Tóm tắt:

Bài viết phân tích vai trò của nguồn nhân lực xanh trong phát triển kinh tế xanh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số như một yếu tố hỗ trợ không thể thiếu. Trên cơ sở tổng quan một số vấn đề lý luận, bài viết đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực xanh và mức độ chuyển đổi số tại tỉnh Phú Thọ, chỉ ra những hạn chế về nhận thức, kỹ năng nghề xanh và kỹ năng số. Từ đó, bài viết đề xuất các định hướng và giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực xanh gắn với chuyển đổi số, góp phần giúp Phú Thọ khai thác tiềm năng kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Từ khóa: nguồn nhân lực xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, tỉnh Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường từ thị trường quốc tế, phát triển kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu để đảm bảo tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Nguồn nhân lực xanh - những lao động có kiến thức, kỹ năng và ý thức bảo vệ môi trường, giữ vai trò then chốt trong tiến trình này, đặc biệt khi chuyển đổi số ngày càng trở thành công cụ quan trọng giúp tối ưu hóa quản trị, giảm phát thải và phát triển các mô hình kinh tế xanh hiệu quả. Tỉnh Phú Thọ có nhiều tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, như: nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực xanh của Tỉnh vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, nhất là khả năng tích hợp kỹ năng số vào các hoạt động xanh. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển nguồn nhân lực xanh gắn với chuyển đổi số là cần thiết để giúp Phú Thọ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh bền vững trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý luận về nguồn nhân lực xanh và chuyển đổi số trong kinh tế xanh

2.1. Khái niệm nguồn nhân lực xanh

Khái niệm nguồn nhân lực xanh hiện được hiểu theo nhiều cách khác nhau, phản ánh những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Theo Nguyễn Hoàng Nam (2023), nguồn nhân lực xanh là lực lượng lao động tham gia vào các công việc có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và góp phần hướng tới phát triển bền vững. Tác giả cho rằng, nhân lực xanh không chỉ giới hạn trong các ngành môi trường mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nơi các tiêu chuẩn xanh ngày càng được áp dụng rộng rãi.

Dưới góc độ quản trị, Võ Hồng Trang (2024) tiếp cận nguồn nhân lực xanh thông qua khái niệm quản trị nguồn nhân lực xanh. Theo tác giả, nhân lực xanh không chỉ là những người lao động có kỹ năng nghề liên quan đến công việc xanh, mà còn phải có ý thức và hành vi phù hợp với các chuẩn mực phát triển bền vững. Theo đó, nhấn mạnh việc doanh nghiệp xây dựng các chính sách và thực tiễn tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ nhằm khuyến khích người lao động tham gia vào các hành vi xanh và sáng kiến xanh trong tổ chức.

Từ các quan điểm trên, có thể hiểu: nguồn nhân lực xanh là lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng, ý thức và hành vi phù hợp để tham gia các công việc gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, đồng thời có khả năng thích ứng và đổi mới trong bối cảnh chuyển đổi số.

2.2. Kỹ năng và phẩm chất cần có của nguồn nhân lực xanh

Các kỹ năng và phẩm chất cần có của nguồn nhân lực xanh bao gồm nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là 3 nhóm năng lực chính:

Một là kỹ năng nghề xanh (Green Occupational Skills). Đây là những kỹ năng chuyên môn được điều chỉnh để phù hợp với các công việc gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên. Người lao động cần biết vận hành công nghệ sạch, xử lý chất thải, kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính, quản lý năng lượng tái tạo hoặc áp dụng các quy trình sản xuất ít phát thải. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, họ cũng phải am hiểu các tiêu chuẩn môi trường liên quan đến lĩnh vực hoạt động, nhất là trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông và nông nghiệp xanh.

Hai là nhận thức môi trường (Environmental Awareness). Đây là yếu tố phản ánh sự hiểu biết và ý thức sâu sắc của người lao động về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Nhận thức môi trường giúp họ chủ động tuân thủ các quy định, tích cực tham gia các sáng kiến tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và lan tỏa văn hóa xanh tại nơi làm việc. Nhờ đó, lợi ích của doanh nghiệp có thể gắn kết chặt chẽ hơn với lợi ích của cộng đồng và xã hội.

Ba là đổi mới sáng tạo (Green Innovation). Nhân lực xanh không chỉ dừng ở việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, mà còn phải có khả năng tư duy sáng tạo để tìm ra các giải pháp mới nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Đổi mới sáng tạo có thể thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, tái sử dụng nguyên vật liệu hoặc thiết kế những sản phẩm thân thiện môi trường. Đây cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong bối cảnh kinh tế xanh và chuyển đổi số.

