Tóm tắt:

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đã hoàn thiện khung khổ pháp lý và thị trường về mua bán điện trực tiếp trên thế giới. Do đó, Việt Nam với tư cách là quốc gia mới bước chân vào xây dựng và phát triển hợp đồng mua bán điện trực tiếp, có thể học hỏi các kinh nghiệm quý báu từ Hoa Kỳ để hoàn thiện về khung khổ pháp lý cho Việt Nam. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, nhóm tác giả nghiên cứu thực trạng pháp luật của Hoa Kỳ về hợp đồng mua bán điện trực tiếp; và các đề xuất hoàn thiện pháp luật cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ.

Từ khóa: hợp đồng mua bán điện (PPA), năng lượng tái tạo, Hoa Kỳ, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ - CP ngày 03/7/2024 Quy định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, đặt ra mục tiêu phát triển thị trường điện cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững thông qua năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Nghị định số 80/2024/NĐ - CP mới chỉ dừng lại ở việc mô tả và hướng dẫn tham gia quy trình mua bán điện trực tiếp; các hợp đồng mẫu theo Nghị định số 80/2024/NĐ - CP vẫn còn mang tính chất quản lý nhà nước, chưa đề cao tính tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng; chưa có các quy định chi tiết về vấn đề làm rõ về chủ thể, hình thức, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Vì vậy, việc nghiên cứu pháp luật các quốc gia đã xây dựng thành công khung pháp lý và thị trường về hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam học hỏi và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán điện trực tiếp hiện nay. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, nhóm tác giả lựa chọn Hoa Kỳ là quốc gia đã có nền tảng phát triển các giao dịch mua bán điện trực tiếp lâu đời, tập trung vào việc nghiên cứu thực trạng pháp luật của Hoa Kỳ về hợp đồng mua bán điện trực tiếp; qua đó, đề xuất hoàn thiện pháp luật cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ.

2. Thực trạng quy định pháp luật về hợp đồng mua bán điện trực tiếp tại Hoa Kỳ

2.1. Về chủ thể tham gia hợp đồng

Trong hệ sinh thái hợp đồng mua bán điện (PPA) năng lượng tái tạo của Hoa Kỳ, các chủ thể tham gia có thể được phân thành 4 nhóm chính, bao gồm: (i) Các đơn vị sản xuất điện độc lập; (ii) Các công ty tiện ích; (iii) Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; và (iv) Các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện năng.

Thứ nhất, các đơn vị sản xuất điện độc lập.

Đây là những tổ chức, doanh nghiệp sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, hay sinh khối, mà không trực thuộc các công ty tiện ích truyền thống. Các đơn vị này thường đầu tư và phát triển các dự án điện tái tạo với mục tiêu bán điện theo hợp đồng PPA cho các bên mua có nhu cầu sử dụng điện ổn định và bền vững. Họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật và pháp lý để được công nhận là “đơn vị sản xuất điện độc lập” theo quy định của từng tiểu bang.

Thứ hai, các công ty tiện ích.

Bên cạnh các đơn vị sản xuất điện độc lập, các công ty tiện ích cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống PPA năng lượng tái tạo. Các công ty tiện ích này thường đảm nhận vai trò vận hành và phân phối điện năng, đảm bảo rằng nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo được truyền tải một cách hiệu quả tới người tiêu dùng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, các công ty tiện ích và đơn vị sản xuất điện độc lập có thể tự bán điện cho nhau nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng. Điều này cho thấy sự linh hoạt và sự tương tác chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng điện năng tái tạo, giúp tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu lãng phí.

Thứ ba, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn.

Bên mua điện trong hợp đồng PPA chủ yếu là các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, những chủ thể có yêu cầu cao về sự ổn định và bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp này thường tham gia PPA với các mục tiêu như đảm bảo giá điện ổn định, giảm thiểu rủi ro biến động giá thị trường và quan trọng nhất là thực hiện cam kết phát triển bền vững thông qua việc giảm lượng khí thải carbon. Các tập đoàn công nghệ như Google, Apple hay Amazon đã ký kết nhiều hợp đồng PPA để mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo, với mục đích đạt được chứng chỉ năng lượng REC (REC - Renewable Energy Certificate), giảm phát thải, tạo hình ảnh tích cực trong mắt người dân và các nhà đầu tư[1].

Thứ tư, các cá nhân, hộ gia đình.

