Tình hình bất ổn định về an ninh, chính trị:

Gần đây, Phong trào Mùa xuân A rập bắt đầu từ Tuy-ni-di đã lan rộng sang Ai Cập, Libi và một loạt các quốc gia châu Phi, Trung Đông khác như Xy-ri, I-ran. Một số nước như Bờ Biển Ngà, Burkina Faso, Mali trước bầu cử Tổng thống hoặc khi bị mất mùa, giá lương thực tăng cao thường xảy ra nội chiến, bạo loạn. Hoặc tình trạng cướp biển tại Somali hay tại khu vực Vịnh Guinea ở Tây Phi cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này.

Hiện nay, một số nước tình hình chính trị vẫn chưa thực sự ổn định như Mali, CHDC Congo, Ai Cập, Sudan.

Về thanh toán xuất nhập khẩu:

Nhiều khách hàng ở châu Phi thường đề nghị thanh toán theo hình thức TT hoặc DP trả chậm, giao thành tại cảng đến và không mở L/C. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam thường ngại giao dịch với các đối tác này vì sợ rủi ro.

Về lừa đảo thương mại qua mạng Internet:

Trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hiện tượng lừa đảo thương mại trên mạng Internet tại một số nước khu vực Tây và Trung Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Togo, Cameroon,... đồng thời nêu đích danh các tổ chức, cá nhân lừa đảo ở khu vực này.Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên vẫn có một số doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất tiền.

Về quy định XNK, tập quán kinh doanh, hàng rào kỹ thuật:

Nhiều nước châu Phi theo đạo Hồi nên quy định xuất nhập khẩu mang những nét đặc thù. Chẳng hạn nhãn, mác, mã hiệu, thông tin về sản phẩm phải ghi bằng hai thứ tiếng trong đó bắt buộc có tiếng Ả rập và một thứ tiếng thông dụng tại nước sở tại như tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp). Sản phẩm giết mổ phải phù hợp với các thủ tục, quy định của Hồi giáo và phải có giấy chứng nhận Halal.

Một số ít quốc gia châu Phi, để bảo vệ sản xuất trong nước thường áp dụng mức thuế nhập khẩu cao như Maroc (trung bình hơn 40%); Nigeria quy định hàng hóa trước khi nhập khẩu phải có một trong hai loại giấy chứng nhận là SONCAP của Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria (SON) hoặc giấy chứng nhận NAFDAC. Hay Ai Cập đòi hỏi phải có giấy chứng nhận lãnh sự của Đại sứ quán nước này mới cho xuất khẩu một số mặt hàng vào Ai Cập (như cá Ba sa)...

Về khoảng cách địa lý:

Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang châu Phi bằng đường biển thường mất từ 1 tháng đến 1,5 tháng, dẫn đến chi phí vận tải cao. Ngoài ra việc thiếu các tuyến đường hàng không trực tiếp dẫn đến giá vé máy bay đi châu Phi cũng cao và thời gian kéo dài.

Có ít cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại:

Hiện Việt Nam có 9 Đại sứ quán và 5 Thương vụ tại châu Phi trên tổng số 55 nước châu Phi. Các nước châu Phi cũng chỉ có 9 cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam. Vì vậy khả năng hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin bị hạn chế, việc làm thủ tục xin visa xuất nhập cảnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục khó khăn này, DN cần những giải pháp cụ thể nào?

Đối với vấn đề bất ổn chính trị:

Để phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi tình hình an ninh, chính trị tại các nước châu Phi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó có các trang điện tử của Bộ Công Thương như www.ttnn.com.vnwww.moit.gov.vn. Tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan như Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Đại sứ quán, Thương vụ để có sự tư vấn cần thiết trong những trường hợp cụ thể.

Thông thường, sau khi tình hình chính trị ổn định trở lại, nhu cầu nhập khẩu các loại hàng hóa của các nước này tăng cao, nhất là các loại nhu yếu phẩm như gạo, dệt may. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp của ta đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với vấn đề thanh toán XNK:

Nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khỏan tiền đặt cọc (deposit). Tùy từng mặt hàng, DN cần đưa ra các mức % deposit để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng của mình (tốt nhất là 30% trở lên).

Để tránh rủi ro, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document Acceptance - nhờ thu chấp nhận chứng từ) đối với các khách hàng ở Châu Phi bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng.

Về quy định XNK, tập quán kinh doanh, hàng rào kỹ thuật:

Để thành công, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đầu tư nghiên cứu thị trường, tìm hiểu quy định XNK, văn hoá kinh doanh, tuyển cán bộ thạo ngoại ngữ (nhất là tiếng Pháp khi có gần 1 nửa số nước châu Phi nói tiếng Pháp) và phải kiên trì. Do ảnh hưởng của đạo Hồi (cầu nguyện 5 lần trong 1 ngày, ít hoạt động kinh doanh trong tháng Ramadan) và tình trạng quan liêu nên tác phong làm việc ở những quốc gia này thường chậm trễ, thủ tục hành chính rườm rà. Doanh nghiệp cần xác định tâm lý, để đi đến ký kết một hợp đồng, cần mất khoảng thời gian từ vài tháng đến nửa năm, thậm chí lâu hơn. Với các đối tác, cần gặp mặt trực tiếp, thiết lập quan hệ thân thiết trước khi tiến hành kinh doanh.

Đối với tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng Internet:

Để tránh những rủi ro và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Châu Phi, doanh nghiệp cần: (1) Tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách, khảo sát thị trường do Bộ Công Thương và các cơ quan XTTM tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế tổ chức tại mỗi nước và các cuộc hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp song phương. Đây là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường, gặp gỡ đối tác một cách trực tiếp. (2) Chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh trên các trang web chính thức như trang www.ttnn.com.vn, trang www.moit.gov.vn của Bộ Công Thương Việt Nam, trang www.vinafrica.com của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cũng như các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam châu Phi như An-giê-ri, Ai Cập, Maroc, Nam Phi, Nigeria. Hết sức hạn chế việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng quốc tế.

Về vấn đề khoảng cách địa lý:

Để giảm chi phí vận chuyển, doanh nghiệp nên kết hợp giữa xuất khẩu và nhập khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Có thể thấy rằng việc gắn xuất khẩu với nhập khẩu từ thị trường khu vực chưa được như mong muốn trong khi châu Phi là nơi cung ứng nhiều loại nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mặt hàng các doanh nghiệp có thể kết hợp nhập khẩu từ khu vực này, trong đó đáng chú ý là gỗ, bông, điều, điều sẽ giúp giảm giá cước vận chuyển. DN cũng có thể xem xét, áp dụng hình thức hàng đổi hàng như đổi gạo, quần áo của Việt Nam lấy điều thô, bông, gỗ của các nước châu Phi.

Doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu đầu tư sản xuất hàng hóa, hoặc chế biến tại các thị trường trọng điểm của châu Phi để tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu dồi dào, phục vụ tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu sang các nước trong khu vực, sang EU, Hoa Kỳ nơi mà hàng hóa có xuất xứ từ châu Phi được hưởng ưu đãi về thuế suất.

Tăng cường cơ quan đại diện thương mại (Thương vụ) tại châu Phi

Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới mở thêm các Thương vụ tại một số thị trường trọng điểm ở châu Phi để hỗ trợ tốt hơn DN thâm nhập thị trường và mở rộng sang các nước khác trong khu vực như Cameroon, Senegal, Bờ Biển Ngà, Ghana, Kenya, Ethiopia,...