Sinh thời, Bác Hồ đã 3 lần về thăm khu gang thép Thái Nguyên và ân cần căn dặn: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang, nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như thế”. Trong nhiều năm qua, người lao động gang thép Thái Nguyên thi đua làm theo lời Bác đã đạt những thành tựu to lớn, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Sắp xếp tổ chức lại sản xuất

Kỹ sư Đặng Văn Síu, Tổng giám đốc Công ty Gang Thép Thái Nguyên cho biết: Trong 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã liên tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cam go để giữ vững là doanh nghiệp nhà nước duy nhất ở Việt Nam sản xuất thép từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước là chủ yếu. Những năm 80-90 của thế kỷ XX, Công ty đã đầu tư cải tạo nâng cấp các thiết bị, công nghệ lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề để nâng cao một bước năng lực sản xuất. Công ty đã đầu tư mới công nghệ lò luyện thép với dung lượng 30 tấn/mẻ thay thế lò bằng, cải tạo dây chuyền cán thép để có thêm sản phẩm thép dây và thép thanh; cải tạo nâng cấp 45 buồng luyện cốc để đáp ứng nguyên liệu cho luyện kim…. Những kết quả này đã nâng cao đáng kể sản lượng, chủng loại và chất lượng thép, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm hoạt động trong cơ chế thị trường, bộ máy điều hành sản xuất chưa hợp lý, nên Công ty đã bị thua lỗ trong 2 năm 1997-1998. Riêng năm 1998 lỗ hơn 25 tỉ đồng, làm cho tài chính của Công ty mất khả năng thanh toán.

Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và các ngành hữu quan, một lần nữa, Công ty Gang thép Thái Nguyên lại phải vượt qua chính mình, nhìn thẳng vào khuyết điểm, quyết tâm sửa chữa những sai phạm, nỗ lực vươn lên bằng nhiều giải pháp tích cực, góp phần đổi mới doanh nghiệp, chặn đứng suy thoái. Công ty đã chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, quản lý vật tư, chỉ đạo sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại sản xuất, tinh giản bộ máy quản lý, giảm từ 16 phòng, ban xuống còn 10 phòng ban, giảm các đơn vị thành viên từ 29 xuống còn 21 đơn vị; đồng thời hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý cho 12 đơn vị theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu” và ban hành quy chế quản lý theo hướng, tăng quyền hạn và trách nhiệm cho những thành viên. Công ty còn phân loại chất lượng lao động, trên cơ sở đó bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường từng người, thực hiện các giải pháp tổng hợp nên trong hơn 4 năm, từ 1998 đến 2002 giảm biên chế từ 13.060 người xuống còn 8.995 người.

Bên cạnh đó, Công ty phấn đấu giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, Công ty đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; riêng 5 chi nhánh tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng và Phòng kinh doanh đã tiêu thụ bình quân 60% sản phẩm xuất xưởng, góp phần quyết định đưa tốc độ tăng trưởng từ 12% đến 15%/năm. Nếu như năm 1998, Công ty chỉ sản xuất và tiêu thụ được 163.226 tấn thép thành phẩm các loại, đạt doanh thu 859 tỷ đồng thì năm 2003, dự kiến Công ty sẽ sản xuất và tiêu thụ 330.000 tấn với doanh thu 2.000 tỷ đồng.

Đầu tư công nghệ đồng bộ.

Thực hiện chiến lược phát triển ngành Thép trong thế kỷ XXI, Công ty Gang thép Thái Nguyên vừa hoàn thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả “Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 1” do Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam cùng góp vốn với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, trong đó có 22 triệu USD của Chính phủ Trung Quốc viện trợ không hoàn lại.