2.3. Vai trò của chuyển đổi số trong kinh tế xanh

Chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xanh, vì nó tạo điều kiện hiện đại hóa quản lý, tối ưu hóa sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Việc ứng dụng công nghệ số như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giám sát, kiểm soát phát thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Đồng thời, chuyển đổi số tạo ra các mô hình sản xuất thông minh, giảm lãng phí nguyên liệu và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Trong lĩnh vực thương mại, các nền tảng số hỗ trợ phát triển thị trường xanh, giúp kết nối sản phẩm thân thiện môi trường đến người tiêu dùng, thông qua các công cụ như truy xuất nguồn gốc, chứng nhận điện tử hay nhãn sinh thái.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, lan tỏa các giá trị phát triển xanh và bền vững. Nhờ đó, các doanh nghiệp và địa phương có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của xu thế kinh tế xanh và hội nhập quốc tế.

3. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực xanh và chuyển đổi số tại tỉnh Phú Thọ

3.1. Tình hình phát triển kinh tế xanh tại tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế xanh với các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp hữu cơ, du lịch xanh, công nghiệp sinh học và năng lượng tái tạo. Đây là tỉnh sở hữu nền văn hoá đặc sắc, tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, sau khi sắp xếp, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên là 9.361,38 km2, quy mô dân số là 4.022.638 người[1]. Tỉnh Phú Thọ có 3 vườn quốc gia gồm Tam Đảo, Xuân Sơn và Cúc Phương. Đây là một lợi thế rất lớn hướng tới phát triển kinh tế xanh. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, như VAC tuần hoàn và sử dụng hầm biogas đã được triển khai nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Tỉnh cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên cho phát triển xanh, gồm: công nghiệp sinh học, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, đô thị xanh.

3.2. Thực trạng nguồn nhân lực xanh tại tỉnh Phú Thọ

Trong những năm gần đây, cùng với xu hướng phát triển kinh tế xanh, tỉnh Phú Thọ đã bước đầu nhận thức được vai trò then chốt của nguồn nhân lực xanh trong tiến trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đáng chú ý, một số ngành như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp sinh học… đã bước đầu có đội ngũ lao động được tiếp cận kỹ năng sản xuất xanh và sử dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát phát thải.[2] Một số cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, môi trường cũng đã tham gia các khóa tập huấn về quản lý chất thải, vận hành công nghệ xanh, hay kiểm kê khí nhà kính, cho thấy nhận thức về nhân lực xanh đã có những chuyển biến bước đầu trong Tỉnh.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và yêu cầu của quá trình chuyển đổi xanh. Thực tế, nguồn nhân lực xanh của Tỉnh hiện nay vẫn thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về nhân lực xanh còn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn hoặc trong một số ngành cụ thể, trong khi phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn coi kinh tế xanh là “chi phí gia tăng” hơn là một xu hướng tất yếu. Hiện tại, Phú Thọ chưa hình thành được hệ thống đào tạo nghề xanh quy mô lớn, đa phần chỉ dừng lại ở các khóa tập huấn nhỏ lẻ, chưa đủ để tạo ra lực lượng lao động xanh đáp ứng nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, thiếu hụt lao động có kỹ năng xanh chuyên sâu vẫn là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất. Lực lượng lao động được đào tạo bài bản về các kỹ năng xanh, như: vận hành công nghệ xử lý chất thải, năng lượng tái tạo, quản lý môi trường, kiểm kê khí nhà kính, hay các chứng chỉ carbon còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, yêu cầu gắn phát triển nguồn nhân lực xanh với nâng cao năng lực số cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Phần lớn lao động xanh hiện nay chưa có khả năng tích hợp kỹ năng số vào công việc, dẫn đến việc triển khai các mô hình quản lý thông minh, truy xuất nguồn gốc hay các tiêu chuẩn môi trường tiên tiến gặp nhiều khó khăn.

Từ thực trạng trên có thể thấy, phát triển nguồn nhân lực xanh tại Phú Thọ tuy đã có những tín hiệu khởi sắc, song vẫn còn nhiều hạn chế cả về nhận thức, quy mô đào tạo và chất lượng lao động. Việc hình thành đội ngũ nhân lực xanh có kỹ năng chuyên sâu, đồng thời làm chủ được công nghệ số, đang là nhiệm vụ cấp bách để Phú Thọ thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

3.3. Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số liên quan đến nhân lực xanh tại tỉnh Phú Thọ

Hiện nay, chuyển đổi số tại tỉnh Phú Thọ đang được triển khai trên nhiều lĩnh vực, song mức độ áp dụng vẫn còn chưa đồng đều. Trong nông nghiệp, một số mô hình ứng dụng công nghệ số như truy xuất nguồn gốc nông sản đã được thí điểm, nhưng phạm vi thực hiện còn rất hạn chế, khiến việc xuất khẩu và tiếp cận các thị trường xanh gặp nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực du lịch xanh, các nền tảng số phục vụ quảng bá và quản lý tour sinh thái đang dần hình thành, nhưng vẫn thiếu dữ liệu đồng bộ và đội ngũ nhân lực đủ năng lực phát triển hệ thống thông tin du lịch xanh. Một hạn chế lớn là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực vừa có kỹ năng số, vừa hiểu biết về kinh tế xanh. Nhận thức, trình độ quản lý và khả năng đổi mới sáng tạo của nhiều doanh nghiệp và người dân còn hạn chế, khiến nhiều đơn vị chưa sẵn sàng đầu tư vào số hóa quy trình quản lý môi trường hay thực hiện các yêu cầu về kiểm kê phát thải, quản lý tín chỉ carbon. Tuy vậy, Phú Thọ cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, như việc xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại TP. Việt Trì, phát triển hạ tầng dữ liệu số và ứng dụng GIS trong quản lý đất đai, môi trường. Một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, logistics, nông nghiệp sạch đã bước đầu áp dụng phần mềm quản lý thông minh, giúp tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Dẫu vậy, khoảng cách về đội ngũ nhân lực xanh sở hữu kỹ năng số vẫn còn lớn. Việc phát triển lực lượng lao động vừa am hiểu kiến thức xanh, vừa thành thạo công nghệ số, đang trở thành nhiệm vụ cấp bách để Phú Thọ thực hiện thành công quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