Mặc dù thị phần của các cá nhân, hộ gia đình trong hệ thống PPA tại Hoa Kỳ hiện tại chưa lớn do nhu cầu tiêu thụ điện năng và khả năng tiếp cận thông tin còn hạn chế, nhưng họ vẫn có thể tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo thông qua các hình thức tổng hợp. Một trong những mô hình tiêu biểu là Community Choice Aggregation (CCA) PPAs, trong đó, các cá nhân, hộ gia đình ủy quyền cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức được chỉ định để mua điện năng lượng tái tạo thay mặt cho cả cộng đồng[2].

2.2. Về mô hình và hình thức thực hiện hợp đồng

Về mô hình thực hiện hợp đồng, các PPA tại Hoa Kỳ có thể được thực hiện qua nhiều mô hình khác nhau, trong đó phổ biến nhất là (i) PPA trực tiếp; và (ii) PPA ảo[3]. Theo đó, PPA trực tiếp là mô hình mà bên bán - thường là các đơn vị sản xuất điện độc lập hoặc công ty tiện ích - trực tiếp ký hợp đồng với bên mua, thường là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có nhu cầu sử dụng điện với mục tiêu ổn định chi phí và phát triển bền vững; Khác với PPA trực tiếp, PPA ảo không liên quan đến việc chuyển giao điện vật lý từ bên bán sang bên mua. Thay vào đó, PPA ảo là một thỏa thuận tài chính nhằm ổn định giá điện và giảm thiểu rủi ro biến động thị trường cho bên mua. Trong mô hình này, bên mua sẽ thanh toán theo một mức giá đã được thống nhất trước cho điện năng được sản xuất từ các dự án năng lượng tái tạo, mặc dù điện năng đó có thể được bán trực tiếp vào lưới điện. PPA ảo cho phép doanh nghiệp tham gia nhận được REC nhằm thực hiện các cam kết về môi trường và giảm lượng khí thải carbon mà không cần trực tiếp quản lý nguồn cung cấp điện.

Về hình thức thực hiện hợp đồng, những hợp đồng PPA năng lượng tái tạo thường có thời hạn dài từ 15 - 20 năm liên tục, đồng nghĩa với việc giá trị PPA luôn rất lớn. Do đó, dù các bên thỏa thuận PPA dưới bất kỳ hình thức nào, về cơ bản, các PPA đó luôn phải được xác lập thành văn bản khi chiếu theo quy định của UCC[4]. Bởi lẽ, các giao dịch PPA luôn là các giao dịch phức tạp, có tính rủi ro cao và ràng buộc trong một khoảng thời gian rất dài. Do đó, việc lập thành văn bản sẽ thể hiện chi tiết và làm rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, đảm bảo cả bên bán và bên mua đều có thể dựa vào đó trong quá trình giải quyết tranh chấp hoặc thực hiện các cam kết đã thống nhất.

2.3. Về giá điện trong hợp đồng

Vấn đề xác định giá điện năng lượng tái tạo trong các giao dịch PPA tại Hoa Kỳ luôn là việc phức tạp nhất trong giao dịch. Về cơ bản, ở một số tiểu bang, các ủy ban dịch vụ công (tiện ích) quản lý toàn bộ giá cả và các tiểu bang khác kết hợp giá không quản lý (đối với giá phát điện) và giá quản lý (đối với truyền tải và phân phối).

