Tóm tắt:

Bài báo phân tích làm rõ, hệ thống các trường hợp cần kê khai, nộp thuế, được khấu trừ hay hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Qua các phân tích nhằm giúp người học, người làm kế toán hiểu và thực hiện đúng về thuế tiêu thụ đặc biệt theo Thông tư số 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Từ khóa: thuế tiêu thụ đặc biệt, sản xuất, nhập khẩu, Thông tư số 195/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính.

1. Đặt vấn đề

Người làm kế toán, người nộp thuế cần nắm rõ quy định về các trường hợp và thời gian phải kê khai, nộp thuế; cũng như được khấu trừ hay hoàn thuế TTĐB. Bài báo giúp người đọc hiểu rõ hơn về các quy định trên theo Thông tư số 195/2015/TT-BTC đối với người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Từ đó áp dụng đúng trong thực tế công tác kế toán, thuế tại đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng thông tin kế toán và tính chuẩn xác khi áp dụng các quy định pháp luật.

2. Phân tích, hệ thống một số nội dung về thuế tiêu thụ đặc biệt theo Thông tư số 195/2015/TT-BCT của Bộ Tài chính

Tác giả làm rõ quy định về nộp thuế, khấu trừ, hoàn thuế đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB, không đề cập đến dịch vụ chịu thuế TTĐB. Tiếp cận thông qua các trường hợp nhập khẩu, mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước và mua từ cơ sở kinh doanh thương mại.

2.1. Nhập khẩu 

a. Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất, gia công hàng chịu thuế TTĐB để trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu

Khi nhập khẩu nguyên liệu: Phải kê khai và nộp thuế TTĐB từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu theo quy định.

Khi trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu: Không nộp thuế TTĐB do thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Theo đó, người nộp thuế khi nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất, gia công sản phẩm chịu thuế TTĐB nhưng không bán trong nước mà trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu (hàng sẽ được xuất khẩu) thì chỉ phải kê khai và nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu, còn khâu xuất khẩu, ủy thác xuất khẩu không nộp thuế TTĐB.

Được hoàn thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu của nguyên liệu dùng sản xuất phần hàng đã xuất khẩu: Sản phẩm khi xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB nên sẽ không thể khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu của số nguyên liệu tương ứng được. Do đó, người nộp thuế được hoàn thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu của nguyên liệu dùng sản xuất phần hàng đã xuất khẩu.

Lưu ý: Đối với hàng hóa cơ sở xuất khẩu mua, nhận ủy thác xuất khẩu để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai, nộp thuế TTĐB đối với các hàng hóa này khi tiêu thụ (bán) trong nước. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu hưởng được chính sách ưu đãi về thuế TTĐB.

b. Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất rồi bán sản phẩm chịu thuế TTĐB trong nước

Khi nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB: Phải kê khai và nộp thuế TTĐB từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu theo quy định. Như vậy, dù nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất sản phẩm chịu thuế TTĐB bán trong nước hay xuất khẩu, ủy thác xuất khẩu thì vẫn phải kê khai và nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu nguyên liệu.

Khi bán sản phẩm chịu thuế TTĐB trong nước: Trong giá bán đã bao gồm thuế TTĐB của hàng bán ra. Định kỳ kê khai xác định số thuế TTĐB phải nộp bằng cách lấy thuế TTĐB của hàng bán ra khấu trừ với thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu của nguyên liệu dùng sản xuất hàng đã bán ra trong kỳ.

Theo quy định, người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Trường hợp này là tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất sản phẩm chịu thuế TTĐB bán ra trong nước (không xuất khẩu) nên phải kê khai nộp thuế TTĐB định kỳ. Tuy nhiên, người nộp thuế được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu của nguyên liệu dùng sản xuất hàng đã bán ra trong kỳ để xác định số thuế TTĐB phải nộp. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết kì này (có thể do một phần nguyên liệu chưa được đưa vào sản xuất hoặc đã sản xuất nhưng thành phẩm chưa được bán ra hết) sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. Đặc điểm này tương tự với việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

c. Trường hợp hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu

Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn không phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì không phải nộp thuế TTĐB tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu. Thông thường hàng chịu thuế TTĐB khi nhập khẩu sẽ phải kê khai, nộp thuế TTĐB cùng với việc kê khai, nộp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng này chỉ tạm nhập và sau đó tái xuất khẩu (bản chất không phải nhập khẩu thật sự và hàng này không được tiêu thụ trong nước). Do đó, trường hợp này không phải nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu, còn phần hàng nào không tái xuất khẩu vẫn phải nộp thuế TTĐB theo quy định.

Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì không phải kê khai, nộp thuế TTĐB. Phần hàng này chỉ tham dự hội chợ, triển lãm nhưng không được tiêu thụ trong nước mà tái xuất khẩu. Về bản chất cũng tương tự như hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu. Do đó, không phải kê khai nộp thuế TTĐB.

Với những hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu nhưng đã nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu sẽ được hoàn thuế TTĐB khi tái xuất khẩu.

d. Trường hợp nhập khẩu hàng chịu thuế TTĐB rồi bán trong nước

Khi nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB: Phải kê khai và nộp thuế TTĐB từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu theo quy định. Đây là hàng chịu thuế TTĐB, dù người nộp thuế nhập khẩu với mục đích làm nguyên liệu hay hàng hóa để bán, sau đó sản xuất hay bán lại, bán trong nước hay xuất khẩu, ủy thác xuất khẩu thì vẫn phải kê khai và nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu.

Khi bán hàng hóa trong nước chịu thuế TTĐB: Trong giá bán cho người mua đã bao gồm thuế TTĐB của hàng bán ra. Định kì kê khai xác định số thuế TTĐB phải nộp bằng cách lấy thuế TTĐB của hàng bán ra khấu trừ với thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu của số hàng đã bán ra trong kì nhưng chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế TTĐB tính được ở khâu bán ra trong nước. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết do hàng nhập khẩu còn trong kho chưa bán thì được khấu trừ tiếp vào kì sau. Trường hợp đặc biệt đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ hết do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nội dung này không áp dụng đối với hàng nhập khẩu chịu thuế TTĐB là xăng các loại.

2.2. Mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước 

a. Trường hợp mua trực tiếp nguyên liệu chịu thuế TTĐB từ cơ sở sản xuất trong nước để sản xuất, gia công hàng chịu thuế TTĐB để trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu

Khi mua nguyên liệu chịu thuế TTĐB: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB khi mua nguyên liệu vì đây là mua trong nước, không phải nhập khẩu. Tuy nhiên, trong giá mua nguyên liệu này đã gồm thuế TTĐB do người bán (cơ sở sản xuất trong nước) phải kê khai, nộp thuế TTĐB.

Khi trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu: Không nộp thuế TTĐB do thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Theo đó, người nộp thuế khi nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất, gia công sản phẩm chịu thuế TTĐB nhưng không bán trong nước mà trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu (hàng sẽ được xuất khẩu) thì chỉ phải kê khai và nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu, còn khâu xuất khẩu, ủy thác xuất khẩu không nộp thuế TTĐB.

Người nộp thuế cũng không được hoàn thuế TTĐB nằm trong giá mua nguyên liệu. Phần thuế này được ghi nhận trong chi phí nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất và góp phần tạo nên giá thành của sản phẩm. Trường hợp này không được hoàn thuế TTĐB, vì không thuộc trường hợp: hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu hay hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hay một số trường hợp khác được hoàn thuế TTĐB theo Thông tư 195.

b. Trường hợp mua trực tiếp nguyên liệu chịu thuế TTĐB từ cơ sở sản xuất trong nước để sản xuất, rồi bán sản phẩm chịu thuế TTĐB trong nước

Khi mua nguyên liệu chịu thuế TTĐB: Tương tự trường hợp 2.2.a, không phải kê khai, nộp thuế TTĐB khi mua vì không phải là hoạt động nhập khẩu nhưng trong giá mua thanh toán cho người bán (là cơ sở sản xuất) đã gồm thuế TTĐB.

