1. Lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh

Hải Dương nằm tiếp giáp với 6 tỉnh, thành phố là: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Phòng. Trên địa bàn Tỉnh có nhiều trục giao thông quốc gia quan trọng chạy qua, thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển kinh tế.

Diện tích tự nhiên của Hải Dương là 1660,9km2, chia làm hai vùng chính: Vùng đồi núi, chiếm khoảng 11% diện tích và vùng đồng bằng (chủ yếu là đất phù sa sông Thái Bình), chiếm 89%. Điều kiện khí hậu của Tỉnh thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như các hoạt động sản xuất, dịch vụ và du lịch.

Dân số Hải Dương đến năm 2004 là 1.696.230 người, mật độ dân số 1.029 người/km2, cơ cấu dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn là lao động phổ thông.

Hải Dương có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, bao gồm hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, các sông trục Bắc Hưng Hải và An Kim Hải, cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất của các ngành và là những tuyến giao thông thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa trong và ngoài Tỉnh.

Tài nguyên khoáng sản của Hải Dương tuy không nhiều, nhưng có một số loại có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp như đá vôi (trữ lượng khoảng 200 triệu tấn), cao lanh (khoảng 40 vạn tấn), sét chịu lửa (khoảng 8 triệu tấn)... Ngoài ra, Tỉnh còn có tiềm năng về than đá, than bùn, đất sét, bô xít, thủy ngân là nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất vật liệu xây dựng.

Tiềm năng du lịch của Hải Dương cũng khá phong phú, nhất là ở hai huyện miền núi phía đông bắc Tỉnh là Chí Linh và Kinh Môn.

Những lợi thế và tiềm năng nêu trên chính là tiền đề để Hải Dương phát triển kinh tế. Vì vậy, những năm qua, nền kinh tế Hải Dương không ngừng đổi mới theo hướng CNH, HĐH.

2. Hiện trạng ngành công nghiệp Hải Dương

Từ khi tái lập lại Tỉnh đến nay, kinh tế của Hải Dương tăng trưởng ổn định ở mức cao, bình quân cả giai đoạn 1996 – 2004 đạt 9,85%/năm.

Những năm gần đây, công nghiệp đã trở thành ngành sản xuất chính, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của Tỉnh. GDP ngành công nghiệp - xây dựng duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2001 – 2004 đạt bình quân 14,79%/năm; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là ngành công nghiệp chế biến, đạt 15,36%/năm; công nghiệp sản xuất điện nước đạt 15,65%/năm. Dự kiến, giai đoạn 2001 – 2005, tăng trưởng toàn ngành công nghiệp - xây dựng đạt 14,5%/năm.

Sản xuất công nghiệp tăng nhanh và đều trong tất cả các thành phần kinh tế, trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh nhất. Cơ cấu sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng nhanh các ngành có thể phát huy được lợi thế và gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước như công nghiệp chế biến và phân phối điện nước. Tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất và phân phối điện nước năm 2004 lần lượt chiếm 72,92% và 25%. Một số ngành nghề có lợi thế như công nghiệp vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh, xi măng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động như da giày, dệt may và các ngành nghề truyền thống; các ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp được ưu tiên và hỗ trợ phát triển.

Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, tạo môi trường, địa điểm và hạ tầng cơ sở thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có 6 khu công nghiệp được phê duyệt với tổng diện tích hơn 600 ha, trong đó, ba khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối tốt là Nam Sách, Đại An và Việt Hòa, đã thu hút 30 nhà đầu tư, thuê 130 ha đất, chiếm khoảng 30% tổng diện tích. Các khu công nghiệp tập trung khác đang trong tiến trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và có 20 dự án đăng ký đầu tư. Ngoài ra, trên địa bàn Tỉnh còn có 9 cụm công nghiệp, với diện tích 504,97 ha đã được phê duyệt, hiện đã thu hút 102 dự án với tổng diện tích cho thuê là 141,74 ha và số vốn đăng ký là 1.797 tỷ đồng, sử dụng được 22.896 lao động.

Công nghiệp phát triển nhanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH.

