7 nhiệm vụ trọng tâm

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và ngành năng lượng, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã ban hành Nghị quyết số 951-NQ/ĐU về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ hai con số.

Đây là bước đi mang tính quyết liệt, thể hiện cam kết chính trị cao và sự đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị của Tập đoàn - từ Công ty Mẹ đến các đơn vị thành viên, từ lãnh đạo đến từng cán bộ, người lao động.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực để Petrovietnam bứt phá
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, Ban Thường vụ Đảng ủy Petrovietnam ban hành Nghị quyết số 951-NQ/ĐU về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ hai con số

Nghị quyết 951/NQ-ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy Petrovietnam ban hành, nêu 7 giải pháp trọng tâm được đẩy mạnh trong toàn Tập đoàn, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn Tập đoàn về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ hai, sắp xếp lại hệ thống đổi mới sáng tạo của Petrovietnam, hoàn thiện các quy chế/quy định, nâng cao năng lực quản trị khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ ba, thường xuyên đo lường và áp dụng các giải pháp quản trị, công nghệ, đào tạo để nâng cao năng suất lao động từ các nhân tố tổng hợp (TFP: đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất/cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động).

Thứ tư, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn Tập đoàn - Công ty mẹ và các doanh nghiệp trong Petrovietnam, hằng năm đầu tư tối thiểu 2% doanh thu hợp nhất hoặc tối thiểu 10% lợi nhuận hợp nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ năm, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ sáu, nâng cao quy mô và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác, xây dựng và phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở.

Triển khai nhiều hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết 951

Triển khai Nghị quyết số 951-NQ/ĐU của Petrovietnam, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đề ra mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hướng đến việc phát triển năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Đồng thời, Công ty cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững với tốc độ tăng trưởng trung bình 2 con số. Mục tiêu tổng quát của Công ty trong thời gian tới là trở thành Tổng công ty có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh mạnh trong khu vực và quốc tế.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đề ra mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hướng đến việc phát triển năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh

Để đạt được mục tiêu tổng quát này, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đề ra các mục tiêu, giải pháp, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả chiến lược của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, Công ty sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy; tiếp tục hoàn thiện bộ máy đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tiếp tục trọng dụng nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số; xây dựng và phát triển hệ sinh thái sáng tạo mở.

Đặc biệt, Công ty nhấn mạnh đến chiến lược dài hạn về đổi mới bứt phá, phát triển bền vững với các trong tâm là phát triển nhiên liệu sạch, kinh tế tuần hoàn, hóa chất nhiên liệt vật liệu mới và ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và dữ liệu lớn vào các lĩnh vực chủ chốt của Công ty.

Bên cạnh những phương hướng, mục tiêu của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, vừa qua, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) thành công giới thiệu chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu được VPI và Vietsovpetro bơm ép thử nghiệm công nghiệp tại khu vực nghiên cứu mỏ Bạch Hổ giúp gia tăng sản lượng khai thác tại Triển lãm về giải pháp/sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu trong khuôn khổ Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 16/5/2025 vừa qua.

Cũng tại Triển lãm, VPI cũng giới thiệu phần mềm đánh giá lựa chọn giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (VPI EOR Screening) phù hợp cho từng mỏ, đối tượng khai thác dầu tại Việt Nam; xây dựng mô hình mô phỏng địa chất và khai thác cho đối tượng áp dụng giải pháp công nghệ nâng cao thu hồi dầu; sản xuất chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP hoạt động tốt ở điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao, tương tác tốt với chất lưu vỉa dầu/khí/nước.

Bên cạnh đó, VPI cũng giới thiệu các loại nhiên liệu và hóa chất sạch từ khí thiên nhiên giàu CO2, cũng như chuỗi giá trị các sản phẩm tiên tiến trên cơ sở vật liệu nanocarbon (Graphene; phân bón tan chậm được bọc bằng vật liệu nano và dung môi xanh; dầu nhờn chứa phụ gia trên cơ sở vật liệu graphene, giúp giảm 5% tiêu hao nhiên liệu và giảm 15% lượng khí thải vào môi trường so với các loại dầu nhớt truyền thống).

