Chiều 28/11/2005, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện biện pháp để giải quyết hợp lý quan hệ giữa nhập khẩu và sản xuất ô tô trong nước. Quốc hội cho rằng, bảo hộ ngành ô tô trong nước đang ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng. Theo ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện có tình trạng nâng giá bán ôtô trong nước cao hơn so với các nước trong khu vực. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành tài chính, thuế, hải quan quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, kiểm tra chi phí đầu vào, đầu ra, giá thành, giá bán các loại xe ôtô sản xuất trong nước để thu thuế đúng quy định.
Như vậy, hiện nay, vấn đề về giá ô tô sản xuất trong nước không còn chỉ là sự thiệt thòi của người tiêu dùng trong nước, mà đã trở thành vấn đề nghị sự và được Quốc hội quan quan tâm đặc biệt.
Nhiều người đã cho rằng, trong những năm qua, chúng ta đã quá kỳ vọng vào những liên doanh ô tô nên đã bảo hộ ô tô sản xuất trong nước bằng thuế. Ngoài thuế, Nhà nước cũng thực hiện nhiều biện pháp khác, như cấm cơ quan nhà nước mua xe ngoại. Nhưng nay cục diện đã khác, thị trường buộc phải mở cửa.
Nhiều người cho rằng, chính sách bảo hộ cho VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô) trong thời gian dài của Nhà nước, nhằm có ngành Công nghiệp ô tô, nhưng thực tế thì ngược lại. Người tiêu dùng chỉ thấy giá ô tô cao hơn các nước và các thành viên của VAMA “đoàn kết ” bảo nhau cùng tăng gía bán liên tục. Hậu quả là làm người tiêu dùng thiệt hại, trong đó, Nhà nước lại là người tiêu dùng lớn nhất. Theo đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung, sản xuất ôtô trong nước không có thế mạnh, phần lớn tập trung vào lắp ráp, chủ yếu là tầng lớp có thu nhập cao và khối sử dụng ngân sách nhà nước mới có khả năng mua xe con.
Quá ưu đãi... sinh hư!
Một số chuyên gia ngành công nghiệp nhận định, nguyên nhân cơ bản làm giá xe tăng, thậm chí tăng phi lý so với mặt bằng khu vực là do chi phí sản xuất và giá nhập khẩu bộ linh kiện của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cao. Hiện giá nhập khẩu các bộ linh kiện ô tô của DN sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn rất nhiều so với giá sản xuất ở chính hãng.
Bên cạnh việc đẩy giá vào bộ linh kiện, nhiều liên doanh vẫn có mức lợi nhuận đạt từ 11 - 23% tính trên tổng doanh thu. Ngoài ra, mức hoa hồng đại lý (chi phí bán hàng) mà các liên doanh này trả cho các đại lý hiện đang chiếm khoảng từ 4 - 15% tổng chi phí sản xuất.
Ngành sản xuất ô tô được bảo hộ ở mức cao, do vậy khi chưa tăng thuế, giá bán đã cao vì các DN có xu hướng đưa ra giá bán ở mức gần bằng thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc cộng các khoản thuế phải nộp để thu lãi cao mà không nỗ lực điều chỉnh giảm chi phí.
Trên thị trường, xe Toyota Camry 3.0 lắp ráp tại VN đang bán giá 65.000 USD. Trong khi cùng loại xe này sản xuất tại Nhật đang bán trên thị trường thế giới chỉ từ 18.000 - 25.000USD (giá CIF Việt Nam).
Nếu NK vào VN, sau khi chịu mọi loại thuế (thời điểm chưa sửa đổi thuế), loại xe này bán ra thị trường lên tới giá khoảng 90.000USD, tạo sự chênh lệch rất lớn giữa xe CKD và CBU. Điều đó cho thấy, sự ưu đãi của VN đang tạo ra siêu lợi nhuận đối với các thành viên của VAMA.
Cứ mỗi lần Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô sản xuất trong nước cho bằng với mức đánh vào ôtô nhập khẩu nguyên chiếc, là các đại lý lại lợi dụng để tăng giá bán xe, bắt chẹt người tiêu dùng.
VAMA đang đứng trước sự cạnh tranh và không thể tăng giá tùy ý.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội thông qua chiều 28/11/2005, thống nhất thuế suất chung đối với cả ôtô con sản xuất trong nước và nhập khẩu mức là 50%.
Thuế suất đối với ôtô sản xuất trong nước, tuy tăng từ 40% lên 50%, nhưng vẫn thấp hơn thuế suất theo lộ trình đã được Quốc hội quy định. Đối với ôtô nhập khẩu, thuế suất giảm nhiều hơn, từ 80% xuống 50% sẽ làm tăng sự cạnh tranh, có tác dụng không làm tăng giá bán ôtô sản xuất trong nước (Nếu như hiện nay, một ôtô nhập có giá gốc 20.000 USD, doanh nghiệp nhập khẩu phải cộng thêm 16.000 USD thuế tiêu thụ đặc biệt, thì năm tới, mức thuế chỉ còn 10.000 USD. Khi chưa có sự điều chỉnh thuế, giá bán 2 loại xe tương tự chỉ chênh nhau 3.000-4.000 USD ở thị trường nội địa).