Nhìn chung, điện năng lượng tái tạo trong các PPA chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đa dạng, từ điều kiện thị trường cho đến các yếu tố kỹ thuật và pháp lý, do đó việc xác định và thỏa thuận giá điện trở nên phức tạp và đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Về cơ bản, giá điện bị tác động bởi: (i) Biến động cung cầu, khi nhu cầu điện tăng cao hoặc nguồn cung bị hạn chế do điều kiện tự nhiên hay kỹ thuật, giá điện có xu hướng tăng, ngược lại, khi cung vượt cầu thì giá có thể giảm. Bên cạnh đó, bởi bản chất là các giao dịch điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo, do đó giá điện còn bị ảnh hưởng lớn bởi vấn đề khí hậu, thời tiết qua từng thời điểm và địa lý, mức độ sử dụng tại từng tiểu bang Hoa Kỳ[5]; (ii) Loại sản phẩm điện xanh mà các bên giao dịch lựa chọn[6]; (iii) Sự khác biệt giữa các chủ thể, phương thức thực hiện PPA[7]; (iv) Khối lượng mua hàng cũng là một yếu tố có tác động lớn trong thị trường cạnh tranh, bởi lẽ với số lượng mua lớn, các bên có thể đàm phán được mức giá ưu đãi hơn nhờ hiệu ứng quy mô của giao dịch; (v) Thời hạn cam kết, từ ngắn hạn đến dài hạn, cũng đóng vai trò quan trọng, các PPA dài hạn thường cho phép ổn định về giá và nguồn cung tài chính cho dự án trong suốt quá trình vận hành và phát triển. Tuy nhiên, việc thỏa thuận thời hạn PPA dài cũng có thể dẫn đến rủi ro, bởi lẽ bản chất trong PPA, các bên “đặt cược” kỳ vọng giá PPA sẽ thấp hơn giá thị trường đối với bên mua và giá bán sẽ cao hơn giá thị trường đối với bên bán. Giá điện là một yếu tố mang tính biến động cao, việc ràng buộc nhau với PPA trong một thời gian dài có thể kéo theo sự sụp đổ tài chính bất kỳ lúc nào nếu như giá biến động không như ý muốn của một bên mà không dự trù được trước. Trong khi đó, để có thể chấm dứt, các PPA này không hề đơn giản nếu không xảy ra vi phạm, hoặc sự kiện pháp lý khiến cho PPA bị chấm dứt[8]; (vi) Loại tài nguyên và công nghệ được sử dụng trong sản xuất điện cũng ảnh hưởng đến giá điện, khi mà các nguồn năng lượng như năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, sinh khối hay các nguồn năng lượng tái tạo khác đều có những chi phí đầu tư, xây dựng và vận hành khác nhau, từ đó tạo ra mức giá khác nhau trên thị trường. Ví dụ như các nguồn điện tạo từ năng lượng gió thường có mức giá rẻ hơn so với điện tạo từ năng lượng mặt trời trong trường hợp các PPA với tập đoàn, doanh nghiệp sử dụng điện lớn[9].

Để làm rõ hơn, trong một thỏa thuận về giá điện, các cấu phần chính thường bao gồm chi phí năng lượng và chi phí công suất. Chi phí năng lượng là khoản tiền mà bên mua phải trả dựa trên sản lượng điện thực tế được sản xuất, được tính bằng cách nhân đơn giá năng lượng với tổng số kWh điện nạp được trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi đó, chi phí công suất là khoản thanh toán nhằm đảm bảo khả năng cung cấp điện theo cam kết, bất kể điện có được sử dụng hết hay không, thường được tính bằng cách nhân mức phí công suất với công suất hợp đồng. Ngoài ra, hợp đồng còn có thể bao gồm các điều khoản điều chỉnh giá dựa trên chỉ số lạm phát (CPI), biến động giá nhiên liệu và các yếu tố thuế hoặc phí môi trường phát sinh.

2.4. Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong PPA phần lớn tùy thuộc vào mô hình mà các bên lựa chọn để thiết lập PPA. Theo quy định về nghĩa vụ chung của các bên trong hoạt động mua bán hàng hóa[10] và các PPA mẫu được cung cấp bởi các cơ quan quản lý và thực tiễn hoạt động[11], quyền và nghĩa vụ của các bên trong mô hình PPA trực tiếp cơ bản gồm các nội dung sau:

Đối với bên bán, có các nghĩa vụ là (i) Phát triển, tài trợ, thiết kế, xin giấy phép, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì nhà máy điện theo các thông số kỹ thuật đã được thỏa thuận và theo tiêu chuẩn “Prudent Operating Practice”[12]; (ii) Đảm bảo rằng nhà máy điện được xây dựng đúng tiến độ, thực hiện các bước kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận để đạt được Ngày Hoạt động Thương mại đầy đủ, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin, báo cáo tiến độ cho bên mua; (iii) Giao điện năng theo đúng sản lượng dự kiến, thời gian, địa điểm kết nối như các cam kết (cũng cần lưu ý, trong PPA, điện năng là một loại hàng hóa không thể bảo hành, hoàn trả, hoặc bù đắp một cách hợp lý, vì vậy yếu tố giao điện đúng và đủ luôn được các bên ưu tiên); và (iv) Cung cấp các chính sách bảo hiểm cần thiết và thực hiện bảo trì, sửa chữa định kỳ cho thiết bị; đối với quyền trong PPA, bên bán có các quyền (a) Nhận các khoản thanh toán gồm chi phí năng lượng và chi phí công suất theo hợp đồng; (b) Quyền đòi bồi thường hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khi bên mua vi phạm cam kết (chẳng hạn như không mua đủ điện theo thỏa thuận); (c) Quyền tự điều chỉnh một số điều khoản giá nếu bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình; và (d) Quyền yêu cầu bên mua hợp tác, cung cấp thông tin cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công, kết nối và vận hành hệ thống điện.