Khi bán sản phẩm chịu thuế TTĐB trong nước: Trong giá bán đã bao gồm thuế TTĐB của hàng bán ra. Người nộp thuế có hoạt động sản xuất hàng chịu thuế TTĐB nên định kì kê khai xác định số thuế TTĐB phải nộp bằng cách lấy thuế TTĐB của hàng bán ra khấu trừ với thuế TTĐB của nguyên liệu (nằm trong giá mua) dùng sản xuất số hàng đã bán ra trong kì. Tương tự trường hợp 2.1.b, số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết kì này (có thể do một phần nguyên liệu chưa được đưa vào sản xuất hoặc đã sản xuất nhưng thành phẩm chưa được bán ra hết) sẽ được khấu trừ vào kì tiếp theo. Đặc điểm này tương tự với việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

c. Trường hợp mua hàng hóa chịu thuế TTĐB trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước để trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu

Khi mua hàng hóa chịu thuế TTĐB: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB khi mua vì đây là mua trong nước, không phải nhập khẩu nhưng trong giá mua thanh toán cho người bán (là cơ sở sản xuất) đã gồm thuế TTĐB. Và người bán (cơ sở sản xuất) phải kê khai, nộp thuế TTĐB.

Khi trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu: Không nộp thuế TTĐB do thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Trường hợp này là xuất khẩu, không phải bán trong nước. Do đó, không thuộc trường hợp được khấu trừ thuế TTĐB của hàng mua về (thực tế không phát sinh thuế TTĐB khi bán hàng).

Không được hoàn thuế TTĐB của hàng mua về, phần thuế này được ghi nhận trong chi phí giá vốn hàng bán khi bán ra. Lưu ý, đối với hàng hóa chỉ được hoàn thuế đối với hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu đã nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu.

d. Trường hợp mua trực tiếp hàng hóa chịu thuế TTĐB từ cơ sở sản xuất trong nước rồi bán trong nước

Khi mua hàng hóa chịu thuế TTĐB: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB vì không phải nhập khẩu nhưng trong giá mua thanh toán cho người bán (là cơ sở sản xuất) đã gồm thuế TTĐB.

Khi bán hàng chịu thuế TTĐB trong nước: Định kì không kê khai, nộp thuế TTĐB. Vì người nộp thuế không có hoạt động sản xuất (ở đây là hoạt động thương mại), không có hoạt động nhập khẩu (mà mua trong nước) nên không thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế TTĐB. Như vậy, thuế TTĐB của hàng mua (nằm trong giá mua) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán khi bán hàng. Người nộp thuế khi xác định giá bán đã cân nhắc phần giá vốn tăng thêm này.

Có thể thấy, nếu người nộp thuế chỉ đơn thuần có hoạt động thương mại mà không nhập khẩu, không sản xuất thì sẽ không phải kê khai, nộp thuế TTĐB ở khâu mua, khâu bán và cũng không được khấu trừ hay hoàn thuế TTĐB.

2.3. Mua từ cơ sở kinh doanh thương mại (không sản xuất): Thông tư số 195/2015/TT-BTC không xét riêng trường hợp này

a. Trường hợp mua nguyên liệu chịu thuế TTĐB từ cơ sở kinh doanh thương mại để sản xuất, gia công hàng để trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu

Khi mua nguyên liệu là hàng chịu thuế TTĐB: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB vì không phải nhập khẩu. Lưu ý: người bán là cơ sở kinh doanh thương mại nếu không nhập khẩu cũng không kê khai nộp thuế TTĐB (chỉ cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên liệu này mới kê khai, nộp thuế TTĐB) và số thuế này đã góp phần hình thành giá mua nguyên liệu.

Khi trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB do thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB.

Không được khấu trừ, hoàn thuế TTĐB nằm trong giá mua nguyên liệu. Với nguyên liệu, chỉ được khấu trừ khi người nộp thuế dùng nguyên liệu chịu thuế TTĐB (nhập khẩu hoặc mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước) để sản xuất sản phẩm bán trong nước. Và hoàn thuế đối với nguyên liệu chỉ khi người nộp thuế đã nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, ủy thác xuất khẩu.

b. Trường hợp mua nguyên liệu chịu thuế TTĐB từ cơ sở kinh doanh thương mại để sản xuất, rồi bán trong nước

Khi mua nguyên liệu chịu thuế TTĐB: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB vì không phải nhập khẩu. Lưu ý tương tự trường hợp 2.3.a.

