Tuy nhiên, CPH DNNN so với yêu cầu đổi mới vẫn còn chậm. Việc thu hút các cổ đông ngoài DN còn hạn chế. Nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ ở nhiều DN đã làm hạn chế sự đổi mới trong quản trị công ty, phương pháp quản lý, lề lối làm việc, tư duy quản lý vẫn còn như DNNN.

Đa số các DN sau CPH hoạt động đã có tính tự chủ cao, hiệu quả hơn, nhưng những vấn đề phát sinh sau CPH đang cần sớm được giải quyết.

2 - Những vấn đề về hậu cổ phần hóa.

Các vấn đề tồn tại của CPH: Đất đai của DN sau CPH; kiểm kê đánh giá lại tài sản DNCP; vướng mắc về chính sách tài chính, hoàn thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế nhập khẩu, xuất khẩu, những cam kết về tài sản tồn đọng, dư thừa khi CPH còn triển khai rất chậm... Việc chuyển đổi từ DNNN sang DNCP đã mang lại một môi trường kinh doanh khác, nhưng từ đây cũng nảy sinh những khó khăn mới, mà vấn đề quan tâm chính của DN vẫn là đất đai, tín dụng và thủ tục hành chính...

Theo các DN, sau CPH, diện tích đất đai nhà xưởng không thay đổi nhiều. Các địa phương vẫn tiếp tục cho DN thuê đất với giá thấp, thậm chí giao đất với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, nhưng DN vẫn gặp khó khăn khi giao dịch với ngân hàng.

Nguyên nhân chính là do sự thiếu rõ ràng về quyền sử dụng đất cũng như chưa giải quyết dứt điểm các quyền và nghĩa vụ đất đai có liên quan trước khi đăng ký dưới hình thức CTCP.

Sau CPH rất nhiều vấn đề bức xúc xảy ra đối với các DN CPH.

- Thứ nhất, vấn đề quản lý nhà nước về hành chính, về phần vốn Nhà nước nắm giữ trong DN sau CPH. Khi chưa CPH, số vốn Nhà nước trong DN chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản. Sau CPH, chế độ cơ quan chủ quản không còn, nhiều DN xử lý vấn đề này hết sức lúng túng.

Thực tế cho thấy, trước CPH, hầu hết các dây chuyền sản xuất chính hoặc các tài sản lớn đều do tổng công ty (TCT) đứng tên sở hữu, nhưng khi CPH, việc chuyển giao chưa dứt điểm, gây ra tình trạng quyền sở hữu tài sản không rõ ràng, nhất là khi DN mở rộng, liên doanh, hợp tác trong kinh doanh. Điều này, khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định kế hoạch SXKD, như xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng..., hay góp vốn liên doanh bằng tài sản có trên đất mà DN đang sử dụng.

- Thứ hai, vấn đề vay vốn sau CPH. Khi còn là DNNN, nếu thiếu vốn DN có thể vay ngân hàng đã có cơ quan chủ quản cấp trên đứng ra bảo lãnh. Sau CPH, DN muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản thế chấp. Mà tài sản thế chấp của DN thường lại không có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan, đặc biệt là giấy chứng nhân quyền sử dụng đất đai (sổ đỏ)... Chuyện vay vốn ngân hàng của DN vì thế cũng rất bị động, chẳng dễ dàng chút nào.

Trên thực tế, đã có tình trạng, một bộ phận CT hay đơn vị thành viên TCT được CPH, nhưng không có quyền sử dụng đất, không được đứng tên thuê hoặc giao đất do đất thuộc quyền sử dụng TCT (và TCT đứng tên).

Vì vậy, các đơn vị này phải nhờ TCT đứng ra, dùng quyền sử dụng đất vay vốn hộ. Ngược lại, đã có trường hợp TCT dùng toàn bộ diện tích đất đai của DNCP đang sử dụng để thế chấp vay vốn gây khó khăn cho hoạt động của CTCP.

Một thay đổi lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN sau CPH là tỷ trọng vay vốn từ ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm đi đáng kể thay vào đó là các nguồn tín dụng khác như tín dụng phi chính thức, vay từ người lao động, cổ đông hoặc gia đình, bạn bè.

Bên cạnh đó, những điều kiện về tín dụng, thế chấp, cầm cố tài sản và lòng tin khi cho vay của ngân hàng có sự thay đổi đáng kể đối với DNCP trước và sau khi chuyển đổi. Đây là những trở ngại phát sinh gây hạn chế đối với các DNCP. Một thực tế, có khoảng cách khá xa giữa quy định và thực tế thực hiện các chính sách tín dụng ngân hàng, chưa tạo được môi trường bình đẳng cho DNCP.

Mặt khác, sự hỗ trợ tài chính thông qua vốn vay ưu đãi và các biện pháp tài chính như khoanh nợ, dãn nợ, xoá nợ, chuyển vốn vay thành vốn Nhà nước đầu tư... sau CPH đã không còn.

Theo phản ánh của các DN nhỏ và vừa, khi có nhu cầu, DN thường huy động vốn nội bộ, nhưng nguồn vốn này thường hạn chế nên rất nhiều DN phải tự huy động vốn từ bên ngoài và đây đang là nguồn vốn quan trọng đối với nhiều DN. Đã có trường hợp nhiều CTCP muốn vay được vốn kinh doanh cho DN thành viên, HĐQT phải thế chấp cả nhà riêng và tài sản cá nhân cho ngân hàng.

Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp mang tính tình thế không thể áp dụng về lâu dài.

- Thứ ba, việc giải quyết số lao động dôi dư sau CPH. Để đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển, số cán bộ công nhân năng lực yếu kém sẽ phải nghỉ việc, trong đó, không ít người đã có quá trình làm việc lâu năm. Xử lý số lao động dôi dư này là một vấn đề tế nhị, làm sao vẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN, vẫn đảm bảo cho các cán bộ công nhân phải nghỉ hưu sớm thoải mái, yên tâm. Đó là bài toán không kém phần nan giải.

Trong khi đó, DN lại không được hỗ trợ kinh phí như trước đây để đào tạo và sắp xếp lại số lao động này khiến cho khả năng hoạt động của DN bị hạn chế. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ chủ chốt một số DN còn kém về năng lực cũng như phẩm chất, được đề bạt trong cơ chế cũ, nay chuyển sang CT CP đã không đảm đương được nhiệm vụ được giao.

ở những DNNN thuộc ở các địa phương và các bộ chủ quản, sau khi CPH, hầu hết đều có người của Sở Tài chính hoặc sở chủ quản, vụ kế toán, kế hoạch của bộ chủ quản hoặc của TCT xuống để “canh vốn”, nhưng những công chức này (nhiều người không am hiểu SXKD của CTCP) lại cần độ an toàn hơn là độ mạo hiểm, mà trong kinh doanh nhiều khi cần độ mạo hiểm.

- Thứ tư, vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp...). Khi chuyển đổi từ hình thức sở hữu Nhà nước sang hình thức đa sở hữu (cổ phần hóa), việc xác định giá trị những tài sản vô hình (quyền sở hữu trí tuệ) của DN hết sức khó khăn. Cho đến nay, hầu hết các DNNN đã CPH đều không xác định được, hoặc không đưa các đối tượng sở hữu trí tuệ vào việc định giá giá trị DN để CPH.

- Thứ năm, nhiều cổ đông nhỏ trong các CT được CPH thường không biết quyền lợi, nghĩa vụ, không xác định được tiếng nói, vai trò của mình trong CTCP, không am hiểu tường tận cổ phiếu của mình được chuyển nhượng như thế nào, tỷ lệ ra sao, bởi công tác thông tin còn chưa đầy đủ... Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề về pháp lý, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý tốt để hợp tác, học hỏi, nhằm củng cố vị thế phát triển... cũng là những vấn đề bức thiết đặt ra cho các DN sau CPH.

- Thứ 6, bị đối xử thiếu bình đẳng so với DNNN, lúng túng trong điều hành quản lý, thiếu nhà đầu tư chiến lược, thiết bị công nghệ lạc hậu, thiếu thông tin là những vấn đề mà một số DN đang gặp phải sau khi CPH.

Nhiều DN sau khi CPH “mới” phát hiện mình có số dư nợ vay của DNNN trước khi CPH. Điều này rất khó giải quyết vì Ban lãnh đạo cũ đã không báo cáo trung thực, do đó đã gây khó khăn cho HĐQT và Giám đốc CTCP.