Theo các nhà quản lý, sau khi giảm thuế, giá xe nhập khẩu hoàn toàn có thể giảm, nhưng xe ngoại có tràn vào mạnh hay không còn phụ thuộc vào giá xe lắp ráp trong nước. Nếu xe lắp ráp trong nước hạ giá, thì chưa chắc xe nhập đã vào nhiều.
Có thể thấy rõ, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm tới 30% thì tính cạnh tranh của thị trường cao hơn nhiều, giá xe nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung - người chấp bút dự luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế Giá trị gia tăng cho rằng, lẽ dĩ nhiên, khi Nhà nước tăng thuế thì họ (VAMA) nói tăng giá, nhưng tăng hay không thì thị trường sẽ quyết định. Không có lý do gì giá ôtô trong nước cứ tăng, mà doanh nghiệp cứ mãi lắp ráp. Nhiều doanh nghiệp cũng đã có lãi cách đây 4-5 năm.
Các liên doanh nếu không muốn mất khách sẽ buộc phải có đối sách tương ứng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng thì: “Chuyện giá xe tăng hay giảm là ở doanh nghiệp, Chính phủ không can thiệp vào tự do kinh doanh. Nhà sản xuất trong nước có thể quảng cáo rằng hệ thống bảo hành bảo dưỡng của tôi tốt lắm, nhưng xe nhập cũng được bảo dưỡng, đấy là chưa kể chất lượng xe sản xuất tại Nhật Bản đôi khi hơn hẳn xe lắp ráp tại VN. Vậy nếu giá xe nhập thấp hơn, tôi là người tiêu dùng cũng sẽ mua xe nhập”.
VAMA tuyên bố, giá xe hơi lắp ráp trong nước chắc chắn sẽ tăng trong ngày 1/1/2006. Về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xe con, nếu các doanh nghiệp trong nước tiếp tục nâng giá bán một cách vô lý.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nhận xét về tuyên bố tăng giá xe mới đây của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN: “ Cùng nhau đưa ra thoả thuận tăng giá là một việc rất phản thị trường. Riêng với hành vi này, theo Luật Cạnh tranh đã có thể phạt VAMA được rồi”.
Theo bà Lan, Luật Cạnh tranh cấm các thành viên trong hiệp hội liên kết cùng nhau gây những bất lợi cho người tiêu dùng. Vào hiệp hội là để khuyến khích cạnh tranh, khuyến khích đầu tư, nhưng VAMA không làm theo tôn chỉ lành mạnh đó.
Đúng là, Hiệp hội ấn định giá là vi phạm Luật Cạnh tranh. Dự báo như vậy làm xã hội nghi ngờ giá xe sẽ tăng và đưa ra quyết định mua xe, có lợi cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, phải có một hội người tiêu dùng hoặc ai đó đứng ra làm đơn khiếu nại VAMA lên Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Thương mại, cơ quan này sẽ mở cuộc điều trần yêu cầu các nhà sản xuất ôtô chứng minh cho quyết định tăng giá xe. Bản thân Cục Quản lý cạnh tranh có thể tự nghiên cứu, điều tra khi thấy quyền lợi của số đông trong xã hội bị xâm phạm, nhưng để làm được điều này, nghiệp vụ của các chuyên viên phải rất sắc sảo.
Chính sách nhà nước nên thế nào đối với ô tô trong nước?
Về cơ bản, mức thuế mới này không ảnh hưởng đến giá bán cũng như cân đối cung - cầu của thị trường. Nên có người đặt câu hỏi, vai trò quản lý nhà nước như thế nào trước việc VAMA tăng gía bán xe ô tô? Về vấn đề này, theo một quan chức của Bộ Tài chính thì: “ Có tới 90% giá thành đầu vào của mỗi chiếc xe lắp ráp trong nước Bộ Tài chính không thể kiểm soát được”.
Ngoài ra, còn nhiều người có trọng trách trong việc hoạch định chính sách đối với ngành Công nghiệp ô tô đã có những quan điểm trái ngược nhau, hoặc vẫn giữ ý kiến chủ quan, mà không cần biết đến dư luận xã hội. Khi góp ý cho Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi trước đây, có Bộ còn chủ trương, Nhà nước không nên tăng thuế, tránh tạo lý do để các liên doanh tăng giá xe, đồng thời tạo ổn định về mặt chính sách. Và họ còn nói giá xe tại VN cao so với các nước trong khu vực chỉ có người tiêu dùng bị thiệt, chứ Nhà nước vẫn thu được các khoản thuế.
Sức ép từ thị trường sẽ là nhân tố tác động lớn nhất đến chính sách giá của các nhà sản xuất ôtô VN. Tuy nhiên, nếu không có đối trọng xe nhập khẩu, tuyên bố của VAMA sẽ trở thành sự thật.
Có lẽ chúng ta nên suy nghĩ một cách nghiêm túc lời của bà Phạm Chi Lan: “Nói là non trẻ, nhưng ngành này cũng đã có 10 năm để phát triển rồi mà không chịu tiến lên. Nếu họ không vươn lên được, không tồn tại được khi cạnh tranh, thì để họ “dẹp” là hơn. Phải đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên hết. Cứ để người tiêu dùng bị móc túi là bất hợp lý”.