Khi bán sản phẩm trong nước: Trong giá bán thu của người mua đã bao gồm thuế TTĐB của hàng bán ra. Định kỳ phải kê khai, xác định số thuế TTĐB phải nộp vì người nộp thuế có hoạt động sản xuất. Nhưng không được khấu trừ với thuế TTĐB trong giá mua nguyên liệu. Với nguyên liệu, chỉ được khấu trừ thuế TTĐB khi người nộp thuế dùng nguyên liệu chịu thuế TTĐB (nhập khẩu hoặc mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước) để sản xuất sản phẩm bán trong nước, trong khi trường hợp này là mua nguyên liệu của cơ sở kinh doanh thương mại.

c. Trường hợp mua hàng hóa chịu thuế TTĐB từ cơ sở kinh doanh thương mại để trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu

Khi mua hàng hóa chịu thuế TTĐB: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB vì không phải trường hợp nhập khẩu. Như vậy, ở khâu mua (dù là mua nguyên liệu hay hàng hóa) chỉ phải kê khai, nộp thuế TTĐB trong trường hợp nhập khẩu. Lưu ý: Người bán là cơ sở kinh doanh thương mại nếu không nhập khẩu cũng không kê khai nộp thuế TTĐB (chỉ cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu nguyên liệu này mới kê khai, nộp thuế TTĐB) và số thuế này đã góp phần hình thành giá mua hàng hóa.

Khi trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB do thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Không được hoàn thuế TTĐB nằm trong giá mua hàng vì không phát sinh thuế TTĐB ở khâu bán (xuất khẩu)

d. Trường hợp mua hàng hóa chịu thuế TTĐB từ cơ sở kinh doanh thương mại để bán trong nước

Khi mua hàng hóa chịu thuế TTĐB: Không phải kê khai, nộp thuế TTĐB vì không phải trường hợp nhập khẩu. Ở khâu mua hàng này tương tự trường hợp 2.3.c.

Khi bán hàng chịu thuế TTĐB trong nước: Định kỳ không kê khai, nộp thuế TTĐB. Vì người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Trường hợp này người nộp thuế không có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, mà chỉ mua bán (kinh doanh thương mại), do đó cũng không được khấu trừ thuế TTĐB nằm trong giá mua vì không phát sinh thuế TTĐB ở khâu bán ra.

3. Kết luận

Người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Sau khi phân tích có thể tóm gọn nội dung về các trường hợp được khấu trừ và hoàn thuế TTĐB như sau:

Các trường hợp được khấu trừ thuế TTĐB:

- Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng bán trong nước

- Mua trực tiếp nguyên liệu của nhà sản xuất trong nước để sản xuất bán trong nước

- Nhập khẩu hàng hóa bán trong nước

- Một số trường hợp cụ thể theo quy định

Các trường hợp được hoàn thuế TTĐB:

- Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất sản phẩm rồi xuất khẩu

- Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu

- Một số trường hợp cụ thể theo quy định

Thông qua việc xét từng trường hợp cụ thể, mong rằng bài báo phần nào hỗ trợ người đọc hiểu rõ hơn về đối tượng và thời gian phải kê khai, nộp thuế; cũng như quy định về khấu trừ, hoàn thuế TTĐB. Từ đó, giúp những người làm công việc kế toán thuận lợi hơn trong học tập, thực hành nghề, áp dụng đúng các quy định pháp luật về thuế TTĐB.

Tài liệu tham khảo:

Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 về hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 20/2017/TT-BTC ngày 6/3/2017 sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 8 Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính).

Bộ Tài chính (2016). Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 Hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế.

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008). Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008.

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014). Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

SYSTEMATIC ANALYSIS OF SPECIAL CONSUMPTION TAX REGULATIONS UNDER CIRCULAR NO. 195/2015/TT-BTC OF THE MINISTRY OF FINANCE

Nguyen Thi Hien

University of Transport and Communications

Abstract:

This study examines the regulatory framework governing the declaration, payment, deduction, and refund of special consumption tax for organizations and individuals engaged in the production and importation of special consumption tax-liable goods. By analyzing key provisions outlined in Circular No. 195/2015/TT-BTC issued by the Ministry of Finance, the study aims to provide a comprehensive understanding of special consumption tax obligations. The findings serve as a practical guide for accountants and tax professionals, ensuring accurate compliance with tax regulations and enhancing the effectiveness of tax administration.

Keywords: special consumption tax, production, import, Circular No.195/2015/TT-BTC, Ministry of Finance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9/2025]