Tóm tắt:

Thị trường lao động tự do trong AEC sẽ có những bước tiến dài sau khi thành lập vào năm 2015, tạo nên những bước chuyển lớn trong di chuyển lao động nội bộ ASEAN. Những bài học từ Cộng đồng Kinh tế châu Âu sẽ là cơ sở để Cộng đồng Kinh tế ASEAN xây dựng và phát triển một thị trường tự do lao động ngày càng sôi động, góp phần phát triển một khối thịnh vượng chung ASEAN.

Từ khóa: AEC, ASEAN, di chuyển lao động có kỹ năng, thị trường lao động, lao động lành nghề.


I. Đặt vấn đề

Hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Cũng theo dự báo của ILO, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.

Khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam có những lợi thế nhất định, nhưng đồng thời có những hạn chế, những thách thức không nhỏ. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2015, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người.

Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây (theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Về mặt kỹ năng, hầu hết các nước ASEAN đều có tỷ lệ biết chữ cao trong dân số thuộc độ tuổi lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển sinh vào các chương trình giáo dục đào tạo kỹ thuật nghề TVET vẫn chưa đủ, trong khi giáo dục đại học tăng đang là một thách thức. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của trị trường lao động và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn thấp, là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.

Tuy nhiên, tốc độ tăng lao động có chuyên môn kĩ thuật trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (từ 2010-2015) tăng nhanh, đạt 8,1%/năm. Đây là dấu hiệu tích cực cho lao động Việt Nam để đón nhận cơ hội việc làm đa dạng, phong phú khi AEC được thành lập.

II. Thực trạng

Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển đất nước.

Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng. Hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm có khoảng 70.000 - 80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây, hầu hết lao động di cư là nam giới. Trong những năm gần đây, theo số liệu thống kê, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư.

Mặc dù số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài tăng nhưng nói chung đều là những lao động có kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Thị trường lao động mà Việt Nam hướng đến là các nước phát triển như các nước Ả Rập vùng vịnh, Đông Á, châu Âu và Bắc Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và tỉ lệ lao đông Việt Nam làm việc tại các nước trong ASEAN là rất thấp. Trong khi từ năm 1990, trong tổng số kiều dân ở nước ngoài của các nước Myanmar, Lào, Campuchia, lao động di cư trong ASEAN từ mỗi quốc gia này đã tăng khoảng 40%.

Theo báo cáo của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội thì trong năm 2015, có 150.000 lao động Việt Nam làm việc tại các nước ASEAN, khoảng 100.000 lao động ở Malaysia, phần còn lại chủ yếu ở Singapore và Brunei. Ngoài ra, còn có nhiều người lao động nhập cư không có giấy tờ tại Campuchia.

AEC bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người trong đó có 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Việt Nam có số lao động chiếm tỉ trọng cao thứ ba trong cộng đồng với 15%, thấp hơn so với Philipines với tỉ trọng 16% và Indonesia với tỉ trọng 40%. Khi thị trường lao động được mở cửa tự do trong nội khối ASEAN, nguồn nhân lực dồi dào từ 3 nước: Việt Nam, Indonesia, Philipinies sẽ được “giải phóng” và là nhân tố cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

1. Rào cản pháp luật

Những rào cản pháp luật đưa ra cho người lao động những vấn đề về an sinh xã hội, thủ tục pháp lí của đất nước nơi họ làm việc. Những rào cản này cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ các nước đến người lao động về các chính sách bảo vệ người lao động di cư. Việt Nam đã và đang có những chính sách bảo về quyền lợi cho lao động Việt Nam khi làm việc tại nước ngoài.

Tuy các hệ thống cung cấp thông tin cho người lao động ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, nhưng các cơ quan chức năng như đại sứ quán ở các nước, Bộ Lao động đã và đang nỗ lực đưa đến cho người lao động những chính sách, luật pháp của nước chủ nhà, hạn chế việc vi phạm luật pháp nước ngoài.

Trong số các rào cản pháp luật mà người lao động có thể gặp phải, lao động Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất với các vấn đề về quyền lao động di cư, quyền được đối xử bình đẳng về an sinh xã hội tại quốc gia làm việc. Lao động có kỹ năng của Việt Nam sẽ dễ chấp nhận việc mất đi một số quyền lợi hay việc trả lương thấp hơn người bản địa để có được cơ hội làm việc tốt tại các nước khác trong khu vực.

Tuy rằng các vấn đè cốt yếu như thất nghiệp, bảo vệ gia đình của người lao động còn chưa được áp dụng cho lao động di cư hay chế độ lương hưu liên quốc gia chưa được thiết lập thì với mục tiêu mở rộng thị trường lao động ASEAN trong tương lai, các vấn đề trên sẽ được cải thiện và thay đổi phù hợp với nhu cầu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

2. Rào cản chuyên môn

Việt Nam không có chính sách công nhận năng lực, trình độ của người lao động trải nghiệm qua thực tiễn lao động và nghề nghiệp. Do đó dẫn đến, người bằng cấp thấp nhiều kinh nghiệm, có thể xử lí tình huống, năng lực công việc tốt nhưng không được thừa nhận.

