Đồng thời, Quyết định số 397/QĐ-UB ngày 7/3/2007 cũng được ban hành, nhằm củng cố kiện toàn Ban Hội nhập kinh tế quốc tế với 24 thành viên. Mục tiêu là nghiên cứu, đánh giá giúp UBND Tỉnh xây dựng và ban hành nhiều văn bản liên quan đến thực hiện các cam kết WTO và nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án với tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược trên các lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế tập thể, giáo dục đào tạo, y tế, quốc phòng... với lộ trình thực hiện đến năm 2020, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và định hướng phát triển các lĩnh vực này trong điều kiện hội nhập.

Nhìn chung, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo chặt chẽ, định hướng đúng quá trình thực hiện hội nhập WTO, nên Tỉnh đã có những chuyển biến tích cực như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mở chuyên mục “Công Thương, khuyến công - khuyến nông”; Tổ chức hội thảo tuyên truyền lộ trình thực hiện các cam kết WTO cho doanh nghiệp và nhân dân; phối hợp với các trường thuộc Bộ Công Thương tổ chức 21 lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho 4.415 học viên trong Tỉnh; triển khai thực hiện Đề án 30 về cải cách, công khai thủ tục hành chính và chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2; thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO đối với các cơ quan quản lý nhà nước và sự nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chương trình phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, củng cố sắp xếp doanh nghiệp nhà nước...

Những năm qua, kinh tế của tỉnh Kiên Giang tiếp tục ổn định, phát triển và tăng trưởng ở mức cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,6%. Trong đó, kinh tế biển, ven biển và hải đảo đạt trên 18%, thu nhập bình quân đầu người đạt 836,7 USD/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, trong đó, công nghiệp và xây dựng chiếm 25,9%, dịch vụ chiếm 32,7%. Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng cao, bình quân tăng 7,51%/năm và giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Năm 2009, sản lượng lương thực đạt 3,50 triệu tấn với sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 70%, sản lượng nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh với diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp trên 1.428 ha, sản lượng đạt 28 ngàn tấn, thu nhập bình quân đạt 30 triệu/ha/năm; sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 320 ngàn tấn. Công nghiệp chế biến có bước phát triển, thu hút nhiều dự án đầu tư, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12,4%/năm. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, bình quân giá trị tăng thêm 15,3%/năm. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 266 triệu USD và đã tăng lên trên 510 triệu USD năm 2009, trong đó, sản lượng gạo xuất khẩu đạt cao (trên 1 triệu tấn).

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, tổng lượng tiền huy động từ các nguồn vốn đầu tư đã có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều cho khai thác tiềm năng thế mạnh của Tỉnh, trong đó nguồn vốn đầu tư cho khu vực dân doanh tăng nhanh, chiếm tỷ lệ trên 47%. Môi trường kinh doanh được cải thiện, đã có trên 50 dự án được cấp phép đầu tư mới; mở rộng quy mô với tổng vốn đầu tư trên 3.800 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn xã hàng năm chiếm 20-25%, từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 13%, số học sinh trong độ tuổi đến trường đạt trên 91%; có 85% hộ được sử dụng nước sạch; 90% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Quốc phòng an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn. Qua đó, có thể thấy, hội nhập kinh tế quốc tế đã thúc đẩy tỉnh Kiên Giang phát triển trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Kiên Giang vẫn còn gặp một số khó khăn và hạn chế như:

- Tăng trưởng kinh tế khá song chưa đạt được mục tiêu đề ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn thấp so với các tỉnh trong vùng. Các ngành nông nghiệp, thủy sản còn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, công nghiệp, chế  biến hàng xuất khẩu nông-thủy sản còn lạc hậu.

- Vốn huy động có tăng nhưng chưa đạt so với kế hoạch đề ra, tổng số dự án có tăng nhanh với vốn đầu tư đăng ký lớn nhưng vốn để triển khai thực hiện các dự án còn đạt thấp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm, dàn trải, hiệu quả chưa cao.

- Công tác quy hoạch thực hiện còn chậm, một số quy hoạch thuộc dự án treo, công tác quản lý quy hoạch tại một số địa phương chưa thực hiện tốt. Đầu tư xây dựng cầu, cảng còn chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

- Năng lực cạnh tranh của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa cao. Trình độ ngoại ngữ và am hiểu pháp luật quốc tế của đội ngũ cán bộ còn hạn chế.

- Một số ít cơ quan, đơn vị cấp Tỉnh, địa phương và doanh nghiệp chưa chủ động hội nhập và hội nhập chưa sâu, nên chất lượng hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt tại nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản và khu du lịch còn chậm khắc phục.

- Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 13,1% trên các lĩnh vực hoạt động. Khoảng cách giầu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao...

Để tạo điều kiện cho tỉnh Kiên Giang thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW, thực hiện được các cam kết trong thời kỳ hội nhập, tỉnh Kiên Giang xin có một số kiến nghị sau:

- ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế thường xuyên thông tin cho địa phương về Lộ trình thực hiện cam kết, những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các cam kết với WTO đối với địa phương, những vấn đề khó khăn, vướng mắc nẩy sinh mới, để địa phương có điều kiện chủ động trong chỉ đạo thực hiện.

- Hỗ trợ Tỉnh xây dựng các giải pháp đẩy mạnh tiến trình thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể hóa các Lộ trình cam kết của Việt Nam đối với WTO.

- Hỗ trợ về kinh phí đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước trên cơ sở rà soát lại đội ngũ cán bộ hiện có, xây dựng các tiêu chuẩn chức danh để có kế hoạch nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu quản lý trong thời gian tới, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về Lộ trình cam kết WTO.

- Hỗ trợ địa phương trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, đào tạo bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về WTO cho các cơ sở, doanh nghiệp nhằm hiểu sâu hơn trong quá trình thực hiện các cam kết của WTO thời gian qua, những  kết quả đạt được và những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm về hội nhập kinh tế quốc tế với hiệu quả cao  cho hoạt động của Tỉnh trong những năm tới.