Tuy nhiên, tăng trưởng công nghiệp của Tỉnh chủ yếu do đóng góp của công nghiệp trung ương và khu vực có vốn ĐTNN. Công nghiệp NQD tuy có tốc độ tăng cao, song, tỷ trọng vẫn thấp, một số ngành chưa được khai thác hết tiềm năng. Ngành nghề TTCN ở vùng nông thôn chưa phát triển. Vốn, thông tin thị trường và các điều kiện khác còn nhiều hạn chế.

3. Mục tiêu và định hướng phát triển

Với quan điểm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, có chất lượng, trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý của một tỉnh trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.  Mục tiêu giai đoạn 2006 – 2010 của tỉnh Hải Dương là: Nhịp độ tăng trưởng GDP đạt 11%/năm, trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 12% – 13,5%/năm. Cơ cấu kinh tế vào năm 2010: Nông nghiệp, thủy sản - Công nghiệp và xây dựng – Dịch vụ tương ứng là: 22%; 46%; 32%.

Dự kiến, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thời kỳ 2006 – 2010 bình quân 17,4%/năm; Giai đoạn 2011 – 2020 tăng bình quân khoảng 14% – 16%/năm. Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đến năm 2005 đạt 11.050 tỷ đồng, năm 2010 đạt 23.595 tỷ đồng, năm 2020 đạt 110.430 tỷ đồng.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại hóa: Thời kỳ 2006 – 2010 phát triển các ngành mũi nhọn như vật liệu mới, công nghiệp lắp ráp, cơ khí chế tạo thiết bị, linh kiện phụ tùng thay thế, cơ khí chế tạo máy công cụ, công nghiệp tàu thủy, điện tử điện lạnh, máy xây dựng, công nghiệp tạo nguyên liệu... có khả năng đột phá, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, tạo cục diện mới và sức mạnh lan tỏa cho toàn vùng trong tăng trưởng và giao thương quốc tế. Giai đoạn sau năm 2015 trở đi, hình thành hệ thống các ngành công nghiệp công nghệ cao, có hàm lượng tri thức lớn, công nghiệp sản xuất sản phẩm đầu vào làm tăng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho toàn ngành.

4. Các giải pháp thực hiện

Để đạt mục tiêu tăng trưởng và cơ cấu công nghiệp đã đặt ra, Tỉnh chủ trương thực hiện một số giải pháp cơ bản:

Về quy hoạch: Rà soát quy hoạch và hoàn chỉnh các công trình hạ tầng khu công nghiệp; thu hút nhanh các dự án vào các khu, cụm công nghiệp đã xây dựng và hình thành một số khu, cụm công nghiệp mới.

Về đầu tư: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để tăng cường năng lực cho các năm tiếp theo, trên cơ sở ưu tiên một số lĩnh vực: Cơ khí động cơ, điện tử, điện lạnh, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng... Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại sản phẩm để phát triển sản xuất các sản phẩm còn khó khăn, phải cạnh tranh gay gắt về thị trường tiêu thụ như dệt may, giày dép, đồ sứ... Tập trung giải quyết mọi khó khăn vướng mắc để các doanh nghiệp khai thác hết công suất hiện có và mở rộng nếu còn khả năng.

Về lao động: Nghiên cứu và có kế hoạch đào tạo tay nghề cho đội ngũ lao động, đáp ứng nhu cầu lao động cả về số lượng, chất lượng và ngành nghề cho sản xuất công nghiệp. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp có biện pháp bảo đảm việc làm, đời sống vật chất cho người lao động.

Về thị trường: Tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ ổn định như xi măng, bánh kẹo, thịt đông lạnh…Đặc biệt chú trọng xuất khẩu hàng hoá địa phương là nông sản thực phẩm và thủ công mỹ nghệ. Có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2010 có 01 chợ đầu mối cấp vùng, 02 trung tâm chợ Đầu mối cấp Tỉnh, 03 chợ trung tâm loại I, hệ thống các siêu thị và chợ trung tâm loại II, 144 chợ sẽ được xây dựng theo quy hoạch.

Về chính sách: Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề, giải quyết việc làm...

Đảng bộ và nhân dân Hải Dương quyết tâm phấn đấu đến 2015, công nghiệp trở thành ngành sản xuất chủ yếu của Hải Dương, đóng góp 47 – 48% GDP của Tỉnh; đến năm 2020, Hải Dương là một tỉnh có công nghiệp phát triển với một số lĩnh vực có trình độ ngang tầm với các nước trong khối ASEAN và thế giới.