Bên cạnh đó, văn bằng hiện được cấp theo trình độ đào tạo nhưng không có sự tin tưởng của xã hội nói chung cũng như người sử dụng lao động nói riêng. Việc bằng cấp liên thông không được chấp nhận ở nhiều nơi cũng phần nhiều do kiểm định chất lượng còn kém, chưa phát huy tác dụng, tạo niềm tin cho xã hội. Theo kế hoạch, cấu trúc của khung trình độ quốc gia của Việt Nam sẽ thống nhất có 8 trình độ từ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ nghề cấp I, II và III với các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học. Đi kèm với đó là khối lượng học tập cần có và chứng chỉ, bằng tốt nghiệp tương xứng.

Với trình độ kĩ thuật chuyên môn hiện nay, lao động Việt Nam rất khó đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN khác. Ngoài những yêu cầu về trình độ chuyên môn, bằng cấp chứng nhận, các doanh nghiệp còn đòi hỏi ở người lao động kinh nghiệm làm việc, khả năng ngoại ngữ, khả năng thích ứng với công việc trong môi trường quốc tế rất cao.

Những lao động trẻ của Việt Nam đặc biệt là thế hệ sinh viên mới ra trường của Việt Nam còn thiếu rất nhiều kỹ năng. Giáo dục Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam có đủ trình độ chuyên môn theo yêu cầu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Khung trình độ Việt Nam còn chưa được hoàn thiện để phù hợp với Khung trình độ ASEAN đã được đưa ra, trong khi các nước khác trong khối đã đi đến những bước cuối cùng trong xây dựng Khung trình độ quốc gia. Lao động Việt Nam sẽ phải rất vất vả mới có thể hoàn thiện mọi kĩ năng theo tiêu chuẩn quốc tế. Phương pháp giáo dục kém hiệu quả sẽ hạn chế những cơ hội tốt đến với lao động Việt Nam. Không chỉ thua trên thị trường lao động của Khu vực, mà lao động Việt Nam còn có nguy cơ bị thua ngay trên sân nhà khi lao động trình độ cao từ các nước khác vào Việt Nam. Trong thời kì hội nhập kinh tế toàn cầu, năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam sẽ cần phải nâng cao nhiều mới có thể đáp ứng được những rào cản chuyên môn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

3. Rào cản văn hóa

Các quốc gia khu vực ASEAN đều có những nét tương đồng về địa chính trị, văn hóa như cùng nằm trong môi trường nhiệt đới gió mùa, cùng có nền văn minh lúa nước, cùng có lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Có 4 tôn giáo lớn là Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Các nét tương đồng trên tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập, sự hợp tác toàn diện cho phát triển các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cũng lại có các phong tục, tập quán, tín ngưỡng khác nhau tạo nên sự đa dạng về văn hóa của khu vực đồng thời cũng tạo nên thách thức cho người lao động muốn di chuyển đến một quốc gia khác trong khu vực để làm việc.

Mặc dù mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng nhưng lao động Việt Nam có những đặc điểm thích ứng được với các rào cản văn hóa. Việt Nam có tới 54 dân tộc anh em nên văn hóa đa dạng, tương đồng với các quốc gia trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi cho lao động di chuyển sang sinh sống và làm việc tại các quốc gia khác. Lao động Việt Nam được đánh giá là cần cù, chịu thương chịu khó, ham học hỏi, đoàn kết, sáng tạo, thích ứng nhanh với môi trường mới. Tuy nhiên, vấn đề ngoại ngữ là vấn đề yếu kém nhất của lao động Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ người lao động Việt Nam có thể giao tiếp với người nước ngoài còn thấp. Tổ chức Giáo dục Quốc tế Education First (EF) đã tổ chức hội thảo, họp báo công bố về báo cáo chỉ số Thông thạo Anh ngữ toàn cầu EF EPI. Theo đó, EF đánh giá chỉ số thông thạo tiếng Anh của Việt Nam ở mức độ thấp với điểm số là 51,57%.

Vì vậy, cải thiện khả năng ngoại ngữ là vấn đề cốt lõi trong việc đáp ứng những rào cản văn hóa khi di chuyển lao động.