Dự án đã đi vào hoạt động đã đạt mục tiêu chủ yếu là dùng phối liệu từ 40 đến 60% gang lỏng với thép phế để luyện thép trong lò điện, chuyển sang đúc phôi thép trên dây chuyền đúc liên tục, tạo thế chủ động về nguyên liệu không phụ thuộc phôi thép nước ngoài. Đây là công nghệ tiên tiến hiện nay trên thế giới, lần đầu tiên thực hiện thành công ở Việt Nam, đạt cả 3 chỉ tiêu quan trọng là năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, và có lãi. Dự án đã góp phần quyết định tăng sản lượng phôi thép từ 90.000 tấn năm 1998, lên 165.000 tấn năm 2002, và năm nay đạt 270.000 tấn với giá thấp hơn phôi thép nhập khẩu từ 30 đến 40 USD/tấn; đồng thời góp phần ổn định giá thép trong toàn Ngành, sử dụng có hiệu quả nguồn quặng sắt tại các mỏ Trại Cau, Ngườm Cháng với trữ lượng khai thác trong 20 năm, hàm lượng sắt cao và 2 mỏ than mỡ do Công ty quản lý.

Công ty Gang thép Thái Nguyên đang khẩn trương thực hiện Dự án đầu tư gần 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy cán thép mới với công suất 300.000 tấn/năm đặt tại trung tâm khu gang thép. Nhà máy này được trang bị máy, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của Italia sẽ đi vào hoạt động đầu quý 2-2004 để năm 2005 có thể sản xuất 600.000 tấn thép thành phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Công ty cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2, trọng tâm là đạt sản lượng phôi thép từ 75 vạn đến 1 triệu tấn vào những năm sau 2005. Như vậy, Công ty Gang thép Thái Nguyên vẫn là trung tâm sản xuất thép lớn duy nhất ở Việt Nam đi từ nguồn nguyên liệu trong nước là chủ yếu.

Chủ động hội nhập quốc tế.

Công ty Gang thép Thái Nguyên có hai thế mạnh vượt trội so với các doanh nghiệp khác là sản xuất từ nguyên liệu trong nước là chủ yếu và đội ngũ thợ giỏi nghề, giàu kinh nghiệm. Năm 2002, Công ty đã sản xuất 285.000 tấn thép thành phẩm, tăng hơn năm trước 50.000 tấn; đạt tổng doanh thu 1.476 tỉ đồng, tăng 316 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 40,792 tỉ đồng, tăng 17,082 tỉ đồng, lãi 15,825 tỉ đồng, tăng gấp gần 3 lần năm trước; thu nhập bình quân của người lao động đạt 1.450.000 đồng/tháng, tăng 450.000 đồng/tháng.

Theo ông Đặng Văn Síu, mới tính đến tháng 10 năm 2003, Công ty đã sản xuất 203.600 tấn phôi thép, 280.000 tấn thép thành phẩm, tiêu thụ được 275.234 tấn thép các loại với tổng doanh thu 1.688 tỉ đồng, bằng 93% kế hoạch cả năm. Với đà này, năm nay Công ty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và tiêu thụ tăng hơn năm ngoái ngót 50.000 tấn thép thành phẩm với tổng doanh thu tăng 524 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận tăng hơn năm trước, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân đạt trên 2 triệu đồng/tháng. Đây là tiền đề vững chắc để Công ty vươn lên đạt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 400.000 tấn thép thành phẩm trong năm tới.

Nhằm chủ động hội nhập thị trường khu vực và thế giới, Công ty đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2000, đăng kí nhãn hiệu độc quyền TISCO trên bề mặt cây thép. Sản phẩm thép cán với thương hiệu TISCO ngày càng có uy tín trên thị trường, đã được tặng Cúp “Ngôi sao chất lượng”, Cúp “Sen Vàng Việt Nam” giải thưởng “Sao Vàng đất Việt” và nhiều năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao. Để giữ vững danh hiệu cao quý của sản phẩm “Sao Vàng đất Việt” trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, Công ty Gang thép Thái Nguyên phải chủ động khắc phục tình trạng nguồn nguyên liệu phân tán, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nằm cách xa trung tâm tiêu thụ sản phẩm lớn, chi phí sản xuất và cước vận chuyển cao… nên hạn chế một phần hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ được những “nút thắt” này, thương hiệu thép TISCO sẽ không những chiếm được thị phần cao trong nước mà còn trở lại với thị trường nhiều nước quen thuộc trước đây.