Các DN đã CPH chỉ sau khi nộp thuế thu nhập mới được tính cổ tức, nhưng nếu DN vay vốn ngân hàng thì lãi vay lại được hạch toán vào chi phí, sau đó mới tính thuế thu nhập. Đây là quy định rất bất bình đẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của DN.

Có thể khẳng định, những khó khăn, vướng mắc mà các DN sau CPH đi trước gặp phải, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ không chỉ cản trở SXKD của DNCP, mà còn trở thành rào cản tâm lý khiến các DN chưa CPH nhìn vào e ngại, không mặn mà với việc CPH.

- Thứ 7, không hiểu tại sao, trong nhiều hội nghị, hội thảo, điều tra, khảo sát và báo cáo về DNNN sau CPH hầu như không đề cập đến các công tác đoàn thể, như tổ chức Đảng, Công đoàn, thanh niên…?

Đối với CTCP mà Nhà nước nắm CP chi phối thì lãnh đạo CTCP cho rằng, không có gì thay đổi vì theo Luật Doanh nghiệp thì tuy là CTCP, nhưng vẫn là DNNN.

Đối với những CTCP mà Nhà nước không nắm CP chi phối thì công tác đoàn thể ở nhiều nơi đã trở thành hình thức. Có giám đốc cho rằng, vì là DNNN nhỏ, yếu, vốn nhỏ, SXKD kém hiệu quả nên mới “được” CPH, vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung cho SXKD để đảm bảo chia lợi tức hàng năm và duy trì sự phát triển. Mọi hoạt động của công tác đoàn thể nói chung vẫn chỉ là hình thức.

Có lẽ quan điểm này cũng không có gì đáng trách, bởi lẽ, công tác đoàn thể ở ngay các cơ quan được hưởng ngân sách nhiều khi còn tê liệt.

3 - Những biện pháp cần thực hiện để giảm bớt những khó khăn cho DNCP

Hậu CPH là vấn đề rất lớn đang đặt ra các yêu cầu cần phải giải quyết. Trước những vướng mắc về môi trường hoạt động của DNCPH, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường hoạt động, trong đó, cần chú trọng những việc sau:

- Xóa bỏ việc phân biệt đối xử trong việc thực hiện các chính sách giữa DNNN và DNCPH về tín dụng, đầu tư, đất đai, xuất nhập cảnh...

- Chuyển chức năng quản lý vốn Nhà nước của các doanh nghiệp cổ phần trực thuộc các bộ, các địa phương sang Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước để đơn vị này thực hiện vai trò quản lý kinh doanh, đầu tư ở các DNCP, nhằm tránh những lúng túng như hiện nay.

- Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp tục cung cấp thông tin, phổ biến chính sách và giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp sau chuyển đổi.

- Phát triển các tổ chức tư vấn nghiệp vụ về CPH, chứng khoán cho doanh nghiệp và các cổ đông.

- Thực hiện tốt Luật doanh nghiệp chung mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006. Khi đó, các văn bản hướng dẫn DN đều theo một lợi ích chung, thì những vấn đề phức tạp của hậu cổ phần hóa sẽ được sàng lọc cơ bản.

- Việc mua cổ phần cho người lao động trong DN nên tính theo giá thị trường đấu giá cổ phần, thay vì tính trên giá sàn như hiện nay. Quy định cơ chế phối hợp giữa người đại diện vốn nhà nước và chủ sở hữu DN, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp, thưởng, nhằm tạo động lực cho người quản lý vốn Nhà nước.

Các tổng công ty cần xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn, lao động, thiết bị, công nghệ, thanh toán các khoản công nợ nhằm lành mạnh tài chính các DN thành viên.

Thay cho lời kết:

Qua điều tra, khảo sát các DNNN được CPH, các chuyên gia cho rằng, DNCP  nào mà Nhà nước nắm cổ phần càng ít, thì quản trị kinh doanh càng tốt, minh bạch về tài chính cao. Đối với doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì quản lý của Nhà nước “lỏng” hơn so với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, quyền cổ đông ở đây không bằng ở công ty cổ phần mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.