III. Giải pháp

1. Giải pháp từ phía Chính phủ

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho lao động có kĩ năng của Việt Nam là chiến lược quan trọng và lâu dài, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Trong xu thế toàn cầu hóa, các biện pháp và định hướng giúp cho lao động có kĩ năng ở Việt Nam có thể cạnh tranh được với các lao động ở các quốc gia khác là một vấn đề quan trọng không chỉ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới nói chung mà còn là với các quốc gia ASEAN nói riêng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đặc biệt là tiến tới thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), việc nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam, nhất là lao động có kỹ năng là một vấn đề bức thiết cần được đặt ra.AEC sẽ đem lại cho Việt Nam những cơ hội lớn để phát triển và đạt tới sự thịnh vượng, cũng như cơ hội chuyển dịch sang một nền kinh tế có năng suất cao dựa trên kỹ năng và sự đổi mới. Song làm thế nào để biến những thách thức đó trở thành cơ hội, mang lại cho người lao động Việt Nam cơ hội làm việc với thu nhập cao. Câu hỏi này tưởng khó song lại khá đơn giản nếu ngay từ bây giờ Việt Nam có những ưu tiên nhằm cải thiện, nâng cao năng suất lao động. Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao hàm nhiều tác động đối với phát triển nguồn nhân lực.

2. Giải pháp dành cho người lao động

Người lao động Việt Nam cần nắm bắt cơ hội việc làm trong thời đại hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. Người lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động trẻ là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học cao đẳng cần chuẩn bị các hành tranh về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ để có thể làm việc trong môi trường quốc tế cạnh tranh cao. Đồng thời không ngừng trau dồi kiến thức, nắm bắt xu hướng trong thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động tự do của AEC. Ngoài việc học tốt chương trình đào tạo ở Việt Nam, người lao động Việt Nam cần học thêm các bằng cấp quốc tế được công nhận rộng rãi ở khu vực ASEAN và trên toàn cầu. Những bằng cấp quốc tế này là hộ chiếu để người lao động Việt Nam làm việc ở các nước ASEAN khác.

3. Giải pháp đối với doanh nghiệp

Khi tự do hóa thị trường lao động, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức. Doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn để sử dụng các lao động có trình độ chuyên môn cao không chỉ trong Việt Nam mà còn từ các nước thành viên của ASEAN khác mà còn phải phải cạnh tranh rất khốc liệt với các doanh nghiệp khác để thu hút được nhân tài. Vì vậy, các doanh nghiệp phải có những chính sách thu hút, đem lại nhiều ưu ái cho lao động có kỹ năng phù hợp như: chế độ tiền lương, thưởng hấp dẫn, cơ hội thăng tiến trong công việc. So với các nước khác, Việt Nam có mức tiền lương, bao gồm cả lương của lao động lành nghề có mức khởi điểm thấp hơn nhiều. Nguy cơ thiếu hụt lao động có kỹ năng sẽ rất trầm trọng nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tạo được ra sự khác biệt trong các chính sách của mình. Các chính sách này có thể là các hỗ trợ ngoài chế độ tiền lương như cung cấp nhà ở, phương tiện đi lại, tạo môi trường làm việc năng động, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy lao động phát huy năng lực tối đa.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường hợp tác đa phương, không chỉ tạo liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa mà còn hợp tác với các doanh nghiệp khác trong khu vực, chung sức tạo nên tiếng nói của doanh nghiệp trên toàn khu vực ASEAN. Từ đó những mong muốn, nguyện vọng của doanh nghiệp đối với người lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng sẽ ảnh hưởng đến các chính sách mà ASEAN đưa ra.

Các kênh thông tin liên lạc giữa các doanh nghiệp và chính phủ cần được cải thiện, tạo ra sự đối thoại liên tục giữa các bên, nâng cao hiệu quả chính sách tự do di chuyển lao động trong AEC.

Với các doanh nghiệp của ASEAN tại Việt Nam, tự do hóa di chuyển lao động giúp các doanh nghiệp này đưa nhân lực có kỹ năng từ nước họ đến Việt Nam làm việc, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ môi trường pháp luật, chính trị và xã hội của Việt Nam để tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho lao động ASEAN tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có một lực lượng lao động chất lượng cao làm việc tại các nước phát triển trên thế giới. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể đưa ra nhiều chế độ ưu đãi dành cho lao động tốt như các nước phát triển để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao này trở về Việt Nam làm việc.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Ngoại giao, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

2. Nguồn nhân lực của các nước Asean và những tham chiếu cho Việt Nam trước thềm hội nhập.

3. Giáo trình Kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Hiệp hội các nước Đông Nam Á, Sách hướng dẫn cho người lao động du lịch.

5. Dữ liệu sơ bộ tỉ lệ thất nghiệp ASEAN 2015.

6. Bản báo cáo di cư Thái Lan 2015.

7. Tạp chí Tài chính.


BARRIERS TO MIGRATION OF SKILLED

LABOR AMONG AECS MEMBERS

Master. Nguyen Phuong Linh

Faculty of Business Management, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

The labor market of ASEAN Economic Community (AEC) has reached significant achivements, especially the migration of skilled labors among ASEANs members since the establishment of the AEC in 2015. Lesson in developing a free labour market drawing from the European Union (EU) will help the AEC to build an effective labor market, contributing to develop an efficient labor market, contributing to a prospestive ASEAN.

Keywords: AEC, ASEAN, migration of skilled labors, labor market, skilled labor.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây