Niềm tin vào trí tuệ và sức mạnh của quần chúng được nhân lên gấp bội do từ đáy lòng mình, Bác có tình nhân ái bao la đối với con người, các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi, các dân tộc bị các chế độ bóc lột vùng dậy trong nghèo khổ và dốt nát. Người đã nói: “Tôi chỉ có sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Mỗi ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên” .
Quan tâm đối với đời sống của con người, đời sống của nhân dân là quan điểm trung tâm quán xuyến trong phong cách hoạt động của Bác Hồ. Người đã nói: “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân. Vì thế bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. người nói: “ Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng, thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào phù hợp với quần chúng, quần chúng cần thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo lại cấp trên, miễn là được việc. Đằng này cán bộ là chỉ biết khư khư giữ lấy cả. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là bảo thủ, quá hữu, gặp sao làm vậy”.
Với “niềm tin” và “lòng nhân ái” bao la đối với quần chúng nhân dân, Bác Hồ thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thật sự của người cán bộ quần chúng. Với đôi dép lốp, bộ đồ ka ki sẵn có trước đây, với bộ quần áo nâu bình dị, nụ cười nhân hậu, giọng nói ấm áp và vòng tay rộng mở, người đi sâu vào mọi ngóc ngách cuộc sống. Người đi thăm từ chỗ nấu ăn, vào những gia đình có cuộc sống gặp nhiều khó khăn, từng tập thể nhỏ, từng nơi làm việc… Người nói chuyện với mọi lớp người ở bất cứ nơi nào. Bác nói không nhiều, nhưng làm cho người nghe chăm chú và khi nói, bác căn dặn cụ thể, dễ hiểu, ngắn gọn những việc cần làm. Bằng những cuộc tiếp xúc thường xuyên với quần chúng, dù người hết sức bận việc, sự săn sóc ân cần của người đối với các tầng lớp nhân dân, với các cụ già, em bé… chăm lo đời sống cho quần chúng. Bằng phong cách vốn có, tỏa sáng lòng nhân ái bao la, Bác đã nhận được tất cả lòng tin và tình thương yêu thật sự của các tầng lớp nhân dân. Phong cách và đức độ của Người đã làm cho quần chúng từ đáy lòng mình đã đặt cho Người với cái tên gọi: Người Bác, người cha ruột thịt quý mến của mình.
Phong cách và đức độ của Bác được thể hiện như vậy đó. Bác cũng biết một số người trong đội ngũ chúng ta không làm được như vậy, nhất là từ khi Đảng nắm quyền. Chính vì vậy, sau Cách mạng tháng 8 thành công hơn, một tháng, Bác đã gửi thư căn dặn tất cả cán bộ từ Trung ương đến cơ sở, phải thực sự làm người đầy tớ trung thành của nhân dân, chứ không được đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Bác căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta”. Người còn chỉ rõ: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Người đã luôn luôn nhắc nhở các tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và coi đó là nguồn sức mạnh, tạo nên thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng. Và chính Người là tấm gương sáng về mặt này. Những lời căn dặn của Bác đã được nhắc lại rất nhiều lần suốt 24 năm đứng đầu bộ máy Đảng, Nhà nước, và cho đến trước khi qua đời, Người cũng không quên căn dặn trong di chúc thiêng liêng của Người.
Qua thực tiễn phong cách làm việc sâu sát quần chúng của Bác Hồ, ngày 15/10/1949, Bác viết bài báo về công tác “Dân vận” đăng trên báo Sự thật số 120. Đây là một tác phẩm có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Theo Bác: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho “Công tác dân vận không phải là công việc của riêng ai, mà “tất cả cán bộ chính quyền, đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải làm công tác dân vận”. Bác còn chỉ rõ: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đảng ta vốn có truyền thống liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Phần đông cán bộ, đảng viên của Đảng đã giữ được phẩm chất và tác phong cách mạng, một lòng một dạ phục vụ quần chúng, đi sát quần chúng, tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ảnh lợi ích của quần chúng. Chính vì lẽ đó, suốt quá trình hoạt động cách mạng gặp nhiều khó khăn, quần chúng vẫn một lòng gắn bó với Đảng, hết lòng tin yêu Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi rực rỡ như ngày nay. Tuy nhiên, hiện nay trong một số cán bộ, đảng viên cũng chưa nhận thức đầy đủ công tác dân vận, liên hệ chặt chẽ với quần chúng và quan tâm đến lợi ích và đời sống của quần chúng để thực hiện tốt theo lời dạy của Bác Hồ. Không ít cơ quan chính quyền chưa tôn trọng ý kiến của dân, chưa làm tốt công tác vận động quần chúng, nặng nề biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, thậm chí trù dập, ức hiếp dân, lợi dụng chức quyền để tự tư tự lợi, tham nhũng, hối lội, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, xâm phạm đến mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Vì vậy, phải bằng mọi cách để chống quan liêu, xa rời quần chúng. Bác Hồ đã nghiêm khắc lên án: “Quan liêu, tham ô, lãnh phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm chính. Noi gương phong cách làm việc sâu sát quần chúng và quán triệt theo lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên, công chức trong mọi hoạt động của mình phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng, đi sát quần chúng, tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống quan liêu, xa rời quần chúng, cửa quyền ức hiếp quần chúng, đồng thời phải chống chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, tham nhũng.