan điểm của lãnh đạo trong doanh nghiệp Nhật Bản là việc sử dụng con người là rất quan trọng, không thể phó mặc cho bộ phận nhân sự là đủ. Bình thường, cứ hai hay ba năm, nhân viên lại được đổi chỗ làm một lần, quyết định chỗ làm mới tuỳ thuộc vào thái độ làm việc ở chỗ làm cũ. Để được lên những chức vị cao hơn, nhân viên không chỉ có năng lực là đủ, mà phải có tầm nhìn rộng, biết phân tích và đánh giá đúng vấn đề; có thái độ tự tin, được sự ủng hộ của đồng nghiệp, xã giao rộng, quen biết nhiều nhân vật cấp cao của xí nghiệp khác và trong chính quyền. Một trong những tiêu chuẩn để xét lên chức cho nhân viên thì việc hợp tác và hoà hợp với người khác là điều quan trọng nhất. Những người được chọn là đối tượng thăng chức không cần là người có đầu óc thông minh sáng tạo, mà chỉ cần họ biết hợp tác với người khác để tìm ra những phương pháp giải quyết thoả mãn mọi người. Để nâng cao thành tích cá nhân, trước hết phải làm tốt công việc của nhóm. Thành tích và nỗ lực của cá nhân rồi sẽ được đền bù và đánh giá bằng tiền lương hay địa vị, nhưng trước tiên phải được những người cùng làm việc trong nhóm đánh giá cao. Nhân viên ở xí nghiệp Nhật Bản, nếu chịu khó phấn đấu thì dù có kém đến đâu, vẫn được trọng dụng và không bị đuổi việc. Việc cảnh cáo, doạ nạt chỉ có tính giáo dục, chứ không bao giờ xảy ra trên thực tế. Vì vậy, trong xí nghiệp Nhật Bản, nhờ có tinh thần tập đoàn mạnh, nhờ có nhìn chiến lược, nhân viên coi đánh giá có ý nghĩa nhất là đánh giá của những người cùng làm việc với họ.
Đại diện Liên doanh Chế tác đá quý Việt-Nhật (Tcty Khoáng sản Việt Nam):
Liên doanh chế tác đá quý Việt - Nhật đã đi vào hoạt động được hơn 10 năm. Trong quá trình hợp tác với Nhật Bản, chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích, thiết thực góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác, trên cơ sở 2 bên cùng có lợi.
Người Nhật rất thận trọng trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn đối tác. Đặc biệt, trước khi đi đến quyết định hợp tác, họ tìm hiểu rất chi tiết thị trường lao động, nhất là đối với cán bộ và công nhân mà họ làm việc trực tiếp sau này, tìm hiểu tỷ mỷ về hoàn cảnh gia đình, khả năng tác nghiệp, thái độ lao động... Sau đó, họ tiến hành xây dựng đề án tiền khả thi mang tính thực tiễn cao. Khi đã xác định được hướng đi đúng, người Nhật rất mạnh mẽ và có tính quyết đoán cao, quyết tâm thực hiện bằng được mục đích đã đặt ra.
Người Nhật làm việc có tính khoa học cao, có ý thức tiết kiệm, trung thực, chan hoà để hoà nhập với người Việt Nam. Tuy nhiên, khi làm việc với người Nhật, về phía cán bộ điều hành, quản lý Việt Nam luôn luôn phải có những dự báo về tình hình SX-KD cũng như những biến động của thị trường trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó phải đề ra được những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong những tình huống đó. Nói tóm lại, làm việc với người Nhật sẽ tạo cho cán bộ Việt Nam năng động hơn, linh hoạt hơn, đối phó kịp thời hơn với các diễn biến của thị trường cũng như khó khăn trong SX-KD.
Anh Lê Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch và Kinh doanh, Công ty TNHH sản phẩm Thép Việt Nam (Công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản)
Người Nhật cẩn thận đến khó tính, cầu toàn đến cầu kỳ. Trong công việc, người Nhật có thói quen “nói một lời”, “hứa là tin”, do vậy, nếu thất hứa, bạn sẽ nhận được cảm nhận không tốt từ phía họ và điều này không có lợi về lâu dài.
Lối ứng xử: “Khách hàng là thượng đế” khá phổ biến với người Việt Nam trong thời kinh tế thị trường, tuy nhiên, phải khẳng định, người Nhật chiều khách hàng nhất trên thế giới. Với họ, bao giờ khách hàng cũng có vị trí quan trọng hơn các nhà cung cấp. Nhiệt tình cũng là một ưu điểm nổi bật khác của những nhà kinh doanh đến từ đất nước mặt trời mọc.
Là bất công, nếu những ai có kinh nghiệm làm việc dưới sự lãnh đạo của người Nhật lại quan niệm “người Nhật rất bảo thủ”. Trên thực tế, nên xem đó là sự quyết đoán của cấp trên.
Tôi từng có cơ hội làm việc với hai Tổng giám đốc, đều là người Nhật, nhưng lại có phong cách hoàn toàn khác biệt, thậm chí trái ngược. Một người có thói quen quyết định mọi việc từ lớn đến nhỏ. Vị Tổng giám đốc thứ hai hoàn toàn khác, luôn đề cao và phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo của nhân viên bằng cách yêu cầu họ tự xử lý thông tin và đưa ra các quyết định, trước khi trình “sếp”. Trong trường hợp này, nhiều lúc Giám đốc đóng vai trò thẩm định, như vậy không thể nói người Nhật hoàn toàn bảo thủ.
Cùng là người châu á và có nhiều điểm tương đồng về văn hóa với người Việt Nam, người Nhật không chỉ đánh giá con người qua hiệu quả công việc, mà còn quan tâm đến thái độ, tác phong làm việc, lối ứng xử và kiến thức xã hội của nhân viên, không xét nét mà nhằm đánh giá cho khách quan, trọn vẹn. Nếu tinh tế sẽ nhận thấy, người Nhật ưa thích được nhân viên bản xứ cung cấp thông tin “ngoài lề”, vì họ còn lạ lẫm với đất nước, con người và phong tục tập quán Việt Nam. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu một tổng giám đốc người Nhật lại tham khảo ý kiến một nhân viên bình thường. Chính sự tinh tế, khả năng đánh giá và nhìn nhận con người cũng như cách tháo gỡ khó khăn lại tạo cơ hội thăng tiến cho mỗi người khi làm việc với cấp trên là người Nhật.
Chất lượng sản phẩm và hiệu quả công việc vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, cho dù bạn làm việc với lãnh đạo người Việt hay người Nhật.