Viện trưởng VPI Phan Anh Minh giới thiệu với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP giúp gia tăng sản lượng khai thác cho khu vực nghiên cứu mỏ Bạch Hổ.
Viện trưởng VPI Phan Anh Minh giới thiệu với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu chế phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu  được VPI và Vietsovpetro bơm ép thử nghiệm công nghiệp tại khu vực nghiên cứu mỏ Bạch Hổ giúp gia tăng sản lượng khai thác

Báo cáo tại buổi gặp mặt của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với đoàn đại biểu người lao động tiêu biểu của ngành Dầu Khí, ông Lê Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrovietnam cho biết, tổng doanh thu toàn Tập đoàn sau 4 năm (2021-2024) đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 599 nghìn tỷ đồng, với mức tăng trưởng là 21,2%/năm; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 238 nghìn tỷ đồng, hơn 44,3%/năm.

Riêng năm 2024, Tập đoàn đã vượt 1 triệu tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so năm 2023 và tăng 36% so với năm 2019.

Đánh giá cao những kết quả quan trọng của Tập đoàn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua, Tập đoàn đã ra sức thi đua và đạt kết quả cao như: hưởng ứng thực hiện Chương trình thi đua “Đổi mới sáng tạo dầu khí” giai đoạn 2024-2028, sau 1 năm triển khai đã có 3.432 sản phẩm sáng tạo, giá trị mang lại đạt gần 8.000 tỷ đồng; có 3 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, 3 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đó là minh chứng sống động cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần đổi mới và sức sáng tạo bền bỉ của đội ngũ người lao động dầu khí - những người luôn dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá vì phát triển của ngành. 

Hoàn thiện mô hình quản trị về khoa học công nghệ

Nhận thức sớm việc lạc hậu công nghệ sẽ khiến Tập đoàn tốn nhiều chi phí, do đó Petrovietnam bắt buộc phải phát triển các sản phẩm mới. Khoa học công nghệ phải đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất, cần có sản phẩm dịch vụ cụ thể theo xu hướng năng lượng mới và Petrovietnam cần đem đến giá trị phù hợp với mô hình kinh doanh chính là thời gian và sự tiện dụng.

"Để làm được điều đó, ban lãnh đạo Tập đoàn cũng như đội ngũ làm khoa học cần xem xét lại mô hình quản trị con người, hệ thống quy định nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học", Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, lạc hậu công nghệ sẽ khiến Tập đoàn tốn nhiều chi phí, do đó Petrovietnam bắt buộc phải phát triển các sản phẩm mới. Khoa học công nghệ phải đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất, cần có sản phẩm dịch vụ cụ thể theo xu hướng năng lượng mới và Petrovietnam cần đem đến giá trị phù hợp với mô hình kinh doanh chính là thời gian và sự tiện dụng

Theo đó, Petrovietnam đặt mục tiêu tổng quát xác lập đến năm 2030 là: Xây dựng tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, với một số lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế. Khoa học công nghệ sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, đóng vai trò quyết định trong việc gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động, đồng thời giúp Petrovietnam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia hiện đại, có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, góp mặt trong danh sách Fortune Global 500.

Giai đoạn 2026 - 2030, Petrovietnam đặt kỳ vọng các nhân tố tổng hợp (TFP) như đổi mới công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất - quản lý và nâng cao trình độ nguồn nhân lực sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng năng suất của Tập đoàn. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế từ các chương trình khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được ước tính sẽ cao gấp đôi so với chi phí đầu tư ban đầu - một tỷ lệ cho thấy rõ tính bền vững và hiệu quả của chiến lược này.

Để đạt được mục tiêu đó, Petrovietnam đang từng bước hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ, xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ - dữ liệu, và đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ công nghệ mới. Đây là những yếu tố then chốt, đảm bảo tính liên tục, tự chủ và bền vững trong quá trình chuyển đổi số và nâng cấp trình độ khoa học công nghệ toàn Tập đoàn.