Đối với bên mua, có các nghĩa vụ là (i) Nhận giao sản lượng điện ròng theo các chỉ số đã cam kết; (ii) Thanh toán đầy đủ các khoản chi phí năng lượng và công suất theo lịch trình định sẵn, đồng thời tuân thủ các quy định về cách thức sử dụng và phân phối điện; và (iii) Cung cấp thông tin, đặc điểm kỹ thuật của các cơ sở kết nối (Purchaser Connection Facilities) và tạo điều kiện cho bên bán thực hiện các công việc kiểm tra, thử nghiệm và bảo trì tại hiện trường; đối với quyền trong PPA, bên mua có quyền (i) Ra các chỉ thị vận hành (despatch instructions) nhằm đảm bảo rằng điện được cung cấp đúng theo yêu cầu; (ii) Quyền tham gia kiểm tra, giám sát quá trình thử nghiệm và nghiệm thu các hoạt động của nhà máy điện; nếu bên bán không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên mua có (iii) Quyền yêu cầu bồi thường, áp dụng phạt hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt thỏa thuận theo quy định trong hợp đồng; và (iv) Quyền đàm phán, yêu cầu điều chỉnh giá điện trong trường hợp có biến động về lạm phát, giá nhiên liệu hoặc các yếu tố thị trường khác.

Bên trên là các quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất, ngoài ra, một lưu ý đáng quan trọng trong PPA về năng lượng tái tạo, việc cung cấp chứng chỉ năng lượng REC được coi như một nghĩa vụ tối quan trọng đối với bên bán khi cam kết với bên mua và ngược lại. Không chỉ là một cam kết pháp lý, nghĩa vụ cung cấp REC là một phần cốt lõi trong giá trị của giao dịch PPA năng lượng tái tạo, bởi lẽ mục tiêu chính của nhiều bên mua khi tham gia PPA là đạt được REC để giảm khí thải Carbon, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và chứng minh việc sử dụng năng lượng sạch. Nếu bên bán không cung cấp đủ số lượng REC tương ứng với lượng điện đã bán, họ có thể bị coi là vi phạm hợp đồng, làm giảm giá trị của giao dịch, bị yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc thậm chí hủy bỏ hợp đồng. Bởi lẽ, nếu bên mua không nhận được REC, bên mua về bản chất là không đạt được mục đích khi tham gia PPA, có thể không đạt được các cam kết môi trường hoặc phải mua REC từ nguồn khác với chi phí cao hơn, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của họ.

3. Kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn hình thành cơ chế và mô hình cơ bản, vẫn còn nhiều điều chưa hoàn thiện. Dựa trên kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, kiến nghị mở rộng, bổ sung phạm vi áp dụng của cơ chế mua bán điện trực tiếp theo hướng áp dụng được cho các cá nhân và hộ gia đình dựa trên kinh nghiệm tại Hoa Kỳ, nhằm hướng tới phát triển năng lượng tái tạo toàn diện và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại Hoa Kỳ hiện nay, PPA còn được áp dụng theo cơ chế cho cá nhân và hộ gia đình. Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện sẽ ủy quyền cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức được chỉ định để thực hiện việc mua điện năng lượng tái tạo thay mặt cho cả cộng đồng. Việc mở rộng áp dụng cơ chế sẽ hướng đến chuyển đổi toàn diện nguồn năng lượng, thúc đẩy sử dụng điện tái tạo trên diện rộng. Qua đó, không chỉ giúp giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay tại Việt Nam, mà còn tạo động lực cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, hạ giá thành điện và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ nhằm bảo vệ bên mua, đặc biệt là người tiêu dùng, trước các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện mua bán điện trực tiếp. Khi xảy ra tranh chấp hoặc thiệt hại liên quan đến hợp đồng, vấn đề đặt ra người mua phải bắt đầu yêu cầu bồi thường từ đâu, do quá trình giải quyết có thể phức tạp và kéo dài. Thông thường, bên mua sẽ yêu cầu bồi thường từ bên bán điện hoặc nhà cung cấp dịch vụ, sau đó bên bán sẽ chuyển trách nhiệm bồi thường đến các bên liên quan khác, chẳng hạn như đơn vị vận hành hệ thống truyền tải hoặc các bên cung cấp công nghệ hỗ trợ cho hợp đồng. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hợp đồng và một cơ chế bảo vệ hiệu quả để đảm bảo quyền lợi của bên mua, giảm thiểu rủi ro và chi phí tranh chấp, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và bền vững trong thị trường mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam.