4. Định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực xanh gắn với chuyển đổi số tại tỉnh Phú Thọ

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi số, tỉnh Phú Thọ cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực xanh, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong giai đoạn tới.

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực xanh. Tỉnh Phú Thọ cần xây dựng chiến lược phát triển nhân lực xanh với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với các lĩnh vực kinh tế xanh như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo và công nghiệp sinh học. Đồng thời, việc ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ năng xanh cho các nhóm ngành nghề là cần thiết để làm cơ sở định hướng đào tạo, tuyển dụng và quản lý chất lượng lao động, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp có cơ sở thực hiện các cam kết phát triển xanh.

Hai là, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh cần lồng ghép kiến thức về kinh tế xanh, kỹ năng xanh và kỹ năng số vào chương trình đào tạo, đặc biệt ở bậc giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh việc phát triển các ngành nghề mới phục vụ kinh tế xanh, cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và cấp chứng chỉ kỹ năng xanh - số, giúp người lao động nhanh chóng thích ứng với yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Ba là, tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Mô hình hợp tác công - tư - học (Triple Helix) cần được đẩy mạnh nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo. Tỉnh nên khuyến khích doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp cơ hội thực tập, đào tạo lại nhân lực theo tiêu chuẩn xanh và số, qua đó nâng cao tính thực tiễn và phù hợp của đội ngũ lao động.

Bốn là, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh gắn với chuyển đổi số. Phú Thọ cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực xanh, đồng thời xây dựng cơ chế kết nối các quỹ đầu tư xanh, tổ chức tư vấn khởi nghiệp và nền tảng số phục vụ sản xuất và quản lý xanh. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng sáng tạo xanh được triển khai, mà còn góp phần hình thành đội ngũ nhân lực xanh có tư duy đổi mới sáng tạo và năng lực số.

Năm là, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của nhân lực xanh và chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về kinh tế xanh, vai trò của kỹ năng xanh và kỹ năng số là rất cần thiết để tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội. Tỉnh Phú Thọ nên tổ chức các phong trào thi đua, các chương trình học tập cộng đồng nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực trang bị kiến thức và kỹ năng xanh, từng bước hình thành văn hóa xanh và ý thức đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế địa phương.

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Hoàng Nam (2023), Việc làm xanh: Tăng cường nguồn nhân lực xanh phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn, Tạp chí Chính sách - Cuộc sống, số 3/2023.

Phạm Lê Thảo (2023), Nguồn nhân lực kinh tế xanh: Thách thức và giải pháp, Tạp chí Khoa học Xã hội, 25(4), 45-53.

Trường Đại học Hùng Vương, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh (2025), Tài liệu hội thảo: Chuyển đổi xanh - Cơ hội và giải pháp đối với tỉnh Phú Thọ, tháng 6 năm 2025.

Võ Hồng Trang (2024), Quản lý nguồn nhân lực xanh: Công cụ mới để tăng cường sự gắn kết trong công việc, Tạp chí Công Thương, số 14 (Tháng 6/2024).

Alex, B., Karlygash, K. & Eileen, L. T. (2018). Characterising green employment: The impacts of ‘greening’ on workforce composition. Energy Economics, 72, 263-275.

Advancing green human resource development through digital transformation to facilitate Phu Tho province’s green economic growth

Nguyen Thi Huong Giang

Chairwoman of the Vietnam Fatherland Front Committee of Yen Lac Commune, Phu Tho Province

 

Abstract:

This study examines the pivotal role of green human resources in advancing the green economy, while highlighting digital transformation as a critical enabling factor. Through a review of relevant theoretical frameworks, the study assesses the current status of green human resource development and the level of digital transformation in Phu Tho province. Findings reveal key limitations, including low awareness, insufficient green job skills, and underdeveloped digital capabilities. In response, the study proposes targeted strategies and policy directions to promote the development of green human capital in tandem with digital transformation. These recommendations aim to support Phu Tho province in unlocking its green economic potential, improving regional competitiveness, and achieving long-term sustainable development.

Keywords: green human resources, digital transformation, green economy, Phu Tho province.