Thứ ba, cần làm rõ hơn về cơ chế giao chứng chỉ REC trong quyền và nghĩa vụ của các bên, xác định đây như là một phần không thể tách rời của hợp đồng và việc không giao chứng chỉ REC có thể là cơ sở để yêu cầu bồi hoàn tiền, hủy bỏ hợp đồng. Theo pháp luật Thương mại 2005 của Việt Nam, hiện tại chỉ mới có quy định về việc giao các loại chứng từ liên quan đến hàng hóa, tuy nhiên, việc xác định điện có phải là hàng hóa, hay dịch vụ ở Việt Nam về cơ bản chưa rõ ràng; đồng thời các chứng chỉ REC có phải chứng từ của hàng hóa không cũng chưa được làm rõ. Điều này đặc biệt quan trọng để xác định thời điểm chuyển giao rủi ro và nghĩa vụ của bên bán trong trường hợp không giao được chứng chỉ REC cho bên mua.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:


[1] Năng lượng Việt Nam (2024). Hợp đồng mua bán điện trực tiếp với các trung tâm dữ liệu - Kinh nghiệm cho Việt Nam. Truy cập tại https://nangluongvietnam.vn/hop-dong-mua-ban-dien-truc-tiep-voi-cac-trung-tam-du-lieu-kinh-nghiem-cho-viet-nam-32509.html.

[2] Rextag (2024). Explore a World of Data-driven Energy Solutions. Available athttps://rextag.com/blogs/articles/power-purchase-agreements-ppas-an-in-depth-guide-for-the-energy-industry?srsltid=AfmBOor1T7shoAjQap_HtyDC2lKYaZfzGGEEsFKzGDR4qI60UP_9T8zq

[3] EPA (2024). Guide to Purchasing Green Power - Chapter 4. Green Power Product Options, tr 6

[4] § 2-201, Article 2 - Sales (2002), Uniform Commercial Code

[5] Energy Information Administration, Electricity explained - Factors affecting electricity prices. Available at https://www.eia.gov/energyexplained/electricity/prices-and-factors-affecting-prices.php

[6] EPA (2024). U.S. Renewable Electricity Market, xem thêm tại: https://www.epa.gov/green-power-markets/us-renewable-electricity-market

[7] EPA (2025). Green Power Pricing. Available at https://www.epa.gov/green-power-markets/green-power-pricing#three

[8] Noah Lerner (2020). Navigating Risk: A Corporate PPA Guide, Yale. Available athttps://cleanenergyforum.yale.edu/2020/04/24/navigating-risk-corporate-ppa-guide

[9] MET (2021). Solar vs. Wind energy: Which is better?. Available at https://group.met.com/en/mind-the-fyouture/mindthefyouture/solar-vs-wind-energy.

[10] § 2-301, Article 2 - Sales (2002), Uniform Commercial Code

[11] World Bank. Thỏa thuận mua điện (PPA) và Thỏa thuận mua năng lượng (EPA). Truy cập tạihttps://ppp.worldbank.org/public-private-partnership/sector/energy/energy-power-agreements/power-purchase-agreements

[12] “Prudent Operating Practice” được hiểu là “thực hành vận hành thận trọng”

 

U.S. laws on direct electricity trading contracts

and lessons for improving Vietnam’s legal framework

Chu Thanh Tung1

Nguyen Thu Ngan1

Vu Hong Ngoc1

1Student, Hanoi Law University

Abstract:

The United States is a global leader in establishing a comprehensive legal framework and market for direct electricity trading. As Vietnam begins to develop its own direct electricity trading contracts, it can draw valuable lessons from the U.S. experience to enhance its legal framework. This study examines the current legal framework for direct electricity trading in the United States and proposes recommendations for improving Vietnam’s laws, based on the successful practices observed in the U.S. The study aims to provide insights that will help Vietnam establish a more robust and effective regulatory environment for direct electricity trading.

Keywords: power purchase agreement (PPA), renewable energy, the United States, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16/2025]